Ban Phòng Chống Buôn Người

  • Thứ tư, 15:48 Ngày 27/02/2019
  •  Hãy Chung Tay Phòng Chống Buôn Người

    Hiện nay tình trạng buôn bán người trên toàn thế giới đang ở mức ngày một lan rộng và đến mức báo động. Riêng tại Việt Nam, theo thống kê cho biết, từ năm 2011 đến năm 2015 đã có 4.500 nạn nhân và năm 2016 đã có 1.228 nạn nhân.

    Trên thực tế, việc ép buộc người di chuyển qua biên giới, nhằm mục   đích thương mại ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn vô cùng tinh   vi và xảo trá. Trước tình trạng này, mỗi người trong chúng ta tự nhận thấy mình cần phải nhanh chóng hành động cấp thiết để chấm dứt hay giảm thiểu số nạn nhân bị buôn bán.

    Vì sao xảy ra tình trạng buôn bán người?

    Đứng trước một xã hội chạy theo đồng tiền, thì con người lại dùng mọi chiêu bài để có thể làm ra đồng tiền và thu được nhiều lợi nhuận. Họ có thể bất chấp những luật pháp quốc tế và bất chấp những hành động vô nhân tính với người khác.

    Trong những năm gần đây, các hoạt động thương mại buôn bán người đã trở nên như một ngành công nghiệp. Họ có thể dùng nhiều chiêu bài để kiếm ra tiền mà không cần phải đầu tư các trang thiết bị như các ngành công nghiệp khác. Họ có thể có được nhiều lợi nhuận trong ngành công nghiệp này, với hơn 32 tỷ Mỹ kim mỗi năm, chỉ đứng sau ngành buôn bán ma túy.

    Đa số những nạn nhân của việc buôn bán này, điều rơi vào ba tình trạng chính: nô lệ lao động, nô lệ tình dục và bị mổ lấy nội tạng.

    Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, hiện thế giới có gần 21 triệu người đang bị cưỡng bức lao động với trên 17,5 triệu người là nạn nhân của mua bán người, trong đó 55% là phụ nữ và trẻ em gái. Phần lớn họ bị ép lao động khổ sai hoặc bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục trong các nhà thổ. Mỗi nô lệ có thể đem về cho chủ chứa hàng trăm ngàn Mỹ kim mỗi năm và có thể sử dụng đi sử dụng lại nhiều lần.

    Các nạn nhân bị đánh đập, bị tấn công tình dục, ép làm việc cật lực mà không được trả lương, không được ăn no, không được nghỉ ngơi và thường xuyên bị cưỡng bức. Đặc biệt, những bé trai bị bán phần lớn bị ép làm những công việc nặng nề hay bị bán cho các chủ tàu đánh cá. Các nạn nhân này phải làm việc quá sức trong điều kiện khắc nghiệt và bị đánh đập dã man. Nghiên cứu ban đầu cho thấy khoảng 10% những em bé này không bao giờ trở về, những bé trở nên ốm yếu không còn sức lao động thường bị ném xuống biển.

    Những nạn nhân nữ bị buôn bán phần lớn bị ép làm nô lệ tình dục, bị hãm hiếp, đánh đập, bỏ đói, lạm dụng thuốc, và tra tấn đến kiệt quệ. Họ có thể bị rối loạn về tinh thần và thường dẫn đến khuynh hướng tự sát. Trong hầu hết các trường hợp những phụ nữ này bị nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác do hành vi tình dục không an toàn và thiếu sự chăm sóc y tế. Các bệnh này càng làm tăng thêm sự thống khổ và dày vò thể xác đối với các nạn nhân.

     

    Với những người bị bắt cóc cho mục đích lấy nội tạng, họ hiếm khi được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế. Họ phải chịu những di chứng nghiêm trọng do quá trình phẫu thuật không đảm bảo và đôi khi chết ngay trên bàn mổ. Những người sống sót cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề và không bao giờ có thể sống một cuộc sống bình thường trở lại.

    Nạn nhân bị tổn thương về thể chất và tâm lý. Họ cũng không dễ dàng gì để chứng minh câu chuyện của họ cho các cơ quan chức năng để tìm kiếm sự giúp đỡ. Luật pháp cũng còn nhiều trở ngại để có thể bảo vệ cho các nạn nhân một cách hiệu quả hơn.

    Vậy, buôn bán người là gì?

    Theo định nghĩa chung, “buôn bán người” là các hành vi bao gồm chuyển giao, tiếp nhận, tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, môi giới, cưỡng bức người có yếu tố nhận tiền, tài sản, lợi ích khác để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

    Kẻ buôn người có thể là những tài xế xe tải, người hàng xóm, người trong làng, người môi giới lao động và kể cả người họ hàng thân thuộc và sĩ quan cảnh sát. Tội phạm buôn bán người rất đa dạng. Mặc dù một số nạn nhân thường bị bắt cóc, nhưng hầu hết họ là những người tự rời bỏ nhà cửa, quê hương mình và đi theo những lời dụ dỗ.

    Tệ nạn buôn người tiếp tục gia tăng tại Việt Nam, mà nguyên nhân chính được cho là do tình trạng nghèo khó, người dân thiếu tiếp cận thông tin, tinh thần cảnh giác thấp, pháp luật không được thực thi nghiêm minh, biên giới quản lý lỏng lẻo. Thêm vào đó, nhu cầu cô dâu nước ngoài gia tăng tại một số nước trong khu vực cũng khiến cho nhiều phụ nữ Việt Nam trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người.

    Buôn bán người rõ ràng đã và đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Hoạt động phi pháp này gây ra những hậu quả đau thương cho các gia đình nạn nhân và là một sự nhức nhối cho xã hội. Song nó lại chưa được quan tâm đúng mức như cuộc chiến chống ma túy hay buôn lậu vũ khí. Nếu không có các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu thì nạn buôn bán người sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, bởi vì những món lợi nhuận khổng lồ nó mang lại.

    Vậy, chúng tôi tha thiết kêu gọi mỗi người cần nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác cao độ để bảo vệ chính mình cũng như những người khác. Đồng thời cùng nhau tuyên truyền giúp cho những người chưa tiếp cận được thông tin. Hãy nỗ lực kìm hãm và ngăn chặn loại hình tội phạm này!

                                                         Ban Phòng Chống Buôn Người

                                                                      Caritas Việt Nam

    Bài viết liên quan