Nguy cơ bị lây nhiễm HIV ở trẻ vị thành niên ở Tiền Giang

  • Monday, 10:10 Date 07/01/2013
  • Theo số liệu của Bộ Y tế, 95% số người nhiễm HIV nằm trong độ tuổi 15-19, trong đó có 8,3% là tuổi vị thành niên; riêng ở Tiền Giang, đã có 67 trường hợp vị thành niên (từ 10-19 tuổi) nhiễm HIV, chiếm số đông ở huyện Cái Bè (14 ca), Cai Lậy (6 ca), Gò Công Đông (5 ca), Gò Công Tây (5 ca), Chợ Gạo (3 ca)... Điều này cho thấy thực tế đáng báo động về số người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa, đồng thời đặt ra vấn đề cần chủ động tuyên truyền, thay đổi nhận thức và hành vi cho lứa tuổi vị thành niên về phòng tránh HIV.

    Theo đánh giá của các chuyên gia y tế ở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Nguyên nhân lây nhiễm HIV của lứa tuổi vị thành niên trên địa bàn tỉnh qua con đường quan hệ tình dục và truyền máu (chủ yếu do tiêm chích ma túy), trong đó nguy cơ lây nhiễm qua quan hệ tình dục là do quan hệ tình dục sớm, bừa bãi và không an toàn, rất đáng quan tâm. Bên cạnh đó, qua con đường quan hệ tình dục, nếu những trường hợp bị nhiễm HIV (chưa phát hiện) kết hôn sớm, dễ dẫn đến hậu quả là làm gia tăng số trẻ em bị nhiễm HIV qua con đường mẹ truyền sang con.

    Trong thực tế, còn nguyên nhân khác là do nạn mua bán trẻ em sang Campuchia để bắt buộc hoạt động mại dâm nên sau khi trở về, những nạn nhân này đã bị nhiễm HIV. Theo kết quả điều tra quốc gia toàn diện về vị thành niên và thanh niên, có tới 22,2% thanh thiếu niên đã lập gia đình có quan hệ trước hôn nhân, 21,5% nam thanh niên chưa lập gia đình có quan hệ tình dục với gái mại dâm. Từ đó, tiềm ẩn lớn nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV trong nhóm tuổi vị thành niên.

    Đơn cử một vài trường hợp: anh N.V.K (18 tuổi, quê ở TP. Mỹ Tho) tình nguyện tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự sau khi tốt nghiệp THPT, nhưng bị trả về vì lý do nhiễm HIV. Cha mẹ của anh K (là một sĩ quan quân đội) rất ngạc nhiên vì trước giờ thấy anh cũng thuộc loại ngoan, hiền, học lực cũng khá. Cuối cùng, trước sự thật phũ phàng này, K. thú nhận là vào những ngày cuối năm lớp 12, anh đã nghe theo lời rủ rê của bạn bè đi "thư giãn" ở quán massage gội đầu rồi sau đó quan hệ tình dục với cô nhân viên "dễ thương" mà không sử dụng bao cao su!

    Hay trường hợp của anh V.V.H (xã B.P.N, huyện Chợ Gạo) vừa mới chết cách đây gần tròn năm ở tuổi 18, vì căn bệnh AIDS chuyển sang giai đoạn cuối. Nguyên nhân nhiễm HIV của anh là trong thời gian đi làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh rồi sống chung với một tiếp viên phục vụ quán bar như vợ chồng mà không hề biết cô này đã nhiễm HIV. Một hoàn cảnh khác đáng thương tâm là anh T.M.V (19 tuổi, cũng ở xã B.P.N) đi làm ở TP. Hồ Chí Minh và đã nhiễm HIV khi quan hệ với gái mại dâm mà không sử dụng bao cao su. Sau đó, anh cưới vợ rồi vô tình lây nhiễm HIV cho vợ. Vợ chồng có một đứa con mà người vợ hoàn toàn không biết họ đã bị nhiễm HIV cho đến lúc anh V phát bệnh, chết. Lúc này, qua kết quả xét nghiệm, vợ anh mới biết mình cũng đã bị nhiễm HIV, nhưng may mắn là đứa con không bị lây nhiễm từ mẹ. Trước khi chị chết cách đây ba năm vì bệnh chuyển sang giai đoạn AIDS, chị đã gởi gắm đứa con cho ông nội nuôi dưỡng...

    Qua tìm hiểu, nguyên nhân của một số trường hợp nhiễm HIV ở lứa tuổi vị thành niên đều xuất phát từ sự tò mò, muốn tìm hiểu cảm giác "thử trái cấm" sau khi xem những trang Web có nội dung khiêu dâm, kích dục trên mạng Internet, cùng với sự rủ rê của bạn bè xấu ngoài xã hội,... nên dễ dàng quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn mà không hề nghĩ đến hậu quả. Chính hành động quan hệ tình dục của vị thành niên trong khi chưa hiểu biết đầy đủ về sức khỏe sinh sản đã dẫn đến nguy cơ mắc, lây nhiễm các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục.

    Thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho thấy, số trường hợp vị thành niên bị nhiễm HIV đến các cơ sở điều trị còn rất ít; phần lớn là họ bỏ đi nơi khác. Nguyên nhân do họ không biết tại tỉnh có cơ sở điều trị hoặc do sự kỳ thị của cộng đồng (đôi khi có cả người thân) nên bỏ đi đến nơi khác để điều trị. Ngoài ra, một số em cũng không biết bản thân bị nhiễm HIV nên dẫn đến việc lây truyền trong cộng đồng càng nhiều. Hiện nay, Dự án Phòng chống HIV/AIDS do Ngân hàng thế giới tài trợ tại Tiền Giang, tập trung vào các chương trình giáo dục truyền thông can thiệp giảm thiểu tác hại..., trong đó có sự phối hợp hoạt động của nhiều ngành, đoàn thể. Đối với lứa tuổi vị thành niên, Tỉnh đoàn có phối hợp thực hiện với những hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của vị thành niên trong phòng, chống lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, trên hoạt động này thực tế vẫn còn hạn chế, bởi lẽ tổ chức Đoàn các cấp cũng không thể quản lý, tập hợp được hết đối tượng mắc HIV/AIDS trong lứa tuổi này, đặc biệt đối với các bạn trẻ đi làm xa, đi học xa gia đình. Qua một số cuộc khảo sát của cán bộ Ban Quản lý Dự án Phòng chống HIV/AIDS, đối tượng vị thành niên nắm được kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS, về nguy cơ dẫn đến lây nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn là còn rất hạn chế.Theo BS Võ Thị Chín, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Dự án Phòng chống HIV/AIDS Tiền Giang: "Biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu việc lây truyền HIV/AIDS trong lứa tuổi thanh niên và vị thành niên là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và xã hội. Việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội, mỗi gia đình, đặc biệt là thanh niên và vị thành niên với đại dịch AIDS là hết sức cần thiết, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và đến với tất cả người dân ở thành phố lẫn nông thôn, vùng sâu và vùng xa...".


    * GS Viện sĩ Phạm Song, Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) Việt Nam đưa ra những con số đáng báo động: Tỷ lệ nạo phá thai của nước ta là 1 trong 3 nước cao nhất thế giới, trong đó 20% là lứa tuổi vị thành niên. Số ca nạo hút thai tăng trung bình 1,2 triệu ca/năm. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hàng năm có khoảng 30 vạn vị thành niên nạo hút thai (chiếm 20% tổng số phụ nữ nạo hút thai), đặc biệt trên 5% sinh con trước tuổi 18, 15% sinh con dưới 19 tuổi. Số trẻ dưới 15 tuổi mắc các bệnh lây qua đường tình dục chiếm tỷ lệ 1,16% (bệnh lậu) và 1,5% các bệnh hoa liễu khác.

    * Điều đáng lo ngại hiện nay là tỷ lệ người nhiễm HIV ở độ tuổi dưới 29 không ngừng tăng lên. Hầu hết những người nhiễm đều qua con đường tình dục hoặc tiêm chích ma túy. Theo một kết quả điều tra của Học viện Thanh thiếu niên cho thấy, 21,1% số em còn đi học đã có người yêu, khoảng 1/3 trong số các em có quan hệ tình dục và hầu hết các em không có biện pháp tránh thai. Và tuy hầu hết thanh thiếu niên đều biết mức độ lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy, nhưng nhiều em vẫn không tránh khỏi cám dỗ.

    * Một nghiên cứu với 1.100 vị thành niên và thanh niên (15-19 tuổi) tại 20 xã của thành phố Hải Phòng cho thấy có khoảng 16,5% số vị thành niên, thanh niên này có quan hệ tình dục, 33,93% trong số đó không sử dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào. Những con số này chính là hậu quả của việc chúng ta né tránh, không trang bị cho trẻ những hiểu biết tối thiểu mà trẻ cần được biết về giới tính. Tỷ lệ vị thành niên, thanh niên quan hệ tình dục trước hôn nhân ở nông thôn cao hơn thành thị (17,2% so với 15%).

    * Diễn đàn quốc gia phòng chống HIV/AIDS trong vị thành niên và thanh niên Việt Nam do Hội Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) Việt Nam tổ chức với chủ đề "Giáo dục là vaccine duy nhất hiện có để phòng chống HIV/AIDS trong vị thành niên và thanh niên Việt Nam" là một sáng kiến nhằm thúc đẩy, nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như bản thân vị thành niên, thanh niên trong vấn đề này. Nước ta hiện có 23,8 triệu vị thành niên, thanh niên, chiếm 31% dân số và theo dự báo trong vòng 10 năm tới, con số này sẽ tăng thêm 4,8%. Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng về kinh tế và xã hội, lối sống của vị thành niên, thanh niên đã có nhiều thay đổi, các em phải đối mặt với rất nhiều thách thức mới, nhất là hiểm họa HIV/AIDS.

    Most viewed news

    Related posts