Bài 1: “Những gì đang diễn ra trong ngôi nhà chung của chúng ta”

  • Saturday, 10:10 Date 16/09/2017
  • "Những gì đang diễn ra trong ngôi nhà chung của chúng ta" là tiêu đề chương I, Thông điệp Laudato Si’ - Chúc tụng Chúa - của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. (Các số trong bài viết ứng với số trong Thông điệp Laudato Si').

    Trong chương này dựa trên kết quả của các nghiên cứu khoa học, Đức Giáo Hoàng trình bày các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng môi-sinh hiện nay, bao gồm khủng hoảng môi trường tự nhiên và môi trường sống của con người (số 15).

    Những vấn đề của môi-sinh hiện nay

    1. Trước tiên là vấn đề ô nhiễm: Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt hàng ngày của con người đặc biệt là các phương tiện giao thông,… thải ra các loại khí thải, chất thải, rác thải làm cho không khí, nguồn nước, môi trường bị ô nhiễm, tác hại đến sức khỏe, đã có hàng triệu người chết sớm (số 20). Quy trình sản xuất công nghiệp không tạo ra khả năng hấp thụ, tái sử dụng chất thải và các sản phẩm phụ, thêm vào đó là thói quen vất bỏ những thứ con người đã sử dụng làm cho trái đất nhanh chóng trở thành bãi rác khổng lồ (số 21, 22).

    2. Một vấn đề khác là biến đổi khí hậu, trái đất đang nóng dần lên. Điều này, do nhiều nguyên nhân, nhưng kết quả của nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng do sự tập trung lớn của các loại khí nhà kính (như khí Cácbon điôxit, mêtan, các loại khí ôxít nitơ và nhiều loại khí khác) được thải ra do hoạt động của con người. Hiện tượng này được dự báo gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với con người, và các hệ sinh thái. Ví dụ, nhiệt độ trái đất tăng làm mực nước biển dâng cao sẽ nhấn chìm 1/4 dân số thế giới đang sống ở các bờ biển hoặc gần đó, và những thành phố lớn tọa lạc ở đó nữa (số 20).

    3. Nước sạch trở nên khan hiếm vì nguồn nước bị ô nhiễm, và nguồn nước cũng đang dần cạn kiệt, gây nên quá nhiều cái chết và sự lan rộng các bệnh như tả, lỵ… liên quan đến sự thiếu vệ sinh và nguồn nước. Chất lượng nước và nguồn nước còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp như năng suất giảm, chi phí sản xuất cao vì vậy mà người nghèo chịu thiệt hại nhiều nhất, trong khi đó các quốc gia đang sở hữu nguồn nước dồi dào biến nó thành hàng hóa (số 28-30).

    4. Các cá thể sinh vật thuộc cùng một loài, hoặc khác loài, thậm chí đến khác giới như giữa loài động vật này với một loài thực vật khác luôn có mối quan hệ qua lại. Giữa các loài sinh vật với môi trường sống của nó cũng vậy. Chính những mối quan hệ qua lại này tạo nên sự "cân bằng sinh thái", nói cách dễ hiểu là "trật tự tự nhiên". Dẫu thế giới sinh vật có đến hàng triệu loài, mỗi loài có vô số cá thể - gọi là "sự đa dạng sinh học", nhưng sự cân bằng sinh thái là khá ổn định, nên những biến đổi sinh-môi sẽ diễn ra chậm chạp, có quy luật, trong một thời gian dài.

    Nhưng do nhu cầu kinh tế như khai thác rừng, săn bắt thú, hải sản… chẳng hạn; nhu cầu phát triển… như xây dựng các hồ thủy điện, các khu đô thị mới, làm cho một số loài sinh vật thậm chí cả khu sinh thái đối diện với sự hủy diệt. Cứ như thế, sự đa dạng của sinh học giảm dần, thế cân bằng sinh học bị phá vỡ gây nên những thảm họa như lũ lụt, hạn hán,…

    Một số quốc gia, tổ chức xã hội đã có những "dự án" xem ra nhằm duy trì sự đa dạng sinh học nhưng thực chất vì lợi ích kinh tế hơn (số 32-37).

    5. Con người cũng là tạo vật của thế giới này, vì vậy sự "xuống cấp" môi trường hẳn nhiên tác động đến đời sống con người. Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua thông điệp Laudato Si' còn nói đến "sự suy thoái chất lượng cuộc sống con người và sự sụp đổ của xã hội" loài người mà việc đổi mới kỹ thuật lao động, bất bình đẳng trong việc phân phối và sử dụng năng lượng, gia tăng bạo lực, việc buôn bán ma túy, … là những dấu chỉ giữa những dấu chỉ khác cho thấy việc phát triển trong hai thế kỷ sau cùng, dưới mọi phương diện, không mang ý nghĩa tiến bộ toàn diện và cải thiện phẩm chất cuộc sống.

    Đặc biệt khi thế giới truyền thông và thế giới kỹ thuật số hiện diện khắp nơi, thì ảnh hưởng của chúng có thể làm cho con người không còn học cách sống khôn ngoan, cách nghĩ sâu sắc và cách yêu đại lượng nữa. Chẳng hạn, những mối quan hệ thực sự với người khác, có khuynh hướng bị thay thế bằng một kiểu giao tiếp mạng lưới, do đó tạo nên một kiểu tình cảm giả tạo do được thực hiện với các thiết bị và các màn hình hơn là với người khác và với thiên nhiên (số 43-47).  

    6. Ngay ở chương này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định, Sự suy thoái môi trường và xã hội tác động cách đặc biệt đến những người yếu đuối nhất của hành tinh “những người nghèo phải chịu nhiều hơn những hậu quả nặng nề của mọi thứ tấn công vào môi trường”; Người nghèo “chết yểu” trong các mâu thuẫn xảy ra vì thiếu các nguồn lực,… (số 48), thế nhưng trong các cuộc thảo luận chính trị và kinh tế toàn cầu, các vấn đề của họ chỉ được xem như thứ yếu và thay vì giải quyết vấn đề của người nghèo và suy nghĩ về cách thế mà thế giới có thể trở nên khác đi, một số người chỉ đề nghị việc hạn chế sinh sản, đổ thừa cho việc gia tăng dân số thay vì là chủ nghĩa tiêu thụ quá đáng, là một cách tránh né vấn đề (số 49-50). Sự bất bình đẳng toàn cầu đang diễn ra trong ngôi nhà chung của chúng ta.

    Về vấn đề này, khi xét đến các giá trị đạo đức trong các mối quan hệ quốc tế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô  đề cập đến "món nợ môi sinh" của các nước phát triển đối với các nước nghèo, bởi sự giàu có của họ có được do việc khai thác tài nguyên thiên nhiên trong khi hậu quả của nó, các nước nghèo phải gánh chịu (số 51).  

    Hướng nhìn mới

    Đối diện với những khủng hoảng môi-sinh nói trên, một đàng, có những người cho rằng, vấn để sinh thái có thể tự giải quyết một cách đơn giản bằng cách áp dụng công nghệ mới, không màng đến đạo đức và những thay đổi căn bản; đàng khác, có những người cho rằng, với bất cứ sự can thiệp nào, con người cũng là một sự đe dọa và gây thêm tổn hại hệ sinh thái toàn cầu, vì thế cần phải giảm thiểu sự hiện diện của con người trên hành tinh này và ngăn cấm mọi thứ can thiệp.

    Trong thực tế, sự thất bại của các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về môi trường làm cho Đức Giáo Hoàng ngạc nhiên và nhận đinh, "… những đáp trả của con người quá yếu kém" trước những thảm trạng của biết bao con người và dân tộc (số 58).

    Theo ngài, những khủng hoảng môi-sinh hiện nay không phải chỉ có một cách giải quyết duy nhất. Tại sao chúng ta không cùng nhau đối thoại nhằm tìm ra những giải pháp có hiệu quả hơn? (số 60). 

    Niềm tin và hy vọng

    Chưa bao giờ chúng ta lại đối xử tàn tệ và làm thương tổn ngôi nhà chung của chúng ta nhiều như trong hai thế kỷ vừa qua (số 53), nhưng chỉ cần có một cái nhìn thật thẳng thắn vào thực tại chúng ta sẽ nhận ra rằng: luôn vẫn còn có lối thoát, luôn vẫn có khả năng đổi hướng đi, vẫn có khả năng làm một điều gì đó để giải quyết vấn đề (số 61).

    Cầu xin Chúa cho lời mời gọi của Đức Thánh Cha, mọi người trở nên "khí cụ của Thiên Chúa Cha, để hành tinh của chúng ta được trở nên như lòng Người mong ước khi Người sáng tạo nên nó, và để nó đáp trả lại kế hoạch của Ngài bằng bình an, vẻ đẹp và sự toàn vẹn" (số 53) lay động con tim mỗi người đang sống trên trái đất này, hôm nay.

    Nguồn tham khảo:

    - "Tóm lược Thông điệp Laudato Si' của Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý Hòa Bình", G.Trần Đức Anh OP.

    - Bản dịch Thông điệp Laudato Si', Linh mục Gioakim Lê Thanh Hoàng, TGP Huế.

    Tôma Hoàng Kim Khánh

    (Còn tiếp)

    Most viewed news

    Related posts