KHÔNG AI CÓ THỂ LÀM TÔI HAI CHỦ – CN VIII A

  • Thứ năm, 10:10 Ngày 27/02/2014
  • Những ngày vừa qua, bức “Thư Ngỏ” viết ngày 17.2.2014 của ĐGM Giáo Phận Phan Thiết  được công bố trên Vietcatholic (x.vietcatholic.net/media/140216PhanThiet.pdf), đã làm xôn xao công luận.  “Một linh mục thuộc giáo phận Phan Thiết  tự nhận là được Đức Giám Mục gửi qua Mỹ để xin tiền xây dựng Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao”. Nhưng “TGM không Phan Thiết không cử linh mục nào sang Mỹ với nhiệm vụ trên”, nên “xin quý vị vui lòng cảnh giác trước sự việc có dấu hiệu lừa đảo nêu trên”.Sức mạnh của Tiền Bạc thật là khủng khiếp. Chúa Giêsu đã so sánh nó với một ông chủ có khả năng cạnh tranh với chính Thiên Chúa. "Không ai có thể làm tôi hai chủ... Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được" (Lc 16, 13). Việc tôn thờ tiền bạc không xứng hợp với việc phụng sự Thiên Chúa. Chúa đã nói trước đó: “Kho tàng của anh ở đâu thì lòng trí anh ở đó”. Tiền Của luôn luôn là ông chủ xấu nhưng có thể là một người tôi tớ tốt. Nhưng bằng cách nào ta có thể bắt nó làm tôi tớ mình được?Những lời dạy trên được Chúa Giêsu đưa ra sau dụ ngôn về người quản gia bất lương. Anh này đã biển thủ tiền bạc hoa lợi của chủ. Ông chủ biết được liền bắt anh ta làm phúc trình trước khi sa thải. Anh ta kêu các con nợ đến, đồng loã với họ làm ra những biên lai giả: kẻ mắc nợ chủ 100 thùng dầu ô liu, anh ta bảo viết 50 thùng; người mắc nợ 100 dạ lúa thì anh ta bảo viết lại thành 80. Như thế, các con nợ kia trở thành bạn hữu của tên quản gia vì đã chịu ơn anh ta, bởi thế sau khi bị sa thải anh ta được họ đón về nhà.Tại Palettin vào thời ấy, quản gia có thể cho người khác vay tài sản của chủ. Thường họ không có thù lao, nên khi lập hợp  đồng thì hay ghi số lượng trội hơn số lượng cho vay, để lúc hoàn trả, họ giữ lại số dư làm của riêng. Trong dụ ngôn, người quản gia bất chính có thể đã tính toán lại để ông chủ thu đúng số tài sản của ông, và như vậy anh ta hy sinh số dư đáng lẽ thuộc về mình. Người chủ sẽ không bị thiệt hại mà các con nợ lại rất biết ơn anh ta. Chính vì đó mà "ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo" (Lc 16,8).Từ cách xoay xở mau lẹ của tên quản gia trong một tình huống ngặt nghèo như thế, Chúa Giêsu rút ra bài học: "Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cữu" (Lc 16, 9). Bạn bè đây là ai? Họ là ai mà lại có thể đón người ta vào nơi ở không phải tạm thời nhưng vĩnh cữu?Muốn trả lời, cần liên kết dụ ngôn “người quản gia” với dụ ngôn “ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo khó” (Lc 16). Ông nhà giàu sống ích kỷ trong sự giàu sang của mình, ngày ngày yến tiệc linh đình, mặc cho anh Lazarô nằm chờ chết trước cửa nhà ông ta. Sau khi cả hai chết, ông phú hộ sa hoả ngục, còn anh Lazarô thì được vào thiên đàng. Trong cơn cực hình, ông ta kêu van tổ phụ Abraham can thiệp để Lazarô cứu giúp mình cách nào, nhưng Abraham trả lời rằng số phận hai người như thế là công bằng và dứt khoát rồi, không thể thay đổi được nữa.Như thế, của cải thường chia cách con người với nhau, nó đã chia cách ông nhà giàu với anh Lazarô khi còn sống, thì khi họ chết rồi, dẫu muốn cũng không còn cách nào nối lại dây liên lạc nữa. Ông ta giàu có như thế mà không biết dùng của cải để làm cho Lazarô nên bạn hữu của mình, để anh đón ông vào nơi hạnh phúc vĩnh cữu.Tên quản gia bất chính (nhưng khôn khéo) hơn ông ta ở chỗ đã biết dùng "tiền bạc gian dối mà mua lấy bạn bè", bảo đảm cho tương lai của mình. Phần rỗi đời đời lại không đáng cho ta bỏ công bỏ của ra mà chăm lo hơn bội phần sao? Muốn được cứu rỗi đời đời, hãy có nhiều bạn bè. Bạn bè đó chính là những người nghèo khó mà chúng ta biết phục vụ, biết chia sẽ của cải với họ. Câu hỏi: "Làm thế nào cho của cải thành tên tôi tớ phục vụ ta?". Tin Mừng hôm nay cho câu trả lời. 1. Thiên Chúa làm chủ cuộc đời mìnhChúng ta phải để cho Thiên Chúa làm chủ cuộc đời mình chứ không phải là Tiền Của. Không được để cho của cải đời này trở thành như mục đích của cuộc đời. Nó là một ông chủ xấu, một ông chủ khắc nghiệt, một ông chủ giả dối. Nó làm hư hỏng gia đình, hư hỏng xã hội, hư hỏng con người khi nó được coi như thần tượng, như giá trị cao nhất phải đạt tới bằng mọi cách. Là ông chủ xấu nhưng tiền của có thể là người đầy tớ tốt và cần thiết. Chúa Giêsu không lên án tiền bạc. Người không khinh chê của cải đời này. Chính Người đã phải lao động vất vả để sinh sống và nuôi sống cha mẹ mình. Khi ra rao giảng công khai, Người đã phải sống nhờ vào lòng tốt của kẻ khác, của bạn bè. Tiền của cần cho cuộc sống. Nó cần cho ta làm điều thiện và cho xã hội xây dựng các công trình công ích như nhà thương, nhà trường, nhà tình thương, nhà nuôi người già, người tàn tật, trẻ mồ côi, xây dựng đường sá, cầu cống, nhà máy điện, Nhà thờ, nhà giáo lý, nhà mục vụ... Chúng ta cần tới tiền bạc nhưng phải giữ sự thanh thoát đối với nó. Ta sẽ không để cho của cải chóng qua làm chủ ta nếu ta thường xuyên nghiền ngẫm lời cảnh cáo sau đây của Chúa Giêsu: "Được cả thế gian mà thiệt mất mạng sống mình thì nào có lợi chi!" (Mt 16, 26).Tiền của đời này được giao cho ta quản lý, và ta sẽ phải phúc trình trước mặt Chúa về cách quản lý của mình. Không thể nói: của tôi, tôi muốn làm gì thì làm! Cách thức tốt nhất để quản lý tiền của mà không sợ làm trái ý Chúa, đó là dùng nó để phục vụ, nhất là phục vụï người nghèo. Như thế là chuẩn bị cho mình một chỗ chắc chắn trong Nước Trời. Người nghèo được Thiên Chúa ưu đãi. Họ là công dân ưu tuyển của Nước Trời. Ta phải làm cho họ trở nên bạn hữu của ta. Giám mục Bossuet nói: "Người giàu là người ngoại kiều đối với Nước Trời, chính người nghèo làm cho họ nhập tịch thành công dân của Nước Trời". Còn thánh Âu Tinh viết đại ý như sau: Bạn có của cải ư? Tốt lắm. Cha bạn để lại cho bạn một gia tài kếch xù ư? Điều đó là hợp pháp. Nhà bạn chất đầy hoa lợi do công lao khó nhọc bạn làm ra: Tôi chẳng có gì trách bạn cả. Nhưng xin đừng gọi những thứ đó là sự "giàu có". Gọi chúng như thế là đã bắt đầu yêu thích chúng rồi, và nếu bạn yêu thích chúng, bạn sẽ cùng bị tiêu diệt với chúng. Bạn nên tiêu dùng chúng đi thì hơn, bạn sẽ không bị chết mất; hãy chia sẽ đi, rồi bạn sẽ nên giàu có, hãy gieo rồi bạn sẽ được gặt. Vâng, những của cải kia chỉ là giả dối. Hễ sở hữu chúng là bạn sinh ra lo âu. Nếu là sự giàu có đích thực, ắt chúng phải mang lại cho bạn sự bình an mới phải. Chỉ một mình Thiên Chúa là sự giàu có đích thực của chúng ta! (x. Hai Ông Chủ, Lm Nguyễn Hồng Giáo, Ofm).2. Tin tưởng vào ơn Quan Phòng của Thiên ChúaĐấng Tạo Hóa ân cần chăm lo cho các loài thụ tạo đã được khẳng định trong nhiều bản văn Thánh kinh. Chúa Giêsu dùng ba ví dụ rất nên thơ gợi cảm nói về sự quan phòng. Chim trời không gieo, không gặt nhưng chúng vẫn được Cha trên trời nuôi sống; Cuộc đời của mỗi người có một quảng thời gian nhất định sống ở trần gian này, điều đó ta không thay đổi được, dù có lo lắng cũng chẳng kéo dài đời mình thêm một vài gang tấc; hoa huệ ngoài đồng không làm lụng, không kéo sợi, thế mà dù vua Salomon vinh hoa tột bậc cũng không mặc đẹp bằng nó. Kết luận của ba ví dụ là: nếu như Thiên Chúa quan tâm nuôi sống chim trời và ban áo mặc cho hoa đồng cỏ nội, thì lẽ nào Chúa lại không lo lắng cho con người hơn gấp bội sao? Kết thúc bài giảng, Chúa Giêsu tuyên bố: "Vậy đừng quá lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó". Tin cậy vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ được hưởng những quan tâm của Cha trên trời. 3. Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên ChúaCủa cải vật chất là cần thiết. Nhưng của cải tự nó không mang lại hạnh phúc cho con người. Nó phải là một phương tiện, một người tôi tớ. Nhưng khốn thay, tên đầy tớ này rất có uy quyền, rất dễ trở thành ông chủ của con người, để con người phục dịch nó với bất cứ giá nào. Phải dành ưu tiên cho Nước Thiên Chúa, rồi mới đến các thứ khác. Đó là trật tự phải tôn trọng. Nhưng đây không phải là vấn đề thời gian sau trước nhưng là vấn đề giá trị mà khi cần phải chọn lựa, ta phải biết đâu là thiết yếu đâu là thứ yếu. "Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đời sống công chính như Người đòi hỏi". Sống theo ưu tiên đó, chúng ta vẫn phải làm việc, phải vất vả, phải lo lắng và biết tiên liệu, nhưng chúng ta sẽ không nô lệ vật chất, sẽ không bán rẻ lương tâm vì đồng tiền bát gạo, sẽ coi trọng con người hơn của cải và đặt các giá trị luân lý đạo đức lên trên các giá trị vật chất. Tìm kiếm sự công chính, tức là nổ lực nên thánh bằng cách thực thi thánh ý Thiên Chúa. “Còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”, tức là những nhu cầu vật chất mà Chúa Giêsu đề cập đến như: thức ăn, áo mặc, đây là những nguyên do lo lắng của dân ngoại, nhưng không của con cái Thiên Chúa. Chúa Giêsu không hứa với “những người công chính” là Thiên Chúa sẽ ban cho họ dư đầy của cải trần thế, nhưng đơn giản là đảm bảo cho họ nhu cầu cần thiết hằng ngày. (x. Thiên Chúa hay thần tài, Lm Nguyễn Hồng Giáo, Ofm).Sống theo ưu tiên của Nước Thiên Chúa, người Kitô hữu sẽ giữ được sự tự do thanh thoát và bình an ngay giữa những nhiệm vụ nặng nề nhất, vì họ biết có Chúa là Cha yêu thương cùng lo cho họ và với họ, và chỉ có Người mới đem lại cho họ niềm hạnh phúc đích thực mà họ hằng mong ước.

    Lm Giuse Nguyễn Hữu An

    Bài viết liên quan