Caritas Hải Phòng: Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm hoạt động BVMT và ứng phó BĐKH với các đội ứng cứu khẩn cấp Tp. Hải Phòng

  • Thứ sáu, 14:35 Ngày 30/08/2019
  • Cuối tháng 8 vừa qua, tại hội trường Tòa Giám mục, Caritas Hải Phòng đã phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ thành phố tổ chức chương trình hội thảo chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giữa các đội ứng cứu khẩn cấp (ƯCKC) khi có thiên tai, trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

    Đây là hoạt động được coi là mấu chốt trong chuỗi các hoạt động thuộc dự án “Tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH trong cộng đồng tôn giáo” được Caritas Hải Phòng ký kết với trung tâm Hàm Long (Huế) cho các năm 2018- 2019. Chương trình không chỉ nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm, nhưng cả việc nối kết với các đơn vị, tổ chức trong công tác cứu hộ cứu nạn tại cộng đồng, để ứng cứu khi có thiên tai xảy ra.

    Chương trình hội thảo có sự hiện diện của Quý cha Ban Giám đốc, nhân viên văn phòng, tình nguyện viên, thành viên các đội ƯCKC Caritas Hải Phòng; cùng Ban lãnh đạo Hội chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố, các đội phản ứng nhanh, ban BVMT các quận huyện. Tất cả đều chung mục đích tìm ra giải pháp tối ưu trong việc nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH và BVMT tại cộng đồng.

    BĐKH và ô nhiễm môi trường đang là một thách thức lớn đặt ra cho cả cộng đồng, cũng như cho mỗi người. Hẳn nhiều người đã nhận thấy những hậu quả tiêu cực của nó trong cuộc sống. Mặc dù luôn có những chương trình hành động kêu gọi BVMT từ trung ương đến địa phương, nhưng có thể thấy điều đó chưa đủ để cải thiện tình trạng ô nhiễm, mà dường như tình trạng đó ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Vậy nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên phải chăng chính là sự thiếu ý thức và thờ ơ của mỗi người? Đó là câu hỏi và cũng là trăn trở mà cha Giám đốc Gioan B. Vũ Văn Kiện đặt ra trong chương trình. Trong thực tế, nhiều người “tặc lưỡi” cho rằng việc mình xả rác là quá nhỏ bé, không đủ để làm tổn hại đến môi trường, đôi khi chỉ là một bao bì ni lông so với cả tấn rác ngoài kia, hay chăng chỉ là một hộp đựng thức ăn sử dụng một lần, ăn nhằm gì so với khối lượng rác khổng lồ các công ty lớn thải ra. Một bộ phận lại nghĩ rằng: việc BVMT là trách nhiệm của nhà nước, của các tổ chức hoạt động vì môi trường, đó không phải là trách nhiệm của người dân. Nhiều người cũng quan niệm: việc môi trường bị ô nhiễm thì mình có làm gì cũng chẳng ăn thua và cũng không ảnh hưởng đến mình... Chính những suy nghĩ chưa chuẩn này dẫn đến những hành vi chưa chuẩn, làm môi trường đã ô nhiễm, càng thêm ô nhiễm. Cha Giám đốc nhấn mạnh: việc truyền thông thay đổi nhận thức, đề cao ý thức BVMT cần phải làm liên tục, thường xuyên.

    Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Mạnh Phúc - Phó Chủ tịch Hội CTĐ thành phố cũng đã chia sẻ về công tác phòng chống cứu hộ, cứu nạn của đơn vị. Trong nhiều năm qua, đơn vị luôn quan tâm đến vấn đề này bằng cách đào tạo nguồn nhân lực cứu hộ tại cộng đồng, tổ chức các chương trình truyền thông đến các thành phần, lứa tuổi, đẩy mạnh các chương trình trồng cây xanh và thu gom xử lý rác thải ... Những hoạt động trên đã và đang mang lại những tín hiệu khả quan.

    Các bài tham luận của các Hội CTĐ các quận huyện cũng góp phần làm cho Hội thảo thêm sinh động. Nhiều mô hình ứng phó với BĐKH mà các đơn vị đã triển khai, được giới thiệu với hội nghị, như mô hình nói “không” với túi ni lông, thay vào đó là sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, hoặc bao bì tái sử dụng được nhiều lần, mô hình dùng phân vi sinh thay cho phân hóa học, trồng rau sạch tại nhà, thu gom xử lý các vỏ thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình… Các mô hình trên đã và đang giúp cho cộng đồng vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.

    Đúc kết Hội thảo, các bên tham gia mong muốn được nối kết cùng Caritas trong nhiều hoạt động trong thời gian tới, thúc đẩy áp dụng các mô hình thân thiện với môi trường và giảm nguy cơ ô nhiễm, cũng như phối hợp tốt trong công tác cứu hộ cứu nạn tại cộng đồng khi có thiên tai xảy ra.

    Inhaxio Hoàng Minh Chiến

    Bài viết liên quan