Caritas Đà Lạt: Lắng nghe và đáp lại tiếng kêu của trái đất và tiếng khóc của người nghèo

  • Thứ tư, 09:34 Ngày 12/05/2021

  • Chiều ngày 11/4/2021, cộng đồng Ma Đanh – K' Tip được thúc đẩy bởi Caritas Dalat đã có một buổi nhìn lại hiện trạng thôn làng trong một bức tranh tổng thể (rich picture) và để cùng vạch ra các bước đi trong tương lai.

    Hiện trạng thôn làng được Chị Song Tứ, Caritas Đà Lạt trình bày với những vườn cà phê trồng độc canh trên vùng đất dốc. Việc sử dụng phân bón hóa học và phun thuốc trừ cỏ đã làm cho đất ngày càng “chết” đi, thoái hóa và xói mòn. Gánh nặng của cái Nợ từ việc đầu tư nguyên vật liệu đầu vào ngày càng tăng cao mà giá cả và năng suất thì ngày càng giảm, cộng thêm các chi tiêu trong cuộc sống ngày một nhiều đang đè nặng trên đôi vai người nông dân.

    Viễn tượng tương lai với hình ảnh cộng đồng cùng Caritas nắm tay hướng đến xây dựng một trái đất đẹp xinh trong tinh thần "lắng nghe tiếng kêu của trái đất và tiếng khóc của người nghèo", với các mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững trong sự cân bằng hài hòa giữa đa dạng cây trồng, vật nuôi, ao cá; các thực phẩm cung cấp cho gia đình và một phần để thương mại.

    Những nỗ lực của người dân trong tiến trình hướng về nông nghiệp sinh thái cũng được ghi nhận trong bức tranh này ở các hoạt động tăng cường ủ phân chuồng với tàn dư thực vật nhằm cải tạo đất, ngưng thuốc diệt cỏ trong vườn cà phê, giảm phân bón hóa học và thuốc trừ sâu cho lúa, trồng xen, nuôi dưỡng lớp thảm cỏ che phủ đất…, hay hoạt động của nhóm văn nghệ sinh hoạt hàng tuần để gìn giữ và lưu truyền văn hóa truyền thống của người Churu cho thế hệ tương lai.

    Sau đó, người dân đưa ra những khó khăn và thách thức mà họ đang gặp phải, rồi bắt đầu lựa chọn các vấn đề ưu tiên bằng phương pháp thả hạt. Mỗi người được sử dụng 3 hạt đậu để chọn 3 vấn đề quan trọng nhất đối với họ. Ba trong 10 vấn đề nổi cộm nhất đã được chọn ra để sau đó được phân tích sâu bằng công cụ cây vấn đề, đó là  (1) Người dân thiếu kỹ thuật sản xuất, (2) Tình trạng sức khỏe giảm sút, (3) Đầu tư nhiều trong sản xuất nông nghiệp. Từ những nguyên nhân gốc rễ gây ra các vấn đề trên, người tham gia đã đề xuất ra những giải pháp gần gũi và khả thi sẽ được thực hiện trong hộ gia đình và trong cộng đồng để đối phó với các vấn đề này.

    Cuối cùng, người dân thể hiện quyết tâm tạo ra sự thay đổi bằng cách đặt những quả tim đã ghi tên của mình vào những giải pháp mà bản thân họ cam kết thực hiện. Đó cũng chính là bước đi mà tập thể cộng đồng Ma Đanh-Katip đang cùng nhau nắm tay tiến lên để vạch ra con đường phát triển cho chính cộng đồng họ. Những giải pháp không mấy xa lạ đối với người dân nhưng không dễ duy trì nếu thực hiện một mình như làm cà phê để cỏ, trồng xen; trồng rau, trái cây sạch để ăn; giảm phân thuốc hóa học, tham gia nhóm văn nghệ của xóm... Ở đây, với tinh thần tập thể và với nhiệt huyết của ban điều hành, cộng đồng sẽ tạo động lực để thúc đẩy nhau tiếp tục cùng đi xa hơn trên con đường xây dựng một cộng đồng tốt đẹp hơn, tạo ra những thế hệ năng động với những sự thay đổi của thời đại nhưng vẫn giữ gìn và phát triển nền văn hóa truyền thống của cha ông.

    Mẹ Khuyr tâm sự: "Khi đọc được dòng chữ ghi trên lịch 2021 của Caritas Đà Lạt ‘Lắng nghe tiếng kêu của trái đất và tiếng khóc của người nghèo’ mà chị cảm thấy như muốn khóc. Mình là người nghèo và những tưởng không có ai nghe được tiếng nói của mình, vậy mà bây giờ đã có người lắng nghe…"  Những hoạt động này cũng đang giúp Caritas và cả người dân lắng nghe để thấu cảm hơn và để rồi cùng có những hành động đáp lại tiếng kêu cứu của trái đất và tiếng khóc của người nghèo.

    Đây là phiên hội thảo phản hồi kết thúc chuỗi hội thảo nghiên cứu hành động có sự tham gia mà Caritas Đà Lạt đã thực hiện với cộng đồng Ma Đanh – K’ Tip từ ngày 7/3. Tiến trình bao gồm nhiều công cụ khác nhau để người dân nhận thấy hiện trạng chung, các vấn đề họ đang gặp phải. Từ đó họ có ước muốn thay đổi và bước đầu lên kế hoạch thực hiện. Các chiều kích kỹ thuật/môi trường, kinh tế, văn hóa xã hội của cộng đồng được phân tích bằng công cụ dòng thời gian; Các thông tin khác được tổng hợp từ các công cụ phân tích nguồn thức ăn, bản đồ thôn làng, lịch thời vụ và thu chi hộ gia đình.

    Nghiên cứu hành động có sự tham gia (Participatory Action Research) là trung tâm của chương trình Phát Triển Tự Dân đang được Caritas Đà Lạt triển khai thực hiện trong các cộng đồng dân tộc thiểu số. Caritas Đà lạt học hỏi đào sâu phương pháp này dưới sự hướng dẫn đồng hành của ban điều phối chương trình APEX (Người dân Châu Á trao đổi học hỏi về chủ quyền lương thực và nông nghiệp sinh thái) kéo dài 2 năm bắt đầu từ tháng 9/2020.

    M.G. Hồng Phúc

    Bài viết liên quan