Bài 4b: Thông điệp Laudato Sí - Chương IV: Sinh Thái Toàn Diện (tt)

  • Tuesday, 10:10 Date 17/10/2017
  • Thông điệp Laudato Si’

     

    Chương IV: Sinh thái Toàn diện (tt)

    (Các số trong bài là số đoạn trong Thông điệp Laudao Si’.) 

    II. Sinh thái Văn hóa (từ số 143 -146)

       

    Trong Laudato Si’, Sinh thái Văn hóa là một yếu tố cấu thành nền Sinh thái toàn diện, vì vậy nó được hiểu trong giới hạn là mối quan hệ qua lại giữa môi trường tự nhiên với văn hóa của cộng đồng sống trong một môi trường.

       

    Mục Sinh thái Văn hóa, chỉ có 4 số, từ số 143 đến 146, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nêu ra một vài hiện tượng liên quan đến Sinh thái Văn hóa và cách giải quyết các hiện tượng ấy. 

      

    1. Số 143, Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng: “Bên cạnh gia sản thiên nhiên, còn có gia sản lịch sử, nghệ thuật và văn hóa, chúng cũng đang bị đe dọa”.

       

    Từ thực tế xây dựng các thành phố mới ngài nhấn mạnh: “Vấn đề không phải là việc phá đổ hay xây dựng các thành phố mới được cho là có tôn trọng môi trường hơn […] Hơn thế, ở đó cần có một sự kết hợp lịch sử, văn hoá và kiến trúc của mỗi nơi lại với nhau, để bảo tồn được căn tính nguyên gốc của nó”, và ngài nhắc nhở “chúng ta cần phải quan tâm đến nền văn hóa địa phương nhiều hơn nữa khi nghiên cứu, giải quyết các vấn đề môi trường”.

       

    2. Số 144, Đức Giáo Hoàng đưa ra nhận xét: “Bị thúc đẩy bởi kinh tế toàn cầu, con người có xu hướng cào bằng các nền văn hóa, tạo ra thứ văn hóa đồng nhất với nhau làm mất đi sự đa dạng của văn hóa”.

       

    Thật vậy, con người đã cố gắng giải quyết mọi vấn đề bằng những điều chỉnh đồng loạt hoặc những can thiệp kỹ thuật, tuy nhiên chúng đã dẫn đến chỗ vẫn không nhận ra tính chất phức tạp của các vấn đề địa phương. Vì vậy, để giải quyết, Đức Giáo Hoàng đề nghị rằng: “cần phải tôn trọng quyền của các dân tộc và các nền văn hóa. … Cần đến sự tham gia tích cực của mọi thành viên trong cộng đồng”. 

       

    3. Từ một thực tế ở các địa phương, số 145, Đức Giáo Hoàng cho rằng: “Việc khai thác và làm suy thoái các nguồn tài nguyên môi trường không chỉ làm cạn kiệt các nguồn lực vốn mang lại cho các cộng đồng địa phương kế sinh nhai, nhưng còn xoá bỏ những cấu trúc xã hội là những điều, trong một thời gian dài, đã hình thành nên căn tính văn hoá và cảm thức của họ về ý nghĩa cuộc sống và cộng đồng”.

       

    4. Số 146, Đức Giáo Hoàng nêu ra giải pháp của vấn đề nói đến số 145: “… cần có một sự chăm sóc đặc biệt đến các cộng đoàn thổ dân và truyền thống văn hóa của họ”.

       

    Ngài nhấn mạnh, họ không đơn thuần chỉ là thiểu số giữa những cộng đồng cư dân khác, nhưng họ phải là những đối tác căn bản cần được trao đổi, đặc biệt khi đề ra những dự án to lớn ảnh hưởng đến đất đai của họ.

       

    Trong thực tế, nhiều nơi trên thế giới, họ bị buộc phải rời bỏ phần đất của họ để nhường chỗ cho các dự án nông nghiệp và khai thác khoáng sản.

    III. Sinh thái đời sống hằng ngày.

       

    Trong mục này, Đức Giáo Hoàng đề cập đến vấn đề chất lượng cuộc sống. Sự phát triển đúng đắn bao gồm những nỗ lực để mang lại một sự phát triển toàn diện trong chất lượng cuộc sống con người, và điều này kéo theo việc suy xét bối cảnh mà chúng ta sinh sống vì nó ảnh hưởng đến cách chúng ta nghĩ, cảm nhận và hành động (số 147).

       

    Đức Giáo Hoàng khen ngợi những ai đang đáp trả với lòng quảng đại và đầy sáng tạo những giới hạn về môi sinh nơi họ sinh sống (số 148), nhưng cũng ghi nhận rằng tình trạng đói nghèo cực độ có thể bị lợi dụng bởi các tố chức tội phạm, khủng bố,… tạo nên những bất ổn cho xã hội (số 149).

       

    Vì có mối tương quan giữa không gian sống và hành vi con người, nên những người thiết kế các toà nhà, khu phố, những không gian công cộng và thành phố sao cho cư dân sống trong các khu vực này thích nghi với môi trường, gặp gỡ và trợ giúp lẫn nhau (số 150). Điều quan trọng là các khu vực của một thành phố cần phải liên kết với nhau để cư dân ở đó cảm thấy mình đang cùng sống  và chia sẻ với những người khác trong cả thành phố. Vì thế, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở, cần chú ý đến các yếu tố khác nhau của địa phương khi có những can thiệp làm ảnh hưởng đến phong cảnh đô thị hay nông thôn (số 151).

       

    Việc thiếu nhà ở là một vấn đề nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới, cả ở những vùng nông thôn lẫn ở những thành phố rộng lớn. Không chỉ người nghèo, mà còn nhiều thành phần xã hội khác nữa, thật khó để người dân có thể sở hữu một ngôi nhà. Việc làm chủ một một căn hộ có liên quan rất nhiều đến phẩm giá của cá nhân và sự phát triển của các gia đình. Đây là một vấn đề chính đối với nền sinh thái nhân bản (số 152).

       

    Ngoài ra, chất lượng cuộc sống ở các thành phố có liên hệ chặt chẽ với hệ thống giao thông. Các phương tiện đi lại trong các thành phố tạo nên hiện tượng ùn tắc giao thông, làm gia tăng mức độ ô nhiễm, và tiêu thụ khối lượng lớn năng lượng không tái tạo được (số 153).

       

    Tuy nhiên, quan tâm đến đời sống đô thị không thể làm cho chúng ta quên đi số dân sinh sống tại nông thôn, nơi “thiếu tiếp cận những dịch vụ thiết yếu và một số người lao động phải sống trong những điều kiện nô lệ, không có quyền lợi cũng không có hy vọng về một cuộc sống xứng với nhân phẩm” (số 154).

       

    Mục III kết thúc với việc nhìn nhận về mối tương quan giữa đời sống con người và luật đạo đức, vốn được ghi khắc trong bản tính của chúng ta và cần thiết cho việc kiến tạo một môi trường xứng hợp với nhân phẩm hơn (số 155).

    IV. Nguyên tắc công ích.

       

    Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh công ích như một nguyên tắc trọng tâm của đạo đức xã hội, một nguyên tắc xây dựng trên sự tôn trọng con người (số 156-157). Ngài mời gọi xã hội như một toàn thể, và đặc biệt các quốc gia, hãy bảo vệ và cổ võ công ích, bằng cách bày tỏ cách đặc biệt tình liên đới và sự chọn lựa ưu tiên cho người nghèo (số 158). 

    V. Nguyên tắc công bình giữa các thế hệ.

       

    Đức Giáo Hoàng định nghĩa sự liên đới giữa các thế hệ là khái niệm công ích được mở rộng đến các thế hệ tương lai.

       

    Ngài bình luận rằng: Sự liên đới giữa các thế hệ […] là một vấn đề căn bản của đức công bình, bởi vì thế giới mà chúng ta đã, đang đón nhận cũng thuộc về những người sẽ đến sau chúng ta (số159).

       

    Tốc độ gia tăng tiêu dùng, rác thải và biến đổi môi trường đã vượt quá khả năng của hành tinh đến độ không thể còn chịu đựng được,… (số 161), đòi buộc chúng ta hôm nay phải có những giải pháp cụ thể. […] vì chúng ta giải trình thế nào trước những người sẽ phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc trong tương lai (số162). 

    Tóm lại

       

    Vi mọi sự đều liên hệ chặt chẽ với nhau, và các vấn đề của hôm nay đòi hỏi mỗi người phải có một tầm nhìn với khả năng suy xét mọi phương diện của cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu (số 137). Do đó, việc bảo vệ “Căn nhà chung của chúng ta” bao gồm các giải pháp liên quan đến sinh thái môi trường, kinh tế và xã hội, sinh thái văn hóa và sinh thái đời sống.

    Tôma Hoàng Kim Khánh

    Tài liệu tham khảo:                 

    - Bản dịch Thông điệp Laudato Si’, Linh mục Gioankim Lê Thanh Hoàng, Giáo phận Huế.

    - Hướng dẫn học hỏi Thông điệp Laudato Si’, Ủy ban Liên Phan sinh về Công Lý, Hòa Bình và sự Toàn vẹn Tạo Thành, Tháng 8/2015.

    Most viewed news

    Related posts