Miền Trung ngập, giao thông tê liệt sau bão Damrey

  • Monday, 10:10 Date 06/11/2017
  • Mưa to từ hôm qua đến nay, cộng thêm thủy điện xả nước khiến lũ từ Quảng Trị đến Quảng Nam dâng rất nhanh, nhiều khu vực bị chia cắt.

    Là trọng điểm mưa, Thừa Thiên Huế ngập nặng

    mien-trung-ngap-giao-thong-te-liet-sau-bao-damrey-page-2

    Nội thành Huế ngập sâu. Ảnh: Võ Thạnh.

     

    Ảnh hưởng của bão Damrey, Thừa Thiên Huế mưa to liên tục từ ngày 3/11 đến nay. Trong 12 giờ qua (từ 19h ngày 4/11), lượng mưa đo tại trạm A Lưới lên tới 440 mm, Nam Đồng 350 mm và Thượng Nhật 210 mm. Nước dồn dập đổ về khiến hai hồ thủy điện A Lưới, Bình Điền; hồ thủy lợi Tả Trạch phải xả lũ.

     

    Đến 5h ngày 5/11/2017, các tuyến phố nội thị TP Huế như Bà Triệu, Lê Quy Đôn, Nguyễn Lộ Trạch, Lê Hồng Phong, Hùng Vương… bị ngập 0,5-0,7 m. Đường Tố Hữu, đoạn qua khu vực gần cầu Phát Lát, ngập sâu chừng 1,2 m, nước chảy siết ở các cống. Các tuyến đường liên xã dọc theo sông Ô Lâu, sông Bồ của Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà cũng đang ngập khoảng một mét.

     

    Quốc lộ 1A đoạn qua khu vực Cầu Hai nước ngập sâu gần một mét. CSGT phải chốt chặn ở xã Lộc Thủy và thị trấn Phú Lộc không cho phương tiện qua lại. Hàng trăm xe kẹt cứng kéo dài nhiều km. Hành khách phải xuống đường kiếm đồ ăn nhưng cũng rất khó khăn do mưa lớn. Nhiều hành khách có việc gấp phải thuê tăng bo bằng xe ôm đi theo quốc lộ 49B để về thành phố Huế.

    mien-trung-ngap-giao-thong-te-liet-sau-bao-damrey-page-2-1

    Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Phú Lộc tê liệt, ôtô không thể đi, nhiều người thuê xe máy vượt qua vùng ngập để về Huế. Ảnh: Phước Tuấn.

     

    Nước sông Đà Nẵng dâng cao

     

    Hoàn lưu sau bão Damrey gây mưa to ở Đà Nẵng, cộng với thủy điện ở Quảng Nam xả lũ khiến mực nước các sông dâng cao. Nhiều nhà dân ven sông Túy Loan, Cu Đê, Yên và một số xã của huyện Hòa Vang như Hòa Tiến, Hòa Khương đã bị ngập. Ở nội thành, một số tuyến đường ở quận Liên Chiểu chìm trong nước.

     

    Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, cho biết đang cập nhật tình hình để tham mưu lãnh đạo thành phố lên phương án ứng phó cụ thể.

     

    Trước đó do ảnh hưởng của bão Damrey, nhiều cây xanh và cổng chào, pano, áp phích quảng bá về APEC tại Đà Nẵng bị gió làm hư hại. Hàng trăm nhân viên cây xanh đang đi chống lại những cây ngã đổ, cắt tỉa những cây bị gãy. Cổng chào lớn trên đường Võ Nguyên Giáp đã được dọn dẹp.

     

    Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tối qua đã gửi thư kêu gọi công chức, các lực lượng vũ trang TP Đà Nẵng ra quân dọn dẹp vệ sinh khi trời tạnh mưa gió, để kịp đón các đoàn đại biểu dự APEC (từ ngày 6 đến 11/11).

     

    Phố cổ Hội An bị chia cắt, Quảng Nam đề nghị giảm xả lũ

     

    Từ ngày 3/11 đến nay, Quảng Nam mưa to, các hồ thủy lợi, thủy điện đầy nước. Đêm qua hồ thủy điện Sông Bung 4 xả về sông Vu Gia với lưu lượng 4.270 m3/s; hồ Sông Tranh 2 xả về sông Thu Bồn 2.198 m3/s; hồ Đăk Mi 4 xả qua tràn 3.349 m3/s. Hệ quả là lũ các sông Thu Bồn, Vu Gia lên nhanh, đến 12h trưa nay đã vượt báo động 3 (mức nguy hiểm nhất) gần nửa mét.

     

    Tại thành phố Hội An, sáng nay nước sông Thu Bồn tràn bờ khiến đường Bạch Đằng ngập trên một mét, đường Nguyễn Thái Học và một số tuyến đường phố cổ ngập vài chục cm. Đến 10h, nước lũ đã chia cắt phố cổ Hội An, người dân phải di chuyển bằng thuyền để sơ tán đồ đạc, người già, trẻ nhỏ. Chính quyền địa phương cấm các hoạt động chèo thuyền chở du khách đi dạo trong khu phố cổ.

     

    "Từ 21h đêm qua, nước bắt đầu dâng lên ở khu vực phố cổ. Nặng nhất là đường Lê Lợi, Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng..., ngập sâu 0,5-1,5 m. Khách du lịch được khách sạn di dời bằng thuyền, chuyển đến các khách sạn vùng cao hơn ở đường Tôn Đức Thắng, Lý Thái tổ, Trần Cao Vân", chị Đinh Thị Xuân Hòa (chủ một khách sạn ở Hội An) cho biết.

     

    Tại biển Cửa Đại, nhiều đoạn bị sóng biển đánh gây sạt lở, xâm thực sâu vào đất liền có nơi đến khoảng 20 m. Lãnh đạo TP Hội An cho biết, các lực lượng sẵn sàng tham gia khắc phục, hạn chế việc sạt lở, xâm thực ở bờ biển, tuy nhiên hiện sóng còn khá to nên công việc này chưa triển khai được.

     

    Tại huyện Đại Lộc, sáng nay các tuyến đường vào thị trấn Ái Nghĩa bị nước lũ vây quanh. Nhà chức trách cắt cử lực lượng lập chắn barie, cấm phương tiện giao thông qua lại.

     

    Đường 609B từ Ái Nghĩa đi Đà Nẵng ngập 1,5 m, hàng loạt xe máy, người đi bộ không thể di chuyển do nước chảy xiết. Ông Trần Ngọc Long, công an viên xã Đại Hiệp cho biết: "Rạng sáng nay nước lũ đổ về khiến các tuyến đường ngập sâu, có chỗ hơn một mét, nước bắt đầu tràn vào nhiều nhà dân trên địa bàn".

    mien-trung-ngap-giao-thong-te-liet-sau-bao-damrey-page-2-2

    Tất cả tuyến đường từ trung tâm Đại Lộc tới các xã đều ngập sâu. Ảnh: Đắc Thành.

     

    Đến 11h, ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó chủ tịch huyện Đại Lộc, cho biết 15.000 hộ dân trên địa bàn bị ngập, trong đó 4.000 nhà ngập sâu từ một mét. Nước lũ đang ở mực báo động 3. Huyện Đại Lộc đã sơ tán 32 hộ dân xã Đại Phong và bảy hộ xã Đại Cường. “Tất cả các tuyến đường huyện lộ đã bị ngập hoàn toàn, thủy điện vẫn chưa ngưng xả lũ và nước đang dâng lên”, ông Mẫn nói.

     

    Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu các thủy điện điều tiết giảm lũ vào đêm 4/11. Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 được lệnh vận hành giảm lũ với lưu lượng xả tràn và chạy máy thấp hơn 475 m3/s. Mực nước hồ lớn nhất cho phép là 222,5m. Khi đạt mức này, thủy điện được xả qua tràn và chạy máy bằng lưu lượng nước về hồ.

    Mực nước lớn nhất cho phép ở thủy điện Sông Tranh 2 là 175 m, lưu lượng nước về hồ dự báo 1.450-2.500 m3/s. Thủy điện này cũng buộc phải điều tiết giảm lũ bằng cách xả thấp hơn lưu lượng nước về hồ, đến cao trình cho phép thì xả bằng lưu lượng nước về hồ.

     

    Đường Hồ Chí Minh qua Quảng Trị ngập gần một mét

     

    Nằm rất xa tâm bão Damrey, nhưng do phạm vi ảnh hưởng của bão rộng, kết hợp với không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống nên từ chiều qua đến nay Quảng Trị có mưa to.

     

    Ông Lê Đắc Quỳ, Chủ tịch UBND huyện Đăkrông, cho hay lượng mưa từ tối qua đến sáng nay ở huyện này lên mức 370 mm. Hiện một số xã như A Vao, Ba Nang... bị cô lập vì cầu tràn ngập sâu 0,5-1,5 m. Trong đó, đường vào xã Ba Nang bị sạt lở khoảng 500 m3 khiến xã này bị cô lập hoàn toàn.

    mien-trung-ngap-giao-thong-te-liet-sau-bao-damrey-page-2-3

    Đường Hồ Chí Minh qua Quảng Trị bị chia cắt. Ảnh: Hoàng Táo.

     

    Ngoài ra, Km24 đường Hồ Chí Minh nhánh tây bị ngập 0,7 m, khiến một số phương tiện bị ùn ứ. Người dân địa phương tranh thủ mang thuyền ra để vận chuyển người và xe máy với giá 50.000 đồng mỗi lượt.

     

    Một số người dân địa phương cho hay, nhiều đoạn đường Hồ Chí Minh qua Quảng Trị bị sạt lở đất, đá; nước đổ mạnh trên đồi xuống rất nguy hiểm.

     

    Đường sắt tê liệt đoạn qua Đèo Cả 

     

    Từ sáng 4/11, đèo Cả giữa Phú Yên và Khánh Hòa bị sạt lở, đường sắt tê liệt. Ngành đường sắt điều tàu từ Sài Gòn ra Khánh Hòa, đưa ôtô ra Phú Yên đón khách của hai tàu bị kẹt vào Khánh Hòa tiếp tục hành trình.

    23313055-10208295896914899-382-4425-6733

    Đoàn tàu bị kẹt ở tuyến đường sắt qua đèo Cả (Phú Yên). 

     

    Lúc 11h30 hôm nay, ông Trân Hữu Thế - Phó chủ tịch tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh đã cho hơn 20 xe hỗ trợ ngành đường sắt đưa khách từ Phú Yên qua đèo Cả sang huyện Đại Lãnh, Khánh Hòa. Hiện ngành ngành đường sắt đang điều động nhân sự khắc phục. Ngoài đèo Cả, đường sắt qua Phú Yên bị ngập, sạt lở làm tê liệt ở huyện Đồng Xuân, Tuy An.

     

    Lũ tiếp tục lên, nhiều khu vực bị chia cắt

     

    Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão Damrey, ngày và đêm nay các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định, bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai) có mưa rất to. Riêng Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa đặc biệt to và kéo dài đến ngày 7/11.

     

    Lũ các sông Thừa Thiên Huế đang lên rất cao. Mực nước lúc 12h ngày 5/11 trên sông Bồ (Thừa Thiên Huế) tại Phú Ốc 4,97 m, trên mức báo động 3 là 0,47m, và chỉ thiếu 21 cm là chạm mức lũ lịch sử năm 1999. Sông Hương tại Kim Long 3,77 m, trên báo động 3 là 0,27 m.

     

    Dự báo trong 12 giờ tới, lũ các sông Thừa Thiên Huế dao động ở mức cao, sông Quảng Nam đến Quảng Ngãi tiếp tục lên trên bao động 3. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi sẽ bị ngập sâu và diện rộng. Khu vực miền núi khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

    mien-trung-ngap-giao-thong-te-liet-sau-bao-damrey-page-2-5

    Hội An nằm bên sông Thu Bồn nên thường xuyên ngập. Ảnh: Lý Sơn.

     

    Những địa bàn nguy cơ ngập sâu, lũ quét và sạt lở đất trong 6-12 giờ tới

    • Tỉnh Quảng Bình gồm các huyện: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy.
    • Tỉnh Quảng Trị gồm các huyện: Hướng Hóa, Đăkrông.
    • Tỉnh Thừa Thiên Huế gồm các huyện: Phong Điền, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy, Nam Đông, A Lưới.
    • Tỉnh Quảng Nam gồm các huyện: Hiên, Nam Giang, Quế Sơn, Phước Sơn, Trà My.
    • Tỉnh Quảng Ngãi gồm các huyện: Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long.
    • Tỉnh Bình Định bao gồm các huyện: Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Phù Cát, Hoài Nhơn, Tuy Phước.

     

    Sáng 2/11 áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, cơn bão thứ 12 trên biển Đông, tên quốc tế là Damrey. Bão tăng cấp rất nhanh khi tiến sát bờ biển Nam Trung Bộ do kết hợp với không khí lạnh.

    6h ngày 4/11, bão đổ bộ Phú Yên - Khánh Hòa, mạnh cấp 12 (135 km/h). 13h, tiến sâu vào nam Tây Nguyên, bão giảm còn cấp 9 (90 km/h) và đến 15h cùng ngày thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi ở biên giới Việt Nam - Campuchia.Trong 9 tiếng hoành hành, bão đã gây gió mạnh, mưa to suốt từ Thừa Thiên Huế tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên. Thống kê sơ bộ 27 người đã chết, 22 người mất tích. Tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và nhiều địa phương ở khu vực Tây Nguyên mất điện.

    Nhóm phóng viên vnexpress

    Most viewed news

    Related posts