Bài 4a: Sinh Thái Toàn Diện

  • Wednesday, 10:10 Date 04/10/2017
  •  

    Thông điệp Laudato Si’

    Chương IV: Sinh thái Toàn diện (từ số 137-162)

    (Các số trong bài là số đoạn của Thông điệp Laudao Si’) 

       

    Đức Giáo hoàng Phanxicô hiểu rằng, mọi sự đều liên hệ chặt chẻ với nhau, và các vấn đề của hôm nay đòi hỏi người ta phải có một tầm nhìn có khả năng suy xét mọi phương diện của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Như vậy, một nền sinh thái tôn trọng chiều kích nhân bản và xã hội của chính nó gọi là nền sinh thái toàn diện (137).

       

    Trong chương này, Đức Giáo hoàng lần lượt đề cập đến các yếu tố: Sinh thái Môi trường, Sinh thái Kinh tế và Xã hội; Sinh thái Văn hóa; Sinh thái Đời sống hằng ngày;  và 2 vấn đề có liên quan là Nguyên tắc Công ích và Công bằng giữa các thế hệ.

    I. Sinh thái Môi trường, Kinh tế và Xã hội trong Thông điệp Laudato Si’ (138-142) 

       

    Ở mục này, chúng ta nhận ra: Đức Giáo hoàng Phanxicô không xét riêng từng yếu tố, có lẽ do chúng đan xen, liên hệ với nhau đến mức khó để xét riêng; và cứ sau mỗi nhận định về một vấn nạn, ngài cũng đề nghị một hướng giải quyết.

       

    1. Ngay ở số 138, Đức Giáo hoàng đã nhận định: Các sinh vật sống và môi trường trong đó chúng phát triển liên kết với nhau; thời gian và không gian không độc lập với nhau, thậm chí các nguyên tử và các phần nhỏ hơn nó cũng không thể xem là tách biệt; ... Sự liên kết giữa các sinh vật sống và môi trường tạo thành một mạng lưới mà chúng ta không bao giờ có thể biết hết và hiểu hết được.

       

    Ngài nói rằng, chúng ta chỉ có những kiến thức rời rạc, riêng lẻ, do đó có thể trở nên thiếu hiểu biết, nếu như chúng ta không liên kết chúng với nhau để có cái nhìn tổng quát về thực tại.

       

    2. Khi nói đến môi trường, thông thường người ta muốn nói đến sự liên hệ đã có giữa thiên nhiên và xã hội. Đức Giáo hoàng nhắc rằng, thiên nhiên không là một cái gì đó khác biệt với chúng ta hay chỉ đơn thuần là một khung cảnh của cuộc sống; chúng ta là một phần của nó và cùng sống với nó, cả hai có tác động qua lại với nhau. Vì thế, không phải có hai cơn khủng hoảng cận kề nhau, một của môi trường và một của xã hội, mà chỉ có một cơn khủng hoảng duy nhất mang tính xã hội - môi trường.

       

    Giải quyết những khủng hoảng môi trường, đòi buộc phải có sự phân tích xã hội, kinh tế, các lối hành xử và cách nắm bắt thực tại của nó. Không thể có cách giải quyết đặc biệt và độc lập cho mỗi phần của vấn đề mà phải tìm những cách giải quyết trọn vẹn, chú ý đến sự tương tác giữa các thành phần của hệ thống tự nhiên và cả hệ thống xã hội (số 139).

       

    Đức Giáo hoàng nhấn mạnh, một giải pháp bảo vệ thiên nhiên có tính chiến lược không chỉ nhắm đến mục tiêu bảo vệ thiên nhiên mà còn phải nhắm đến chống lại nghèo đói, khôi phục phẩm giá cho những người bị loại trừ,... nữa.

       

    3. Mối liên hệ giữa các sinh vật là đa dạng, phong phú nhưng thống nhất trong một hệ thống, chúng ta gọi bằng thuật ngữ, hệ sinh thái. Mỗi sinh vật trong tư cách thụ tạo của Thiên Chúa đều tốt lành và đáng trân trọng; đều có ý nghĩa trong tổng thể hài hòa của một không gian nhất định. Và cuộc sống con người cũng phụ thuộc vào tổng thể này.

       

    Đức Giáo hoàng đề nghị, khi xác định một hoạt động nào đó ảnh hưởng thế nào đến môi trường, chúng ta cần xem xét nhiều yếu tố chuyên môn khác nhau do đó phải nhìn nhận vai trò đặc biệt của các nhà nghiên cứu, tạo điều kiện để họ làm việc theo đúng chuyên môn của họ.  

       

    Ngài thêm rằng, một khi hiểu được mối quan hệ giữa các sinh vật với nhau, giữa sinh vật với môi trường, chúng ta sẽ nhận ra: chúng ta sống và hoạt động dựa trên nền tảng một thực tại đã được ban cho chúng ta từ trước, trước cả khả năng và hiện sinh của chúng ta. Vì thế, khi nói về “việc sử dụng bền vững” chúng ta phải luôn xem xét khả năng tái tạo của mỗi hệ sinh thái trong các lãnh vực và khía cạnh khác nhau (số 140).

       

    4. Việc bảo vệ môi trường là một phần thiết yếu của tiến trình phát triển và không thể được xem xét trong sự cô lập khỏi tiến trình phát triển. Do đó, Đức Giáo hoàng cho rằng, chúng ta đang rất cần một sự hiểu biết bao gồm nhiều lãnh vực tri thức khác nhau, có cả kinh tế, để có một tầm nhìn toàn diện và bao quát hơn.

       

    Thật vậy, ngày nay việc phân tích các vấn đề môi trường không thể tách rời khỏi việc phân tích con người, gia đình, việc làm và các bối cảnh đô thị, cũng không thể tách rời khỏi cách mà mỗi người liên hệ với chính bản thân mình, với người khác và với môi trường.

       

    Đức Giáo hoàng nhắc lại điều ngài đã viết trong Tông huấn Evangelii Gaudium - Niềm Vui của Tin Mừng, số 27 (24/11/2013), có một mối liên hệ qua lại giữa các hệ sinh thái và giữa các lãnh vực khác nhau của xã hội, một lần nữa cho thấy rằng “toàn thể thì lớn hơn từng phần” (số 141).

       

    5. Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong thông điệp Caritas in Veritate - Bác ái trong Chân lý, số 51 (29/6/2009) đã viết, “… Mọi vi phạm đến tình liên đới và tình bằng hữu dân sự đều làm tổn hại môi trường” và Đức Giáo hoàng Phanxicô thêm rằng, mọi thứ đều liên kết với nhau nên sự lành mạnh của các tổ chức của xã hội cũng có tác động đối với môi trường và phẩm chất cuộc sống con người.

       

    Vì thế, xã hội cần thiết phải có cơ chế (luật lệ), bắt đầu từ xã hội cơ bản là gia đình, đến địa phương rộng hơn, là các cộng đồng quốc gia và quốc tế. Bên trong mỗi giai tầng xã hội, và giữa các giai tầng đó với nhau, hình thành các cơ chế, những quy định về các liên hệ giữa con người. Bất cứ điều gì làm suy yếu những tổ chức (hệ thống luật lệ) này, chẳng hạn như bất công, bạo lực và sự mất tự do đều có những tác động tiêu cực đến môi trường.

       

    Đức Giáo hoàng Phanxicô chỉ trích, nhiều quốc gia có cơ chế bấp bênh tạo nên những khổ lụy cho người dân, trong khi có những người trục lợi từ hoàn cảnh đó. Ngài nêu thêm hiện tượng không tôn trọng luật pháp đang mỗi ngày trở nên phổ biến. Phải hiểu rằng, điều đang xảy ra ở bất kì một khu vực nào cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến những khu vực khác. Chẳng hạn, việc sử dụng thuốc gây nghiện ở các xã hội giàu có sẽ thúc đẩy gia tăng liên tục lượng sản phẩm xuất khẩu từ những vùng nghèo hơn, nơi đó sẽ có tham nhũng, sự sống bị phá hủy và môi trường tiếp tục bị suy thoái.

       

    Rõ ràng, một cơ chế, hay hệ thống luật lệ chung có thể thực hiện và kiểm tra được cho mọi quốc gia, khu vực cần được nhanh chóng xây dựng và ban hành (số 142).

    Tạm kết

    Tất cả những yếu tố cấu thành môi trường sinh thái toàn diện nói trên liên kết với nhau đến mức không thể tách rời tạo thành một tổng thể, mà mọi sự thay đổi của mỗi yếu tố đều ảnh hưởng tích cực (có lợi) hay tiêu cực (có hại) đến các yếu tố khác trong tổng thể ấy.

       

    Do đó, nói “chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” hiện nay không đơn thuần tìm kiếm giải pháp bảo vệ môi trường thiên nhiên mà tìm kiếm một giải pháp mang tính toàn diện. Nhưng bất kỳ giải pháp nào được đề nghị thì về lâu dài (có tính chiến lược) còn phải nhắm đến mục tiêu chống lại nghèo đói, khôi phục phẩm giá cho những người bị loại trừ và đồng thời bảo vệ thiên nhiên (số 139).

    CTV Tôma Hoàng Kim Khánh

    Tài liệu tham khảo:

    - Bản dịch Thông điệp Laudato Si’, Linh mục Gioankim Lê Thanh Hoàng, Giáo phận Huế.

    - Hướng dẫn học hỏi Thông điệp Laudato Si’, Ủy ban Liên Phan sinh về Công Lý, Hòa Bình và sự Toàn vẹn Tạo Thành, Tháng 8/2015.

     

    Most viewed news

    Related posts