Chuyện Nhà Bé Loan

  • Thursday, 08:35 Date 07/12/2017
  • CHUYỆN NHÀ BÉ LOAN

    Trải qua chuyến hành trình khá dài khởi hành từ Tp. Hồ Chí Minh, chúng tôi đã đến được ấp Xa Trạch, xã Phước An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Được sự giới thiệu và hướng dẫn của các chị thuộc Caritas Phú Cường, chúng tôi đến thăm nhà em Bùi Thị Kim Loan, 11 tuổi, đang học tại trường Phổ thông cơ sở Phước An A.

    Vừa xuống xe, chúng tôi nhìn thấy em bé nhỏ nhắn, xinh xắn, hiền lành đang đứng đợi sẵn. Thấy chúng tôi, em nhoẻn miệng cười rất xinh để chào đón chúng tôi vào nhà. Đi qua một thân cây to, chúng tôi liếc nhìn thấy một con bò mẹ đang được cột vào đó. Hỏi ra mới biết, đây là con bò cái do chương trình "Khát vọng sống" tặng cho gia đình để làm kế sinh nhai. Con bò này đã sinh được một chú bê con, đang được cột sau hiên nhà. Mỗi buổi chiều sau khi học về, Loan lại dắt bò mẹ ra cánh rừng cao su gần nhà, ngồi canh cho bò ăn cỏ, rồi lại dắt về nhà.

    Căn nhà của mẹ con bé Loan là một ngôi nhà tình thương, được địa phương nơi đây xây lên và trao tặng làm chỗ che mưa che nắng. Khi hỏi thăm hoàn cảnh, chúng tôi mới biết: Sau khi bé Loan chào đời được một năm, cha của em đã bỏ nhà ra đi, để lại người vợ nghèo khổ, đáng thương với một đàn con nheo nhóc. Bé Loan là con út trong nhà, trước em là ba người anh trai và một chị gái.

    Thật là một niềm hạnh phúc và hãnh diện cho gia đình trong ngày anh trai cả tốt nghiệp Đại học. Cả gia đình đang sống trong niềm vui, thì một tin như sét đánh ập vào nhà khi biết anh bệnh khối u não nặng và không lâu sau đó anh đã ra đi mãi mãi, bỏ lại người mẹ và các em nhỏ với niềm thương tiếc đớn đau. Bao nhiêu hoài bão, hy vọng về một tương lai tươi sáng của cả nhà phút chốc tan biến như mây khói. Đau khổ, gánh nặng cuộc sống giờ đây lại càng chồng chất trên đôi vai mỏng manh, gầy gò, mềm yếu của người mẹ khổ đau, bệnh tật.

    Người con trai thứ hai của bà hiện đã lập gia đình và đi làm ăn xa. Còn cô em gái, hiện đang theo học nghề và giúp việc cho một tiệm uốn tóc tại Sài Gòn. Mỗi tháng cô gái về  thăm mẹ, thăm em một lần. Mỗi lần cô về, ngay cả khi mẹ hỏi đến nơi ăn chốn ở, cô cũng trả lời qua loa với mẹ. Vì mù lòa, bệnh tật, đi lại khó khăn, nên bà chẳng thể làm gì hơn, nghe con bảo sao thì biết vậy. Nghe đến đây, chúng tôi thực sự cảm thấy lo lắng cho cô, vì không biết cô gái có thực sự bình an và công việc nơi Sài gòn có được đảm bảo an toàn không.

    Liền sau người con gái này là một cậu con trai, hiện đang học lớp 8. Khi chúng tôi đến, em cũng không có ở nhà vì mấy tối qua, em đi phụ việc cho một tiệm bánh mì. Em làm việc cả đêm, đến sáng hôm sau mới về đến nhà. Chúng tôi may mắn gặp em khi có việc phải quay trở lại nhà em vào sáng hôm sau.

    Tuy mới ngoài 50 tuổi, nhưng vì cuộc sống mưu sinh vất vả, đường hôn nhân trắc trở, lại thêm phần bệnh tật hành hạ với đôi mắt gần như mù lòa nên trông mẹ của Loan như một phụ nữ tầm ngoài 60. Bà gần như không còn khả năng để lao động nữa. Một con mắt của bà đã bị hư từ lúc bà mới lên 13. Con mắt còn lại cũng đã hỏng do bị tranh đâm vào, khi bà lợp lại nhà. Mặc dù sức yếu, bà vẫn tranh thủ đi trút mủ cao su thừa trong rừng cao su để đem bán, có chút tiền lo cho con ăn học. Cũng vì không nhìn thấy đường, nên trong một lần đi trút mũ cao su, bà đã bị rắn cắn vào tay. Có đôi khi, bà chẳng thu được một chút mủ cao su nào, có người thấy thương nên âm thầm trút mủ cao su của họ vào xô cho bà. Thỉnh thoảng bà lại thò tay vào thùng, cảm thấy có vẻ đã kha khá rồi, thì yên tâm ra về.

    Phía sau nhà bà là một mảnh đất nhỏ, rộng chừng gần một xào, trên đó có trồng khoảng vài chục cây cao su. Đó là nguồn thu nhập chính của gia đình. Tính trung bình, mỗi tháng bà có thể thu được khoảng 200.000 đồng từ mủ của những cây cao su này. Nhưng chừng đó thì thấm gì so với sức ăn, sức học của hai đứa bé đang tuổi lớn, lại càng không đủ để lo cho những chi tiêu hàng ngày của cả gia đình. Cả bao nhiêu ngày nay, cả nhà chỉ ăn mì tôm trợ cấp từ nhà thờ với đậu rồng thu được từ hàng rào cạnh nhà. Còn cơm thì lâu lâu mới có, vì gạo được trợ cấp đã hết từ lâu, mà có khi bà còn phải bán gạo trợ cấp để có tiền lo cho con ăn học.

    Nhìn cảnh sống thiếu thốn của mẹ con bé Loan mà chúng tôi thấy nghẹn ngào trong lòng. Cũng mang thân phận con người như bao nhiêu người khác, nhưng sao có người, từ khi cất tiếng khóc chào đời, đã được sống trong nhung lụa, được bao bọc kỹ càng trong vòng tay yêu thương, được thưởng thức tất cả những của ngon vật lạ trên đời. Trái lại, có những người, ngay đến cái ăn, cái mặc hàng ngày và cả những nhu cầu tối thiểu nhất cho cuộc sống cho một con người cũng không có, huống chi là những mơ ước nhỏ nhoi, đơn giản, tầm thường.

    Vẫn cần lắm, cần lắm những tấm lòng biết quan tâm, chia sẻ cho những người nghèo khổ, thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, nhất là trong xã hội hôm nay. Chỉ cần một chút tiết kiệm trong chi tiêu là ta có thể giúp thêm một người có một bữa ăn đúng nghĩa. Chỉ cần chút hy sinh trong việc mua sắm, giải trí là ta đã có thể chia sẻ cho họ những món quà nho nhỏ nhưng hết sức cần thiết cho cuộc sống của họ. Hãy cho đi và bạn sẽ nhận lại, không phải là những món quà vật chất tạm thời, chóng qua, nhưng là chính niềm vui, niềm hạnh phúc vĩnh cửu trong tâm hồn, vì khi ta làm điều gì đó cho những người nghèo hèn, nhỏ bé, chính là ta đang làm cho Chúa Giêsu như chính Ngài đã dạy:“Bất cứ điều gì các con làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các con đã làm cho chính Ta vậy„ (Mt 25,40).

    Ban Khuyến Học Caritas Việt Nam 

    Most viewed news

    Related posts