Lời Ngỏ Ban Bác Ái Di Dân

  • Thứ tư, 14:29 Ngày 20/03/2019
  • “Trong những năm gần đây, di dân là một thực tế của cuộc sống và đã trở thành một hiện tượng quốc tế đầy kịch tính. Thông qua cách đối xử nhân đạo của chúng ta đối với người di dân, chúng ta nói cho thế giới thấy rằng: di dân không chỉ là vấn đề kinh tế - chính trị, mà còn là vấn đề của con người”. Lời của Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Chủ tịch Caritas Quốc tế.

    Nhìn vào lịch sử Kitô Giáo, Israel là một dân tộc di dân; và trong Tân Ước, Chúa Giêsu cũng đã tiếp xúc với người lạ là người phụ nữ Samari bên bờ giếng Gia-cóp và Ngài đã xin nước uống từ người phụ nữ ấy (Ga 4,3-43). Hơn nữa, Ngài còn tự đồng hóa mình là người di dân thực thụ “Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước Ta” (Mt 25,35).

    Khi chúng ta được mời gọi nhớ về lịch sử di dân của tổ tiên mình, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến những người di dân trong xã hội hôm nay. Những người đã bỏ lại sau lưng chính nơi chôn nhau cắt rốn, họ hàng bạn hữu và cả những hoài bão còn đang dang dở để tìm nơi sinh sống, để tránh loạn lạc hay vì một lý do nào đó… Khi cha ông chúng ta đã được đón tiếp và chấp nhận để bắt đầu một cuộc sống mới ở nơi chúng ta đang sống nhiều thuận lợi và tốt đẹp, thì chúng ta phải mở lòng đón tiếp và giúp đỡ những anh chị em di dân đang rất cần đến chúng ta.

    Khi chúng ta nhìn thấy người di dân, nghe câu chuyện của họ hoặc chạm vào bàn tay của họ; chúng ta sẽ cảm nhận được hành trình của chính đời mình, của gia đình và của dân tộc mình; và chúng ta sẽ nhận thấy chính mình đang ở đâu đó trong số những câu chuyện của họ.

    Hoạt động Bác ái cho người Di dân mà Caritas Việt Nam đang thực hiện là chương trình tiếp nối và mở rộng sứ mạng của Ủy Ban Mục Vụ Di Dân thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nhằm giúp con em của người di dân được tiếp tục học chương trình giáo dục phổ cập, được đến trường, được khám chữa bệnh, được vui chơi, được phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất và năng khiếu. Bên cạnh đó, Caritas Việt Nam còn liên kết với một số trường trung cấp nghề để giới thiệu và đồng hành với các bạn trẻ trong quá trình đào tạo và làm việc ở nước ngoài. 

    Vì vậy, chúng tôi rất mong đợi sự cộng tác của Quý vị, quý thầy cô giáo, quý nhà hảo tâm và các tổ chức thiện nguyện cùng với chúng tôi giúp trẻ di dân được tiếp tục học tập và còn phải phụ giúp cha mẹ mưu sinh bằng việc bán vé số, lượm ve chai, bán hàng rong… cũng như người trẻ di dân có cơ hội tìm việc làm ổn định.

    Ban Bác ái Di dân 

    Caritas Việt Nam

    Bài viết liên quan