Ban Bảo Vệ Môi Trường Caritas Việt Nam

  • Thứ sáu, 15:00 Ngày 01/03/2019
  • Chung Tay Bảo Vệ Môi Trường

    Mỗi ngày, chúng ta chứng kiến biết bao hậu quả của việc biến đổi khí hậu đối với trái đất - ngôi nhà chung của chúng ta, đặc biệt là người nghèo, người chịu thiệt thòi trên thế giới. Trong thông điệp Laudato Si, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã tha thiết kêu gọi mọi thành phần tham gia bảo vệ và chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta.“Trái đất này giờ đây đang kêu khóc vì chúng ta đã tiêm nhiễm lên Chị những mối nguy qua cách sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng của cải vật chất mà Thiên Chúa ban tặng.”

    Trong thập kỷ qua chúng ta cũng đã phải chịu nhiệt độ nóng nhất cũng như gánh chịu những hậu quả thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Cảnh báo bề mặt trái đất nóng lên 2 độ C sẽ gây thảm hoạ cho trái đất và con người là vô cùng nghiêm trọng. Hiểu được sự nguy hiểm này, năm 2015, đã có 175 nước trên thế giới ký vào hiệp định Paris (COP21) về biến đổi khí hậu.

    Việt Nam đứng thứ 5 trong danh sách các nước bị ảnh hưởng bởi khí hậu toàn cầu. Vị trí địa lý của Việt Nam khiến Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước những biến đổi khí hậu cả về hình thái khí hậu khi mực nước biển tăng, lẫn diện tích đất canh tác sẽ bị thu hẹp. Nếu không có những biện pháp phù hợp và hiệu quả để giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, hậu quả sẽ là khôn lường.

    Do đó, việc bảo vệ môi trường là sứ mạng của Caritas Việt Nam trong việc thực thi bác ái, vì hơn bao giờ hết một khi môi trường bị tàn phá, thì người nghèo là người chịu thiệt thòi nhất. Chẳng hạn việc tiếp cận nước sạch là nhu cầu cơ bản của con người, nhưng ngày nay có rất nhiều người nghèo không có nước sạch để sinh sống. Chính vì thế, Caritas Việt Nam cùng với các Caritas giáo phận đang nỗ lực trong các hoạt động truyền thông nhằm giúp người dân thay đổi nhận thức từ đó thay đổi hành vi để bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu. Nhờ thế, các hoạt động bảo vệ môi trường ở Giáo phận ngày càng được mở rộng như tổ chức ngày môi trường, trồng cây xanh, thu gom quét dọn rác ở khu vực giáo xứ và đường phố, tiết kiệm điện nước, tiết chế trong việc dùng túi nylon, chai nhựa uống nước…

    Với tôn chỉ: Bảo vệ môi trường sống trong sạch và lành mạnh. Caritas Việt Nam dựa trên Thông Điệp Laudato Sí của ĐTC Phanxicô, bước đầu tập trung vào việc truyền thông nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường hướng đến việc thay đổi hành vi trong đời sống hằng ngày.

    Việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường không thể một sớm một chiều là có thể thực hiện được. Điều này cần có sự cộng tác của rất nhiều thành phần, nhiều tổ chức, nhiều đơn vị hỗ trợ cả về nguồn lực, phương pháp, tài chính và quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người.

    “Chúng ta giờ đây phải cùng nhau chịu trách nhiệm về ngôi nhà đã được ủy thác cho chúng ta”. (Laudato Si, số 244)

    Các cuộc đàm phám của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu phải đưa đến kế hoạch cứu lấy hành tinh.

    Các cuộc đàm phán về biến đổi khi hậu của LHQ diễn ra tại Ba Lan vào tháng 12, 2018 là làm sao ngăn chặn lại sự biến đổi khí hậu cho thập kỷ tới cũng như hướng giải quyết những hậu quả tàn phá của việc biến đổi khí hậu trên đời sống con người, hệ sinh thái, bảo đảm lương thực và nước, là những đề tài mà Caritas chú trọng. Cái giá phải trả cho những thảm hoạ và thiên tai ngày càng gia tăng thật là khủng khiếp nhất là đối với các cộng đồng hiện nay đang phải đối mặt với đói nghèo. 

    Trong Laudato Si’ Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Nhân loại được mời gọi nhận ra sự cần thiết phải thay đổi lối sống, việc sản xuất và tiêu thụ, để chống lại sự nóng lên này hoặc ít ra chống lại những nguyên nhân con người gây ra hoặc làm cho nó xấu đi".

    Ban Bảo vệ Môi Trường

    Caritas Việt Nam

    Bài viết liên quan