Lễ Hiển Linh

  • Thứ bảy, 00:03 Ngày 01/01/2022
  • Lối Về Hân Hoan

    Cách đây hơn hai ngàn năm, Thiên Chúa đã tỏ mình cho muôn dân qua sự dẫn dắt của một ngôi sao lạ: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem miền Giuđê thời Vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem và hỏi: Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2,1-2). Các nhà chiêm tinh đi tìm Đấng Cứu Thế, nhờ nhìn thấy ngôi sao. Ngày xưa người ta tin rằng: khi một ngôi sao lạ xuất hiện là có một đấng vị vọng ra đời. Vua Alexandre của Hy lạp hay vua Caesar của Rôma sinh ra, ngườt ta cũng nói có sao lạ xuất hiện. Người Hy lạp gọi những người nổi tiếng là sao. Ngày nay cũng vậy, các tài tử nổi tiếng gọi là “minh tinh màn bạc”, các cầu thủ giỏi gọi là “siêu sao”. Trong nghề bói toán, người ta cũng xem “sao chiếu mệnh” để biết vận mạng con người. Người Do thái cũng vậy, nên sách Dân Số có lời sấm của Bilơam: “Một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng chỗi dậy từ Itraen” (Ds 24,17).

    Các nhà chiêm tinh theo ánh sao lên đường. Ngôi sao lạ không đưa họ tới Belem mà đưa tới Giêrusalem.

    Giêrusalem được coi là thành thánh, bởi ở đó xưa kia tổ phụ Abraham đã đem con trai Isaác để sát tế cho Thiên Chúa. Chính nơi đây, vua Salomon đã xây dựng đền thờ nguy nga bằng gỗ quý từ Libăng đem về. Vào thời vua Hêrôđê, ngôi đền thờ ấy đã được xây dựng lại, một công trình vĩ đại, phải mất 46 năm mới hoàn tất. Vì là thành thánh và là nơi có đền thờ, nên không lạ gì khi các nhà chiêm tinh đi tìm vua dân Do thái mới sinh lại không dừng chân nơi này.

    Tới Giêrusalem, họ hỏi vua Hêrôđê: “Đức vua dân Do thái mới sinh hiện ở đâu?”. Ba nhà chiêm tinh đã đem đến một tin làm chấn động cả dân thành, khiến từ vua chúa quan quyền cho đến bậc thứ dân đều sửng sốt hoang mang. Nhà vua liền triệu tập các học giả vốn được coi là những người đoán biết được mệnh trời. Vua hỏi các thượng tế và kinh sư. Họ trả lời: “Tại Bêlem, miền Giuđê”. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, nhà vua cùng các bậc học giả uyên thâm đó, chẳng một ai nghĩ là chính mình cần phải đi tìm vị tân vương. Họ chỉ hướng cho ba nhà chiêm tinh đi Bêlem.

    Các nhà chiêm tinh Đông phương lại nhìn thấy ngôi sao xuất hiện và lên đường theo ánh sao. Họ đã tìm ra Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ hang lừa. Đó chính là vị Cứu tinh mà Israel từ lâu mong đợi. Vị Cứu tinh chào đời tại Bêlem như lời Ngôn sứ Mikha đã loan báo “Phần ngươi, hỡi Bêlem Epratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị lãnh tụ chăn dắt dân Israel” (Mk 5,1). Các nhà chiêm tinh vui mừng tôn kính dâng lễ vật bái thờ Người.

    Ngôi sao xuất hiện ở phương Đông được ông Bilơam tiên báo: “Một Vì Sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel” (Ds 24,17). Các nhà chiêm tinh đến từ vùng đất phương Đông, quê hương của Bilơam. Ngôi sao họ nhìn thấy vốn là dấu hiệu chỉ vương quyền. Ngôi sao nhắc lại lời sấm chúc phúc của Bilơam thuở xưa nói về triều đại Đavít và về chính Đấng Mêsia. Một ngôi sao lạ ở phương Đông xuất hiện trên bầu trời đầy sao. Các nhà chiêm tinh nhận ra ngôi sao lạ. Họ tin rằng có một vị vua mới sinh ra ở đất Do thái. Họ lập tức khởi hành, lên đường tìm kiếm. Con đường đi của họ dẫn qua sa mạc, bụi bặm, nóng bức và giá lạnh. Ðó là một con đường đầy chông gai khó khăn, vất vả và nguy hiểm.

    Họ ra đi “Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại”. Họ mừng rỡ vô cùng. Họ gặp Hài Nhi, liền sấp mình bái lạy, với lòng thành họ dâng tiến lễ vật vàng, nhũ hương và mộc dược.

    Câu chuyện Phúc âm tuyệt đẹp. Ba nhà chiêm tinh đi tìm Đấng Cứu Thế theo ánh sao lạ. Nếu Thiên Chúa đã dùng cột mây lửa để dẫn dân Do thái đi trong hoang địa về Đất hứa thì Người cũng có thể dùng ngôi sao lạ để dẫn đường cho các nhà chiêm tinh đến Bêlem để gặp Đấng Cứu Tinh. Nhưng sự thật vô cùng trớ trêu là khi vị Cứu tinh xuất hiện sau bao thế kỷ chờ đợi thì dân Do thái lại thờ ơ lãnh đạm. Các thượng tế, các kinh sư có thái độ dửng dưng thụ động. Họ rành rẽ Kinh Thánh và biết rõ nơi sinh của Đấng Cứu Thế nhưng họ chẳng cất bước đến Bêlem. Còn Hêrôđê thì hốt hoảng bối rối, sợ ngai vàng bị lung lay nên tìm cách loại trừ với mưu mô cạm bẫy.

    Tấn bi kịch cuộc đời Hài Nhi bắt đầu, bị người đồng hương từ khước, bị tẩy chay, bị giết chết. Chỉ có các nhà chiêm tinh hăng hái lên đường lao vào cuộc phiêu lưu tìm kiếm. Họ đã làm tất cả miễn sao gặp được Đấng Cứu Tinh. Cho dù Đấng ấy chẳng uy nghi ngự trong lâu đài điện ngọc nhưng họ vẫn vui mừng đón nhận, xin được bái kiến và dâng lễ vật quý giá với cả tấm lòng thành.

    Phụng vụ đọc câu chuyện tuyệt đẹp này trong ngày Lễ Hiển Linh “Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại”. Các nhà chiêm tinh là dân ngoại, họ đại diện cho mọi dân tộc, họ khao khát tìm kiếm ơn cứu độ. Sau này Chúa Giêsu đã xác định: “từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng tổ phụ Abraham, Isaac, Giacop trong Nước Trời” (Mt 8,11). Các thượng tế và các kinh sư thông hiểu Thánh Kinh, họ giảng giải thật hay cho Hêrôđê, nhưng chỉ là lý thuyết. Họ tìm Đấng Cứu Thế trong sách vở nhưng không nhận ra Người trong thực tế vì Người không phù hợp với những quan điểm cố định của họ. Những người chuyên nghiên cứu sách vở đầy sự uyên bác thông thái, nếu không lên đường, không thao thức tìm kiếm thì chẳng bao giờ gặp được Thiên Chúa. Trái lại, những tâm hồn đơn sơ, khó nghèo như các mục đồng, hay cởi mở và khao khát chân lý như các nhà chiêm tinh lại được diễm phúc gặp gỡ Người vì họ đã dám mạo hiểm lên đường tìm kiếm, bước đi theo các dấu chỉ.

    Thiên Chúa vẫn luôn tỏ mình ra cho nhân loại qua những dấu chỉ tự nhiên của trời đất, qua từng biến cố lịch sử, qua Lời Người trong Thánh Kinh, qua sự hiện diện của Dân Chúa là Giáo Hội, qua các Bí tích. Muốn gặp được Thiên Chúa, nhất thiết phải nổ lực tìm kiếm. Cho dầu có những thử thách, cam go, những hiểm nguy cạm bẫy, vẫn luôn kiên trì trong đức tin, bền đổ trong lòng mến.

    Hôm nay, không có ngôi sao Đông phương nào xuất hiện trên bầu trời để soi đường cho chúng ta đi tìm Chúa. Chúng ta có một ánh sáng khác rực rỡ hơn giúp tìm gặp Người. Đó là ánh sáng của Lời Chúa: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”. Bước đi trong ánh sáng Lời Chúa, chúng ta sẽ trở nên ngôi sao dẫn đường cho nhiều người tìm đến Thiên Chúa. Thánh Phaolô mời gọi: “Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời”(Pl 2,15). Tại sao các Kitô hữu được gọi là các vì sao? Thánh Gioan giải thích: “Thiên Chúa chưa ai thấy bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta” (1Ga 4,12). Nói cách khác, Thiên Chúa của chúng ta là một vị “Thiên Chúa ẩn mình”, nhưng Người muốn tỏ mình ra cho người ta thấy qua cách sống yêu thương của chúng ta. Nói cách khác nữa, khi chúng ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu”(1Ga 4,18). Cho nên cách sống yêu thương của người Kitô hữu làm cho người ta nhìn thấy và nhận biết được Thiên Chúa tình yêu. Chính vì thế mà thánh Phaolô đã so sánh thế gian như vòm trời tăm tối, và khuyến khích các Kitô hữu hãy sống yêu thương để có thể thành những vì sao chiếu sáng trên vòm trời ấy.

    Thời nay, Mẹ thánh Têrêxa Calcutta với tấm lòng yêu thương bao lao là một vì sao chiếu sáng trên vòm trời. Chúa muốn chúng ta là ánh sáng chiếu tỏa cho mọi người chung quanh: “Các con là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14). Kitô hữu trở nên ánh sao tình yêu, ánh sao tha thứ, ánh sao hy vọng, ánh sao công bình, ánh sao bác ái, ánh sao đạo đức, góp phần dẫn đường cho người khác đến với Chúa. Ngôi sao Đông phương dẫn các nhà chiêm tinh đến gặp Chúa Hài Nhi rồi tiến dâng lễ vật. Chúng ta nhờ ánh sáng Lời Chúa soi dẫn trên hành trình cuộc đời. Lời Chúa là ánh sao chiếu soi tâm hồn giúp chúng ta sáng lên niềm tin. “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa” (Lc,11,28), Chúa Giêsu chỉ cho thấy sự cao cả đích thực của Đức Maria, như thế mở ra cho mỗi người chúng ta khả năng sống mối phúc phát sinh từ Lời được lắng nghe và đem ra thực hành. (x.Verbum Domini, số 124).

    Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng ghi nhận, các nhà chiêm tinh trở về bằng một lối đi hân hoan: “Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình”. Khi đã được gặp gỡ Thiên Chúa, con người phải có một quyết định thay đổi đời sống. Họ không thể sống theo con đường cũ, mà phải đi một con đường khác: con đường của niềm tin, con đường của ánh sáng. Một khi đã gặp được Thiên Chúa, con người sẽ được biến đổi. Khi đã có Chúa, các nhà chiêm tinh không đi theo con đường tăm tối trước đây nữa, nhưng đi theo một lối đi mới. Con đường này sẽ đưa các ông bước vào một hành trình mới đó là hành trình sống và loan báo cho mọi người về những gì các ông đã thấy, về đức tin các ông đã lãnh nhận, về niềm vui và hy vọng mà các ông đang được hưởng.

    Khi gặp được Chúa rồi, các nhà chiêm tinh đã được biến đổi trong đời sống nên các ông lên đường trở về theo lối khác. Cuộc gặp gỡ Hài Nhi, gặp gỡ Thiên Chúa đã đem lại cho các ông một cuộc đời mới. Đời họ đã chuyển sang một hướng khác. Họ không đi về hướng cũ có sự truy lùng của Hêrôđê. Họ đã không về với con đường đầy hận thù, chia rẽ, quyền lực, danh vọng...Nhưng họ đi về với một con đường khác.Con đường có sự hiện diện của Thiên Chúa, con đường của niềm vui và bình an sâu thẳm trong tâm hồn. Một lối về hân hoan.

    Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình cho thế giới qua các dấu chỉ tự nhiên của trời đất, của lịch sử, qua Thánh kinh, qua Giáo hội, qua các Bí tích, qua cuộc sống hàng ngày. Ðể gặp Ngài, chúng ta cần có Lời Chúa soi dẫn và Đức Tin nâng đỡ. Nhờ sự gặp gỡ này, mỗi người sẽ trở nên ánh sao dẫn đường cho nhiều người nhận biết và yêu mến Chúa để đi vào đường lối Tin Mừng.

    Lm Giuse Nguyễn Hữu An

    Bài viết liên quan