CÔNG ĐIỆN KHẨN: Ngăn chặn dịch cúm gia cầm Trung Quốc vào Việt Nam

  • Wednesday, 10:10 Date 07/02/2018
  • Chủng vi rút cúm A (H7N9) tại Trung Quốc đã biến đổi độc lực cao. (Ảnh tổng hợp)

    Lo ngại dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc có thể lây lan sang Việt Nam vào dịp cận Tết Nguyên đán 2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa ra công điện khẩn yêu cầu các địa phương cùng các bộ, ngành tăng cường các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm, ngăn chặn virus cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm nguy hiểm khác xâm nhiễm vào nước ta.

    Virus cúm A/H7N9 có thể lây truyền từ người sang người. (Ảnh: News)

    Theo công điện khẩn của Bộ NN-PTNT, Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) thông báo, ngày 12/01/2018, Trung Quốc tiếp tục ghi nhận 01 trường hợp người bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9 tại Tân Cương, nâng tổng số người bị nhiễm vi rút cúm A/H7N9 lên 1.624 người, trong đó có 621 ca tử vong.

    Tổ chức Nông nghiệp – Lương thực của Liên Hiệp Quốc (FAO) cũng thông báo, kết quả giám sát trong tháng 01/2018 do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công bố: Có 36 mẫu gia cầm và môi trường dương tính với virút Cúm gia cầm A/H7N9; chính quyền nhiều tỉnh của Trung Quốc đã áp dụng biện pháp đóng cửa chợ gia cầm sống từ 02-03 tuần để hạn chế virút lây lan.

    Tại nước ta, virút cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 vẫn tồn tại và lưu hành trên đàn gia cầm và trong môi trường (năm 2017 có khoảng 1,75% mẫu xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1 và 0,91% mẫu dương tính với cúm A/H5N6).

    Trong giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán, điều kiện thời tiết giá lạnh, độ ẩm cao, các hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm tăng cao; do vậy nguy cơ tiếp tục xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm trong nước và khả năng virút cúm A/H7N9 cũng như các chủng virút cúm độc lực cao khác xâm nhiễm vào trong nước là rất cao, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

    Một trường hợp ghi nhận nhiễm cúm A(H7N9) tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Chinadaily)

    Nhằm hạn chế các ổ dịch cúm gia cầm phát sinh, ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhiễm vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác vào Việt Nam, làm lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị lãnh đạo các địa phương, đặc biệt là các tỉnh biên giới và lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch cúm gia cầm, ngăn ngừa virút cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

    Theo đó, nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.

    Chỉ đạo chính quyền cơ sở, các lực lượng chức năng của địa phương, đặc biệt là Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra giao thông, Y tế phối hợp với lực lượng Thú y tổ chức giám sát chặt chẽ tại các thôn, bản, các khu vực tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.

    Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong từng cộng đồng về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, các dấu hiệu nhận biết gia cầm nghi mắc bệnh cúm; đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm một cách có hiệu quả; Khẩn trương rà soát, quy hoạch cụ thể khu vực buôn bán, giết mổ gia cầm tại các chợ có bán gia cầm sống; tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực bán gia cầm sau mỗi buổi chợ; xây dựng phương án đóng cửa chợ gia cầm và các biện pháp xử lý khi phát hiện có vi rút cúm A/H7N9 tại chợ.

    Cục Thú y tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc lực lượng thú y tại các địa phương, khu vực biên giới phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thú y Trung ương tăng cường kiểm soát các hoạt động vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới…

    Đa số các ca bệnh cúm A/H7N9 được phát hiện đều có tiếp xúc gần với các loại gia cầm bị nhiễm virus cúm A/H7N9. (Ảnh minh họa)

    Một số triệu chứng ở người nghi ngờ mắc bệnh cúm A/H7N9:

    • Sốt cao 39 – 40 độ C.
    • Đau mỏi các khớp xương, nhức đầu, buồn nôn, nôn.
    •  Một số bệnh nhân có biểu hiện viêm long đường hô hấp trên như sổ mũi, hắt hơi, đau họng…
    • Ho, tức ngực, khó thở tăng dần.
    • Các triệu chứng suy hô hấp: tím môi, đầu chi, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp.
    • Các biểu hiện nặng, nguy kịch bao gồm: thiểu niệu hoặc vô niệu, phù, suy tim, đông máu nội quản rải rác, suy gan nặng, hôn mê…
    • Chụp X-quang phổi thấy có hình ảnh tổn thương giống như do cúm A/H5N1: các đám mờ không đồng đều, lúc đầu thường xuất hiện ở một thùy phổi sau lan ra khắp 2 phổi nếu không được điều trị kịp thời. Mức độ tổn thương phổi trên phim X-quang cũng tương ứng với độ nặng, nhẹ của bệnh nhân trên lâm sàng.

    Để chủ động phòng chống bệnh cúm H7N9 ở người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

    • Thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
    • Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo an toàn thực phẩm.
    • Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
    • Người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.
    • Khi có các biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

    Mạnh Tiến

    DKN.TV

    Most viewed news