Thông điệp Laudato Si’ - Chương V: Đường hướng tiếp cận và hành động (163-201)

  • Wednesday, 10:10 Date 18/10/2017
  • Thông điệp Laudato Si’

    Chương V: Đường hướng tiếp cận và hành động (163-201)

    Sau khi đề cập đến các vấn đề và chỉ ra căn nguyên nhân bản của cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay, Đức Giáo hoàng Phanxicô cho rằng “phải thay đổi đường hướng và cách hành động”. Trong chương V, Ngài vạch ra “những con đường chính của việc đối thoại, có thể giúp chúng ta thoát khỏi vòng xoáy của sự tự hủy hiện đang nhấn chìm chúng ta” (163).

    I. Cuộc đối thoại về môi trường trong cộng đồng quốc tế (164-175)

    Từ giữa thế kỷ trước, chúng ta càng ngày càng ý thức rằng: Hành tinh là một quê hương và nhân loại là một dân tộc, tất cả cùng sống trong một ngôi nhà chung.

    Trong thế giới ngày nay, sự phụ thuộc lẫn nhau buộc chúng ta phải nghĩ đến “một thế giới với một kế hoạch chung”. Dẫu rằng, sự phát triển công nghệ là lớn lao nhưng lại tỏ ra bất lực trong việc tìm kiếm một giải pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn nạn của môi trường và xã hội. Vì vậy, không thể có một quốc gia riêng lẽ, mà không cần đến sự hợp tác toàn cầu khi đưa ra một chương trình nông nghiệp vững bền và đa dạng; phát triển những hình thức năng lượng tái tạo và ít ô nhiễm; khích lệ cách sử dụng năng lượng hiệu quả hơn; cổ võ cách quản lý tài nguyên sinh thái rừng và biển tốt hơn; bảo đảm nước sạch cho mọi người dùng;… chẳng hạn (164).

    Như chúng ta đã biết công nghệ dựa trên việc đốt cháy các nguyên liệu hóa thạch gây ô nhiễm cao - nhất là mỏ than, mỏ dầu và khí đốt - do đó không thể trì hoãn việc thay thế chúng. Bao lâu chưa tìm được cách phát triển nguồn năng lượng tái tạo, thì thật hợp lý nếu chúng ta chọn nguồn thay thế ít gây hại hơn hay những giải pháp chuyển tiếp. Thế nhưng, cộng đồng quốc tế vẫn chưa đạt được thỏa thuận về trách nhiệm chi trả cho sự chuyển đổi năng lượng này (165).

    Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc lại: Tuyên ngôn Stockholm (năm 1972) đã nêu rõ: về một sự hợp tác quốc tế nhằm chăm sóc hệ sinh thái của toàn thể trái đất, về trách nhiệm đóng khoản tài chánh của những người gây ô nhiễm môi trường, về nghĩa vụ phải đánh giá các ảnh hưởng đến môi trường của các dự án và các công trình,... Hội nghị Thượng Đỉnh về Trái đất, tại Rio de Janeiro, năm 1992, đã tuyên bố: Con người là trung tâm điểm của các mối quan tâm dành cho sự phát triển bền vững; và nói rằng, mặc dù các Hội Nghị Thượng Đỉnh Thế Giới về môi trường là một bước tiến thật sự, và mang tính ngôn sứ nhưng các thỏa thuận không được thực hiện trọn vẹn vì không có cơ chế thích hợp để kiểm soát, để đánh giá từng giai đoạn và xử lý trường hợp không tuân thủ; các nguyên tắc đề ra cần có những phương thế áp dụng hiệu quả hơn (166-167).

    Ngài nói tiếp, những tiến bộ về mặt bảo vệ sự đa dạng sinh học và việc sa mạc hóa, xem ra không đạt được kết quả bao nhiêu, những tiến bộ về mặt biến đổi khí hậu lại càng ít hơn nữa. Việc giảm bớt khí thải đòi hỏi tính trung thực, thẳng thắn và trách nhiệm đối với các nước gây ô nhiễm môi trường và mạnh thế hơn. Hội nghị về Phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc “Rio+20” (Rio de Janeiro 2012), đã đưa ra một văn kiện bao quát nhưng không có hiệu quả.

    Rõ ràng, những cuộc đàm phán quốc tế không đem lại bước tiến nào đáng kể vì mỗi bên đặt quyền lợi riêng quốc gia trên lợi ích chung toàn cầu (169).

    Để giảm thiểu những khí thải gây ô nhiễm môi trường, người ta tìm cách quốc tế hóa các khoản chi phí cho môi trường. Điều này có nguy cơ áp đặt lên các nước có ít tài nguyên về những cam kết nặng nề đối với việc giảm thải khí gây ô nhiễm, so với những nước công nghiệp hóa nhiều hơn. Như thế sẽ làm thiệt hại các nước cần được phát triển nhất, đó là một sự bất công mới, dưới chiêu bài bảo vệ môi trường (170).

    Việc mua bán “chứng chỉ (khoán) khí thải” (tín dụng cacbon) có thể trở thành “cái cớ” cho một hình thức “đầu cơ” mới, nó chẳng giúp gì được cho việc làm giảm khí thải gây ô nhiễm; nhưng ngược lại, nó như là một thủ đoạn để duy trì sự tiêu thụ thái quá ở một số quốc gia và khu vực (171).

    Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, những vấn đề về môi trường đã đưa đến nhiều cuộc tranh luận công khai, dẫn đến hàng loạt hồi đáp về sự nhiệt tình và quảng đại của con người; các Nhà Nước và các doanh nghiệp đã phản ứng hợp lý hơn. Vì thế, chúng ta hy vọng, nhân loại vào đầu thế kỷ 21 sẽ đón nhận trọng trách này với tấm lòng quảng đại (165).

    Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đã đề cập đến các kinh nghiệm tích cực chẳng hạn như: Công ước Basel; Công ước Quốc tế về buôn bán các loại động vật và thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng, hoặc nhờ Công ước Vienne về việc bảo vệ tầng ôzôn,… mà nhiều vấn đề về môi trường đã đi đến việc giải quyết (168).

    Những số cuối của mục I này, Đức Giáo hoàng đề nghị các nước phát triển trợ giúp các nước nghèo về tài chính và công nghệ, để họ vượt ra khỏi tình trạng nghèo đói, phát triển xã hội bằng các hình thức sản suất năng lượng ít gây ô nhiễm hơn (172).

    Ngài đề nghị cần phải thi hành các thỏa thuận quốc tế khẩn cấp vì các nhà cầm quyền địa phương không đủ năng lực để can thiệp hiệu quả và ngài nhắc rằng các mối tương quan giữa các nhà nước phải tôn trọng chủ quyền lẫn nhau, nhưng cũng phải đặt ra những phương thế hỗ tương thống nhất để ngăn ngừa những thảm họa nơi địa phương ảnh hưởng đến các quốc gia khác (173).

    Việc gia tăng rác thải đổ vào biển và việc bảo vệ các vùng biển vượt quá biên giới quốc gia, cũng là những thách đố đặc biệt. Do đó, cần đến một sự thỏa thuận về có hệ thống điều hành cho toàn bộ, nên được gọi là “công ích toàn cầu” (174).

    Ngài nói rõ, cần có cách tiếp cận tổng thể, trách nhiệm hơn để giải quyết cả hai vấn đề: giảm ô nhiễm môi trường, và phát triển các nước và các vùng nghèo hơn. Ngày nay, quyền lực Nhà Nước của các quốc gia đang suy thoái vì các thành phần kinh tế và tài chính, mang tính xuyên quốc gia, có xu hướng thắng thế cả chính trị. Vì thế, rất cần tạo ra những tổ chức quốc tế mạnh mẽ và hiệu quả hơn, với những người được bổ nhiệm cách khách quan thông qua thoả thuận giữa các chính phủ quốc gia, và được trao quyền chế tài.Trong viễn cảnh này, chính sách ngoại giao mang tầm quan trọng đặc biệt để thúc đẩy các chiến lược quốc tế.

    Tôma Hoàng Kim Khánh

    Ghi chú: Các mục tiếp theo của chương V sẽ được đăng trong các bài tiếp theo.

    Nguồn tham khảo: Thông điệp Laudato Si’

    - Bản dịch Laudato Si' của Ủy ban Bác ái Xã hội - Caritas Việt Nam.

    - Bản dịch Laudato Si' của Linh mục Gioakim Lê Thanh Hoàng, Giáo phận Huế.

    Most viewed news

    Related posts