Hội Thảo Quốc Tế Về Biến Đổi Khí Hậu và Sự Kiện Khí Hậu Cực Đoan Tại Việt Nam

  • Thursday, 10:10 Date 30/08/2012
  • Hà Nội, ngày 17 tháng 08 năm 2012

    Sự biến đổi khí hậu đang trực tiếp tác động đến đời sống của nhân lọa cách chung và đối với người dân Việt Nam cách riêng. Đứng trước những tác động tiêu cực của sự biến đổi khí hậu, Chương Trình Phát Triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi Trường tổ chức “Hội Thảo Quốc Tế về Biến Đổi Khí Hậu và Sự Kiện Khí Hậu Cực Đoan tại Việt Nam” vào thứ Sáu, ngày 17 tháng 08 năm 2012 tại Hà Nội.

    Để đáp ứng nhu cầu phục vụ của Ủy Ban Bác Ái Xã Hội – Caritas Việt Nam, cũng như thư mời của ban tổ chức, văn phòng Caritas Việt Nam đã gởi trưởng ban Cứu Trợ Khẩn Cấp – anh Hoàng Thượng Vương tham dự Hội thảo.

    Cuộc Hội Thảo chính thức được khai mạc vào lúc 9 giờ sáng ngày 17 tháng 08 năm 2012. Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - ông Nguyễn Minh Quang; bà Pratibha Mehta - điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam; tiến sĩ Rajendra Pachauri - Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Liên hợp quốc, đông đảo các nhà khoa học, nghiên cứu sinh trong nước và khoảng 150 đại biểu trong và ngoài nước.

    Trong bài phát biểu khai mạc buổi Hội thảo, ông Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh: Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển đang dâng lên tại Việt Nam, có thể đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng cao thêm 1m, ước tính khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển bị ngập, riêng Thành phố Hồ Chí Minh mực nước biển có thể sẽ dìm ngập đến 20% diện tích đất; khoảng 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất có thể lên tới 10% GDP.Theo bà Pratibha Mehta, Giám đốc điều hành UNDP Việt Nam cho biết, các kết quả nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho thấy, nếu chúng ta đầu tư 1 USD cho phòng tránh thảm họa thì chúng ta sẽ tiết kiệm được 7 USD trong việc phục hồi, khắc phục rủi ro do thiên tai thiên tai gây ra.

    Thực tế cũng cho thấy, từ năm 1994 đến 2002 Việt Nam đã tốn 1,1 triệu USD để trồng 12.000 hecta rừng ngập mặn. Nhưng nhờ đó chúng ta đã tiết kiệm được chi phí bảo trì đê biển hàng năm là 7,3 triệu USD.

    Theo tiến sĩ Pachauri, Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu, để giảm thiểu tác động của BĐKH đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần phải lồng ghép các hành động trong chiến lược ứng phó với BĐKH vào trong các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành khác. Đối với người dân, đặc biệt là người nghèo, giải pháp hiệu quả là nâng cao đời sống kinh tế, để họ có nhiều điều kiện hơn chống chọi với BĐKH và các hiện tượng khí hậu cực đoan. Ông đã nói “Nếu không có các biện pháp thích hợp và hành động ngay, BĐKH sẽ có khả năng làm trầm trọng hơn tình trạng đói nghèo và tiếp tục kìm hãm tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển.”

    Phó giáo sư TS. Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí Tượng Thủy Văn và Môi Trường cho biết: các xu thế của các cực trị khí hậu, thiên tai sẽ xuất hiện ở Việt Nam giảm rõ rệt, không khí lạnh ở Bắc Bộ giảm, rét đậm, rét hại giảm nhưng lại tồn tại những đợt rét dị thường. Ngoài ra, nắng nóng tăng ở Trung và Nam Bộ; mưa trái mùa và mưa lớn dị thường xảy ra thường xuyên hơn. El Nino và La Nina tác động mạnh đến thời tiết, khí hậu Việt Nam. Từ các yếu tố đó dẫn tới lũ lụt và hạn hạn mạnh khắc nghiệt hơn, bão bất thường và không theo quy luật. Đó là những thách thức cho công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

    Báo cáo của Ủy Ban Liên Chính Phủ về Biến Đổi Khí Hậu (IPCC) đã đưa ra một mô hình ứng phó đó là lồng ghép quản lý rủi ro thảm họa, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, với một số yếu tố quan trọng. Đó là: điều hòa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; lồng ghép quản lý rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu vào phát triển kinh tế; phối hợp linh hoạt giữa các ngành; xác định và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của các tổn thương; cam kết lâu dài với quản lý rủi ro. Việc quản lý rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu phải thực hiện ở nhiều quy mô khác nhau, cấp địa phương, cấp quốc gia và cấp quốc tế. 

    Buổi chiều các đại biểu có toàn thời gian để hội thảo bàn tròn với về các vấn đề:

    • Chiến lược của Việt Nam về BĐKH trong bối cảnh thay đổi của các cực trị khí hậu ở Việt Nam.
    •  Giảm thiểu rủi ro thiên tai và phát triển nông thôn trong bối cảnh thay đổi của các cực trị khí hậu ở Việt Nam.
    •  Nhu cầu thích ứng với BĐKH của các ngành và phát triển đô thị trong bối cảnh thay đổi của các cực trị khí hậu ở Việt Nam;

    Trước khi kết thúc ngày Hội thảo tất cả các đại biểu cùng nhau trao đổi về việc "xây dựng báo cáo của Việt Nam về cực trị khí hậu".

    Buổi Hội thảo được kết thúc vào lúc 16g30 cùng ngày.

    Most viewed news

    Related posts