Caritas Sài Gòn: Tập Huấn Công Tác Xã Hội Với Người Khuyết Tật

  • Thứ năm, 13:43 Ngày 09/07/2020
  • TÔI THAM GIA TẬP HUẤN

    Đối với mỗi con người chúng ta, việc học tập là vô cùng cần thiết và quan trọng. Học để chúng ta lĩnh hội kiến thức và phục vụ cho công việc, cho cuộc sống của mình, để thăng tiến xã hội và còn để giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Mặc dù đã tham gia vào Ban Hỗ Trợ Người Khuyết tật (BKT) Caritas TGP một thời gian nhưng đây là lần đầu tiên tôi đi tập huấn với một chủ đề thật thú vị: “Công tác xã hội với người Khuyết tật” do ban chuyên trách khuyết tật của Caritas Sài Gòn tổ chức vào hai ngày cuối tuần (Đợt I: 26 -27.06.2020 và Đợt II: 03-04.07.2020).

    Tôi tới tòa Giám mục vào buổi sáng ngày tập huấn đầu tiên, tôi đã gặp thấy các cô cộng tác viên (CTV) đang chuẩn bị thẻ cho các tham dự viên bên ngoài sân; xếp bàn ghế trong hội trường; nước uống và những đồ dùng cần thiết cùng với Sr chuyên trách BKT với thái độ phục vụ vui vẻ và tận tình.

    Chương trình được bắt đầu vào lúc 8g, Sr Elisabeth Tuyết Minh_ chuyên trách BKT đại diện Cha Giám đốc chào thăm mọi người. Sau đó cộng đoàn cùng hát xin Chúa Thánh Thần thánh hóa và chúc lành cho tất cả mọi thành viên của kỳ tập huấn.

    Tiếp đó Sr Elisabeth giới thiệu TS.Võ Thị Hoàng Yến giảng viên của buổi tập huấn, và điều làm mọi người ngạc nhiên đó là Cô giảng viên là một người khuyết tật vận động ngồi xe lăn. Khuôn mặt vui tươi và cởi mở của Cô khi chào và làm quen với mọi người làm cho tôi có cảm giác thân thiện và tự tin.

    Cô đưa mọi người đi vào đề tài với lối dẫn dắt bình dị và những câu chuyện làm cho chúng tôi không những không cảm thấy căng thẳng mà còn dễ hiểu. Cô có lời khen tất cả các tham dự viên có tinh thần bác ái và có lòng nhiệt tâm, Cô gợi ý cho cả lớp câu hỏi: “Làm từ thiện và Công tác xã hội giống nhau hay khác nhau?” và rất nhiều ý kiến đã được đưa ra để thảo luận. Người nói là “giống”, chỗ kia nói “khác”. Sau khi nghe tất cả các ý kiến, Cô phân tích cho chúng tôi thấy sự “giống” nhau là đều phát xuất từ tình thương, còn sự “khác” nhau được ví như “con cá và cái cần câu”. Công tác xã hội (CTXH) là một mô hình hướng đến việc hỗ trợ và giúp đỡ những cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên tái hòa nhập với cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người. Vì vậy muốn làm CTXH với Người khuyết tật (NKT) trước hết chúng ta phải hiểu đúng về NKT, về sự bình đẳng, những khó khăn mà NKT gặp phải và từ đó sẽ đưa ra các mô hình hỗ trợ hợp lý; cách tìm kiếm các nguồn lực, phát triển cộng đồng và lập kế hoạch dựa vào nhu cầu của NKT.

    Kế đó, Cô giúp cho mọi người hiểu Khái niệm về NKT, các dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật. Theo Công ước Quốc tế về  Quyền của NKT khẳng định rằng:” Người KT bao gồm những người có khiếm khuyết về thể chất, trí tuệ, thần kinh hoặc các giác quan mà khi tương tác với các rào cản khác nhau có thể cản trở sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của họ trong xã hội trên cơ sở công bằng và bình đẳng như những người khác trong xã hội”.

    Có nhiều các dạng KT: KT vận động, KT nghe, nhìn (khiếm thính, khiếm thị ), KT thần kinh, KT trí tuệ và các dạng KT khác.

    Mức độ KT, NKT được chia theo 3 mức độ sau: NKT nhẹ, NKT nặng và NKT đặc biệt nặng. Cũng theo tổ chức y tế thế giới WTO: “Người KT là người nghèo nhất trong các người nghèo”. Cô đã đưa ra một bài tập cho cả lớp cùng thấy rõ đó là bài tập: ”Những bước đi quyền lực”. NKT luôn là người thiệt thòi hơn tất cả mọi người về tất cả mọi mặt như học tập, đi lại , vui chơi, nghề nghiệp vv…và một phần của CTXH là “ giảm thiểu những rảo cản trong xã hội đối với NKT”. Bên cạnh sự thiệt thòi là những rào cản mà NKT gặp phải như: rào cản về môi trường, rào cản về thông tin, nhưng có lẽ quan trọng nhât là rào cản về thái độ của người không khuyết tật đối với NKT như câu nói:” Thái độ dẫn dắt hành động”, vì nó là tập hợp tất cả những khó khăn do hiểu lầm, định kiến, niềm tin tâm linh của gia đình, cộng đồng dành cho NKT. Hoặc cách dùng từ đối với NKT như: Đui, mù, câm , điếc, què…vv” cũng làm cho NKT mang mặc cảm, tự ti. Chính những thái độ, những cái nhìn đúng đắn của gia đình, xã hội và môi trường cộng thêm những chính sách phù hợp sẽ là điều kiện để nâng đỡ NKT vươn lên và phát huy hết những khả năng của họ.  Nhưng nếu ngược lại, sẽ đẩy NKT vào trạng thái ỷ lại, bi quan hoặc chán nản. Người khuyết tật sẽ trở thành người tàn tật khi xã hội và môi trường không tạo điều kiện cho họ phát huy hết khả năng của họ.

    Ngày tập huấn thứ hai cô Yến giúp chúng tôi cách tìm kiếm và sử dụng những nguồn lực với câu hỏi  Chúng ta giàu hay nghèo?. Hầu hết không ai trong lớp nhận là mình “giàu”, và một lần nữa tôi và các tham dự viên lại ngỡ ngàng về sự “giàu, nghèo” khi nghe cô phân tích. Thực ra, những gì mình có hay người khác không có mặc dù rất bình thường nhưng nhiều khi lại không nhận ra. Cô đã giúp chúng tôi liệt kê tài sản qua bài tập của mỗi nhóm. Và chúng tôi đều nhận ra mình có rất nhiều tài sản và là những người rất “giàu”.

    Buổi chiều của kỳ tập huấn chúng tôi làm bài tập kết thúc. Chúng tôi dựa trên các tài sản đã thu thập được và đưa ra kế hoạch giúp đỡ cho các trường hợp cụ thể ở mỗi giáo xứ hay nơi địa bàn của mình. Sau đó, mỗi nhóm chia sẻ và trình bày kế hoạch của nhóm mình. Những tranh luận, phản biện lại sôi nổi giữa các nhóm để giúp nhau xây dựng những kế cụ thể dựa vào nhu cầu của NKT, để giúp họ cách chủ động và lâu dài.

    Kỳ tập huấn để lại trong tôi rất nhiều tâm trạng khác nhau, vui vì được biết rất nhiều tham dự viên từ các giáo hạt. Họ có các công việc và nghành nghề khác nhau, nhiều người rất giỏi và có địa vị trong các quan hệ xã hội, nhiều cô hát hay và rất hài hước,…Nhưng tất cả đều có chung một điểm là nhiệt tâm và tình thương dành cho mọi người và NKT nói riêng.

    Bên cạnh đó cũng có những điều làm tôi phải suy nghĩ và tự vấn chính mình. Chúa cho tôi một thân hình không bị khiếm khuyết là một trong vô số tài sản mà Ngài cho tôi được sở hữu, vậy tôi đã sử dụng chúng như thế nào để giúp đỡ những anh chị kém may mắn hơn tôi, đặc biệt là những NKT. Tôi đã nhìn họ bình đẳng chưa? Đặc biệt trong tình liên đới và trong đức tin tôi có nhìn thấy rằng họ là con cái của Cha trên trời, là anh chị em của tôi;  tôi có thấy được trách nhiệm của mình phải  chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ họ như Lời Chúa dạy “Anh em đã nhận nhưng không thì cũng phải cho đi nhưng không”. Chúa cũng gửi đến cho tôi một tấm gương về sự phấn đấu của cô giáo. Cô là một người rất nổi tiếng với học vị tiến sĩ, là giám đốc trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực NKT (DRD). Thế nhưng Cô rất bình dị, thân thiện và hòa đồng với mọi người. Cô như tiếp thêm lửa cho mọi  người để họ có nghị lực vượt qua những khó khăn trong việc phục vụ của mình.

    Tạ ơn Chúa với tất cả những tài sản, như những nén bạc mà Chúa đã tặng cho mỗi người chúng con. Cám ơn Cha Giám đốc cùng ban chuyên trách NKT Caritas Sài Gòn đã tổ chức  kỳ tập huấn cần thiết và ý nghĩa này, để các thành viên có thêm kiến thức trong hành trang phục vụ của mình! Cám ơn sự phục vụ chu đáo tận tình của các cô CTV trong công việc hậu cần!

    Xin Chúa cho chúng con biết đem những gì mình đã nhận được trong kỳ tập huấn, để áp dụng vào công việc giúp đỡ NKT. Nhờ đó họ có thể bớt đi những khó khăn, được đối xử bình đẳng và vươn lên trong cuộc sống,  và đó cũng chính là niềm vui của mỗi chúng con.

    Teresa Nguyễn

    Bài viết liên quan