GIỚI THIỆU 

Khi trái đất nóng lên ở mức báo động, khi tháng 7 năm 2023 được xác nhận là tháng 7 nóng nhất lịch sử, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã tuyên bố rằng “kỷ nguyên sôi sục toàn cầu đã đến”. Đáng buồn thay, điều này lại không có gì gây ngạc nhiên với những người trong chúng ta, những người đã vận động và nâng cao nhận thức về tình trạng khẩn cấp về khí hậu trong nhiều năm. Bất chấp sự nhận biết của nhân loại về khủng hoảng khí hậu cũng như những gì chúng ta nên làm, dường như điều chúng ta đang thiếu là ý chí chính trị để thay đổi. Hay đúng hơn là động lực. 

Việc chúng ta thiếu động lực để hành động đối với các vấn đề nghiêm trọng mà tất cả chúng ta quan tâm không chỉ giới hạn ở cuộc khủng hoảng khí hậu. Chúng ta cũng thấy thiếu động lực và ý chí chính trị để giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu như bất bình đẳng xã hội, nghèo đói cùng cực, suy thoái môi trường, ô nhiễm và tuyệt chủng, và nhiều vấn đề khác nữa.
Thay vì xem tất cả các vấn đề toàn cầu phức tạp này một cách biệt lập hoặc như những vấn đề riêng biệt cần được giải quyết và được giải quyết một cách riêng lẻ, đức tin Công giáo dạy chúng ta nhìn các vấn đề đó qua lăng kính sinh thái toàn diện, nơi chúng ta tiếp cận và xử lý tất cả những cuộc khủng hoảng này như là sự nối kết chặt chẽ với nhau, mà tất cả những cuộc khủng hoảng này cùng tạo ra một cuộc khủng hoảng duy nhất mà chúng ta gọi là cuộc khủng hoảng sinh thái.

Khi nhìn qua lăng kính này, chúng ta có thể bắt đầu thấy tất cả các khía cạnh của cuộc khủng hoảng phức tạp và có mối liên kết sâu sắc này thực sự là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn nhiều, đó là một cuộc khủng hoảng về tâm linh - một cuộc khủng hoảng về trái tim. Điều này được thể hiện như mối tương quan đổ vỡ giữa Thiên Chúa, giữa những người lân cận trên toàn cầu của chúng ta và với mọi loài thụ tạo.

Mối tương quan rạn nứt này chắc chắn làm nên từng yếu tố của cuộc khủng hoảng sinh thái, trong đó cảm thức xa lánh nhau của chúng ta dẫn đến nghèo đói và bất bình đẳng xã hội, cảm thức tách biệt khỏi thế giới tự nhiên của chúng ta dẫn đến suy thoái môi trường, và mối tương quan đổ vỡ giữa chúng ta với Chúa và chính bản thân chúng ta dẫn đến cảm thức đã mất của chúng ta về mục đích và ơn gọi của chúng ta hưng tới tình yêu huynh đệ.
Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta,

“Trong thế giới hôm nay, cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất đang dần nhạt phai, và ước mơ làm việc với nhau vì công lý và hòa bình dường như là một điều viển vông lỗi thời.” Fratelli Tutti, 30

Tại Caritas, chúng tôi tin rằng không phải là ngây thơ khi mơ về một thế giới cùng nhau trong một thế giới như một gia đình hiệp nhất. Đó là lý do tại sao chúng tôi làm việc chăm chỉ để vượt qua văn hóa thờ ơ bằng văn hóa quan tâm.

Khi những mối liên kết mỏng manh gắn kết chúng ta lại với nhau đang dần bị đứt và rách, công việc của chúng ta đơn giản là khôi phục, hàn gắn và gắn kết những mối tương quan xã hội đã bị rạn nứt.

“Ba Ngôi Thiên Chúa dạy chúng ta rằng một người không bao giờ trở thành nếu thiếu người kia. Chúng ta không phải là những hòn đảo, chúng ta ở trong thế giới để sống theo hình ảnh của Thiên Chúa đó là: mở ra, cần đến người khác và cần giúp đỡ người khác.” (Đức Thánh Cha Phanxicô).

Điều này có nghĩa là vượt qua ảo tưởng rằng chúng ta tách biệt và độc lập với nhau, và rằng chúng ta có thể tự mình mang lại sự thay đổi tích cực cho thế giới.

Đó là lý do tại sao chiến dịch toàn cầu của Caritas Quốc tế Together We, không chỉ là lời mời gọi hành động, mà còn là lời mời gọi hoán cải nội tâm và thay đổi xã hội. Đó là lời kêu gọi khôi phục lại tương quan đã bị đổ vỡ giữa chính chúng ta, với nhau và với thế giới tự nhiên xung quanh chúng ta. Đây là chiến dịch nhắc nhở chúng ta rằng không ai là một hòn đảo, rằng chúng ta đều phụ thuộc vào nhau và vào hệ thống sinh thái tươi đẹp do Thiên Chúa tạo dựng nhằm duy trì mọi sự sống.

Bằng cách xây dựng cộng đồng, bằng cách tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ, bằng cách làm việc hướng tới thiện  ích chung, không chỉ chúng ta phát triển mà cả gia đình nhân loại của chúng ta và cả trái đất. Đây là bản chất của hệ sinh thái toàn diện, vì mọi thứ đều được kết nối với nhau.

 Đó là bởi vì chúng ta thuộc về nhau.

Gói chiến dịch chúng ta cùng nhau hành động 

(file đầy đủ gói chiến dịch)

SUY TƯ MỤC VỤ

Khi chúng ta cùng nhau chăm sóc con người và hành tinh của chúng ta trong Năm Hành Động trên Toàn Cầu, chúng ta chiêm ngiệm những lời này của Chúa Giêsu:
Thầy bảo anh em, ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái.
Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng.
Thật vậy, câu tục ngữ ‘kẻ này gieo, người kia gặt’ quả là đúng.
Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả; còn anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ.
(Ga 4:35-38)
Qua dụ ngôn này, mỗi người chúng ta có thể thấy được chúng ta có sự liên hệ chặt chẽ  với nhau và với mảnh đất nơi chúng ta sống và làm việc như thế nào. 
“Kẻ này gieo, người kia gặt” nhưng cả người gieo và người thợ gặt cùng kiên nhẫn chờ đợi đến mùa gặt để chia sẻ “thành quả lao động của mình”.
Bạn có thể tưởng tượng được niềm trông đợi đầy hy vọng của những người lao động đang cùng nhau làm việc để thu hoạch được một vụ mùa bội thu
đúng với nhu cầu của họ và của gia đình họ không? Bạn có thể tưởng tượng được nỗi lo lắng của họ khi có dấu hiệu thời tiết xấu xuất hiện ở phía chân trời không? Hay nỗi sợ hãi của họ khi nhìn thấy cỏ dại, sâu bệnh và dã thú có thể phá hoại mọi công việc của họ và đe dọa đến chất lượng cũng như năng suất cây trồng của họ? Bạn có thể tưởng tượng được sự nhẹ nhõm và vui mừng của họ khi nhìn thấy những bông lúa đầu tiên và mùa màng bội thu vào mùa thu hoạch không?
Chúa Giêsu nói: “Ta đến để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10)
Ngài muốn mọi người chia sẻ sự sống dồi dào với người khác “để người gieo và người gặt cùng nhau vui mừng.”
Mọi người đều được mời gọi sống một cuộc sống dồi dào sẻ chia! Cùng với người già và người trẻ, người nam và người nữ, chúng ta chia sẻ công việc, những kỳ vọng, những lo lắng, vui mừng và hy vọng trong việc chăm sóc trái đất, từ đó, chúng ta được trái đất nuôi dưỡng và làm cho triển nở. Mặc dù chúng ta trải nghiệm sự mong manh của chính mình cũng như của môi trường, chúng ta cảm nhận được rằng chúng ta không bị cô lập. Chúng ta nhận ra rằng, ngay cả trong những lúc trông gai và bấp bênh, chúng ta không đơn độc khi đối mặt với những thách thức của thế giới.
Thánh Phaolô mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm về sự gắn kết giữa chúng ta với nhua khi ngài nói với cộng đoàn Côrintô: 
“Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một” (1 Cr 12:19-20)
Rõ hơn, thánh Phaolô khuyến khích các tín hữu Côrintô hãy xem 
“Các bộ phận đều lo lắng cho nhau.” (1 Cr 12:25)
Và 
Quả thực, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại cần thiết nhất. 
Hãy để những lời thách thức này của Thánh Phaolô cũng thấm nhập vào tâm trí và tâm hồn chúng ta!
Chúng ta cầu nguyện để cho mình  biết nhìn thế giới bằng con mắt mới, nơi chúng ta nhìn thấy mối liên kết sâu sắc của chúng ta với tất cả các dân tộc, với công trình sáng tạo của thế giới. Và trong cái nhìn đó, tâm hồn chúng ta được đánh động để hành động, để chúng ta cùng nhua chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. 
 "Không ai là vô dụng và không ai là không quan trọng." (ĐTC Phanxicô - Fratelli Tutti)

Lời Kinh 

LỜI  MỜI HÀNH ĐỘNG

CÂY SỰ SỐNG
Trong tinh thần văn hóa gặp gỡ, chúng tôi mời gọi các cộng  đồng từ khắp nơi trên thế giới thực hiện với chiến dịch Cây Sự sống. Đơn giản chỉ cần gởi một thông điệp tới các nhà lãnh đạo và những người ra quyết định về cách chúng ta có thể cùng họ chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, bằng ngôn ngữ và tinh thần hợp tác huynh đệ.

Trọng tâm của khủng hoảng sinh thái nằm ở tương quan đổ vỡ được thể hiện khi tương quan rạn nứt giữa Thiên Chúa, những người thân cận trên toàn cầu và mọi thụ tạo. Cái “Tôi” cô lập và độc lập này thực tế chỉ là ảo tưởng. Chúng ta tồn tại trong cộng đồng, chúng ta phụ thuộc lẫn nhau, và chúng ta cần có nhau nếu chúng ta muốn mang lại sự thay đổi tích cực cho thế giới. 

Khi mối tương quan ràng buộc mỏng dòn của cộng đồng bị kéo căng và rạn nứt, ĐTC Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng “không ai là một hòn đảo, tự trị và độc lập với người khác”. Như câu nói của người Nam Phi “Tôi hiện hữu vì chúng ta hiện hữu”. Đây là triết lý của Ubuntu, nghĩa là chúng ta không thể tách rời khỏi cộng đồng đã tạo nên con người chúng ta và chính những cộng đồng đã duy trì chúng ta. 

Chúng ta đã thay thế triết lý phong phú này bằng “Tôi tư duy thê nên tôi tồn tại”, nơi chúng tôi thấy chính mình bị cô lập, là kết quả tư duy của chính chúng ta, độc lập với người khác. Hệ quả của điều này tính cộng đồng dần bị suy yếu, cảm giác xa lạ và niềm tin lừa dối rằng hành động của chúng ta không ảnh hưởng đến phúc lợi của người khác và hành tinh của chúng ta. Chính nền văn hóa xa lánh này đã dẫn đến sự thờ ơ, và chính vì nền văn hóa này mà chúng ta tìm cách vượt qua thông qua chiến dịch này.

Thực hiện chiến dịch cây sự sống

Cho dù chúng ta đang tìm cách xóa đói nghèo, ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu, hay hướng tới bất kỳ khía cạnh nòa khác trong việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, hành động chiến dịch của chúng ta được hoạch định để hỗ trợ bạn trong hoạt động của bạn và tạo ra thông điệp mạnh mẽ về sự thay đổi. 
Hành động của chiến dịch Cây Sự Sống là một hoạt động thuần khiết diễn tả giáo huấn đức tin Công giáo. Hành dộng này có thể được triển khai tại các các giáo xứ, nhóm cộng đồng, trường học cũng như trực tuyến. Đơn giản chỉ cần dùng một trong những chiếc lá để viết thông điệp gởi tới các nhà lãnh đạo và những người ra quyết định trên khắp thế giới, nêu rõ những gì cần thay đổi nếu chúng ta muốn cùng nhau chăm sóc cho ngôi nhà chung của mình.

Để tạo động lực và ý chí chính trị cho sự thay đổi, chúng ta sẽ tìm cách thực hiện mọi khía cạnh của chiến dịch này thông qua tinh thần hợp tác huynh đệ – nơi chúng ta đối xử với mọi người như anh chị em của mình.

Điều này có nghĩa là các thông điệp mà chúng ta tạo ra sẽ được viết theo cách mà chúng ta đối xử với người lãnh đạo hoặc người ra quyết định giống như cách chúng ta đối xử với một thành viên thân thiết trong gia đình. Nói cách khác, văn hóa và giá trị mà chúng ta muốn thấy trong thế giới của mình sẽ là văn hóa và giá trị mà chúng ta thể hiện trong hành động chiến dịch này.

Điều này nhằm chiến thắng nền văn hóa thờ ơ, hoài nghi và xa lánh mà ngày nay chúng ta thường thấy. Thật khó để tạo ra sự thay đổi tích cực trong thế giới của chúng ta trong văn hóa này, nơi chúng ta đối xử với nhau bằng sự nghi ngờ lẫn nhau. Hành động chiến dịch của chúng ta được đưa ra có chủ ý để cảm nhận được sự khác biệt và tìm cách đóng góp theo một cách nhỏ bé nào đó để khôi phục lại mối liên kết của tình huynh đệ nhẵm xây dựng sự thay đổi tích cực trong thế giới của chúng ta.

Sự thay đổi văn hóa này phải bắt đầu từ chúng ta và trong cộng đồng mà chúng ta thuộc về. Trong khi có nhiều điều để phàn nàn và chỉ trích trong thế giới của chúng ta, việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta cũng là chăm sóc cho gia đình toàn cầu của chúng ta, trong đó bao gồm các nhà lãnh đạo và những người ra quyết định mà chúng ta đang tìm cách tham gia. Bây giờ là lúc để xây dựng, không phải để phá bỏ, để khôi phục và chữa lành, không phải để chỉ trích và phàn nàn.

Tóm tắt hành động chiến dịch 
Xác định điều bạn yêu mến về Ngôi Nhà Chung của chúng ta
•    Viết ra những gì bạn yêu mến về Ngôi Nhà Chung của chúng ta đang bị ảnh hưởng như thế nào bởi sự suy thoái môi trường và xã hội
•    Gửi thông điệp của bạn tới các nhà lãnh đạo, những người đưa ra quyết định hoặc cộng đồng của bạn nêu rõ những gì có thể cùng nhau thay đổi. 
•    Ký vào tin nhắn của bạn với tên và quốc gia của bạn. Bạn có thể tham gia trực tuyến tại  
•    togetherwebelong.caritas.org
hoặc bạn có thể download các nguồn thêm  download additional resources
để điều hành trong cộng đồng của bạn
Hoặc bạn có thể liên hệ với chúng tôi tại campaigns@caritas.va

HOẠT ĐỘNG: CÂY SỰ SỐNG 
Cách viết thông điệp của bạn

Mục đích của chiến dịch này là quảng bá các giá trị và văn hóa đức tin của chúng ta, như được hướng dẫn bởi những lời dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Fratelli Tutti và Laudato Si’. Thay vì chỉ trích các nhà lãnh đạo và những người ra quyết định, chúng ta hãy hợp tác với họ trên tinh thần hợp tác huynh đệ.
Chúng tôi yêu cầu bạn viết một thông điệp tới các nhà lãnh đạo và những người ra quyết định về cách chúng ta có thể cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung của mình. Điều này có thể bao gồm bất kỳ khía cạnh nào của cuộc khủng hoảng sinh thái, bao gồm hành động ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu, nỗ lực khắc phục tình trạng bất bình đẳng xã hội và nghèo đói, giải quyết các mối quan tâm của cộng đồng địa phương như ô nhiễm hoặc bất công xã hội hoặc bất kỳ khía cạnh nào khác của việc hướng tới thiện ích chung.
Để những thông điệp này có sức mạnh, chúng phải đến từ góc độ cộng đồng. Thay vì nghĩ về ‘tôi’, hãy nghĩ về ‘chúng ta’. Hãy suy nghĩ về cộng đồng mà bạn là thành viên và tiếng nói của bạn thể hiện nhu cầu thực sự của cộng đồng như thế nào. Bằng cách này, thông điệp của bạn sẽ có tính xác thực hơn.
Ví dụ về điều này có thể là viết thư cho lãnh đạo địa phương về một dòng sông bị ô nhiễm đang gây hại cho cộng đồng của bạn hoặc viết thư cho một nhà lãnh đạo chính trị để giải quyết các vấn đề cộng đồng địa phương xung quanh việc giảm lượng dấu chân carbon của chúng ta hoặc viết thư cho người ra quyết định về cách chúng ta có thể giúp đỡ các cộng đồng phải di dời vì khí hậu.
Khi soạn thông điệp, bạn hãy nghĩ đến giọng điệu và phong cách. Chúng ta đang cố gắng vượt qua nền văn hóa thờ ơ và xa lánh. Thay vì phàn nàn, chỉ trích hoặc nói với người nhận thông điệp của bạn những gì bạn nghĩ họ nên làm, hãy nghĩ về cách bạn có thể giải quyết chúng trong tinh thần hợp tác huynh đệ.
Điều này có nghĩa là giải thích vấn đề mà bạn đang yêu cầu họ giải quyết và cách chúng ta có thể cùng nhau làm việc để mang lại sự thay đổi tích cực. Hãy suy nghĩ ít đối đầu hơn và hợp tác nhiều hơn.

Thực hiện hành động như thế nào
Có nhiều cách khác nhau để bạn có thể tham gia vào hành động chiến dịch này.

Sự tham gia của cộng đồng
•    Bạn có thể tạo màn hình cộng đồng bằng gói hiển thị Cây Sự sống (có sẵn trực tuyến). Đơn giản chỉ cần in ra và ghép lại với nhau Cây Sự sống để tạo ra một màn hình trực quan trong không gian chung của bạn. Điều này có thể được trưng bày ở đâu đó trong giáo xứ, trường học, văn phòng của bạn hoặc bất kỳ không gian cộng đồng nào khác. Hãy nghĩ đến việc trưng bày điều này ở nơi có thể thu hút càng nhiều người càng tốt.
•    Cắt những chiếc lá ra và để sẵn cho mọi người viết thông điệp của họ lên đó. Hoặc bạn có thể sử dụng mẫu của chúng tôi có trong gói này.
•    Dán những chiếc lá lên cây và để chúng ở đó cho người khác đọc tin nhắn.
•    Khi triển lãm của bạn hoàn tất, vui lòng chụp ảnh và chia sẻ với chúng tôi trên mạng xã hội bằng cách sử dụng hai thẻ sau: #TogetherWeBelong @iamCaritas

Tương tác trực tuyến
Hãy truy cập togetherwebelong.caritas.org để viết thông điệp của bạn trực tuyến. Hãy suy nghĩ về thông điệp cộng đồng mà bạn muốn viết và cách nó tuân theo phong cách viết như đã nêu ở trên.
Bạn được mời gọi chia sẻ thông điệp của mình với người lãnh đạo hoặc người ra quyết định mà bạn đang tìm cách giải quyết. Chúng tôi cũng sẽ chia sẻ thông điệp của bạn với những người khác trên khắp thế giới và chúng tôi khuyến khích bạn chia sẻ thông điệp của mình trên mạng xã hội.
Chúng ta cùng nhau thuộc về
Tất cả các thông điệp sẽ được đối chiếu và chia sẻ với những người khác trên khắp thế giới. Vào cuối chiến dịch, chúng tôi sẽ đối chiếu những thông điệp này và trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô để đại diện cho nhiều tiếng nói và cộng đồng đang nỗ lực hướng tới sự thay đổi tích cực trong thế giới của chúng ta.
Để tìm hiểu thêm hoặc để có cảm hứng về loại thông điệp cần viết, hãy truy cập trang web của chúng tôi togetherwebelong.caritas.org

TUẦN LỄ HÀNH ĐỘNG


Chúng tôi sẽ phát động Năm Hành động Toàn cầu trên toàn thế giới trong Tuần lễ Hành động Toàn cầu, mỗi ngày trong một tuần, từ ngày 23 – 29/10/2023.
Mỗi ngày sẽ có một chủ đề khác nhau, liên quan đến các mục tiêu của Diễn đàn Hành động Laudato Si’, bạn có thể tìm thấy tại laudatosiactionplatform.org
Mỗi ngày sẽ có một thông tin ngắn để lấy cảm hứng viết thông điệp về Cây Sự sống của trên togetherwebelong. caritas.org mà bạn có thể đăng lên mạng xã hội của mình.

THỨ HAI: Linh đạo sinh thái
Chúng ta cùng nhau kết nối
Để chăm sóc Ngôi Nhà Chung của chúng ta cần phải có một cuộc ‘hoán cải môi sinh’. Đó là nơi chúng ta khám phá ra Thiên Chúa trong mọi sự, và vượt qua những ảo tưởng về sự tách biệt và cô lập để tái khám phá mối tương quan sâu sắc mà chúng ta có với nhau và với công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

THỨ BA: Giáo dục sinh thái
Chúng ta cùng nhau học
Xây dựng sự thay đổi tích cực đòi hỏi một nền giáo dục sinh thái, giúp kết nối nhận thức với hành động sinh thái. Hiểu biết về cuộc khủng hoảng sinh thái là gì và cách ứng phó là một yêu cầu cần thiết nếu chúng ta ta muốn đạt được sự đồng thuận trong việc chăm sóc ngôi nhà chung.

NGÀY THỨ TƯ: Kinh tế sinh thái
Chúng ta cùng nhau đầu tư
Kinh tế sinh thái thừa nhận rằng nền kinh tế phải phục vụ nhu cầu chăm sóc ngôi nhà chung. Làm thế nào để tạo ra sản xuất và tiêu dùng bền vững, làm thế nào để chúng ta có thể tách mình ra khỏi mọi thứ gây tổn hại cho ngôi nhà chung, và làm thế nào để bảo vệ phẩm giá của người lao động?

THỨ NĂM: Khả năng phục hồi và trao quyền cho cộng đồng
Chúng ta cùng nhau thuộc về 
Làm thế nào để chúng ta dự tình một tiến trình hiệp hành về hành động có sự tham gia ở các cấp độ tham gia cộng đồng khác nhau? Tại sao ý thức thuộc về và cội nguồn của chúng ta lại quan trọng để phát triển linh đạo chăm sóc ngôi nhà chung?

THỨ SÁU: Lối sống bền vững 
Chúng ta cùng nhau quan tâm
Việc áp dụng một lối sống bền vững dựa trên ý tưởng về sự đầy đủ và thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên và năng lượng một cách khách quan. Làm thế nào chúng ta có thể giảm thiểu chất thải và tái chế? Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng thói quen ăn uống kiêng khem lâu dài, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi bộ và đạp xe nhiều hơn và tránh những đồ dùng sử dụng một lần?

THỨ BẢY: Đáp lại tiếng rên siết của người nghèo
Chúng ta cùng nhau chia sẻ
Làm thế nào chúng ta đáp lại tiếng kêu của người nghèo và liên đới với những người thiếu thốn? Làm thế nào để chúng ta hướng tới một thế giới trong đó nghèo đói không được coi là điều không thể tránh khỏi mà là sự phân phối bất công của cải và tài nguyên? Làm thế nào chúng ta có thể mang lại những thay đổi thực sự cho những người có nhu cầu?

CHÚA NHẬT: Đáp lại tiếng kêu của trái đất
Chúng ta cùng nhau chữa lành
Việc đáp lại tiếng kêu của trái đất là lời mời gọi bảo vệ ngôi nhà chung vì hạnh phúc của mọi người, khi chúng ta giải quyết một cách công bằng cuộc khủng hoảng khí hậu, tình trạng mất đa dạng sinh học và sự bền vững sinh thái. Làm thế nào chúng ta có thể đạt được mức độ trung hòa carbon, thúc đẩy các hoạt động bền vững và tiếp cận nước sạch cho tất cả mọi người?


NGUỒN BỔ SUNG

Có nhiều nguồn lực bổ sung để giúp bạn quảng bá và tương tác với chiến dịch Together We trong cộng đồng của bạn. Các nguồn lực được thiết kế để có khả năng thích ứng cao nhất có thể, nhờ đó bạn có thể sử dụng chúng phù hợp với bối cảnh của mình, cho dù bạn ở đâu trên thế giới.
Gói phương tiện truyền thông xã hội 
Để giúp các bạn phổ biến gói phương tiện truyền thông để các bạn tải về và sử dụng trong công việc của mình. Gói này bao gồm hình ảnh, biểu ngữ, logo và nhiều tài liệu để hỗ trợ bạn quảng bá chiến dịch Together We.
Áp phích
Chúng tôi có nhiều loại áp phích để giúp bạn quảng bá chiến dịch tại nơi làm việc, trường học, trường đại học hoặc ra ngoài trong cộng đồng của bạn. Chỉ cần tải xuống, điều chỉnh văn bản theo ngữ cảnh của bạn hoặc dịch nó sang ngôn ngữ bạn  lựa chọn của bạn và in ra. Chúng tôi đã làm cho những tính năng này có khả năng thích ứng cao nhất có thể để đảm bảo rằng chúng phù hợp với nhu cầu của bạn.
Cây sự sống
Chúng ta có thể tải xuống và in ra mẫu cây mà bạn có thể sử dụng như một phần của màn hình. Bạn có thể muốn vẽ hoặc sơn cái cây của riêng mình, hoặc thậm chí làm một cái cây mô hình bằng giấy bồi (papier mâché). Bạn muốn trưng bày cây sự sống này như thế nào là tùy thuộc vào bạn.
Tương tác trực tuyến
Bạn có thể tham gia vào hoạt động chiến dịchthông qua trang web. Bạn có thể viết thông điệp của mình, gửi đến người lãnh đạo hoặc người ra quyết định mà bạn muốn chia sẻ và chia sẻ nó trên các kênh truyền thông xã hội của mình. Hãy truy cập trang web của chúng tôi để tìm hiểu thêm.
Hoạt hình
Xem hoạt hình chiến dịch Together We Belong của chúng tôi và chia sẻ với những người khác để truyền bá thông điệp về tầm quan trọng của việc tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ và làm việc hướng tới sự hợp tác huynh đệ.
Chia sẻ phương tiện truyền thông xã hội
Chúng tôi rất muốn biết bạn làm gì để chúng tôi có thể chia sẻ
#TogeTheRWebelong @IAMCARITAS

Nguồn: Caritas Quốc tế

Chuyển ngữ: PTT - Caritas Việt Nam


 

 


Thúc đẩy các cộng đồng chăm sóc hệ sinh thái toàn diện và tình yêu phổ quát:
Một suy tư thần học và mục vụ cho Chiến dịch của Caritas Quốc tế về Laudato Si và Fratelli Tutti

1. Giới thiệu
Để thông điệp Laudato Si và Fratelli Tutti của ĐTC Phanxicô được tiếp nhận đòi buộc một sự tham gia kiên quyết của tất cả các tín hữu Công giáo và của những người nam, người nữ có lòng thiện chí hành động ngay và đóng góp công sức của mình vào để ứng phó với sự khủng hoảng sinh thái và xã hội đang là vấn đề nổi cộm trong thế giới mà chúng ta đang sống. 

Các Tổ chức Thành viên của Caritas Quốc tế đã quyết tâm bắt tay vào Chiến dịch toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi hành động, bao gồm ở cấp cộng đồng, để thiết lập được nhiều cộng đồng được chăm sóc nhất có thể, họ có thể có những hành động cụ thể tại nơi họ sinh sống và làm việc. Các cộng đồng chăm sóc này nên cam kết hành động trong sự hợp lực với những nhân tố khác trong Giáo hội, các tín hữu khác, xã hội dân sự và các đối tác khác cũng như các bên liên quan khác, để thúc đẩy một nền sinh thái toàn diện và tình huynh đệ phổ quát. 

Là những người nam và người nữ có đức tin, chúng ta biết rằng đức tin không có hành động là đức tin chết (Gc 2). Thiên Chúa chúng ta là Đấng Tạo dựng nên trời đất và mọi thụ tạo hiện hữu trên trời dưới đất. Mọi sự Chúa tạo ra đều tốt đẹp. Chúa đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Chúa và tin tưởng trao phó mọi thụ tạo của Chúa cho chúng ta chăm sóc, để chúng ta có trách nhiệm bảo vệ tương lai “ngôi nhà chung” của chúng ta. Ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta được kêu gọi để nghe “tiếng kêu cứu của trái đất và tiếng khóc của người nghèo” và đồng ý để được chạm vào nó để hiểu rõ hơn về tình cảnh của cộng đồng nhân loại chúng ta, qua đó biết chăm sóc, trao ban tình huynh đệ và niềm hy vọng, bắt đầu với những người đau khổ nhân danh Chúa, là Đấng tạo dựng, và bước theo chân Chúa Giê Su Kitô, là Người Anh và Đấng Cứu Độ chúng ta.

Hướng Dẫn Bắt Đầu Một Cộng Đồng Chăm Sóc

Thách thức trước mắt chúng ta là rất lớn và theo ĐTC Phanxicô, chúng ta phải tập hợp cả gia đình nhân loại lại với nhau để tìm kiếm một sự phát triển toàn diện và bền vững, vì chúng ta biết rằng mọi thứ có thể thay đổi (LS13). Chiến dịch này là một lời kêu gọi đào sâu sự “lắng nghe” của chúng ta, có nghĩa là chúng ta phải nhạy bén, sáng tạo và cởi mở để trao ban những gì chúng ta có: kiến thức, đức tin, hy vọng của chúng ta và hành động theo cách riêng lẻ cũng như tập thể vì lợi ích chung.

2. Nền tảng thần học
Giải quyết các vấn đề về công bằng kinh tế, xã hội và môi trường, ĐTC Phanxicô kêu gọi một sự đáp trả dựa trên cả trách nhiệm con người và đức tin Công giáo, và ngài giải thích nền tảng thần học cho cách tiếp cận của mình (LS chương hai). Công trình sáng tạo như là quà tặng của Thiên Chúa đi vào thần học Kitô giáo từ nguồn gốc Do Thái , được tìm thấy trong Cựu Ước. Hai trình thuật sáng tạo trong Sáng thế ký cho thấy Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi sự. Thiên Chúa tạo ra mọi sự từ sự tốt lành của chính Ngài. Bản văn của Sáng thế ký, đặc biệt là hai chương đầu, kêu gọi con người, đàn ông và đàn bà để cùng tham gia tạo dựng, có nghĩa là tiếp tục công trình sáng tạo của Thiên Chúa, nhưng cũng để bảo vệ khu vườn và sự sống bên trong nó. Để trổ sinh nhưng cũng để bảo vệ. Không bao giờ trổ sinh mà không bảo vệ!

Sách Thánh Vịnh và sách Khôn Ngoan mô tả rõ hơn về công trình sáng tạo khi cùng ca ngợi Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và kêu gọi con người có thái độ kính sợ và ngạc nhiên trước Thiên Chúa quyền năng và tốt lành.

ĐTC Phanxicô bắt đầu thông điệp của ngài bằng việc dẫn chứng thánh Phanxicô Assisi, quan thầy ngài đã chọn, đấng vào thế kỷ 13 đã gọi các thụ tạo là anh là chị trong nhân loại để cùng hoà vào ca ngợi Thiên Chúa. ĐTC khẳng định rằng việc nhìn nhận thụ tạo là quà tặng của Thiên Chúa nhằm mời gọi chúng ta có thái độ quảng đại (LS n. 220), cũng như chiêm ngắm công trình sáng tạo. Ngài tuyên bố rằng nhân loại sống trong ba mối tương quan cơ bản và gắn bó với nhau - với Chúa, với nhau và với trái đất (LS n. 66). Ở đây, chúng ta cũng nhận ra âm vang về bài ca nổi tiếng của thánh Phanxicô Assisi. 

3. Ngôi nhà chung, Hệ sinh thái toàn diện, Tình huynh đệ và liên đới của con người
Trong Laudato Si, ĐTC Phanxicô đã giới thiệu khái niệm “Hệ sinh thái toàn vẹn” như một tầm nhìn và là chìa khóa để tái khám phá mối tương quan của chúng ta với công trình sáng tạo và mệnh lệnh phải chăm sóc mọi sinh vật sống cũng như hành động để đảm bảo tương lai cho sự sống trên hành tinh này là, “ngôi nhà chung” của chúng ta. Đó thực sự là một mô hình phát triển khác đã được khẳng định: Thông điệp đề xuất tìm kiếm một mô hình văn hóa khác (xem LS no.108), để nghĩ về sự phát triển như một “sự phát triển toàn diện và phát triển con người”. Điều này không phải để ngăn chặn nền kinh tế, mà là để khuyến khích một phương thức cho hoạt động của con người, tôn trọng thiên nhiên và phẩm giá của con người. Đây là sự hoán cải sinh thái mà Đức Giáo Hoàng cầu xin: hòa giải với và giữa tất cả mọi loài thụ tạo, và tái khám phá vẻ đẹp và tài năng của mọi người, mở ra kỷ nguyên về niềm hy vọng, khôn ngoan và sự hiếu khách lẫn nhau.

Hệ sinh thái bảo vệ thiên nhiên nhưng cũng khuyến khích con người là những cá thể. Đó là cách để nhận ra rằng chúng ta cùng giàu khi chúng ta chia sẻ chuyên môn của mình và chúng ta thực sự nghèo khi ai đó bị loại trừ, bị tổn thương hoặc bị bỏ lại phía sau. Hai chiều kích sinh thái minh chứng một cách tiếp cận tôn trọng đối với thiên nhiên, đối với tất cả mọi sinh vật và đối với mỗi cá nhân con người.

ĐTC Phanxicô đã luôn chỉ ra rằng các cuộc khủng hoảng ở nhiều nơi trên thế giới đều có liên hệ với nhau. Các cuộc khủng hoảng sinh thái và tài chính có những tác động xã hội sâu xa, trong khi các cuộc khủng hoảng về vệ sinh cũng có những ảnh hưởng đến kinh tế khủng khiếp. Vì thế, điều cần thiết là giữa các nhà hoạt động trong và ngoài nước phải đối thoại với nhau. Hệ sinh thái và giáo dục, y tế và chăm sóc, công lý và hòa bình được liên kết với nhau như một mối quan tâm: tương lai của ngôi nhà chung của chúng ta và nhân loại. Chúng tôi biết rằng chăm sóc một phần của công trình sáng tạo là chăm sóc toàn bộ công trình sáng tạo.

4. Linh đạo về người Samaritanô Nhân hậu
Hệ sinh thái là một lối sống, một phong cách sống giản dị; đó là niềm vui và hạnh phúc khi chia sẻ cùng một tình trạng con người, và có thể nói rằng hệ sinh thái và tình huynh đệ phải cùng nhau phát triển. Cách chúng ta làm việc cùng nhau phải phản ảnh ý tưởng mà mỗi người có thể đưa ra và cũng có thể học hỏi từ những người khác. Khi chúng ta thúc đẩy những điều tốt đẹp của người khác như họ vốn có, chúng ta cũng mở ra để được chỉ dạy cho nhau. Đó là tình yêu phổ quát mà chúng ta cần vun đắp khi liên hệ với nhau, tạo nên tình bạn vượt biên giới không loại trừ ai và nhờ thế tình huynh đệ mở ra cho tất cả mọi người.

Trong dụ ngôn về Người Samaritanô nhân hậu được ĐTC Phanxicô chọn làm tài liệu tham khảo chính cho thông điệp “Fratelli Tutti” gần đây nhất của ngài, về tình huynh đệ và tình bạn hỗ tương, ĐTC nhấn mạnh rằng đôi khi chúng ta là kẻ thù và kẻ cướp, đôi khi chúng ta là người bị tổn thương, đôi khi chúng ta là những người không muốn nhìn những người đau khổ, những người ở bên đường, và đôi khi chúng ta lại là Người Samaritanô Nhân Hậu, có khả năng xót thương  và yêu thương. Chúng ta đã quen với Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, nhưng qua dụ ngôn này ĐTC đã cho chúng ta có cái nhìn sâu sắc mới. ĐTC trình bày Người Samaritanô nhân hậu như một hình mẫu của tình yêu phổ quát này, người Samaritanô trông thấy một người xa lạ nhưng không đối xử với anh ta như một người xa lạ nữa, mà là người anh em. Bằng việc đưa một người bị thương đến quán trọ, người Samaritanô đã mời chủ quán trọ tham gia vào tình yêu phổ quát. Người Samaritanô thậm chí còn dùng nguồn lực của mình và hứa trả nhiều hơn nếu chi phí vượt quá những gì anh ta đã đưa! 

5. Một số tiếng vang mục vụ: xây dựng các cộng đồng chăm sóc chung với nhau và theo cách tiếp cận đồng nghị
Khi được yêu cầu cung cấp các đầu vào mục vụ cho bài suy tư này, một đồng nghiệp, Giám đốc Caritas Ấn Độ, Cha Paul Moonjely, đã nhận xét ngay rằng trong sự đánh thức về hệ sinh thái toàn diện và tình huynh đệ phổ quát, chúng ta được mời để hành động cho một mối tương quan biến đổi và rộng mở, để hiệp thông và tham gia, hướng đến hành trình đồng nghị. Đây chính là trách nhiệm mục vụ của Giáo hội để đáp lại lời kêu gọi dấn thân vào hành trình chăm sóc cho công trình sáng tạo, đối thoại vì hòa bình và tình yêu phổ quát. Để quan tâm đến thế giới mà chúng ta đang sống, chúng ta phải quan tâm đến chính chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta ngày càng cần nghĩ về bản thân mình như một gia đình đơn lẻ đang sống trong một ngôi nhà chung. Tất cả chúng ta, theo nhiều cách, đều từ trong cùng một cung lòng và điều này sẽ dẫn chúng ta đến một khái nhiệm chung về phẩm giá con người của chúng ta là không để bất kỳ ai lại phía sau. Dựa trên kinh nghiệm của mình, Cha Moonjely tiếp tục đề xuất một số bài học về mục vụ mà chúng tôi đã tóm tắt như sau:

5.1. Kêu gọi hành động: từ địa phương đến toàn cầu
Tương quan huynh đệ góp phần tạo nên hệ sinh thái toàn diện nhất định phải hướng tới hợp tác quốc tế, hướng tới sự hiểu biết giữa các nền văn hoá, và hướng tới sự đối thoại mang tính xây dựng. Mỗi hành động nên bắt đầu từ bối cảnh địa phương trong một nền văn hoá đối thoại sự sống với chương trình nghị sự bao gồm và trên tinh thần tương trợ. Mọi người phải được tham gia vào các quyết định ảnh hưởng đến họ và họ cho là quan trọng. 

5.2.Caritas giáo xứ cho các hành động tại địa phương
Caritas giáo xứ được coi là một cách tiếp cận mục vụ xã hội từ dưới lên thông qua sự cộng tác hiệu quả và sôi nổi giữa tất cả các thành viên trong cộng đồng (giáo dân, người trẻ, phụ nữ, tu sĩ và linh mục). Với tư cách là một cơ chế thể chế, Caritas giáo xứ giúp các cộng đồng Giáo hội địa phương sống Lời kêu gọi của Tin mừng là Yêu Thương Người Thân Cận trong những cách thực tiễn bằng việc phục vụ lẫn nhau, quan tâm đến nhau và chăm sóc môi trường. Caritas giáo xứ nên là đơn vị mục vụ xã hội điều phối các hoạt động của địa phương đó. Caritas giáo xứ có thể giúp cộng đồng giáo xứ thiết lập các mục tiêu môi trường cho các hành động cụ thể với các kế hoạch mục vụ hàng năm.

5.3. Giáo dục sinh thái và giáo lý
Các vấn đề sinh thái vốn dĩ có liên quan đến những chân lý tôn giáo quan trọng nhất được dạy qua giáo lý của các nhóm khác nhau, đặc biệt là trong gia đình, cộng đồng Kitô giáo nhỏ, trường học, v.v. Tất cả các phương tiện, kể cả phương tiện truyền thông xã hội, phải được sử dụng một cách khôn ngoan để tiếp cận, đặc biệt đối với người trẻ trong thời đại kỹ thuật số này. Giáo dục sinh thái cho trẻ em và thanh thiếu niên nên tuân theo suy tư của ĐTC Phanxicô về sinh thái toàn diện, tình huynh đệ và vẻ đẹp bao gồm tất cả mọi sinh vật. Nó phải bao gồm, đối thoại, bền vững, kỹ thuật số và đủ thách thức cho thanh thiếu niên và trẻ em ngày nay trong thế giới kỹ thuật số của chúng ta.

5.4. Sức khỏe và hạnh phúc
Nhiệm vụ mục vụ của chúng ta là chăm sóc người bệnh và người ốm yếu vì điều này cũng đóng góp đảm bảo sự hòa hợp với đấng tạo dựng và thụ tạo. Thiên nhiên cung cấp nhiều lương thực để chúng ta dùng chứ không phải để chúng ta tham lam, để chúng ta chia sẻ chứ không phải để tích trữ. Hoạt động bác ái của chúng ta (Diakonia) cần thúc đẩy  nền văn hóa chia sẻ và quan tâm để đáp lại lời kêu gọi trong Fratelli Tutti. Với đại dịch Covid-19, chúng tôi thấy rằng vẫn còn một chặng đường dài phía trước khi giải quyết các vấn đề chăm sóc sức khỏe  đang ảnh hưởng đặc biệt đến người già và người nghèo.

5.5.Các Samaritanô Caritas
Khi các cá nhân tham gia giúp đỡ người khác đang gặp khó khăn, là họ bắt đầu tiến trình xây dựng tình huynh đệ và công bằng cho mọi người – một lãnh vực bác ái ở bình diện rộng lớn nhất, đó là bác ái chính trị mà linh hồn và cơ bản của nó chính là đức bác ái xã hội vì nó tìm kiếm lợi ích chung (FT 180). Các Samaritanô Caritas phải được thúc đẩy, khuyến khích và trao quyền, đặc biệt những tình nguyện viên của chúng ta. 

5.6.Các Chiến dịch cho hành động tham gia
Các chiến dịch tạo cơ hội tập hợp xung quanh các hành động và sáng kiến trong việc chăm sóc cho công trình sáng tạo và nuôi dưỡng nhân loại. Chúng là một phương tiện để huy động cộng đồng theo cách sáng tạo. Chẳng hạn, tùy thuộc vào bối cảnh, các chiến dịch có thể dẫn đến các hành động có mục tiêu để thúc đẩy các Giáo xứ Xanh và Cơ sở Hạ tầng Xanh để bảo tồn và gìn giữ. Các chiế dịch ủng hộ các hành động hiện thực hóa “Vườn Địa Đàng”, một khái niệm và thực tiễn thúc đẩy Canh tác Gia đình. Vườn Địa Đàng đã mê hoặc lòng người ngay từ khi mới bắt đầu. Ở nhiều chỗ, nơi, Lời Chúa gọi Vườn Địa Đàng là “vườn của Thiên Chúa” hoặc “vườn của Đức Chúa” (Is 51: 3). Đã đến lúc canh tác thực phẩm mà chúng ta ăn, để đảm bảo cho sự an toàn của nó, giảm lượng thực phẩm của mỗi người, v.v. Đất mà mỗi gia đình, giáo xứ, tôn giáo sở hữu có thể được giữ là đất canh tác chủ động của các loại cây trồng và vật nuôi. Nhiều mô hình như vậy có thể được phát triển để đảm bảo an toàn lương thực và dinh dưỡng cho các hộ gia đình và cộng đồng. Sử dụng cùng một lôgic, một chiến dịch có thể thúc đẩy chúng ta tham gia “Carbon fast”. Các hành động hàng ngày của chúng ta dẫn đến việc thải khí nhà kính: lượng khí thải carbon trung bình của một người sống trong một thị trấn hoặc thành phố là 10 tấn, trong khi mức trung bình là chỉ 2 tấn ở các vùng nông thôn. Tốc độ carbon có thể cung cấp vô số cách để chúng ta tham gia vào việc tăng cường công bằng khí hậu và có thể góp phần thay đổi thế giới một chút chỉ trong 40 ngày.

6. Kết luận
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi một sự sáng tạo mới của bác ái (x. Novo Millenio Ineunte n.50). Chiến dịch này đem đến cho Caritas một cơ hội quý giá để sáng tạo trong việc hoàn thành sứ mạng được trao phó cho Liên hiệp Caritas chúng ta, như là một công cụ mục vụ xã hội của Giáo hội, và để thực hiện tầm nhìn của Khung chiến lược “Một Gia Đình Nhân Loại, Một Ngôi Nhà Chung”, được phát triển qua lăng kính của Laudato Si và Evangelii Gaudium, và đã được củng cố bởi Fratelli Tutti. Một sự sống được giữ lại  trong các giá trị chăm sóc và tình huynh đệ, đối với cả thụ tạo và đồng loại của chúng ta, thuộc phạm trù ý nghĩa đối với cuộc sống và tôn vinh Đấng Sáng Tạo. “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Ngài làm”; (Tv 19: 1). Chúng ta nên luôn ghi nhớ rằng chúng ta phụng sự Thiên Chúa Đấng Sáng Tạo ra thế giới - và chúng ta có thể được dẫn dắt để tôn thờ qua việc ngắm xem những điều tốt đẹp mà Ngài đã làm ra. Những suy tư này có thể được kết thúc bằng một câu Thần chú cổ, "Lokah Samastha Sukhino Bhavanthu", có nghĩa là, “Cầu chúc mọi người an lành, cầu chúc tất cả thế giới trở nên hạnh phúc".

Msgr Pierre Cibambo
CI Ecclesiastical Assistant

Chuyển ngữ: PTT - Caritas Việt Nam

Hướng Dẫn Bắt Đầu Một Cộng Đồng Chăm Sóc

Thư của Đức Hồng Y Tagle Mời Gọi Tham Gia Chiến Dịch Togerther We

Vào ngày 13/12/2021 sắp tới, Đức Hồng Y Tagle, Chủ tịch Caritas Quốc tế mời gọi mỗi người chúng ta, các Caritas giáo xứ, Caritas giáo phận và Caritas quốc gia, hãy cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, khởi động chiến dịch “Together We” Act today for a better tomorrow. Chiến dịch “Together We - Chúng ta cùng nhau” với khẩu hiệu: “Hành động hôm nay vì một ngày mai tươi đẹp hơn” sẽ được kéo dài trong ba năm (2021-2024). Sứ điệp của chiến dịch là chúng ta cùng nhau chăm sóc cho ngôi nhà chung và chăm sóc người nghèo dựa trên giáo huấn của hai thông điệp Laudato Sí và Fratelli Tutti. Chiến dịch “chúng ta cùng nhau” mời gọi các tổ chức Caritas trên toàn thế giới thúc đẩy việc xây dựng các Cộng đoàn chăm sóc – tức là các nhóm và mạng lưới nhân viên từ cấp cơ sở, họ sẽ đưa ra các biện pháp cụ thể mới mẻ để chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta và cho người nghèo.

Có hai cách đơn giản để tham gia vào ngày phát động chiến dịch này, các tổ chức hoặc mọi cá nhân có thể làm một trong hai hoặc cả hai.

  • Mời gọi những ai làm việc trong Caritas và tình nguyện viên hoặc bất cứ ai chia sẻ các câu chuyện của mình về việc chăm sóc ngôi nhà chung và chăm sóc người nghèo trên các phương tiện truyền thông xã hội (facebook, twitter, zalo, viber …) bằng cách sử dụng hashtag #TogetherWe.
  • Mời gọi tất cả những người ủng hộ chiến dịch chụp chung một bức ảnh khi họ nắm tay thành một vòng tròn, và đăng hình đó lên mạng truyền thông xã hội của mình (facebook, twitter, zalo, viber …) với hashtag #TogetherWe bằng cách chèn đối tượng mà nhóm quan tâm ở giữa vòng tròn.
Hình minh hoạ

 

Vp. Caritas Việt Nam