Chỉ có thể là yêu

  • Tuesday, 10:10 Date 08/01/2013
  • Giữa guồng quay của cuộc đời, con người ta như đánh mất khả năng yêu thương và cảm thông. Tôi đã thấy những con người như thế. Con người ta chỉ bận rộn với chuyện áo cơm, chuyện lợi danh, tiền bạc…Những toan tính đó tràn ngập vào cả chuyện tình yêu. Tình yêu vốn dĩ là cái đẹp nhất và thiêng liêng nhất trong cuộc sống nay bỗng nhiên trở thành nơi cân đo, đong đếm, và toan tính. Tình yêu chân thành, chung thủy dường như chỉ còn như trong truyện cổ tích. Nhưng trong hành trình đến với những “người bạn”, tôi đã gặp một tình yêu như thế.

    Tình yêu của anh chị ấy bắt đầu cũng đơn giản như hàng ngàn mối tình khác. Anh gặp chị trong quán cơm nơi xứ người. Ba mẹ nghèo ở quê, anh ngụp lặn giữa dòng đời xuôi ngược để lớn lên, rồi  sang Campuchia làm lao động trong một xưởng mộc. Một lần ham vui với bạn bè, anh đã mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS.

    Trong đau đớn và hối hận, khi biết mình có nguy cơ, anh đã đi xét nghiệm, bác sĩ khuyên anh không nên lập gia đình, anh chấp nhận sống chung với HIV và không nghĩ đến chuyện vợ chồng nữa… Nhưng khi gặp chị, một cô gái hiền thục có khuôn mặt khả ái, cái dáng nhỏ xinh và làn da trắng hồng. Chị là đứa con thứ hai trong gia đình, cả  gia đình chị sang Campuchia để sinh sống. Và định mệnh đã dẫn chị đến với anh. Chị đã yêu anh nhưng anh không dám ngỏ lời với chị, bởi anh nghĩ rằng, chị chẳng bao giờ thuộc về anh, một con người không đủ khả năng bảo vệ  bản thân huống chi bảo vệ người mình yêu và tổ ấm của mình. Anh trăn trở… Và cuối cùng anh nói với chị sự thật. Tưởng chị sẽ sợ và rời xa anh, nhưng ngược lại, chị càng yêu anh hơn nữa. Dường như số mệnh đã cột chặt chị và anh, vượt qua bao khó khăn và sự ngăn cản của gia đình chị, họ đã cưới nhau được hai năm. Thời điểm anh chị cưới nhau, bệnh của anh đã bước vào giai đoạn tiền AIDS. Gia đình của chị bỏ rơi chị, bởi hành động của chị thật liều và “điên”. 

    Chị đưa anh về quê để sống những ngày còn lại trong bệnh viện Trung ương Huế. Ai bước vào căn phòng dành cho bệnh nhân HIV/AIDS cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy một người vợ trẻ ngồi bên cạnh chồng. Chị để đầu anh tựa vào vai chị, chị nhìn anh chăm chú với ánh mắt ngập tràn yêu thương và lắng nghe anh nói. Mặc cho căn bệnh quái ác đã tàn phá cơ thể anh, khuôn mặt anh chẳng còn thanh tú như ngày nào, thân thể anh chỉ còn là bộ xương đầy những mụn nhọt,  đôi mắt anh mờ đục và giọng nói của anh yếu đi, anh nói không tròn câu cũng chẳng  rõ tiếng, nhưng chị vẫn chăm chú lắng nghe và mỉm cười với anh. 

     

    Không biết tự bao giờ tôi đã không còn tin có tình yêu đẹp hiện hữu, tôi thấy bây giờ tình yêu gì mà kì quá, người ta đâu có yêu ai mà chỉ yêu bản thân mình thôi. Gặp anh Cường và Chị Oanh, tôi mới hiểu thế nào là tình yêu. Cứ mỗi lần thấy chị hôn anh, thì thầm vào tai anh điều gì đó, thấy chị bón thức ăn cho anh, thấy chị cõng anh, thấy mặt anh rạng rỡ… mắt tôi ngấn lệ. Tôi mến phục chị.  

     

    Tôi hỏi chị: “Không sợ bị lây bệnh à?”  

     

    Chị bảo: “Có khi chị cũng sợ nhưng vì yêu anh nên chị không thể xa anh được. Bỏ mặc một người bạn, để họ cô đơn trong hoàn cảnh khốn cùng nhất là một điều tàn nhẫn thì làm sao chị có thể bỏ rơi người chị yêu thương nhất trên cuộc đời này giữa lúc anh cần chị nhất. Anh ở xa cha mẹ, không người thân bên cạnh bây giờ đến cả chị cũng bỏ anh, anh sẽ xoay sở ra sao? Chị muốn được gần anh cho đến giây phút cuối cùng”.  

     

    Tôi tự hỏi mình, nếu tôi yêu một ai đó, tôi có đủ can đảm và hy sinh như chị không? 

    Tôi hỏi anh Cường có thương chị Oanh không? Mặc dù anh nói rất khó khăn, nhưng gương mặt anh không giấu được sự rạng rỡ, anh đưa ngón tay cái lên nhìn chị và nói : “Vợ…a anh l…à số..ô 1!”. Những khoảnh khắc đẹp của tình yêu mà tôi đã được nhìn thấy đó cứ neo giữ trong lòng tôi.  

     

    Những lần sau tôi đến thăm anh chị, được biết chị đã đưa anh về nhà ở Phú Thứ. Những ngày cuối đời, anh vật vã trong đau đớn. Đêm nào chị cũng thức trắng đêm để chăm cho anh. Chị ốm đi nhiều, gương mặt xanh xao và đôi mắt hốc hác. Rồi anh cũng được rửa tội và ra đi trong an bình. 

     

    Ngày anh đi, chị đứng bất động. Chị không khóc được nữa, người con gái ấy khoác lên mình màu áo tang trắng và đội chiếc nón rách tiễn anh ra mộ…

     

    Chôn cất anh Cường  xong, chị ở lại suốt 50 ngày mỗi ngày hai bữa cúng cơm cho chồng. Chị mới trở về lại với gia đình ở Campuchia.

    Anh Cường tốt lắm Sơ ạ ! Con vẫn thương nhớ anh…

    Phạm Thị Mỹ Na

    Most viewed news

    Related posts