Chăm sóc tâm hồn: giúp những người sống sót sau sóng thần ở Nhật Bản

  • Thursday, 10:10 Date 23/08/2012
  • Tại tiệm Café “Philia” do Caritas Nhật Bản quản lý tại thị trấn Kamaishi, một người sống sót sau sóng thần (bên trái) đang kể về kinh nghiệm của bà ấy. Tiệm sẽ phục vụ đồ uống và phân phát một số sản phẩm miễn phí như quần áo. Người tư vấn đã được huấn luyện và tình nguyện viên của Caritas (bên phải)  đang lắng nghe người kể, nhiều người trong số họ đã lớn tuổi.

    Khi bị tấn công bởi một đợt sóng lớn cướp đi mọi sự bạn có, nó sẽ kết thúc. Nhưng còn một đợt sóng thứ hai mạnh hơn nhiều.

    Những người sống sót sau sóng thần biết điều đó. Ở bờ biển phía Đông của Nhật Bản, những người đã sống qua thảm họa lớn nhất của đất nước trong thời gian qua thường kể về sự dữ dội của đợt sóng đó. Nó cuốn trôi tất cả nhà cửa, xe hơi, tàu bè… Mọi thứ đều nằm trong đống đổ nát.

    Sự phá hủy về tâm lý cũng tương tự như cú sốc đầu tiên, những chấn thương còn lại có thể ngày càng sâu hơn, mất định hướng và bất ổn. Có nhiều câu hỏi thường xuyên được đặt ra liên quan đến việc bây giờ làm gì, ở đâu, mức sống và ngay cả về những thân nhân đã qua đời.

    Một phụ nữ luống tuổi trong chiếc áo sơ-mi màu hồng đào kể lại: “Tôi vẫn phải tiếp tục chạy. Tôi đã kiệt sức. Có lần tôi dừng lại để nghỉ, nhưng tôi cứ nhìn thấy nước đang xô dưới chân tôi. Tôi đã gặp một cụ bà khác nói với tôi: chúng ta hãy nắm tay và chạy cùng với nhau thật nhanh. Nhưng cụ ấy quá mệt và nói với tôi: hãy thả tay tôi ra”. Bà đang trú ngụ trong một tầng hầm của giáo xứ mà Caritas Nhật Bản đã biến thành một “trung tâm chữa lành” cho những người trong vùng Kamaishi, một thị trấn cổ xưa bị sóng thần tràn vào.  

    Mặc dù chồng và con của bà đều sống sót, nhưng 2 người bạn của bà đã chết. Sáu tháng sau động đất và sóng thần vào tháng Ba năm 2011, bà vẫn còn bị chấn động mạnh và khóc than. Hiện nay bà thường xuyên tới trung tâm Caritas, cũng được gọi là Café Philia. Tại đây, những người sống sót có thể nhận được những cung cấp miễn phí như: quần áo, thức uống và nhất là có thể nói chuyện với những người đã được huấn luyện để chăm sóc những chấn thương trong tâm hồn.

    Bà kể: “Khi tôi đến đây, thiện nguyện viên Caritas lắng nghe tôi nói, và tôi cũng được hỗ trợ nhu cầu vật chất cần thiết nữa. Nhưng thái độ lắng nghe mới thực sự là điều tôi cần”.

    Đức Giám Mục Isao Kikuchi, chủ tịch Caritas Nhật Bản chia sẻ: “Trước khi có sóng thần thì vùng đất này cũng khô cằn và già cỗi. Người trẻ đang bỏ đi hết, thật khó có thể nghĩ đến một tương lai tươi sáng và rồi sóng thần đã xảy ra”. Đức Cha Isao Kikuchi là người lớn lên trong vùng bờ biển này của Nhật Bản.

    Une, một nhân viên chăm sóc mục vụ của Caritas có vẻ điềm tĩnh nói: “Người dân mất quá nhiều người thân yêu và họ cần được quan tâm chăm sóc. Họ không thể hiện ra là họ cần đâu. Trước hết tôi cảm thấy mình phải ở bên họ. Có rất nhiều người già cô độc cảm thấy bị bỏ rơi. Họ cần ai đó quan tâm đến họ”.

    Caritas Nhật Bản đang tổ chức nhiều kỳ họp về chăm sóc chấn thương cho hàng ngàn người thiện nguyện đến làm việc tại các làng ven biển với những cơ sở linh động. Tại một giờ học buổi tối, một thiện nguyện viên trẻ đã giải thích những điểm chính trong tập sách nhỏ trao cho thực tập sinh, trong đó có ghi: “Đừng so sánh nỗi đau của bạn với họ. Đừng thúc người đang bị chấn thương phải vui vẻ lên”.

    Ngày qua ngày, có nhiều người sống sót sau thảm họa đã đến tiệm Café tại Kamaishi và các thành phố khác, để ngồi uống trà với các thiện nguyện viên. Nếu họ nói thì thiện nguyện viên lắng nghe. Nếu họ không nói thì chỉ cần thinh lặng ngồi bên nhau.

    Most viewed news

    Related posts