Tâm tình qua khoá tập huấn về Người khuyết tật: Con như thấy rõ đường đi!

  • Friday, 10:10 Date 19/05/2017
  • Chính xác là con - một người may mắn không bị khuyết tật đã thấy rõ hơn những gì phải nói, phải làm, và những nơi mình cần đến, sau khi tham dự khoá tập huấn “Hỗ trợ người khuyết tật (NKT) hoà nhập cộng đồng” do Caritas Việt Nam tổ chức tại TGM Thái Bình (16-18/5/2017).

    Cá nhân con cũng như nhiều tham dự viên (TDV) sau khi kết thúc khoá học đều “giật mình” nhận thấy: Đúng là mình còn quá nhiều thiếu sót về lời ăn, tiếng nói, việc làm khi chăm sóc những anh chị em “đặc biệt” mà… giờ mới biết.

    Ba ngày tập huấn trôi qua thật nhanh, mới gặp nhau thôi mà giờ đã sắp mỗi người một ngả, nhưng sự chia xa này lại mở ra một hành trình phục vụ mới với đích đến là giúp NKT được tự tin bước tiếp trong cuộc đời. Đặc biệt, trong hành trình ấy, qua mỗi lời nói, việc làm hỗ trợ NKT, mỗi TDV tham gia khoá tập huấn sẽ cảm nhận được sự gần gũi, gắn bó hơn bao giờ hết.

    Soi chiếu những hiểu biết của bản thân khi đến với NKT qua chiếc “gương” đặc biệt là khoá tập huấn để nhận thức rằng, con đường mình đã đi và đang đi còn lắm “sương mù”. Muốn làm gì tốt, điều đầu tiên phải hiểu rõ được những vấn đề căn bản từ khái niệm, nội dung đến phương thức thực hiện... Làm thế nào để NKT có thể mở lòng ra đón nhận sự tương hỗ từ cộng đồng? Làm cách nào để phát hiện sớm và kịp thời can thiệp khi đứng trước một trẻ nhỏ đang có nguy cơ trở thành người tàn tật suốt đời? Hay như nếu không có tiền, chúng ta hỗ trợ NKT những gì?...

    Tất cả những thắc mắc đó được sơ Anne Nguyễn Thuỵ Diễm Hương giải đáp thật sống động qua phương thức thúc đẩy mỗi TDV tự tư duy, tương tác với nhau qua các bài giảng, ví dụ điển hình từ thực tế công việc sơ đã gặp và trải qua, đến các phần thực hành tại lớp. Thế nên, những khái niệm dài, mang tính trừu tượng được học viên đón nhận thật nhẹ nhàng, như: Khái niệm về khuyết tật; phân loại và nhận diện các dạng khuyết tật; nguyên nhân và hậu quả của khuyết tật; phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật; cơ sở pháp lý và các nguồn lực hỗ trợ NKT; phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; và hội viên Caritas với lĩnh vực khuyết tật. Đặc biệt, qua những trò chơi đòi hỏi sự vận động của tất cả các giác quan từ tay, chân, tai, miệng đến mắt đã giúp TDV được tự mình trải nghiệm cuộc sống của NKT ở nhiều dạng khuyết tật khác nhau như: vận động; nhìn; nghe, nói; thần kinh, tâm thần; trí tuệ, các dạng khuyết tật khác… giúp TDV hiểu được phần nào suy nghĩ, tâm sinh lý của NKT, từ đó đưa ra những phương thức thật xác thực, giúp NKT hoà nhập cộng đồng một cách tối đa theo khả năng của họ.

    Đặc biệt, trong những giờ học tập cuối diễn ra vào chiều ngày 18/5, trong phần hướng dẫn thực hiện phiếu đánh giá nhu cầu toàn diện đối với NKT và Báo cáo quý các hoạt động Caritas các giáo phận tham gia dự án thực hiện trong một năm gửi cho Caritas Việt Nam. Nhiều câu hỏi, thắc mắc được đưa ra và qua phần giải thích thông qua ví dụ cụ thể, giúp nhân viên chuyên trách và cộng tác viên hoạt động hỗ trợ NKT hiểu rõ để áp dụng được rõ ràng trong công việc.

    Không thể viết ra hết những cảm nhận qua những trang giấy, nhưng đúng như lời của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ - vị chủ chăn của Giáo phận Thái Bình nhắc nhớ mỗi người trong thánh lễ mở đầu ngày tập huấn thứ 3, rằng: Từ những kiến thức lĩnh hội được qua khoá tập huấn, hy vọng, mỗi TDV sẽ tích luỹ cho mình công cụ hữu ích trong “tay nải” của mình. Luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường thực hành để tin vui của Chúa được hiện diện ở mọi ngõ ngách còn “khiếm khuyết” của lòng người, dòng đời, trên mọi phương diện về vật chất, tinh thần. Chúa sẽ hiện diện qua mỗi lời nói, việc làm bác ái của mỗi thành viên trong Ủy ban bác ái xã hội - Caritas Việt Nam.

    Maria Lê Xuyến

    Xem hình ảnh

    Most viewed news

    Related posts