Cô lập vì bão Irma, quần đảo của Anh vô định trước tương lai

  • Saturday, 10:10 Date 09/09/2017
  • Quần đảo Virgin thuộc Anh gần như bị cô lập hoàn toàn sau khi cơn bão Irma đổ bộ và người dân không biết họ phải làm gì tiếp theo.

    Những dãy núi tại quần đảo Virgin thuộc Anh trên biển Caribe nay trở nên vắng vẻ lạ thường. Tại Road Town, thủ phủ quần đảo, các sườn đồi nhà cửa san sát giờ đây nằm la liệt những chiếc ôtô hỏng, một số lật úp, mái nhà bị gió cuốn phăng. Rất nhiều ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn trơ khung. Hàng loạt doanh nghiệp sụp đổ. Tất cả chỉ vì cơn bão "quái vật" Irma vừa càn quét qua nơi này hôm 6/9, theo Washington Post.

     

    Irma là cơn bão mạnh nhất từng xuất hiện ở Đại Tây Dương. Cơn bão gần đây nhất có sức gió mạnh tương tự Irma trên vùng biển này là Wilma, diễn ra vào năm 2005. Sức gió của Irma chỉ xếp sau bão Allen năm 1980, với thời điểm mạnh nhất lên đến 305 km/h.

     

    Cơn bão làm cả quần đảo mất điện, gây hư hại vô số cơ sở hạ tầng liên lạc, khiến 35.000 cư dân gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Họ không biết bao giờ chính phủ Anh sẽ gửi cứu trợ và liệu chúng có đến kịp trước khi cơn bão tiếp theo kéo tới hay không.

     

    Các cuộc gọi tới quần đảo Virgin sáng 8/9 đa phần gặp sự cố hoặc tín hiệu bận. Thỉnh thoảng, nếu được kết nối, người ở đầu dây bên kia cũng nghe khó khăn.

     

    "Như thể vừa có một cuộc tàn sát ở đây", Freeman Rogers, người dân Road Town, biên tập viên thuộc báo BVI Beacon địa phương, cho hay.

     

    "Mối lo lắng hiện tại là cơn bão Jose sắp tới, liệu nó có đổ bộ vào đảo của chúng tôi hay không và mạnh đến đâu", Rogers nói với Washington Post qua điện thoại và thêm rằng dân chúng Road Town đang phải đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng nước uống, thực phẩm, quần áo, thuốc thang, hỗ trợ y tế... "Người dân không có mái nhà để trú ngụ. Thật sự tệ hại nếu chúng tôi phải hứng chịu một cơn bão lớn khác".

    "Hệ thống liên lạc hư hỏng gần hết và rất nhiều ngôi nhà rơi vào tình trạng không thể tiếp cận bởi các con đường đều bị tắc nghẽn vì những phương tiện giao thông, bốt điện thoại, mái nhà hay mảnh vỡ chắn ngang", Rogers cho biết.

    co-lap-vi-bao-irma-quan-dao-anh-vo-dinh-truoc-tuong-lai

    Những chiếc thuyền bị sóng và gió đánh túm tụm lại trên đảo Tortola hôm 6/9. Ảnh: Reuters.

    Cách đó hàng nghìn km, tại thành phố Los Angeles, Sarah Thompson, một cư dân sống ở khu vực cực tây đảo Tortola thuộc quần đảo Virgin, sáng 6/9 điện thoại cho chồng, ông Christian. Thompson đang tới thăm bạn bè tại Bờ Tây, Mỹ. Ông Christian ở lại để chống chọi với "con quái vật" Irma mà ban đầu họ chỉ nghĩ là một cơn bão nhiệt đới bình thường. Giữa lúc cả hai đang nói chuyện, tín hiệu điện thoại bỗng tắt lịm.

    Bà cố gắng nhắn tin, gọi điện lại cho chồng nhưng không thành công. Bà không nhận được tin gì từ nhà cho tới tận sáng 7/9. Vợ một người bạn nhắn tin cho Thompson: "Đang dùng điện thoại của một khách du lịch. Chúng tôi ổn cả. Hãy báo cho mọi người".

    Trên mạng xã hội Facebook, Thống đốc quần đảo Virgin Gus Jaspert trấn an về tình trạng mất liên lạc, đồng thời kêu gọi người dân bình tĩnh. Dù hiểu rằng chính phủ Anh khó có thể trợ giúp họ trước khi cơn bão Jose đi qua, không ít người vẫn cảm thấy hoang mang, lo lắng bởi họ không có bất kỳ chiến lược rõ ràng nào để ứng phó cũng như không có biện pháp liên lạc hữu hiệu.

    Theo thông cáo báo chí, chính phủ Anh đã phân bổ hơn 42 triệu USD nhằm giúp đỡ các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bão Irma trên quần đảo Virgin và gửi hơn 20 tấn dụng cụ dựng lán tạm trú, đèn năng lượng mặt trời tới khu vực.

    Mong mỏi câu trả lời, người dân vẫn cố gắng gửi tín hiệu cầu cứu, thông tin khẩn cấp cùng hình ảnh về cơn bão qua Facebook dù hệ thống mạng chập chờn.

    "Không phải chính phủ Anh làm thinh trước sự việc nhưng đến giờ vẫn chưa có thông điệp rõ ràng về việc nên hành động ra sao hay chính xác chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo", bà Thompson chia sẻ. "Trong hoàn cảnh này, bạn cần một chiến lược và lịch trình thời gian cụ thể, nhưng chúng tôi chưa nắm bất cứ thông tin gì".

    Washington Post hôm qua cố gắng liên lạc với văn phòng thống đốc quần đảo nhưng chỉ nhận về những tiếng chuông dài hay tín hiệu máy bận.

    Thompson sáng sớm cùng ngày trả lời phỏng vấn Washington Post với giọng đầy lo lắng. Bà không thể ngủ suốt 48 giờ qua vì lo cho người chồng ở nhà. Vài giây sau, bà nhận được một cuộc gọi.

    Thompson cho biết đó là cuộc gọi từ một người lạ, có lẽ người này dùng điện thoại vệ tinh ở Tortola. Họ gọi để báo tin. Sau hồi im lặng kéo dài, Thompson cất lời, giọng nhẹ nhõm, dường như vừa trút đi gánh nặng. "Chồng tôi vẫn sống", bà nói.

    (nguồn vnexpress.net)

    Most viewed news

    Related posts