Bài 3: Nguồn gốc nhân bản của cuộc khủng hoảng sinh thái

  • Tuesday, 10:10 Date 03/10/2017
  •  

    Nguồn gốc nhân bản của cuộc khủng hoảng sinh thái

    (Chương III, Thông điệp Laudato Si’)

      

    Trong chương III của Thông điệp Laudato Si, Đức Giáo hoàng Phanxicô viết, “Có lẽ sẽ không hữu ích nếu chỉ mô tả các triệu chứng mà không nhận biết nguồn gốc nhân bản của cuộc khủng hoảng sinh thái” và Ngài đề nghị “Ở giai đoạn này, chúng ta nên tập trung vào các mô hình “kỹ trị” (*) đang chiếm ưu thế, và ảnh hưởng của mô hình này trên con người và trên hoạt động của con người trên thế giới” (101). Bài này tóm lược nguồn gốc nhân bản của cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay. 

    Công nghệ: Sự sáng tạo và sức mạnh (102-105)

       

    Trước tiên, Đức Giáo hoàng chỉ ra, những phát minh và ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) là những sản phẩm kỳ diệu của sự sáng tạo mà Thiên Chúa ban tặng cho con người, một mặt giúp cải thiện chất lượng cuộc sống con người, mặt khác mang lại cho con người sức mạnh lớn lao chưa từng có trên chính mình.

       

    Vì thế, có khuynh hướng cho rằng gia tăng sức mạnh là gia tăng tiến bộ. Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận xét: Sự phát triển về KH-CN đã không đi cùng với sự phát triển về tinh thần trách nhiệm, các giá trị và lương tâm con người nên chúng ta đang phải từng ngày đối diện với những nguy cơ ngày càng tăng, thay vì là sự tiến bộ.

    Toàn cầu hóa mô hình kỹ trị (106-114)

       

    Tiếp theo, Ngài viết, “… con người theo đuổi KH-CN và sự phát triển của nó theo một mô hình đơn chiều và không tạo sự khác biệt”. Thật vậy, nhiều vấn đề của thế giới ngày nay xuất phát từ xu hướng muốn làm cho phương pháp và những mục tiêu của KH-CN trở thành “khuôn mẫu nhận thức” của các cá nhân và các hoạt động xã hội.

       

    Mô hình này đang dần trở nên thống trị các sinh hoạt kinh tế, chính trị, văn hóa và đời sống con người. Chẳng hạn, ở lĩnh vực kinh tế, người ta chấp nhận mọi tiến bộ của KH-CN miễn là có lợi nhuận, không quan tâm đến ảnh hưởng tiêu cực tiềm tàng của nó trên con người. Một số người cho rằng nền kinh tế, KH-CN hiện tại có khả năng giải quyết mọi vấn đề về môi trường, và đói nghèo cũng sẽ được giải quyết bằng sự tăng trưởng thị trường.

       

    Làm sao chỉ bằng KH-CN, con người giải quyết được những bất công trong xã hội, kinh tế, văn hóa, môi trường, …? Do đó, phải tạo một cái nhìn khác, một cách nghĩ, một chính sách, một chương trình giáo dục, một lối sống và một tinh thần chống lại sự tấn công của mô hình kỹ trị. Nếu không, mọi vấn đề, ngay cả những ý tưởng tốt đẹp về sinh thái, sẽ không giải quyết được trong cái lý luận toàn cầu hóa ấy.

       

    Đức Giáo hoàng khẳng định, con người có khả năng giới hạn và định hướng KH-CN để nó phục vụ cho một loại phát triển khác, lành mạnh hơn, nhân bản hơn, mang tính xã hội nhiều hơn và toàn diện hơn. Sự giải thoát khỏi mô hình kỹ trị thống trị, trong thực tế đã xảy ra, ví dụ như khi các hợp tác xã của những nhà sản xuất nhỏ chấp nhận dùng phương tiện sản xuất ít ô nhiễm hơn, chọn một lối sống phi tiêu thụ, hạnh phúc và liên kết với nhau không vì lợi nhuận; hay khi KH-CN nhằm vào việc giải quyết các vấn đề cụ thể của người dân với ý muốn giúp đỡ họ sống xứng đáng và ít đau khổ hơn. …

       

    Xem ra con người không còn tin vào một tương lai tốt hơn từ tình trạng hiện tại của thế giới và những khả năng của KH-CN.

    Khủng hoảng và những tác động của thuyết “Con người là trung tâm” (Duy nhân luận) hiện đại (115-136).

       

    Biết bao thảm họa đã xảy ra cho nhân loại do con người hiểu lầm chính họ là trung tâm của vũ trụ và hành động chống lại chính bản thân bằng việc khai thác tùy tiện các nguồn tài nguyên của trái đất.  

       

    Đức Giáo hoàng đã phải nhắc nhở: Trái đất được Thiên Chúa ban cho con người, con người phải sử dụng nó với sự tôn trọng ý định tốt đẹp nguyên thủy của Ngài. Ngay cả con người cũng là quà tặng của Thiên Chúa cho chính con người. Con người phải tôn trọng cơ cấu tự nhiên và luân lý đã được phú ban.

       

    Sự hiểu biết không đầy đủ về nhân học Kitô giáo dẫn đến sự hiểu lầm về tương quan giữa con người và thế giới với những hệ quả tai hại của nó. Thật vậy, một khi con người tuyên bố mình hoàn toàn độc lập với thực tại và hành xử với quyền thống trị tuyệt đối, thì các nền tảng chính yếu cuộc sống con người bắt đầu đổ vỡ, vì thay vì thực hiện vai trò là người cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng, con người tự đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa và rút cuộc đã kích động một cuộc nổi loạn của thiên nhiên.

       

    Mối tương quan của chúng ta với môi trường không bao giờ có thể bị cô lập khỏi mối tương quan của chúng ta với những người khác và với Thiên Chúa. Đức Giáo hoàng hối thúc chúng ta trung thành với căn tính và kho tàng sự thật phong phú được lãnh nhận từ Đức Giêsu Kitô, tiếp tục suy tư về những vấn đề sau đây trong cuộc đối thoại hữu hiệu với thực tế đang biến đổi.

       

    1. Thuyết tương đối mang tính thực dụng

           

    Sự hiện diện khắp mọi nơi của mô hình kỹ trị và việc tôn thờ sức mạnh vô hạn của con người đưa đến sự trỗi dậy một thuyết “tương đối thực dụng” xem mọi thứ đều không liên quan nếu như không phục vụ cho lợi ích riêng trước mắt của mình.

           

    Như thế, một người có thể lợi dụng người khác, đối xử với người đó như là đồ vật, cưỡng bách họ làm việc nặng nhọc hoặc biến họ thành nô lệ để trả nợ; khai thác rừng đầu nguồn để gia tăng nguồn tài chính hôm nay mà không nghĩ đến hậu quả lũ lụt nay mai. Cũng cái lối suy nghĩ này đưa đến việc khai thác tình dục trẻ em, bỏ rơi người già không còn ích lợi cho mình;… Những việc làm đó dẫn tới tình trạng xuống cấp của môi trường, tình trạng phân rã của xã hội, và cổ võ cho thứ “văn hóa tiêu dùng và loại bỏ”.

           

    Đức Giáo Hoàng cho rằng, nền văn hóa của thuyết tương đối phải được xem xét lại, những thói quen “dùng một lần”, tiêu dùng lãng phí tạo ra quá nhiều rác thải gây ô nhiễm môi trường cần phải được thay đổi,…

       

    2. Bảo vệ người lao động

           

    Theo trình thuật Kinh Thánh về tạo dựng,… Thiên Chúa đã đặt con người trong khu vườn Ngài tạo dựng (x. St 2,15), không những để gìn giữ (“canh giữ”), nhưng còn để làm cho khu vườn sinh hoa kết quả (“canh tác”). Những người lao động và thợ thủ công như vậy “giữ cho thế giới được trường tồn” (x.Hc 38, 34).

           

    Do đó, tạo công ăn việc làm cho mọi người là trách nhiệm của các nhà quản lý xã hội, các nền kinh tế; là một phần tất yếu của việc phục vụ lợi ích cộng đồng.

       

    3. Các công nghệ sinh học

           

    Nhờ công nghệ sinh học, con người đã có thể tạo ra những “sinh vật biến đổi gen” (GMO). Điều này, chấp nhận được khi nó gắn liền với sự cần thiết cho cuộc sống con người. Tuy nhiên, thật khó đưa ra một đánh giá đúng đắn về những sinh vật được biến đổi gen này.

           

    Lưu ý rằng, một khi khoa học và công nghệ tách rời khỏi đạo đức sẽ trở nên vô cùng nguy hại cho môi trường và con người.

    Tóm kết:

    Do nhầm tưởng rằng, mình là chủ nhân của vũ trụ; con người đã lợi dụng những tiến bộ của khoa học - công nghệ, che đậy bằng những thuyết như là “con người là trung tâm”, “tương đối thực dụng”, … để khai thác cách tùy tiện mọi thứ từ môi trường vì lợi ích kinh tế, tài chính, … là căn nguyên của cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay.

    Tôma Hoàng Kim Khánh

    Tài liệu tham khảo:   

    - Bản dịch Thông điệp Laudato Si’, Linh mục Gioankim Lê Thanh Hoàng, Giáo phận Huế.  

    - Hướng dẫn học hỏi Thông điệp Laudato Si’, Ủy ban Liên Phan sinh về Công Lý, Hòa Bình và sự Toàn vẹn Tạo Thành, Tháng 8/2015.

    Chú thích:   

    - Các số trong bài viết là số đoạn của Thông điệp Laudao Si’.

    - (*) Theo Bản dịch Thông điệp Laudato Si của Ủy ban Bác ái xã hội - Caritas Việt Nam thuộc HĐGM Việt Nam, 2015, tr.71, thì Kỹ trị (Technocracy) là mô hình trong đó khoa học-kỹ thuật chiếm vị trị quyền lực.

    Most viewed news

    Related posts