Phá thai và an tử

  • Thursday, 10:10 Date 24/10/2013
  • An Tử có nhiều điểm giống với vấn đề phá thai. Chẳng hạn, cả hai đều liên quan đến vần đề lấy đi mạng sống của người vô tội – phá thai ngay lúc mới khởi đầu sự sống, và an tử, vào lúc cuối đời. Nhưng có một vài điểm dị biệt. Đối với việc phá thai, chúng ta thường không trông thấy hài nhi bị giết chết, trong khi an tử, nạn nhân là một người đang hiện diện, một người mà công chúng đều biết đến. Sự khác biệt này khiến cho an tử dễ hiểu hơn. Ngoài ra, về an tử, phần lớn không có những tranh luận về bản thể con người bị giết chết. Điều này khiến cho vấn đề giản dị hơn so với phá thai.

    Tuy nhiên, trong vài khía cạnh quan trọng khác, an tử lại khó khăn hơn phá thai. Thường khó nhận định là một hành động nào là an tử. Phá thai rõ ràng hơn. Phá thai có nghĩa là giết người, rất là giản dị. An tử là giết để giảm bớt sự đau đớn. Đây không chỉ giản dị là giết chết mà thôi, mà là giết người dựa trên mục đích cảm thương. Nhưng cảm thương lại là một hiện tượng hơi chủ quan; không hiển nhiên tức khắc là một người đã bị giết vì cảm thương hay không.

    Hành động và không hành động

    Đây không phải là sắc thái mơ hồ độc nhất của an tử. Như được hiểu theo truyền thống, an tử không thể chỉ là một hành động, nhưng còn là một bất hành động, một việc gây nên cái chết để giảm bớt sự đau đớn. Có nghĩa là ngưng các chữa trị y khoa để gây nên cái chết (với mục đích giảm bớt đau đớn) là một trường hợp an tử. Điều này có vẻ phức tạp, và thật vậy, rất phức tạp. Tuy nhiên, cả đức tin lẫn lý luận giúp cho chúng ta hiểu được tại sao phải làm như vậy. Ngoài ra còn có thể có một phương sách chính phủ phù hợp với sự thật về an tử, như trường hợp của Gia Nã Đại, ngày nay. Dĩ nhiên, ưu tư là một số người muốn lạm dụng chính sách này. Do đó chúng ta cần tìm hiểu an tử là gì và luật lệ cần có để đối phó với sự việc này.

    Giáo Huấn của Giáo Hội Công Giáo

    Giáo Hội có một định nghĩa rõ rệt về an tử. Chân Phước Gioan Phaolô II mô tả là “một hành động hay bất hành động có ý định gây nên cái chết, với mục đích giải trừ mọi đau đớn" (Evangelium vitae, 1995, số 65). Có lẽ bây giờ, câu hỏi đầu tiên là, cái chết của ai, sự đau đớn của ai? Đây là cái chết của những người vô tội đang đau đớn, hay được cho là đang đau đớn, vì tật nguyền, mang bệnh hay hấp hối. Ở đây có một rắc rối. Không chỉ là những người đang hấp hối; mà là gây nên cái chết của những người có thể là tàng tật, hay chỉ vì đang mang một căn bệnh khó chữa. Trong trường hợp của Tracy Latimer ở Ontario, Canada, là một em bé 12 tuổi bị bệnh đau màng óc, ba em là Robert Latimer đã quyết định để cho em chết vào ngày 24 tháng 10, năm 1993, em có đang hấp hối không? Không, em chỉ là một kẻ tật nguyền. Cái chết của em có phải là an tử không? Đúng như vậy.

    Bây giờ chúng ta hãy xem xét câu "gây nên cái chết." Ở đây chúng ta đang đề cập đến một quyết định luân lý để bức tử, hay lựa chọn cái chết cho một người vô tội. Nói cách khác, chúng ta đang nói về điều Giáo Hội muốn hiểu là "sát nhân"– đó cũng là từ ngữ được hiểu theo truyền thống ngôn ngữ là: gây nên cái chết cho một người vô tội. Như vậy, an tử là một hình thức sát nhân.

    Giáo huấn của Giáo Hội về sát nhân luôn luôn giản dị và rõ ràng. Sát nhân là giết người. Sát nhân luôn luôn sái trái – dù mục đích là làm giảm đau đớn hay vì bất cứ mục đích nào khác, bất kể trường hợp. Tại sao? vì sát nhân, và an tử, vi phạm tình yêu và công lý là bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa và con người. Đời sống con người là một quà tặng của Thiên Chúa, Đấng vẫn là chủ thể; con người không có quyền tự ý hủy diệt những gì thuộc về Thiên Chúa (Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 2277, 2260, 2258, 2280). Ngoài ra cố tình giết một người vô tội hủy hoại phẩm giá và quyền sống của tất cả mọi người mang hình ảnh của Thiên Chúa, như một tạo vật thiêng liêng được Đấng Tạo Hóa tách biệt ra khỏi các loài thọ tạo khác trên trái đất. (Sáng Thế 1:26-28, 2:19-20).

    Theo Chân Phước Gioan Phaolô II, các chân lý về sự sai lầm của hành động sát nhân được mạc khải bởi đức tin của chúng ta, nhưng cũng có thể được nhận biết bằng lý lẽ con người. Sát nhân bị cấm đoán bởi luật lệ được mạc khải (nhờ đức tin mà có) và bởi luật tự nhiên (nhờ lý lẽ mà có) (Evangelium vitae, số 57). Không những tất cả mọi hành động sát nhân, và an tử đều sai trái; chúng hoàn toàn sai trái. Tại sao? Vì “đời sống con người – bị huỷ diệt – là căn bản của tất cả những gì là bản thiện của con người, và là suối nguồn cần thiết và là điều kiện của mọi sinh hoạt con người và mọi sinh hoạt của xã hội.” (Tuyên Cáo của Vatican về Euthanasia, 1980, I).

    Vào thế kỷ 20, các giáo hoàng đã giảng dậy rõ ràng về sự dữ của an tử ngay từ Đức Piô XII. Tuy nhiên, chính Chân Phước Gioan Phaolô II đã ban hành tuyên cáo chính thức nhất về luân lý của an tử. Trong Thông điệp Evangelium vitae ngài nói: "Hòa nhịp với các giáo hoàng tiền nhiệm và hiệp thông với các giám mục của Giáo Hội Công Giáo, tôi khẳng định rằng an tử là một vi phạm trầm trọng luật lệ của Thiên Chúa, vì đây là một hành vi cố tình giết hại một con người. Học thuyết này dựa trên luật thiên nhiên và luật lệ đã được viết xuống của Thiên Chúa, được truyền lại bởi Thánh Truyền của Giáo Hội và được dạy dỗ bởi các giáo phụ điạ phương và hoàn vũ." (số 65). Chúng ta hãy thử xem xét đến việc lẩn tránh vần đề!

    An tử cố ý và an tử vì bỏ quên

    Như thế, chúng ta biết rằng Giáo Hội coi an tử như là sát nhân và là một cái gì hết sức vô nhân đạo. Nhưng chúng ta vẫn chưa phân biệt được khi nào là an tử, khi nào không. Chúng ta thử coi định nghĩa – chỗ an tử được giải thích là “một hành động bỏ quên không làm." Định nghĩa này có ý chỉ là có hai hình thức an tử căn bản. Một là “an tử tác động” và “an tử vì bỏ quên” (hay an tử thụ động). Đây là các từ ngữ đã được nhiều giám mục, thần học gia, và tâm lý gia Công Giáo xử dụng. Tuy nhiên, Giáo Hội không có một danh từ có tính cách hoàn vũ ở điểm này. Tuy nhiên, quan niệm mà các từ ngữ này muốn diễn tả đã được trình bầy trong giáo huấn của Giáo Hội.

    An tử tác động, tác nhân luân lý gây nên cái chết bằng một hành động tích cực bao gồm việc xử dụng một dược phẩm hay vũ khí để gây nên cái chết. Như trường hợp của Robert Latimer trên đây, ông đã nối ống thoát hơi của xe vận tải để làm cho con gái ông phải chết. Đó là an tử tác động. Điều quan trọng là phải phân biệt an tử tác động với một vài hình thức làm giảm cơn đau đớn có thể hơi tương tự. Chúng ta có thể dùng dược phẩm với mục đích để kiềm chế cái đau; như trong trường hợp của bệng ung thư. Tuy nhiên, hậu quả có thể tiên đoán nhưng không cố tình của y dược có thể là làm cho cái chết mau chóng hơn. Như vậy có nghĩa là người bác sĩ cho thuốc ngừa đau có đang giết chết bệnh nhân không? Rõ ràng là không. Mục đích của hành động như vậy là làm giảm cơn đau; không cố tình hay lựa chọn cái chết. Hơn nữa, làm giảm cơn đau chắc chắn là một hành động hợp luân lý. Dĩ nhiên, nếu một bác sĩ cho một liều thuốc nhiều hơn mức độ cần thiết để giảm cơn đau, và vì thế gây nên cái chết, thì người bác sĩ ấy đã sát nhân.

    Sự phân biệt này – giữa việc giết một người, và làm một hành động có thể chỉ là một chăm sóc y tế tốt lành, mặc dù phụ hệ có thể làm cho cái chết đến mau hơn – được dựa trên các giáo huấn Công Giáo từ thời Đức Piô XII về sau. Đây là nguyên tắc được mệnh danh là có hai hậu quả. Nhưng điều quan trọng cần ghi nhận là cùng một sự phân biệt này cũng được dựa trên truyền thống luân lý và luật lệ của xã hội chúng ta. Tuy nhiên một số các nhà đạo đức ngày nay lại cố gắng xóa bỏ sự phân biệt này. Họ cho rằng thuốc giảm đau cho bệnh nhân cũng không khác gì an tử tác động, vì cả hai đều đưa đến cái chết. Dĩ nhiên, đây là một lý luận tốt nếu chúng ta muốn công nhận an tử. Nhưng lại không hợp đạo lý, vì bỏ qua sự khác biệt về mục đích trong hai lựa chọn luân lý này. Trong một trường hợp mục đích là để giảm đau đớn; mục đích kia là để gây ra cái chết.

    Thế còn an tử vì bỏ quên thì sao? Trước hết, tất cả mọi người đều biết là có thể giết chết một người bằng cách cất đi những nguồn dinh dưỡng cũng như áp dụng một biện pháp nào khác gây nên cái chết. Một thí dụ điển hình là bỏ cho chết đói. An tử vì bỏ quên có thể bao gồm việc bỏ cho chết đói, nhưng có thể bao gồm cả những phương cách ngăn chặn sự sống khác. Nói chung, trong trường hợp an tử vì bỏ quên, cái chết bị gây nên bởi việc cố tình không xử dụng các biện pháp cần thiết để gìn giữ mạng sống.

    Có hai loại bỏ quên: quyết định không dùng các biện pháp chưa xử dụng, và ngưng các biện pháp đang xử dụng. Các phương tiện sống còn có thể bị ngăn cản hay bị ngưng là thành phần của an tử bao gồm các phẩm dược, các máy móc kỹ thuật, và các cuộc giải phẫu, cũng như các biện pháp nuôi dưỡng bình thường – như giữ cho căn phòng có nhiệt độ an toàn. Nếu bạn đem dấu các viên thuốc của người bà để cho bà cụ bị tai biến mạch máu não và qua đời, vì bạn cho rằng bà cụ chết đi cho đỡ khổ, thì đó là an tử. Nếu bà cụ nằm liệt giường, và bạn tắt máy sưởi giữa mùa đông giá lạnh, và bà cụ chết cóng, thì đó cũng là an tử, mặc dù bạn đang muốn cho bà cụ khỏi phải tiếp tục đau đớn.

    Còn tiếp......

    Most viewed news

    Related posts