Sự cố cá chết biển miền Trung phải là lần cuối cùng

  • Friday, 10:10 Date 22/09/2017
  •  

    TTO - Để Việt Nam không trở thành thiên đường ô nhiễm, đừng để xảy ra hậu quả môi trường rồi mới theo sau giải quyết - ý kiến nêu tại hội thảo quốc tế về môi trường tổ chức tại TP.HCM ngày 22-9.

    Sự cố cá chết biển miền Trung phải là lần cuối cùng - Ảnh 1.

    TS Phạm Văn Võ: Có 3 tồn tại đang đe dọa an ninh môi trường của Việt Nam - Ảnh: ÁI NHÂN

    Hội thảo quốc tế "Bảo vệ môi trường với ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế - những vấn đề pháp lý đặt ra" do ĐH Luật TP.HCM tổ chức hôm nay 22-9 quy tụ nhiều chuyên gia về pháp luật, chính sách môi trường của nhiều ĐH lớn trong khu vực.

    Ô nhiễm đã quá sức chịu đựng của người dân

    Phát biểu tại hội thảo, TS Phạm Văn Võ - phó trưởng khoa Luật thương mại ĐH Luật TP.HCM chỉ ra 3 tồn tại đang đe dọa an ninh môi trường của Việt Nam.

    Thứ nhất là tình trạng các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm nghiêm trọng vì nhiều lí do vẫn chưa được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, kiên quyết và triệt để. Điều này xâm hại nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân.

    Thứ hai, phân bổ 2 thành phần chính yếu của môi trường là đất và nước chưa hợp lý. Các bờ biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Binh Thuận, Vũng Tàu... đều cho doanh nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh. Nguồn nước cũng ưu tiên cho hoạt động công nghiệp hơn là sinh hoạt, nông nghiệp.

    Thứ ba, đang rất thiếu cơ chế giải quyết xung đột lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp một cách kịp thời, thỏa đáng và công bằng, là nguyên nhân dẫn đến bức xúc xã hội. 

    Kết quả là ô nhiễm môi trường đã quá sức chịu đựng người dân buộc họ có hành vi cực đoan, trái pháp luật, TS Võ nhận định.

    Ông lấy các ví dụ điển hình như người dân phong tỏa quốc lộ 1A phản đối ô nhiễm từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận); dân Sầm Sơn (Thanh Hóa) phản ứng việc giao bãi biển cho tập đoàn FLC; dân Nghệ An khởi kiện Formosa...

    Cũng nhắc đến sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung năm 2016, TS Michael Parsons - cố vấn chính sách cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Việt Nam nhận định một sự cố môi trường nghiêm trọng và quy mô lớn như vậy, lần đầu tiên xảy ra cũng nên là lần cuối cùng.

    "Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ về môi trường như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tranh chấp tài nguyên nước, mất cân bằng sinh thái, và nguy cơ trở thành bãi rác công nghiệp. 'Tự hủy diệt' luôn là nhân tố nội tại trực tiếp đe dọa an ninh môi trường quốc gia…"

    PGS.TS Trần Hoàng Hải, hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM

    Sự cố cá chết biển miền Trung phải là lần cuối cùng - Ảnh 3.

    TS Michael Parsons: Một sự cố môi trường nghiêm trọng và quy mô lớn như Formosa phải là lần cuối cùng xảy ra - Ảnh: ÁI NHÂN

    Lập danh sách đỏ

    Từ thực trạng môi trường nêu trên, các chuyên gia nhận định một thách thức lớn là cân bằng lợi ích quốc gia, thu hút đầu tư và giữ gìn tài nguyên, bảo vệ môi trường. Theo ông Parsons, giải pháp là Chính phủ Việt Nam phải xác định rõ mình muốn gì, hướng đến đâu.

    "Việt Nam đang dịch chuyển từ nước nghèo sang nước thu nhập trung bình, có nguồn lực tốt, nhất là nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao, tiếp thu được trình độ của các nước tiên tiến", TS Parsons nói.

    "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam không phải là thiên đường ô nhiễm, thế thì Việt Nam không thể đi sau giải quyết những hậu quả môi trường. Thay vào đó, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển xanh thực chất, vững chắc".

    Một kinh nghiệm quý mà một số nước thành công trong bảo vệ môi trường như Hàn Quốc và Singapore đã áp dụng cũng được nêu tại hội thảo. Các quốc gia trên đã thiết lập "Danh sách đỏ" các ngành công nghiệp quy mô lớn nhằm xây dựng hệ thống cấp phép thống nhất áp dụng các tiêu chuẩn môi trường mới, khắt khe, hiệu quả.

    Theo thông tin từ TS Parsons, việc ban hành "Danh sách đỏ" - danh mục 20 ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao - đã được phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên môi trường triển khai hồi tháng 4-2017.

    Theo TS Michael Parsons, Việt Nam hiện đang quá phụ thuộc vào hệ thống đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mà hệ thống này hoàn toàn không giúp giảm thiểu các tác động lên môi trường, từ khi cấp phép cho các cơ sở công nghiệp hình thành cho đến suốt quá trình hoạt động.
    Theo TTO

    Most viewed news

    Related posts