Bài 6b: Thông Điệp Laudato Sí - Chương VI: Giáo dục và Linh đạo Sinh thái (202-246)

  • Thứ tư, 10:10 Ngày 10/01/2018
  • Thông điệp Laudato Si’

     

    Chương VI: Giáo dục và Linh đạo Sinh thái (202-246)

     

    (tiếp theo bài 6a - mục I, II)

    III. Hoán cải sinh thái (216-221).

    Ở mục này, trước tiên Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng, trong suốt 20 thế kỷ qua, linh đạo Kitô giáo đã góp phần trong việc đổi mới nhân loại. Vì thế, trong cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay, cần đến một nền linh đạo sinh thái.

    Linh đạo sinh thái dựa trên những xác tín của Tin Mừng, tác động trực tiếp đến cách nghĩ, cách cảm nhận và cách sống của chúng ta, nó thúc đẩy chúng ta nuôi dưỡng niềm đam mê bảo vệ thế giới vì chúng ta sống cùng, sống với, trong sự hiệp thông với tất cả mọi sự chung quanh.

    Trong thực tế, có một số Kitô hữu chuyên tâm dấn thân và cầu nguyện nên có khuynh hướng coi thường mối bận tâm đến môi trường; một số khác thì thụ động, không chịu thay đổi thói quen hằng ngày. Vì thế, điều mà tất cả họ cần là sự hoán cải sinh thái, để nhờ việc gặp gỡ Đức Giêsu Kitô họ trở nên chứng tá trong mối tương quan của họ với thế giới chung quanh. Ngài khẳng định, sống ơn gọi làm người để bảo vệ công trình tạo dựng của Chúa là yếu tố của đời sống nhân đức.

    Từ mẫu gương của thánh Phanxicô Assisi, mỗi người hiểu rằng mối tương quan của chúng ta với tạo thành là một chiều kích hoán cải cá nhân toàn diện bao gồm việc nhận biết những sai lầm, tội lỗi, khuyết điểm và thất bại để mỗi người chân thành sám hối và khao khát thay đổi. Tuy nhiên, chỉ có mỗi người thì không đủ, cần đến cả cộng đồng xã hội - Hoán cải cộng đồng - cần thiết cho một sự thay đổi lâu dài và toàn diện.

    Sự hoán cải cộng đồng bao gồm nhiều thái độ: Biết ơn Chúa vì thế giới là quà tặng yêu thương của Ngài; Yêu mến sự liên kết của chúng ta với toàn thể thụ tạo, cùng dự phần trong sự hiệp thông hoàn vũ.

    Ở số 221, Đức Phanxicô nói, ngay từ những số đầu của thông điệp, ngài đã giúp chúng ta làm phong phú ý nghĩa của cuộc hoán cải này khi ý thức rằng mỗi thụ tạo đều phản chiếu một điều gì đó thuộc về Thiên Chúa; và Đức Kitô hiện diện trong mỗi hữu thể, bảo bọc nó bằng tình thương của Ngài và làm cho nó rạng ngời bằng ánh sáng của Ngài. Vậy làm sao chúng ta có thể đối xử tệ với chúng hoặc gây nguy hại cho chúng?

    Đức Giáo hoàng mời gọi mọi Kitô hữu hãy nhận biết và sống trọn vẹn chiều kích này của sự hoán cải.

    IV. Niềm vui và bình an (từ số 222 đến 228)      

    Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc chúng ta nên học tập những bài học từ các truyền thống tôn giáo, trong Kinh Thánh, và xác tín nguyên tắc “ít là nhiều”,

    Trở về với sự giản dị giúp chúng ta biết dừng lại và trân quý những điều nhỏ bé, biết ơn vì những cơ hội cuộc sống mang lại cho chúng ta, không dính bén với những thứ chúng ta đang sở hữu, và không đau buồn vì những điều chúng ta không có,... Như thế, linh đạo Kitô giáo đề nghị một sự trưởng thành mang dấu ấn tiết độ và hạnh phúc với những gì bé nhỏ.

    Tiết độ không làm cho cuộc sống kém hơn hay nhịp sống thấp hơn, nhưng ngược lại cuộc sống tràn đầy hơn, vì theo ngài, hạnh phúc có nghĩa là biết giới hạn một số nhu cầu làm hạ giá chúng ta, và biết mở ra với nhiều khả năng khác mà cuộc sống có thể mang lại.

    Tuy nhiên, sự tiết độ phải gắn với sự khiêm nhường. Một khi chúng ta đánh mất sự khiêm nhường và say sưa với khả năng chi phối vô hạn trên mọi sự, chắc chắn chúng ta sẽ gây tổn hại cho xã hội và môi trường. Và một khi chúng ta xây dựng được một đời sống tiết độ và vui tươi chúng ta cảm nhận được sự bình an với chính mình.

    Bình an nội tâm được phản chiếu trong một lối sống quân bình, có liên hệ gần gũi với việc chăm sóc sinh thái và thiện ích chung. Thật vậy, ngày nay, nhiều người cảm thấy mất cân bằng, dẫn họ đến hoạt động quá sức, luôn cảm thấy bận rộn, vội vã đến độ chỉ lo thực hiện các kế hoạch riêng và coi thường mọi thứ; những điều này ảnh hưởng đến cách họ đối xử với môi trường.

    Thái độ tiếp cận cuộc sống với sự chú tâm trong sáng, đón nhận mỗi khoảnh khắc, mọi sự như một quà tặng của Thiên Chúa, chỉ biểu hiện trọn vẹn nơi một người có sự bình an nội tâm.

    Với tâm tình cảm tạ, tri ân Thiên Chúa, Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi mọi người dừng lại và dâng lời tạ ơn trước và sau mỗi bữa ăn - một thói quen đẹp và có ý nghĩa.

    V. Tình yêu dân sự và chính trị (Từ số 228-232). 

    Đức Giáo hoàng Phanxicô nói, chúng ta cần có nhau, chúng ta chia sẻ trách nhiệm với nhau và với thế giới, sống tốt và đoan chính là một giá trị. Đã quá lâu chúng ta xem đạo đức, sự tốt lành, niềm tin, sự trung thực như một trò đùa; đã đến lúc phải nhận biết nó chẳng mang lại điều gì tốt cho chúng ta: nó làm cho đời sống xã hội bị xói mòn, điều tiếp theo là xung đột, bạo lực và tàn ác, là trở ngại cho sự phát triển nền văn hóa của việc chăm sóc môi trường.

    Như thánh Têrêsa Lixieux mời gọi, chúng ta không bỏ lỡ một lời nói tử tế, một nụ cười cảm thông,… để gieo rắc tình yêu và tình bạn. Tình yêu, tuôn trào từ những chăm sóc nhỏ bé lẫn nhau, và thể hiện trong mọi hành động nhằm xây dựng một thế giới tốt hơn, vì thế cũng mang tính dân sự và chính trị.

    Tình yêu xã hội và sự dấn thân cho thiện ích chung là những biểu hiện tuyệt vời của lòng bác ái, không chỉ ảnh hưởng đến các mối tương quan cá nhân mà còn đến các mối quan hệ xã hội, là chìa khóa cho sự phát triển đích thực. Trong bối cảnh này, cùng với tầm quan trọng của những cử chỉ nhỏ bé, tình yêu xã hội thúc đẩy chúng ta đề xuất những chiến lược hữu hiệu làm giảm suy thoái môi trường và khích lệ nền văn hóa chăm sóc thiên nhiên trong toàn xã hội.

    Khi cảm nhận Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta cùng với mọi người can thiệp vào những động lực xã hội, chúng ta cũng nhận thấy đó là một phần linh đạo của chúng ta.

    Số cuối của mục này, Đức Phanxicô nói, không phải tất cả chúng ta đều được mời gọi tham gia trực tiếp vào đời sống xã hội, nhưng khi mỗi chúng ta tham gia vào những hoạt động cộng đồng, sẽ góp phần hình thành nên một cơ cấu xã hội mới. Như vậy, thế giới và phẩm chất cuộc sống của người nghèo được chăm sóc bằng cảm thức liên đới và ý thức về ngôi nhà chung của chúng ta.

    Tôma Hoàng Kim Khánh

    Nguồn tham khảo: Thông điệp Laudato Si’

     - Bản dịch của Ủy ban Bác ái Xã hội - Caritas Việt Nam.

     - Bản dịch của Linh mục Gioakim Lê Thanh Hoàng, Giáo phận Huế.

    Bài viết liên quan