Bài 2: Đôi điều cảm nhận từ chương II “Tin Mừng về sự sáng tạo” của Thông điệp Laudato Si’

  • Wednesday, 10:10 Date 20/09/2017
  • "Tin Mừng về sự sáng tạo" là tiêu đề chương II, Thông điệp Laudato Si’ - Chúc tụng Chúa, của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

    Chương I (từ số 17-61) trình bày những điều đang xảy ra trong “Ngôi nhà chung của chúng ta” như: ô nhiễm môi trường, biến đổi khi hậu, nước uống, sự giảm dần về tính đa dạng của sinh giới,… (xem Hạt Cải số tháng 12/2015). Tiếp chương II (từ số 62-100), Đức Giáo Hoàng đối chiếu những khủng hoảng môi sinh đã nêu ở chương I với Kinh Thánh và truyền thống Do thái - Kitô (*).

    Bài này chia sẻ những cảm nhận của người viết sau khi học tập chương II của Thông điệp Laudato Si’, không phải trình bày tóm lược chương II.  

    Thiên Chúa là Đấng tạo thành muôn loài (St 1,1).

    Quả đất được hình thành cách đây 4,7 tỷ năm, sự sống xuất hiện trên hành tinh này cách đây, hơn 3,5 tỷ năm, lần lượt qua các khoảng thời gian dài hàng trăm triệu năm, gọi là đại địa chất, từ những chất vô cơ đến chất hữu cơ, rồi từ những sinh vật đơn giản ban đầu tiến hóa thành sinh giới trong tương quan với môi trường có diện mạo như ngày hôm nay.

    Nghiên cứu lịch sử phát triển của thế giới sinh vật (sinh giới, gồm cả loài người), các nhà khoa học rút ra những nhận xét sau đây:

    - Lịch sử phát triển của sinh giới gắn liền với lịch sử phát triển của quả đất. Sự thay đổi các điều kiện địa chất, khí hậu của quả đất đã thúc đẩy (là nguyên nhân) sự phát triển của sinh giới.

    - Nhưng sự phát triển của sinh giới diễn ra nhanh hơn sự thay đổi chậm chạp của điều kiện khí hậu, địa chất vì giữa các loài sinh vật có mối tương quan với nhau.

    - Sinh giới đã phát triển (tiến hóa) theo hướng ngày càng đa dạng (hiện có khoảng 1,5 triệu loài động vật, 500.000 loài thực vật), tổ chức cơ thể ngày càng cao (từ chưa có cấu tạo tế bào đến cơ thể đơn bào rồi đa bào có sự phân hóa về cấu tạo, chuyên hóa về chức năng), thích nghi với môi trường sống ngày càng hợp lý (đã có 7,5 triệu loài động vật và 250.000 loài thực vật bị tiêu diệt vì không thích nghi và có những loài mới xuất hiện).

    Càng gần đây thì sự tiến hóa diễn ra với tốc độ càng nhanh do sinh vật đã đạt được những trình độ thích nghi hoàn thiện hơn, bớt lệ thuộc vào môi trường.

    Qua các kết quả nghiên cứu về Địa cầu học, Khảo cổ học, diện mạo trái đất và các loài sinh sống trên đó đã thay đổi, hôm nay rất khác xa với lúc được tạo thành ban đầu.

    Kết quả này đã làm cho nhiều người, trong đó có cả những người Kitô hữu băn khoăn, liệu có phải Thiên Chúa là Đấng tạo thành muôn loài, muôn vật không?

    Nếu ai trong quý độc giả đang thừa hưởng, quản lý căn nhà của ông bà cố để lại, chắc chắn căn nhà ấy hôm nay khác với căn nhà của ông bà cố đã từng tạo dựng, sinh sống cách đây 100 năm, chẳng hạn? Cũng như thế, quả đất cùng với các loài sinh vật sống trên nó - "Ngôi nhà chung của chúng ta" hôm nay dĩ nhiên, khác với ban đầu do Thiên Chúa tạo nên, nhưng như ông bà cố, chính Thiên Chúa là chủ nhân.

    Sự phát triển của sinh giới trên trái đất là "tốt đẹp" theo ý định của Thiên Chúa.

    Chúng ta biết, sau khi tạo dựng vũ trụ và muôn loài, Thiên Chúa tạo dựng con người và giao cho con người quản lý công trình Ngài đã tạo dựng, công trình mà như Ngài đã nói "… là rất tốt đẹp" (St 1,31).

    Điều kiện địa chất, khí hậu,… là những yếu tố môi trường sống của sinh giới, do Thiên Chúa tạo nên luôn thay đổi, điều đó làm cho muôn loài sinh vật sống trong môi trường ấy phải thay đổi, theo hướng ngày càng đa dạng, tổ chức cơ thể ngày càng cao, thích nghi ngày càng hợp lý (tức tiến hóa), vì nếu không, sinh giới do Ngài tạo dựng sẽ bị tiêu diệt, và còn đâu công trình tạo dựng của Ngài?

    Thế nên, sinh giới luôn tiến hóa để mỗi ngày mỗi trở nên tốt đẹp hơn. Đây là ý định của Thiên Chúa khi tạo dựng trời đất và muôn loài.

    "Trật tự tự nhiên" trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

    Chúng ta xem xét “trật tự tự nhiên” trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa biểu hiện qua hai lĩnh vực khoa học sau đây:  

    1. Về Sinh thái học

    - Sự sinh trưởng và phát triển của mỗi cá thể sinh vật trong một môi trường nhất định chịu chi phối bởi những yếu tố môi trường như ánh sáng, nhiệt độ,… nhưng ngược lại, mỗi cá thể sinh vật có khả năng làm giảm nhẹ tác động của các yếu tố ấy bằng những biến đổi hình thái, sinh lý, sinh hóa,... trên, trong cơ thể, gọi là khả năng thích nghi.

    - Nhóm cá thể cùng loài, phân bố trong một không gian, thời gian xác định gọi là quần thể sinh vật. Giữa những cá thể trong một quần thể luôn có mối quan hệ qua lại, có thể là cạnh tranh như những cây lúa cạnh tranh bằng sự phát triển bộ rễ của mình để hấp thụ thức ăn có trong đất, hoặc hổ trợ nhau như một bầy thú khi tìm bắt con mồi. Chính những mối quan hệ giữa các cá thể trong một quần thể, giữa quần thể với môi trường đảm bảo tính ổn định của quần thể đó.

    - Một tập hợp nhiều quần thể sinh vật khác loài gọi là quần xã. Mối quan hệ giữa các quần thể trong quần xã rất đa dạng, phức tạp, nó có thể có tính hổ trợ như loài cây phong lan lấy thân của cây gỗ khác để bám, nó có thể có tính đối kháng như giữa vật chủ - vật ký sinh,… Nhưng những mối quan hệ giữa các loài sinh vật trong quần xã có vai trò kiểm soát và khống chế số lượng của các loài (còn gọi là khống chế sinh học) nhằm tạo nên sự cân bằng sinh học trong tự nhiên.

    2. Về Di truyền học

    - Những tác nhân vật lý (nhiệt, tia phóng xạ,…), hóa học (các hóa chất) trong môi trường có thể tác động lên vật liệu di truyền (gen, nhiễm sắc thể) của cơ thể sinh vật gây ra những đột biến gen, đột biến nhiễm sắc thể làm thay đổi những đặc điểm của cơ thể (kiểu hình).

    - Nhưng, đa số các đột biến là đột biến gen, ở trạng thái dị hợp lặn, chưa biểu hiện kiểu hình, xuất hiện với tần suất nhỏ.

    - Và phải qua quá trình giao phối, với xác suất rất thấp các gen đột biến mới trở thành đồng hợp, biểu hiện kiểu hình ở cơ thể đột biến. Đây chính là nguồn "nguyên liệu" cho quá trình tiến hóa, nói cách khác sự tiến hóa của các loài sinh vật khởi từ những đột biến gen.

    Như thế, sinh giới một mặt, do những đột biến nên có khả năng tạo ra những biến đổi sau một thời gian khá dài, qua nhiều thế hệ; mặt khác nhờ những mối quan hệ qua lại giữa các loài sinh vật, và giữa sinh vật với môi trường mà sinh giới tương đối ổn định. Đây chính là "trật tự tự nhiên" trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa, một trật tự vừa đảm bảo cho "công trình" ổn định vừa đáp ứng được yêu cầu đổi mới sao cho "công trình" mỗi ngày một "tốt đẹp" theo ý định của Thiên Chúa.

    Điều gì sẽ xảy ra khi “trật tự tự nhiên” bị phá vỡ.

    Khi tạo dựng nên vũ trụ và muôn loài, Thiên Chúa đã phú bẩm cho tất cả các thụ tạo cái khả năng biến đổi để tiến hóa nhưng đồng thời Ngài cũng sắp đặt sao cho nội bộ tất cả các thụ tạo cái khả năng tự ổn định để duy trì công trình tạo dựng của mình.

    Người Kitô hữu tin rằng đó là ý định của Thiên Chúa, người đời gọi là "trật tự tự nhiên", các nhà sinh thái học gọi là "cân bằng sinh thái".

    Trong ý định của Thiên Chúa:

    - Con người là một trong những loài thụ tạo nhưng cao trọng hơn các loài thụ tạo khác vì được tạo nên giống hình ảnh Ngài, được giao quyền "thống trị" muôn loài với nghĩa "canh tác và canh giữ", con người không phải là chủ nhân của mọi loài thụ tạo (số 67,68).

    - Mỗi loài thụ tạo có một giá trị, ý nghĩa riêng trong mắt Thiên Chúa, vì vậy, con người phải tôn trọng sự tốt lành riêng biệt của mỗi loại thọ tạo, tránh sự sử dụng chúng một cách vô trật tự” (số 69).

    - Công trình tạo dựng của Thiên Chúa là công trình tình yêu và ân sủng là phương thế để mọi loài thụ tạo "hòa ca chúc tụng và tôn danh Ngài" (số 84).

    Nhưng con người đã nhầm tưởng mình là chủ nhân của muôn loài, có quyền "canh tác và canh giữ" công trình tạo dựng của Thiên Chúa theo mục đích của mình, làm phá vỡ cái "trật tự tự nhiên" để rồi nhận chịu những thảm họa như là sự trừng phạt vì tội lỗi của chính mình.

    Và điều không công bằng làm cho chúng ta ray rứt là người nghèo, những người vô tội lại nhận chịu những thiệt thòi nhiều hơn những kẻ thủ ác.

    Tôma Hoàng Kim Khánh

    Ghi chú:

    (*). "Tóm lược Thông điệp Laudato Si' của Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý Hòa Bình", G.Trần Đức Anh OP.

    - Các số trong bài ứng với số của Thông điệp Laudato Si’.

    - Những thông tin khoa học viết theo sách giáo khoa hiện hành, môn Sinh học, lớp 12. 

    Most viewed news

    Related posts