Bài 5c: Thông điệp Laudato Si’ - Chương V: Đường hướng tiếp cận và hành động (tt) (163-201)

  • Wednesday, 10:10 Date 06/12/2017
  • Thông điệp Laudato Si’

    Chương V: Đường hướng tiếp cận và hành động (tt) (163-201)

     

    IV. Chính trị và kinh tế trong cuộc đối thoại vì sự hoàn thiện con người (189-198)

         

    Ngay ở số đầu tiên của mục này (189) Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định: Ngày nay, với quan điểm công ích, cần phải có các chính sách và nền kinh tế thích hợp để bước vào cuộc đối thoại thẳng thắn nhằm phục vụ cho sự sống, đặc biệt là sự sống con người.

         

    Trong thực tế, sản xuất một số mặt hàng quá nhiều, không phải lúc nào cũng hợp lý, điều đó có thể tác động đến môi trường và kinh tế khu vực. Vì thế, kiểm soát nhịp sản xuất và tiêu thụ để bảo vệ môi trường là cần thiết, không phải như một số người cho rằng như thế là "ngăn chặn sự tiến bộ và sự phát triển của con người" (số 191). Một cách nào đó, việc làm chậm lại nhịp sản xuất và tiêu thụ có thể xảy ra những hình thức tiến bộ và phát triển mới.

         

    Đức Giáo hoàng cho rằng, thật bất ổn khi có những người liên tục tiêu thụ và phá hủy, trong khi những người khác lại không sống phù hợp với nhân phẩm của họ. Đó là lý do vì sao phải chấp nhận một sự phát triển chậm lại ở một số nơi trên thế giới, để cung cấp nguồn lực cho những nơi khác được tăng trưởng lành mạnh.

         

    Vì những mô hình tiến bộ mới xuất hiện, chúng ta phải thay đổi “các mô hình phát triển toàn cầu”, điều đó đòi buộc phải suy nghĩ một cách có trách nhiệm về “ý nghĩa của nền kinh tế và các mục tiêu của nó, để sửa sai những lạm dụng và mất cân bằng của nó”. Nhưng chú ý rằng, cân bằng giữa việc bảo vệ thiên nhiên với việc thu lợi tài chính, hoặc giữa việc bảo tồn môi trường với sự tiến bộ thì không đủ vì sự tiến bộ được hiểu với khái niệm mới là "để lại cho tương lai một thế giới tốt đẹp và chất lượng sống toàn diện hơn".  

         

    Đức Giáo hoàng phê phán: "Nguyên tắc tối đa hóa lợi nhuận", thường được tách ra khỏi những suy xét khác, phản ánh một khái niệm sai lầm về kinh tế. Chỉ lo gia tăng sản xuất, không quan tâm đến nguồn tài nguyên tương lai hay sự lành mạnh của môi trường, … trong khi các doanh nghiệp đạt được lợi nhuận cao nhưng chi trả rất ít chi phí. Vì thế, ngài đề nghị: "cái giá" phải trả về kinh tế và xã hội từ việc sử dụng tài nguyên tự nhiên chung cần được đưa ra minh bạch và những người hưởng lợi phải gánh chịu, chứ không phải những người khác hay các thế hệ tương lai.

         

    Nguyên tắc bổ trợ cho phép mọi cấp xã hội phát triển các khả năng mình đang có, nhưng đồng thời đòi buộc người nắm giữ quyền hành nhiều trách nhiệm hơn, phải bảo đảm công ích. Chúng ta cần một nền chính trị có tầm nhìn xa, có cách tiếp cận mới, toàn diện và liên ngành để giải quyết các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng môi trường. Nhưng, thường thì chính trị tự đánh mất vai trò của mình, vì lý do tham nhũng hay vì thiếu chính sách công cộng tốt đẹp.

         

    Trong một khu vực cụ thể mà Nhà nước không thực thi các trách nhiệm của mình, thì có thể xuất hiện một số nhóm kinh doanh hoạt động dưới chiêu bài của những người thụ hưởng để nắm quyền lực, và tự coi chính họ được miễn trừ một số điều luật nhất định, đến mức dung túng các hình thức tội phạm có tổ chức khác nhau, như buôn người, buôn bán ma túy và thực hành bạo lực, …, tất cả đều rất khó tiêu diệt.

         

    Cuối mục này, Đức Giáo hoàng nói, chính trị và kinh tế thường có xu hướng đổ lỗi cho nhau khi nói đến tình trạng nghèo nàn và sự suy thoái môi trường. Nhưng Ngài hy vọng là cả hai bên sẽ nhận ra được các sai sót của họ và tìm kiếm những hình thức cộng tác với nhau, nhắm đến công ích.

    V. Các tôn giáo đối thoại với khoa học (199-201).

         

    Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định: "Khoa học thực nghiệm không thể giải thích đầy đủ về sự sống, sự tương tác của mọi loài thụ tạo và toàn bộ thực tại vì điều này vượt quá giới hạn của chính phương pháp khoa học." và ngài nói tiếp: "Bất kỳ một giải pháp kỹ thuật nào mà khoa học tuyên bố mang lại sẽ trở nên bất lực trong việc giải quyết các vấn đề nghiêm trọng của thế giới nếu nhân loại mất định hướng, nếu chúng ta mất động lực để sống hài hòa, hy sinh và đối xử tốt với người khác, …"   

         

    Đa số những người đang sống trên hành tinh tự nhận mình là những người có niềm tin, họ luôn cảm thấy bị thách đố sống phù hợp với niềm tin của họ và không làm gì trái ngược với niềm tin ấy. Điều đó, thúc đẩy các tôn giáo đối thoại với nhau hướng tới việc chăm sóc thiên nhiên, bảo vệ người nghèo và xây dựng mạng lưới của sự tôn trọng và tình huynh đệ.

         

    Cũng vậy, việc đối thoại giữa các ngành khoa học là rất cần thiết, vì mỗi ngành có thể có khuynh hướng đóng lại trong giới hạn của ngành mình, việc chuyên môn hóa lại dẫn đến một sự cô lập nhất định, và tuyệt đối hóa sự hiểu biết của mình. Điều này ngăn cản chúng ta đối diện cách hữu hiệu với những vấn đề môi trường.

         

    Tóm kết chương V:

         

    Đức Giáo hoàng Phanxicô cho rằng: “Đối thoại và hành động" với "sự can thiệp của mỗi người chúng ta, cũng như của nền chính trị quốc tế, quốc gia, khu vực” (15) là phương thế “giúp chúng ta ra khỏi cái vòng luẩn quẩn tự sát mà chúng ta đang phải đương đầu” (163).

         

    Giáo Hội không chủ trương giải quyết các vấn đề khoa học, cũng không thay thế chính trị, nhưng mời gọi (mỗi bên) thảo luận chân thành và thẳng thắn, để những nhu cầu đặc thù hoặc các ý thức hệ không làm thương tổn công ích(188).

         

    Với tinh thần đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô khuyến khích các cuộc đối thoại về môi trường trong các cộng đồng: “Chính trị và kinh tế; Tôn giáo và khoa học, vì lợi ích của con người”; và nhắc nhớ mọi người rằng: "Tiến bước trên con đường đối thoại, đòi hỏi sự kiên nhẫn, kỷ luật và lòng quảng đại, và luôn luôn ghi nhớ câu: “Thực tại lớn hơn ý tưởng” ” (201).

    Tôma Hoàng Kim Khánh

    Nguồn tham khảo: Thông điệp Laudato Si’

    - Bản dịch Laudato Si'của Ủy ban Bác ái Xã hội - Caritas Việt Nam.

    - Bản dịch Laudato Si' của Linh mục Gioakim Lê Thanh Hoàng, Giáo phận Huế.

     

    Most viewed news

    Related posts