Chúa Nhật Đại Lễ Phục Sinh 2023

  • Thứ tư, 15:50 Ngày 05/04/2023
  • TÌNH YÊU PHỤC SINH

    Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD

    Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh chỉ gói trọn chín câu, nhưng có đến ba lần dùng động từ “chạy” diễn tả qua ba nhân vật được Phúc Âm Gioan tường thuật lại: Bà Maria Mađalêna liền chạy từ mộ về báo tin là tình yêu Phục Sinh. Phêrô và Gioan cùng chạy đến mộ là tình yêu Phục Sinh.

    1. Tình yêu Phục Sinh khiến bà Mađalêna vượt lên trên mọi sự

    Các sách Tin Mừng kể lại: Matthêu (Mt 27,56,61), Máccô (Mc 15,40,47), và Gioan (Ga 19,25) đều ghi nhận sự hiện diện yêu thương của bà trong những giờ phút kinh hoàng, đau thương nhất của Đức Giêsu: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mađalêna” (Ga 19,25). Chính vì tình yêu đã khiến bà ra mộ sớm nhất và trước nhất, mặc cho những bước chân mệt mỏi và buồn thảm vì Thầy kính yêu đã chết (x. Mt 28,7; Ga 20,11). Hơn nữa, bà cũng không quản ngại những nguy hại có thể do quân lính canh giữ mộ Thầy gây ra cho mình. Nhưng chính tình yêu đã thúc đẩy bà đến mộ và bà được gặp Đấng Phục Sinh. Tin Mừng Gioan ghi lại rằng: Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra gặp bà, khi bà đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc lóc (x. Ga 20,11), và bà cứ tưởng Ngài là người làm vườn, cho đến khi Ngài gọi tên bà, lúc đó bà mới nhận ra Thầy mình đã sống lại (x. Ga 20,11-18).

    Chính vì tình yêu Phục Sinh, bà Mađalêna đã ra khỏi không gian sầu thảm, nhớ thương để đón nhận ánh sáng Phục Sinh đang bừng cháy trong trái tim bà và thúc giục đôi chân của bà, khiến bà vội vã chạy khẩn trương, nhanh hết sức có thể để báo tin vui cho các môn đệ: Thầy đã sống lại!

    1. Tình yêu Phục Sinh khiến bà Mađalêna quên đi tất cả

    “Chúa đã sống lại thật như lời Người đã phán hứa!”. Tin Mừng Phục Sinh đến với bà Maria Mađalêna như gia đình của anh Lazarô và con trai bà góa thành Naim được Chúa cho sống lại. Họ vui mừng không thể diễn tả niềm hạnh phúc tột cùng này. Tiếng khóc và sự đau khổ trở thành niềm vui chan chứa cho hai gia đình.

    Cũng vậy, bà Maria Mađalêna được Chúa thương, chúc phúc và dành riêng tình thương mến giữa Thầy với trò. Vì thế, bà đã cảm nghiệm thật sâu lắng và thật mạnh liệt khi biến cố Phục Sinh xảy đến. Vì yêu, nên bà chuẩn bị một bình dầu thơm mong để ướp lại xác Thầy mình. Vì yêu, nên đêm ấy bà đã trằn trọc không sao ngủ được, mong cho thời gian của lề luật trôi qua nhanh và mong sao cho trời sáng thật lẹ để ra ướp xác Thầy lại với bình dầu thơm quý hiếm và thăm lại mộ Thầy mình.

    Chắc chắn lúc này, mọi sợ hãi và buồn tủi của bà sẽ vơi đi và tan biến. Biến cố Phục Sinh đã làm cho bà có được một cảm nghiệm rất riêng trong cuộc đời mình và cho người khác. Bà đã cảm nghiệm niềm vui và hạnh phúc từ Đấng Phục Sinh không một thứ nào khác có thể so sánh bằng. Vì Thầy là động lực, là lẽ sống, là niềm tự hào và là nguồn an ủi trên cuộc đời bà.

    Niềm vui Phục Sinh được vỡ òa lớn lao không gì có thể ví bằng nên bà đã không quản ngại sự mệt mỏi của mình, cũng như sức lực yếu ớt trong những ngày u ám qua. Bỗng bà đứng lên một cách mạnh mẽ, dứt khoát cùng chạy mau lẹ đến gặp các môn đệ của Thầy để báo tin: Thầy đã sống lại!

    Tình yêu Phục Sinh khiến bà không dừng chân, không dừng lại ở các môn đệ mà còn đến với tất cả những ai bà gặp gỡ. Hơn nữa, niềm vui Phục Sinh khiến bà không còn phải tìm kiếm điều gì khác ngoài thánh ý Thiên Chúa mỗi ngày. Vì bà đã thấy Chúa (x. Ga 20,18). Người Công Giáo chúng ta hôm nay cũng vậy, chỉ có hạnh phúc đích thực là khi chúng ta được gặp Chúa và được nhìn thấy Thiên Chúa nhãn tiền trong vinh quang Nước Trời!

    1. Tình yêu Phục Sinh khiến Phêrô và Gioan cùng chạy đến mộ

    Hai môn đệ Phêrô và Gioan: Cả hai cùng chạy đến mộ theo lời của người phụ nữ về báo tin. Những động thái này làm cho chúng ta liên tưởng sự tất bật, hổi hả, vội vàng, nóng lòng. Ai đó đã đặt ra câu hỏi cho hai môn đệ: Tại sao không kiểm chứng, tại sao không suy xét mà mới chỉ nghe một lời báo của bà Mađalêna chưa chắc chắn, đã vội vàng nhanh chóng chạy đến mộ Thầy như thế?! Dám chắc rằng, vì tình yêu nên các ông đã không do dự khi nhận được tin báo. Cả hai cùng chạy để có được niềm vui Phục Sinh.

    Riêng Gioan được tin, ông chạy với Phêrô trong cùng một thời gian, trong cùng một khoảng không gian nhất định của hai người. Thế nhưng, Gioan lại chạy đến mộ Thầy trước, còn Phêrô chạy theo sau. Tư tưởng thần học và Kinh Thánh có thể được giải thích trong hai ý như sau: Thứ nhất có lẽ vì ông Gioan trẻ hơn và khỏe hơn; và thứ hai là vì Gioan đã cảm nghiệm được tình yêu Phục Sinh hơn và đã thúc bách ông chạy nhanh hơn và trước nhất. Động lực ấy đã khiến Gioan cố gắng hết sức có thể và tìm cách chạy nhanh nhất có thể để được đến nơi sớm nhất.

    Theo truyền thống Giáo Hội, Gioan có biệt danh: Môn đệ được Chúa yêu. Kinh Thánh kể: Đứng gần thập giá cùng với Mẹ Người có môn đệ Gioan đứng bên cạnh và Chúa trối lại Mẹ Người cho môn đệ yêu quý này: “Đây là Mẹ của anh!” (x. Ga 19, 25-27). Gioan tựa đầu vào lòng ngực Thầy Giêsu: “Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, tựa vào lòng Đức Giêsu… Ông này nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu” (x. Ga 13, 23;25).

    Vì thế, Gioan đã đặt tình yêu đúng chỗ và chỉ dành riêng cho một mình Thầy Giêsu. Tình yêu Gioan rất đặc biệt và thẳm sâu trong cõi lòng Thầy trò. Người đời còn gọi là tình yêu keo sơn, tình bạn chung thủy. Bởi vậy, Gioan được gọi là người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến. Còn chúng ta, sống niềm vui Phục Sinh của Chúa như thế nào? Thiết nghĩ, tình yêu chúng ta dành cho Đấng Phục Sinh còn mỏng giòn, tình yêu dễ đổ vỡ, hời hợt nếu không dám nói là bất trung với Ngài.

    Chính tình yêu mà Phêrô và Gioan đã đi từ chỗ thất vọng buồn chán đến chỗ xác tín trong niềm hy vọng là mong gặp được Thầy sống lại. Niềm hy vọng đã thành hiện thực, khi hai ông tận mắt chứng kiến cảnh tượng của người chết sống lại bởi: “những băng vải để ở đó, khăn che đầu được cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” (x. Ga 20,6-7); hai ông hiểu ra sự kiện khi nhớ lại lời Đức Giêsu cũng như Kinh Thánh đã báo trước: “Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết và niềm vui Phục Sinh tràn ngập nơi tâm hồn khi hai ông đã thấy và đã tin” (x. Ga 20,8-9).

    Chúng ta có thể kết luận rằng: Maria Mađalêna, Phêrô và Gioan đã cùng có một điểm chung: “cõi lòng mong đợi”: “chạy từ mộ và cùng chạy đến mộ”. Họ đã gặp nhau trong niềm vui và niềm xác tín duy nhất là Thầy đã sống lại! Họ cùng chung một mối tình là Thầy Giêsu đã Phục Sinh, ứng nghiệm với các bằng chứng và các sự kiện đã nói trong Kinh Thánh. Giáo Hội hôm qua, hôm nay và ngày mai luôn được tiếp tục thúc bách bởi Thánh Thần là loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho nhân loại rằng: Đức Giêsu thành Nazaret đã bị đóng đinh, đã chịu chết và đã sống lại để cứu độ chúng ta.           

    1. Tinh yêu Phục Sinh khiến chúng ta loan báo Tin Mừng

    Thật vậy, cũng như Phêrô và Gioan sau biến cố Phục Sinh, các ngài đã vội vã, lên đường loan báo niềm vui và làm chứng Tin Mừng Phục Sinh cho nhân loại.

    Mỗi người trong chúng ta là giáo dân và giáo sĩ đều được mời gọi sống Tin Mừng Phục Sinh ngang qua các biến cố trong cuộc đời của từng người bằng việc xác tín và gắn bó với Đấng Phục Sinh. Nhờ đó, việc loan báo Tin Mừng Phục Sinh mới sống động và hữu hiệu qua chính sứ vụ của mỗi người. Chỉ khi chúng ta sống được như thế, thì niềm vui Phục Sinh mới được vỡ òa trong con đường đức tin. Chỉ khi chúng ta sống niềm vui Phục Sinh thì Tin Mừng Phục Sinh mới có thể đến với mọi người, mọi nơi trong thế giới này.

    Ước gì lời tuyên xưng của người tín hữu trong Thánh lễ mỗi ngày: “chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến” trở nên nhân chứng cho Đấng Phục Sinh. Alleluia! Alleuia!

     

    Bài viết liên quan