Caritas Hà Tĩnh: Khóa tập huấn “Quản Lý và Phát Triển Kinh Tế Hộ Gia Đình” cho Người khuyết tật

  • Thứ tư, 14:59 Ngày 05/01/2022
  • Với ước mong giúp người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn, được sự hỗ trợ của Caritas Việt Nam, Tiểu ban Hỗ trợ NKT Caritas Hà Tĩnh đã tổ chức khóa tập huấn: “Quản lý và Phát triển kinh tế hộ gia đình” cho các cộng tác viên (CTV), người khuyết tật (NKT) còn khả năng lao động và gia đình NKT, vào hai ngày 1- 2/01/2022, tại Trung Tâm Thiên Ân (Thôn Thái Yên, Xã Lộc Yên, Huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Tham dự khóa tập huấn có sự hiện diện của Cha JB. Nguyễn Huy Tuấn, Giám đốc Caritas Hà Tĩnh, Cha đặc trách Martinô Nguyễn Văn Bé, Sơ chuyên trách Anna Đinh Thị Xoan, chị Anna Phan Thị Hiền cùng 50 TDV trong ban Caritas các Giáo xứ cũng như gia đình và NKT còn khả năng lao động.

    Cơm, áo, gạo, tiền là những nhu cầu thiết yếu của bất cứ ai, nó không chỉ là tiêu chí của các công ty xí nghiệp hay nhà đầu tư, mà là mối quan tâm và mục tiêu hướng tới của mọi cá nhân, mọi gia đình và toàn xã hội. Sống trong thời đại với trăm ngàn khó khăn, đặc biệt là những hậu quả nặng nề và hệ lụy do đại dịch Covid-19 gây ra không chỉ trong một quốc gia, một châu lục, mà trên toàn thế giới với sự khủng hoảng, suy thoái nền kinh tế toàn cầu. Nhiều công ty, doanh nghiệp đã và đang rơi vào đường cùng phá sản, nhà nhà thiếu ăn, người người thất nghiệp, nguy cơ đói kém trên diện rộng đe dọa tính mạng con người từng giây.

    Khai mạc khóa tập huấn, Cha Giám đốc bày tỏ lòng cảm kích trước sự hy sinh và của các TDV. “Thời tiết tuy không mấy thuận lợi, trời mưa và lạnh nhưng chẳng cản được bước chân của những người nhiệt huyết làm công tác bác ái xã hội. Chắc chắn quý anh chị em đã hiểu được tầm quan trọng của công tác bác ái và thấm nhuần câu nói của ĐTC Phanxicô “kho tàng của Giáo hội là những người khuyết tật, người nghèo và người kém may mắn”. ĐTC Ngài không nói tài sản của Giáo hội là Giáo hoàng, hay linh mục hoặc là tu sĩ mà Ngài nhấn mạnh: tài sản của Giáo hội là người nghèo, người khuyết tật. Do đó, chúng ta cần phải quan tâm, lo lắng và chăm sóc cho tài sản quý báu này”. Những anh chị em kém may mắn vốn dĩ đã gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn trong mọi lĩnh vực, giờ đây cơn đại dịch kéo dài khiến NKT và gia đình họ lại càng khó khăn gấp bội. Nếu chúng ta không có giải pháp để giúp họ thì nguy cơ đói kém là điều khó tránh khỏi”. Lời động viên thấm đẫm tình người đó là nguồn động lực thôi thúc các TDV chăm chú lắng nghe và hăng say học tập. Đầu tiên, Cha Giám đốc giúp các TDV tìm hiểu “Khái niệm cũng như các mô hình sinh kế - nguồn kiến thức nền tảng như những viên gạch để chuẩn bị xây dựng căn nhà ...

    Tiếp đó, Cha Martinô từng bước dẫn dắt các TDV đến với sự hiểu biết về “Phân tích chi phí – lợi nhuận các hoạt động sinh kế”. Tính hài hước cùng sự ân cần của Cha khiến bầu khí lớp học trở nên đầm ấm thân tình.

    Không khí trở nên sôi động hơn với phương pháp giảng dạy “Chủ động” bằng cách áp dụng các trò chơi vẽ tranh, thảo luận nhóm nhỏ và thực hành “Cách làm sổ thu - chi” của Sr chuyên trách. Thời gian tuy không dài, nhưng được tự do nói điều muốn nói, thỏa sức sáng tạo là phương pháp giúp học viên tiếp thu bài học cách nhanh chóng và hiệu quả.

    Không chỉ đọc trên báo, nghe trên đài, mà các TDV được mắt thấy, tai nghe những kinh nghiệm quý báu về “Kỹ năng bán hàng hiệu quả” của Chị Anna Phan Thị Thu Hiền - NKT vận động đã được Caritas hỗ trợ vốn để kinh doanh buôn bán ở chợ. Với lời nói mộc mạc, giản dị, Chị đã chia sẻ cho mọi người những kỹ năng rất giản đơn, bình thường nhưng đem lại lợi ích kinh tế và hiệu quả thiết thực - điều mà ngay cả người bình thường cũng không dễ dàng đạt được. Hình ảnh của một người “tàn nhưng không phế”, và khao khát vượt lên số phận để vươn lên cùng gương sống của chị có tầm ảnh hưởng và tác động rất lớn không chỉ đối với NKT mà cả những người làm công tác xã hội đang hiện diện. Những hình ảnh họ không còn chỉ thấy trên truyền hình, gương sáng không phải tìm đâu xa, Chị đã cho các TDV thấy người thực, việc thực, giúp họ thêm nghị lực để không chùn bước trước những khó khăn và khơi thêm lòng nhiệt huyết cho những người thực thi sứ vụ.

    Hai ngày học trôi qua thật nhanh, để lại trên gương mặt của các TDV niềm tiếc nuối. Đến với khóa tập huấn, họ không chỉ thu thập được thêm kiến thức, trau dồi thêm khả năng mà còn được gặp gỡ những anh chị em cùng cảnh, đón nhận được sự trân trọng và quý mến của mọi người. Một CTV vui vẻ bày tỏ: “Từ trước tới nay chúng con chưa biết cách quản lý kinh tế. Phần lớn chúng con chỉ chú tâm vào làm kinh tế nhưng chưa biết cách và chú trọng đến việc “quản lý”, nhiều khi còn lãng phí rất nhiều mà cũng không hay biết, thậm chí chăn nuôi lãi – lỗ gì cũng không hay, (vì cứ lấy những gì mình sản xuất được để chăn nuôi mà không ghi chép). Khóa tập huấn này giúp chúng con biết tính toán Thu – Chi cách rõ ràng và phương pháp chăn nuôi, kinh doanh lời lỗ để có giải pháp điều chỉnh. Sau khóa tập huấn này, chúng con sẽ về thực hành tại gia đình, sau đó đến giúp các gia đình NKT và người kém may mắn tại địa phương của mình, để họ cũng biết cách quản lý thu chi và biết cách làm kinh tế, hầu có thu nhập ổn định, đáp ứng các nhu cầu cần thiết hằng ngày, và đổi thay cuộc sống”.

    Ước mong sao vốn kiến thức quý báu của quý Cha, quý Sơ và những kinh nghiệm chân thực của những anh chị em cùng cảnh sẽ giúp NKT tự tin vượt mọi rào cản để khẳng định chính mình và góp phần dựng xây xã hội bằng chính khả năng của mình, vì họ đáng được trân trọng và thương yêu, như lời của vị lãnh đạo cấp cao trong ngày Quốc tế Người Khuyết tật 3/12/2021: “Đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng những bất lợi và tăng tính dễ bị tổn thương đối với người khuyết tật do các rào cản trong lĩnh vực y tế và xã hội, bao gồm sự phân biệt đối xử và không được tiếp cận với một số hệ thống cơ sở hạ tầng. Trong quá trình khôi phục, các nước cần đưa người khuyết tật vào vị trí trung tâm trong quá trình hoạch định chính sách y tế, đảm bảo các rào cản được gỡ bỏ một cách toàn diện và kịp thời”.

    Sr. Anna Đinh Thị Xoan
    Chuyên trách Ban hỗ trợ người khuyết tật Caritas Hà Tĩnh

    Bài viết liên quan