Chúa Nhật XXV Thường Niên - Năm C

  • Thứ năm, 14:05 Ngày 15/09/2022
  • Cửa Sổ hoặc Tấm Gương

    Chúa Giêsu kể dụ ngôn người quản lý bất lương và kết luận: “Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”. Đây là một nhận định thực tế. Làm ăn ở đời người ta nhìn vào mối lợi, từ đó khôn khéo tính toán phương tiện để thực hiện. Còn con cái sự sáng thì khôn ngoan vì luôn hướng về Thiên Chúa và để Ngài làm chủ đời mình.

    1. Khôn Khéo Con Cái Đời Này

    Chúa không khen hành động bất trung, không khen tội gian lận của người quản gia bất lương, nhưng Chúa khen tài khéo léo, tính toán, cách xoay xở của anh ta khi chủ cho thôi việc. Lời khen là dán cho cái lanh trí, có phương pháp hành động chứ không phải là cổ võ sự bất lương.

    Khôn khéo tựa như sự tinh khôn trong những việc làm của người quản lý bất lương biết hành động ngay không đợi chờ, biết sử dụng tiền bạc của cải để mua lấy bạn bè.

    - Khéo khi ăn cắp tài sản của chủ mà không bị phát hiện, đến khi có người tố cáo, chủ mới đuổi việc.

    - Khéo vì anh ta biết giới hạn của mình: cuốc đất không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.

    - Khéo vì biết xoay xở, tận dụng chút quyền quản lý cuối cùng để có một chút bảo đảm cho tương lai. Gọi các con nợ của chủ đến làm văn tự lại: 100 thùng dầu ô-liu, viết lại 50 thôi; 1.000 thùng lúa viết lại 800 thôi... hai bên cùng có lợi mà.

    - Khéo khi biết lo xa: liệu sao để khi mất chức thì có người tiếp đón, khi về hưu non thì đã có của dư của để, có nhà cao cửa rộng, có vườn tược...

    - Khôn khéo của người quản gia không đồng nghĩa là một “bảo hiểm” đời sống anh ta mua được. Anh thất thế nên lấy gian dối mua ơn nghĩa, liệu người ta có biết ơn không? Lịch sử chứng minh nhiều con người độc ác trong các thể chế độc tài, cuối đời bị thất sủng, tìm cách quay về với nhân dân, thì dân nhân có đón tiếp họ không?

    Hình ảnh của người quản lý khôn khéo bất lương này đầy dẫy trong xã hội hôm nay khi mà tham nhũng đã trở nên “quốc nạn”. Việt Nam đang điêu đứng vì quốc nạn tham nhũng... Người ta “hy sinh đời bố để củng cố đời con”, có chút địa vị quyền lực thì lo thu vén cho cá nhân, tham ô, móc ngoặc. Sợ bị bại lộ, sợ bị tố cáo, sợ bị cách chức, sợ bị “về hưu non”, nên khôn khéo mua lấy bằng cấp, mua đất xây biệt thự, lập trang trại, mở sân sau... Người ta tìm mọi cách để có tiền của, có địa vị, có quyền lực, bất chấp tiếng nói lương tâm.

    Nhìn vào thực trạng xã hội hôm nay sẽ thấy người đời thường chạy theo tiền bạc, của cải, địa vị, chức quyền. Trong cuộc chạy đua đó, con người đã để cho tiền của làm chủ đời sống của họ, hướng dẫn và quy định cả cách sống và tâm tình của họ. Khi đó, Thiên Chúa, lương tâm, nhân cách bị gạt ra khỏi tâm hồn họ. Tiền của, danh vọng là thần tượng và họ làm bất cứ việc gì dù trái với lương tâm, với luân thường đạo lý, với công bình bác ái miễn là càng ngày họ càng giàu có càng thăng chức. Lòng tham không bao giờ thỏa mãn. Tham vọng của con người không bao giờ cùng.

    Các ngôn sứ thời Cựu ước vẫn thường chỉ trích những thói tham lam, lọc lừa và nặng lời kết án những người giàu bất công, áp bức, khinh dễ kẻ nghèo. Vào thế kỷ VIII tcn, Israel sống thời kỳ thịnh vượng dưới triều Giêrôbôam II. Do sự phồn thịnh ấy mà người ta sinh hư đốn: bon chen, tham lam, tranh giành tiền bạc của cải bằng đủ mọi hình thức bất công: giàu hiếp đáp nghèo, dùng tiền mua lương tâm, địa vị; người giàu chỉ biết ích kỷ hưởng thụ mặc cho dân nghèo đói rách cơ cực... Ngôn sứ Amos kịch liệt lên án. Ông quả xứng danh là nhà ngôn sứ của sự công bằng. Bản cáo trạng của vị ngôn sứ đối với những người quyền thế, giàu sang bất công vẫn luôn vang vọng và có hiệu lực cho mọi thế hệ.

    2. Khôn Ngoan Con Cái Chúa

    - Khôn ngoan của con cái sự sáng là luôn hướng về Thiên Chúa và để Ngài làm chủ đời mình. Tiền bạc của cải không là điểm tựa. Vật chất không là cứu cánh mà chỉ là phương tiện. Con cái sự sáng vừa say mê cuộc đời này vừa say mê vĩnh cửu. Giữa cái mau qua họ tìm gặp vĩnh cửu, họ làm việc vui chơi như mọi người, nhưng họ luôn để Thiên Chúa đi vào toàn bộ cuộc đời họ.

    - Con cái ánh sáng khôn ngoan sống chân thật và tín trung. Chân thật trong lời nói, trong tư tưởng, trong hành động; thực tâm thật tình trong cư xử; thật hiếu hạnh trong gia đình; thật tín nghĩa ngoài xã hội; thực trung thành trong niềm tin. Trung tín sống đức tin, trung tín trong lời hứa, có tinh thần trách nhiệm cao, trung tín trong việc nhỏ cho đến việc lớn. Trung tín với lời hứa Bí Tích đã lãnh nhận. Người chân thật là người trung tín với Thiên Chúa và anh em mình. Bởi vì Thiên Chúa là sự thật, và “chỉ có sự thật mới giải thoát anh em”.

    - Khôn ngoan của con cái Chúa là khôn ngoan Thập Giá: “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp kiếm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1, 22-25). Chúa Giêsu đã khẳng định: “Không ai có thể làm tôi hai chủ. Hắn sẽ ghét chủ này mà thương chủ kia, hay để ý đến chủ này mà thương chủ nọ”. Không thể phụng sự hai chủ như nhau, trong cùng một lúc. Chúng ta tự hỏi chủ nào đang thống lĩnh đời tôi ? Ước gì tôi luôn tự do, chọn lựa làm tôi trung cho Chúa mà thôi.

    3. Cửa Sổ hoặc Tấm Gương

    Một người Do thái giàu có nhưng rất keo kiệt đến gặp một vị giáo trưởng để xin một lời hướng dẫn cho cuộc sống của mình. Vị giáo trưởng đưa anh ta đến bên cửa sổ và hỏi:

    “Ông hãy nhìn qua cửa sổ và cho tôi biết ông thấy gì”.

    Không một chút do dự, người giàu có trả lời:

    “Tôi thấy nhiều người đi qua đi lại”.

    Sau đó vị giáo trưởng bảo người giàu có quay mặt vào trong nhà và nhìn vào một tấm gương treo trên tường. Rồi ông cũng đặt câu hỏi tương tự:

    “Nào, bây giờ thì ông thấy gì trong tấm gương ?”

    Người giàu có liền trả lời:

    “Dĩ nhiên tôi chỉ thấy tôi.”

    Bấy giờ vị giáo trưởng mới rút ra một bài học. Ông nói:

    “Này nhé, tấm gương soi mặt được làm bằng kính. Kính được phủ ở phía sau bằng một lớp bạc mỏng. Bao lâu lớp bạc mỏng còn dính chặt đằng sau tấm kính thì nhìn vào đó ông sẽ không còn thấy người nào khác nữa mà chỉ thấy có mình ông thôi. Trái lại khi nhìn qua tấm kính trong suốt ở cửa sổ ông đã thấy được những người khác, thấy được cảnh vật...”.

    Nếu tấm kính linh hồn bị lòng tham lam, ích kỷ như lớp bạc mỏng phủ lấp thì ta sẽ chỉ thấy có bản thân mình. Chỉ mình ta mới đáng kính đáng trọng, chỉ mình ta là trung tâm để mọi người phục vụ. Tâm hồn con người khi trong suốt không bị che chắn bởi tham, sân, si, sẽ nhìn thấy mọi người là anh em, nhìn thấy những điều hay, những điều tốt, những gì đáng quý, đáng mến nơi tha nhân. Tâm hồn trong sáng đó nhờ biết mỗi ngày soi vào Chúa Kitô, sống theo lời dạy của Ngài.

    Sự khôn ngoan đích thực đúng như lời Thánh Phaolô trong thư gởi Timôthê: “Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ” (1Tm 6,18).

    Của cải vật chất chỉ là việc nhỏ sánh với việc lớn là Nước Trời. Biết sử dụng tiền của tạm bợ cách tốt đẹp, chúng ta sẽ được trao phó của cải vĩnh cửu trên trời.

    Tiền của có thể trở thành phương tiện giúp đạt tới đích là Nước Trời, nhưng cũng có nguy cơ đẩy người ta ra xa Chúa để tìm kiếm những sự thuộc thế gian. Do đó, điều quan trọng là phải biết sử dụng tiền của như phương thế đạt Nước Trời. Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải khôn ngoan chọn lựa dứt khoát, không có thái độ lưng chừng hoặc bắt cá hai tay. Người bắt cá hai tay bao giờ cũng là kẻ thua thiệt nhất.

    Lạy Chúa, con chỉ là người quản lý trong đời. Sự sống của con đâu thuộc về con. Con chỉ quản lý để sử dụng theo ý Chúa thôi.

    Chúa ban cho con sự sống với biết bao ân huệ, tài năng, sức khoẻ, con không sử dụng đúng, con là quản ký kém cỏi.

    Khi con không chia sẻ, cảm thông, vật chất miếng ăn, manh áo, tinh thần như nụ cười, sự hiểu biết cho đồng loại, con là quản lý xấu xa.

    Khi con sử dụng các ân huệ Chúa ban, sức khoẻ, tài năng để phạm tội, con là quản lý bất trung.

    Con muốn làm người biết quản lý đời mình.

    Con đâu muốn mất hạnh phúc khi làm quản lý xấu xa.

    Con muốn là người quản lý trung thành như tháp chuông thức dậy mỗi sáng.

    Con muốn là quản lý tài ba, nhưng con yếu đuối. Con muốn quản lý đời con theo ý Chúa, nhưng con yếu lòng. Trong cái vụng về của con, xin Chúa ban ơn.

    Con đi về đâu khi chiều tà xế bóng nếu con là quản lý bất trung?

    Con có thể đã là quản lý phung phí cuộc sống ân sủng Chúa ban như người quản gia kia. Con cũng có thể bồn chồn lo lắng tương lai vì không biết đi về đâu như người quản gia kia. Ôi, lạy Chúa, xin cho con ném lại những bất trung con phạm như lời kinh sám hối. Xin cho con ném lại những bất chính con làm như Giakêu: “…Nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8).

    Ông Giakêu đã được nghe: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông…” (Lc 19,5).

    Xin cho con cũng nghe được Chúa nói với con như thế.

    Những hành vi quản lý bất trung con phạm, con xin ném lại như tấm lòng ăn năn đền tội của con. (trích: Dụ ngôn trong Phúc âm, tập 3, trang 62-63).

    Lạy Chúa, xin cho con biết chọn Chúa là đối tượng duy nhất của lòng trí con. Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Hữu An

    Bài viết liên quan