Caritas Vinh: Cảm nhận về khóa tập huấn kỹ năng truyền thông

  • Thứ sáu, 14:32 Ngày 29/04/2022
  • BÀI CẢM NHẬN VỀ KHÓA TẬP HUẤN KỸ NĂNG TRUYỀN THÔNG

    Trong thời đại công nghệ 4.0, truyền thông giúp con người kết nối và nắm bắt được thông tin trong mọi lĩnh vực trên toàn thế giới. Chỉ với một chiếc điện thoại smart phone hay một chiếc máy tính với một cái “click” nhẹ, mọi người có thể đi du lịch vòng quanh thế giới. Chúng ta có thể kết nối, truyền tải thông tin và chia sẻ cho nhau dù chúng ta không cùng chung một vị trí địa lý. Tuy nhiên, những thông tin chúng ta quan tâm thường liên quan tới du lịch, giải trí, kinh tế, những người có nổi tiếng… Chúng ta có thể “share”, ấn nút “like” với những trang mạng quảng cáo, hay những thần tượng Idol. Những trào lưu văn hóa hưởng thụ và chạy đua với công nghệ đã làm cho chúng ta lãng quên những mảnh đời kém may mắn trong xã hội. Mấy ai trong chúng ta hiểu được Luật và Quyền dành cho người khuyết tật (NKT), truyền tải những thông tin để bảo vệ, nâng đỡ những người yếu thế trong xã hội.

    Chính vì mục đích muốn cho cộng tác viên (CTV) và tình nguyện viên (TNV) có thêm được kiến thức, kỹ năng về truyền thông để đồng hành với NKT. Ngày 24 tháng 04 năm 2022, Ban hỗ trợ NKT hòa nhập cộng đồng Caritas Vinh đã tổ chức Khóa tập huấn “Kỹ năng truyền thông giáo dục cho CTV và TNV” tại giáo xứ Hậu Trạch, xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, với sự hiện diện của Cha quản xứ Pet. Nguyễn Văn Sinh, Sr Maria Nguyễn Thị Xoan - Nhân viên chuyên trách ban hỗ trợ NKT, nhóm cộng tác viên nòng cốt và 36 CTV và TNV của Ban.

    Mở đầu Khóa tập huấn, Cha quản xứ Pet Nguyễn Văn Sinh đã chia sẻ, “Cha rất vui khi được Ban Caritas giáo phận chọn giáo xứ Hậu Trạch là địa điểm tổ chức Khóa tập huấn. Cha nhắc nhở tất cả mọi người ý thức về vai trò và trách nhiệm của mình khi tham gia Khóa tập huấn này. Cha ước momg rằng, Khóa tập huấn sẽ giúp CTV và TNV ở miền núi xa xôi này nên những cánh tay nối dài của Chúa Kitô, để nâng đỡ và bảo vệ những NKT ngay trong giáo xứ, giáo hạt của mình. Chúng ta có thể nghèo về vật chất, nhưng không thể nghèo về tình tương thân, tương ái”.

    Là một giảng viên thực tập, điều băn khoăn lớn nhất của con là việc chọn phương pháp giáo dục chủ động để áp dụng cho Khóa tập huấn. Ngoài ra, những sự khác biệt về trình độ học vấn, độ tuổi của tham dự viên cũng là một trong các yếu tố để con suy nghĩ nên chọn phương pháp nào cho phù hợp. Nó không chỉ đem lại hiệu quả về chất lượng nội dung, nhưng còn phải tạo nên bầu khí sinh động và lý thú. Tuy nhiên, một sự bất ngờ đã đến với Khóa tập huấn, các khoảng cách về trình độ và tuổi tác đã không còn là rào cản cho tham dự viên trong suốt Khóa học. Với phương thức nhìn hình ảnh đoán nội dung, xem video để đưa ra những bài học, kinh nghiệm, đã giúp cho TDV vượt qua sự e dè, để tự tin chia sẻ và tham gia bằng một thái độ tích cực trong quá trình học hỏi.

    Bên cạnh đó, để củng cố cho những khái niệm lý thuyết, TDV còn được áp dụng việc thực hành truyền thông qua các chủ đề cụ thể ngay tại lớp nơi các hoạt động như: sắm vai, vẽ tranh, thuyết trình. Với tinh thần học hỏi, quý TDV đã tạo ra hết bất ngờ này đến bất ngờ khác thông qua phần trình bày của các tổ. Con đánh giá cao về tinh thần cộng tác làm việc nhóm, cách vận dụng khả năng của các thành viên trong tổ, để xây dựng bài tập của tổ cách tốt nhất. Đại diện của các tổ thực hành truyền thông chủ đề của mình một cách tự tin.

    Với phương châm “học mà chơi, chơi mà học”, các trò chơi được lồng ghép vào trong Khóa tập huấn không chỉ đơn thuần mang tính giải trí, nhưng qua đó chúng còn truyền tải thông tin liên quan tới bài học và mang tính giáo dục. Chính những nụ cười trên khuôn mặt của TDV đã cho con cảm nhận được niềm vui và tinh thần của họ.

    Khóa tập huấn khép lại với biết bao tâm tư, tình cảm của TDV. Chị Maria Nguyễn Thị Mai (45 tuổi) đã chia sẻ, “Khi con được mời gọi tham gia tập huấn, con nghĩ mình đã già, lớn tuổi. Việc truyền thông dành cho các bạn trẻ, chứ tuổi của con thì truyền cái gì? Nhưng qua Khóa tập huấn này, con hiểu đúng hơn về truyền thông. Chúng không phải chỉ người học cao hiểu rộng mới làm, hay những người viết các bài quảng cáo trên mạng xã hội mới truyền thông. Nhưng chính mỗi người đều có trách nhiệm truyền thông trong việc làm cụ thể mỗi ngày, và ý thức hơn về việc truyền thông bảo vệ NKT”.

    Hay em Nguyễn Ngọc Ánh (22 tuổi) đã cho biết: “Em thấy Khóa học rất bổ ích, vì trước đây em dùng các trang mạng như Facebook, Zalo, Titok để đăng tải hình ảnh, video hài hước; thậm chí là bày tỏ các cung bậc tình cảm trong cuộc sống. Em chưa quan tâm nhiều đến những hoàn cảnh khó khăn hay những người khuyết tật. Em cũng nghĩ những người khuyết tật không nên lập gia đình vì sẽ tạo gánh nặng cho người thân. Nhưng khi em được xem video 40 cặp đôi NKT tổ chức đám cưới trong Khóa tập huấn này. Em nhận ra, họ cũng có quyền được yêu và hạnh phúc. Em hy vọng tất cả các anh chị, các bạn trong Khóa tập huấn này sẽ có được những bài học quý giá cho bản thân, và biết tận dụng cộng nghệ 4.0 để truyền thông về tình yêu; đặc biệt là tình yêu thương với NKT trong xã hội.

    Thay lời cho Ban hỗ trợ NKT hòa nhập cộng đồng Caritas Giáo phận Vinh, cám ơn Cha giám đốc, Cha quản xứ Hậu Trạch, nhóm CTV nòng cốt và tất cả quý tham dự viên đã cộng tác với chúng con trong Khóa tập huấn này, để công việc chúng ta đang phục vụ những người kém may mắn sinh nhiều hoa trái bác ái và mang lại hạnh phúc cho mọi người. Con cảm nhận được rằng, khả năng của bản thân con thì không thể làm được kết quả như vậy. Chính nhờ ơn Chúa và sự cộng tác nhiệt tình của TDV đã giúp con hoàn tất Khóa tập huấn cách tốt đẹp hơn những điều con mong đợi. Khóa tập huấn này giúp cho TDV hiểu được: Khái niệm truyền thông, các thành phần của tiến trình truyền thông, yếu tố giúp truyền thông hiệu quả, và phương thức truyền thông giáo dục. Dù còn những giới hạn về kỹ năng cũng như chuyên môn, nhưng con vẫn được quý TDV đón nhận và cổ võ để con có động lực hoàn thiện trong suốt Khóa tập huấn. Sau cùng, con xin cám ơn Carias Việt Nam đã tin tưởng và tạo điều kiên cho con có được cơ hội học hỏi và phát triển bản thân qua Chương trình giảng viên nguồn.

    Nữ tu Maria Nguyễn Thị Xoan - Nhân viên chuyên trách

    Bài viết liên quan