Bài 5b: Thông điệp Laudato Si’ - Chương V: Đường hướng tiếp cận và hành động (tt) (163-201)

  • Friday, 10:10 Date 03/11/2017
  • Thông điệp Laudato Si’

    Chương V: Đường hướng tiếp cận và hành động (tt) (163-201)

    II. Đối thoại với những chính sách mới của quốc gia và địa phương (176-181).

       

    Giải quyết những vấn đề về môi trường và phát triển kinh tế, không thể chỉ quan tâm đến những khác biệt giữa các quốc gia, mà còn đến các chính sách quốc gia và địa phương nữa.

       

    Trong bối cảnh có nhiều đổi mới liên tục về kỹ thuật, trước nguy cơ con người sử dụng vô trách nhiệm khả năng của mình, các Nhà Nước phải có kế hoạch, điều phối, kiểm soát, và chế tài trong phạm vi lãnh thổ của mình để có thể bảo vệ tương lai cho xã hội.

       

    Cần tăng cường hệ thống pháp lý liên quan đến việc giảm tác động ô nhiễm môi trường do hoạt động của các doanh nghiệp. Cơ cấu và thể chế chính trị không chỉ hiện hữu để tránh các hành động xấu, mà còn để cổ võ các hành động tốt, kích thích sự sáng tạo tìm ra những biện pháp mới và khuyến khích các sáng kiến cá nhân hay tập thể.

       

    Cái nhìn thiển cận của các thế lực chính trị trong nước có thể làm trì hoãn chương trình có tầm chiến lược quốc tế về môi trường, như thế chúng ta quên rằng “thời gian quan trọng hơn không gian”; chúng ta trở nên hữu hiệu hơn khi tạo ra những tiến trình chứ không phải nắm giữ các vị thế quyền lực. Cần nghĩ đến lợi ích lâu dài.

       

    Ở một số nơi, đang phát triển các hợp tác xã để khai thác nguồn năng lượng tái tạo vốn bảo đảm việc tự túc của địa phương và thậm chí có thể bán phần thặng dư. Cần khích lệ những hình thức hợp tác, và các tổ chức cộng đồng mới này - là những nhóm bảo vệ lợi ích của những nhà sản xuất nhỏ và bảo đảm hệ thống sinh thái địa phương khỏi bị hủy diệt.

       

    Cần có sự kế thừa giữa các (người lãnh đạo) chính quyền, vì các chính sách có liên hệ đến sự biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường không thể đổi thay mỗi khi thay đổi (người lãnh đạo) chính quyền.

    III. Đối thoại và minh bạch trong việc ra quyết định (182-188).

       

    Việc đánh giá tác động môi trường của các doanh nghiệp và các dự án đòi hỏi phải minh bạch và có đối thoại vì các hình thức tham nhũng nhằm trao đổi lợi ích vốn che giấu sự tàn phá môi trường của các dự án, của hoạt động sản xuất.

       

    Việc đánh giá tác động môi trường là một phần của tiến trình hoạch định đường lối kinh doanh hay một chính sách phải được thực hiện liên ngành, minh bạch và độc lập khỏi mọi áp lực kinh tế hay chính trị, gắn liền với các nghiên cứu về tác động trên sức khỏe, tinh thần của người dân, trên nền kinh tế địa phương, an toàn công cộng, …Trong quá trình này, cư dân địa phương là nguồn cung cấp những thông tin đầy đủ, đảm báo cho việc hạn chế những rủi ro của dự án.

       

    Các quyết định cần được thực hiện dựa trên so sánh những rủi ro và lợi ích dự báo được trong những giải pháp thay thế. Điều này vô cùng quan trọng đối với những dự án sử dụng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, khí thải hay chất thải ở mức độ cao, hay làm thay đổi phong cảnh, nơi cư trú của các chủng loại sinh vật đang cần được bảo vệ. Ở đây cần chú ý, vì khoản thu ngắn hạn và tư lợi, các nhà cầm quyền thường phê chuẩn hoặc bưng bít thông tin về các dự án.

       

    Trong mọi thảo luận về một sáng kiến, phải đặt ra những câu hỏi như sau để biện phân, để xem, liệu dự án này có góp phần tạo nên sự phát triển toàn diện hay không: Lợi ích gì? Tại sao? Nơi nào? Khi nào? Cách thức nào? Cho ai? Những nguy cơ có thế xảy ra? Với giá thành như thế nào? Ai sẽ chi trả? Trả cách nào? … Trong thảo luận này có những câu hỏi ưu tiên hơn. Kết quả thảo luận có thể là quyết định không tiếp tục dự án, nhưng cũng có thể thay đổi hay triển khai các đề nghị khác.

       

    Tuyên ngôn Rio năm 1992 đã khẳng định, “nơi nào có nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng hoặc không thể cứu vãn, người ta không được lấy cớ thiếu bằng chứng khoa học chắc chắn để trì hoãn những biện pháp hiệu quả” nhằm ngăn chặn suy thoái môi trường. Nguyên tắc phòng ngừa này cho phép bảo vệ những kẻ yếu thế, không đủ khả năng bảo vệ lợi ích của họ và cung cấp chứng cớ vững vàng. Nếu thông tin khách quan dự đoán có sự nguy hại không thể cứu vãn được thì phải dừng hoặc điều chỉnh dự án. Đành rằng sự đổi mới công nghệ cho phép cải thiện phẩm chất đời sống, nhưng lợi nhuận không phải là tiêu chí duy nhất để quyết định xúc tiến dự án.

       

    Dĩ nhiên, trong một số cuộc tranh luận về đề tài môi trường, khó đi đến một đồng thuận, nhưng  Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc rằng: Giáo Hội không yêu cầu xác định những vấn đề khoa học, hay thay thế các chính sách, nhưng Giáo Hội khích lệ một cuộc thảo luận thẳng thắn và minh bạch để những nhu cầu đặc biệt hay ý thức hệ sẽ không làm tổn hại đến công ích.

    Tiểu kết:

       

    Khi giải quyết những vấn nạn về môi sinh, Đức Giáo hoàng Phanxicô đề nghị không chỉ quan tâm đến những khác biệt giữa các quốc gia mà còn quan tâm đến những chính sách của mỗi quốc gia, địa phương. Cần có những cuộc thảo luận thẳng thắn và minh bạch trong việc ra quyết định thực hiện hay không một dự án.

    Tôma Hoàng Kim Khánh

    Nguồn tham khảo: Thông điệp Laudato Si’

    - Bản dịch Laudato Si' của Ủy ban Bác ái Xã hội - Caritas Việt Nam.

    - Bản dịch Laudato Si' của Linh mục Gioakim Lê Thanh Hoàng, Giáo phận Huế.

     

    Most viewed news

    Related posts