Chuyến đi thực tế của ban Phong tại một số làng Phong Gia Lai

  • Wednesday, 10:10 Date 31/10/2012
  • 24-29/02/2012

    Ngày 25/02/02012

    Sau hơn 12 giờ ngồi trên xe, cuối cùng, 8 giờ 10 phút sáng ngày 25/02/2012, đoàn cũng đến được nơi cần đến – nhà thờ Thăng Thiên, số 2 Quang Trung, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai.

    14 giờ, đoàn đến thăm nghĩa trang Đồng Nhi, một ngọn đồi thành phố dành riêng cho những người đã khuất. Theo lời những người quản trang, đã hơn 10 năm, hiện tại có trên 14.000 ngôi mộ của các thai nhi được an táng tại nghĩa trang này. Trung bình mỗi ngày có khoảng 3-5 thai nhi được đưa về đây. Sau vài phút thắp nhang, đọc kinh và trò chuyện với những người quản trang, đoàn tạm biệt những em bé chưa kịp nhìn thấy ánh mặt trời và cảm nhận hơi ấm từ vòng tay ôm ấp của mẹ cha để đến với những em còn may mắn hơn vì hy vọng sẽ được ấp ủ trong vòng tay ấm áp của mẹ, dù chỉ một vài ngày.

    15 giờ, cánh cổng của cộng đoàn Đồng Tâm (MTG Quy Nhơn) được mở, xe tiến vào trong, nhà vắng lặng. Cộng đoàn có 3 sơ chuyên lo phục vụ bệnh nhân. Tại đây có 4 bà mẹ đơn hành chuẩn bị sinh con và một em bé mới sinh được 2 tuần tuổi. Trong ngày, những chị em này phụ các sơ nấu cơm cho người nhà của các bệnh nhân đang nằm viện tại Bệnh viện Đa Khoa Pleiku gần đó. Ngoài việc nấu cơm cho thân nhân bệnh nhân, các chị em ở đây chưa được đào tạo nghề cụ thể để sau này tự lo cuộc sống.

    15 giờ 40, rời cộng đoàn Đồng Tâm, đoàn đến thăm tu viện Phaolô (44 Lê Thánh Tôn, TP.Pleiku), nơi có khu nội trú cho học sinh dân tộc - trong đó có 50 học sinh con của bệnh nhân phong (BNP). Theo nguyên tắc, các sơ phụ trách không được phép tiết lộ con của người phong. Các em này sống chung và bình đẳng như các em khác. Tuy nhiên, các em được quan tâm hơn với những thực phẩm dễ gây dị ứng ngứa vì phần nào trong cơ thể của các em cũng có máu phong.

    Học phí của các em tuỳ thuộc vào gia đình có khả năng phụ giúp bao nhiêu, nhưng hầu như gia đình các em đóng góp rất ít vì công việc nương rẫy không đem lại dư giả cho gia đình. Nguồn kinh phí để duy trì nhà nội trú phụ thuộc vào sự chung tay đóng góp của nhiều người trong xã hội.

    17 giờ 30, đoàn cùng cha Giám đốc Caritas Kontum đến dâng lễ tại làng người kinh đồng hương Hà Tĩnh, giáo điểm Vinh Sơn, cách nhà thờ Thăng Thiên khoảng 40 km. Cha GĐ Caritas Kontum - Tổng Đại diện Gp. Kontum - đến dâng thánh lễ nhằm mục đích mời gọi giáo xứ tham gia và đóng góp quỹ Caritas (mỗi người 1.000 đồng). Với tư cách là Tổng Đại diện, cha nhắc nhở giáo xứ phải giúp đỡ cha xứ và các nữ tu phục vụ tại xứ - không phải chỉ về tinh thần mà còn vật chất nữa; đặc biệt vấn đề rượu chè của nam giới trong xứ được cha yêu cầu phải chấn chỉnh.Sau thánh lễ cùng ở lại ăn tối với cha phụ trách giáo điểm và ban hành giáo. 20 giờ 40 ra về. 21 giờ 10 về đến nhà. Gặp và trò chuyện với cha Giám đốc Caritas Kontum khoảng 30 phút. 21 giờ 40 ngủ đêm.

    --o0o--

    Ngày 26/02/2012

    Chương trình thăm viếng BNP ngày 26/02/2012 là Làng Tang và làng Ta cùng với BS Nguyễn Ngọc Trọng, thầy Phục - dòng Phanxicô - phụ trách hai làng và chú Long (tài xế).Cha Giám đốc Caritas Kontum cho đoàn 4 thùng mì gói (100 gói/thùng) và 1 thùng bánh sữa Ba Vì (mỗi gia đình 10 gói mì và 2 hộp bánh sữa). 8 giờ 10 khởi hành từ Nhà thờ Thăng, đoàn tiến về hướng Tây Bắc tỉnh Gia Lai, gần biên giới Campuchia để đến với những BNP dân tộc Gia Rai.

    1. Làng Tang và làng Ta (huyện Ia Grai)

    1.1. Làng Tang

    + Có 30 BNP (30 hộ), dân tộc Gia Rai, theo đạo Tin Lành. Những bệnh nhân (BN) ở đây đã lớn tuổi và bị di chứng nặng (rụng các ngón tay và ngón chân). Người lành và người bệnh sống chung trong làng. Làng có nhiều trẻ em. Người dân sống bằng nghề làm rẫy: trồng điều.

    + Có 1 hệ thống nước sạch chung cho cả làng sử dụng (sâu 130m, chi phí # 100 triệu).

    + Mỗi nhà được làm đường ximăng từ nhà ra ngỏ.

    + Đang thí điểm làm kinh tế gia đình: nuôi heo, gà và trồng rau để cải thiện bữa ăn. Mỗi gia đình được hỗ trợ 1 con heo mọi (F1), chuồng và cám (tương đương 5 triệu đồng/hộ). Người dân tự tìm rau cho heo. Nuôi khoảng 3 tháng xuất chuồng; tiền lời đưa cho BNP, vốn mua tiếp heo mới. 

    Trước đây có hỗ trợ nuôi bò nhưng do thời gian nuôi bò khá lâu không có thu nhập --> đói -->  bán hoặc làm thịt bò ăn!

    Thấp thoáng phía dưới trũng của mảnh đất trong một gia đình là vườn rau, đất hãy còn mới, những cây rau con đang bén rễ mang đầy sức sống, hy vọng phủ kín mảnh vườn một màu xanh tươi tốt để giúp người dân cải thiện bữa ăn.

    + Bà M’hor, 60 tuổi, sống một mình, Bà M’Hor, sống một mình, tay trái của bà đã bị rụng hết 3 ngón,.bàn tay phải đã bị rụng ngón, hai bàn chân cũng dị dạng. Để thái chuối cho heo, bà dùng sợi dây buộc dao vào tay trái và thái chuối rất thuần thục. Bà nuôi heo được hai tuần. Từ khi nuôi heo, tâm trạng bà rất vui vì có việc làm và cảm thấy mình còn có ích. Bà xin người phụ trách cho bà thêm 1 con heo nữa vì bà rất thích nuôi chúng.                                                                          1.2. Làng Ta

    - Những người cùi bị đẩy ra khỏi làng và đến sống tập trung, lập nên làng Ta (Ta nghĩa là bệnh). Làng có 28 BNP (13 hộ) dân tộc Jrai, theo đạo Tin Lành.

    - Những BN ở đây đã lớn tuổi và bị di chứng nặng. Người dân sống nhờ vào cây điều; vào mùa điều đi lượm hạt điều thuê cho người Kinh.

    - Cũng là làng đang thí điểm làm kinh tế gia đình như làng Tang.Làng Tang cách làng Ta khoảng 17 km. Từ Nhà thờ Thăng Thiên đến làng Tang và Ta, cả đi và về khoảng 150 km.

    Làng Tang và làng Ta được thầy Phục và BS Trọng thường xuyên đến thăm, chăm sóc sức khoẻ và hỗ trợ lương thực nên đời sống và bệnh tình của BN tương đối ổn định hơn các làng khác. Đặc biệt, tại hai làng có mô hình làm kinh tế gia đình (chăn nuôi heo, gà, trồng rau) - chương trình này do em của cha Giám đốc Caritas Kontum ở Mỹ hỗ trợ.

    Ngoài việc chăm sóc vết thương, hỗ trợ kinh tế, người phụ trách còn quan tâm chú trọng đến đạo lý, hướng dẫn cách sống, nhân bản cho dân làng, đặc biệt là đối với trẻ em. Vì thế, người dân ở đây khi nhận được vật phẩm từ người phụ trách hay khách đều nói được lời cám ơn, trẻ em tuy mặt mày lấm lem nhưng ngoan ngoãn và lễ phép.

    Hơn 12 giờ trưa, chiếc xe băng mình trên đỉnh phía Tây của dãy Trường Sơn, để lại sau lưng những BNP tuy bị di chứng nặng nhưng nụ cười vẫn không tàn vì dần dần cuộc sống của họ từng bước được cải thiện, dù đó là những bước đi rất nhỏ và rất khẽ.

    ---o0o---

    (Còn tiếp)

    Most viewed news

    Related posts