Thắp Lên Niềm Tin - CN II PS

  • Thứ năm, 10:10 Ngày 04/04/2013
  • Cả bốn Tin mừng đều thuật lại những lần hiện ra của Chúa Phục Sinh với những cá nhân (Ga 20,14-17; Mt 278,5-7; Lc 24,25-31; Mc 16,9-13) và những nhóm môn đệ khác nhau (Mt 28,16-20;Lc 24,36-49;Ga 21,1-23).

     Tường thuật Chúa Phục Sinh đến với Nhóm Mười Hai vào ngày thứ nhất trong tuần có một tầm quan trọng đặc biệt. Nhóm Mười Hai trở thành nền tảng của cộng đoàn Phục Sinh, thành những chứng nhân mắt thấy tai nghe về Chúa Phục Sinh, để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người ( x. Cv 4,20).

    Khi Chúa đến với Nhóm Mười Hai lần đầu tiên vào chiều ngày thứ nhất trong tuần thì Tôma vắng mặt. Các Tông đồ đã nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa”(Ga 20,25). Đây vừa là lời tuyên xưng đức tin vừa là lời làm chứng về Chúa Phục Sinh. Những lời này có tác dụng chuẩn bị và khơi dậy đức tin đã phai lạt nơi Tôma. 

    Tám ngày sau,cũng trong cộng đoàn đó, Tôma tìm lại được đức tin của mình. Chính cộng đoàn đã thắp sáng lên niềm tin cho người anh em. Bởi đó, khi Chúa Phục Sinh với lời mời gọi yêu thương: “Tôma,hãy xỏ ngón tay con vào lỗ đinh,hãy đặt bàn tay con vào cạnh sườn Thầy.Chớ cứng lòng nhưng hãy tin”, lập tức Tôma được biến đổi từ bóng tối nghi nan sang ngời sáng niềm tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”(Ga 20,28). 

    Một trong những khuyết điểm lớn nhất của Tôma là ông đã tự tách rời khỏi các Tông Đồ khác, rời khỏi đời sống cộng đoàn. Trong sự choáng váng, thất vọng, chán nản, trong tâm trạng hoài nghi, đau khổ, ông đã tự nhốt mình trong cô đơn xa lánh anh em,tìm quên lãng trong phiền muộn nên đánh mất cơ hội gặp Chúa Phục Sinh. Chỉ đến khi tham gia trở lại với cộng đoàn, Tôma mới gặp gỡ Người và nhờ đó ông đã tìm lại được lòng tin mạnh mẽ, kiên trung. 

    Hành trình của Tôma đi qua ba giai đoạn: vắng mặt, nghi ngờ và tuyên xưng đức tin. Một lộ trình dài hơn mọi anh em, nhưng Tôma đã đến gần Chúa Giêsu hơn mọi anh em khác. Truyền thống Giáo hội kể lại, Tông đồ Tôma đã đưa Tin Mừng tới tận Ba Tư, Syria và Ấn Độ và chịu tử đạo ở đó.

    Đức tin của người tín hữu được trao ban và nhận lãnh nơi cộng đoàn Phục Sinh, cộng đoàn giáo xứ. Nơi cộng đoàn này, người tín hữu được nuôi dưỡng và lớn lên trong đức tin, hoặc tìm lại được niềm tin của mình.

    Đức tin Kitô giáo vừa có chiều kích cộng đoàn vừa có chiều kích cá nhân. Đức tin cá nhân được cộng đoàn nuôi dưỡng và làm thành đức tin cộng đoàn. Cộng đoàn lớn lên và phát triển là nhờ đức tin cá nhân. Cộng đoàn làm cho đức tin cá nhân phong phú và độc đáo.

    Lời Chúa được công bố giữa cộng đoàn Thánh Thể chính là Lời Phục Sinh. Mỗi tín hữu lắng nghe và chấp nhận cho riêng mình. Mỗi người, nhờ lòng tin và lòng mến mà Lời Chúa sẽ sinh hoa kết quả trong tâm hồn.

    Mình Máu Chúa được trao ban cho mọi tín hữu trong cộng đoàn Thánh Thể, mỗi cá nhân tín hữu lại đón nhận với mức độ đức tin khác nhau. Người tín hữu phải đủ đức tin khi rước Thánh Thể của Đấng đã chết và sống lại.Không chỉ ăn uống Mình Máu Chúa mà còn là gặp gỡ riêng tư với Chúa Phục Sinh như Tôma vậy.Trong cuộc gặp gỡ riêng tư này, người tín hữu được đón nhận sự sống dồi dào vào tâm hồn mình.

    Đời sống cộng đoàn thật quan trọng cho niềm tin người tín hữu. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông Huấn “Người Kitô hữu giáo dân” đã đưa ra bốn hình ảnh về giáo xứ, cộng đoàn Phục Sinh, cộng đoàn Thánh Thể.

    * Giáo xứ là một gia đình của Thiên Chúa chan hoà tình bác ái huynh đệ : Mọi người được đón tiếp chân thành,được sống trong bầu khí bác ái,được cảm thấy mình được kính trọng, được yêu thương che chở,ai cũng cảm thấy mình thuộc về giáo xứ là một vinh dự.

    * Giáo xứ là một cộng đoàn nuôi dưỡng đức tin : Mọi người được bồi dưỡng đức tin,được kêu gọi sống đức tin,được giúp hiểu biết các vấn đề đức tin. Các Thánh lễ, các giờ giáo lý,các buổi cầu nguyện luôn hướng về Thiên Chúa, được Lời Chúa và lời Giáo hội soi sáng để người tín hữu hiểu biết những biến cố cuộc đời.

    * Giáo xứ là một cộng đoàn có tổ chức : Mọi người được sắp xếp trong một hệ thống trật tự,có phân công, có trách nhiệm.Tất cả liên hệ với nhau trong tinh thần hiệp thông, cộng tác và trách nhiệm để xây dựng giáo xứ tốt đẹp.

    * Giáo xứ là một cộng đoàn truyền giáo: Đây là hình ảnh mà Công Đồng Vatian II đề cao nhất,hình ảnh cộng đoàn truyền giáo. Mọi người được nuôi dưỡng đức tin, được sống tình bác ái để ra đi truyền giáo, loan báo Tin Mừng Phục Sinh, rao truyền niềm vui, niềm hy vọng như cộng đoàn Nhóm Mười Hai đã ra đi đến với muôn dân.

    Cộng đoàn phụng vụ ngày Chúa Nhật là điểm hẹn chính thức và thường xuyên của Chúa Phục Sinh với các tín hữu.Không nên lỗi hẹn với Chúa trong các cuộc họp cộng đoàn (x.Dt 10,25).Cần chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa Phục Sinh. Người luôn có mặt để giải thích Kinh Thánh đồng thời mở lòng mở trí cho các tín hữu hiểu Lời Người (x.Lc 24,32.45) và hiến ban chính mình để nuôi sống người tín hữu chúng ta.

    Cám ơn thánh Tôma. Nhờ ngài, các môn đệ khác được chứng kiến tỏ tường Chúa sống lại, được nhìn thấy những vết thương ở tay chân và cạnh sườn Chúa. Nhờ ngài, Chúa Giêsu lại hiện ra một lần nữa. Và nhất là nhờ ngài, chúng con có được mối phúc thứ chín : “Phúc cho ai không thấy mà tin”(Ga 20,29). Mối phúc này nghe như có lời dặn dò : muốn thấy điều mình tin, hãy bắt đầu bằng cách tin điều mình không thấy và chừng như cũng có lời ước hẹn: tin điều mình không thấy sẽ thấy điều mình tin. 

    Mỗi tín hữu vững tin sẽ thấy điều mình tin để nói được rằng: “Tôi đã thấy Chúa”(Ga 20,18), nhờ đó cả cộng đoàn cũng đều nói lên : “Chúng tôi đã thấy Chúa”(Ga 20,25).Thánh Tôma đã nhờ cộng đoàn anh em yêu thương nâng đỡ nên tìm lại được niềm tin.Nơi Tôma có cái gì đáng yêu đáng ngưỡng mộ, tuy cứng lòng tin nhưng lại dễ dàng khiêm nhường đón nhận những góp ý chân thành của cộng đoàn. 

    Chúa Kitô Phục Sinh chính là nền tảng và trung tâm của đời sống đức tin Kitô giáo. Đấng Phục sinh đã chọn “ngày thứ nhất trong tuần” làm ngày gặp gỡ các Tông Đồ. Như thế, “Ngày thứ nhất trong tuần” đã trở thành ngày của cộng đoàn, ngày của gặp gỡ, ngày hát mừng niềm vui Phục sinh, và nhất là ngày của cuộc “sáng tạo mới”. 

    Xin cho mỗi ngày Chúa nhật trở thành ngày bồi bổ đức tin, bồi dưỡng tâm linh, bồi đắp tình huynh đệ, giúp mỗi tín hữu sống thánh thiện, hiệp thông, yêu thương… Nhờ đó, mỗi người trở thành chứng nhân cho sự hiện diện sống động của Đấng Phục Sinh. 

    CÁC VẾT SẸO DẤU CHỨNG PHỤC SINH - CN 2 PHỤC SINH

    Trong mùa Phục Sinh, các bài đọc sách Tin Mừng và Công vụ Tông đồ thuật lại: mỗi lần Chúa Giêsu hiện đến với các môn đệ, Ngài đều trao ban bình an: “bình an cho các con” và “cho các ông xem tay chân và cạnh sườn” là những vết thương cuộc khổ nạn của Ngài.

    Điều quan trọng được Thánh Kinh ghi nhận là thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang thương tích của cuộc khổ nạn, vẫn còn lỗ đinh ở chân tay và vết giáo đâm ở cạnh sườn. Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành nay thành những vết sẹo.Tôma muốn sờ đến để biết chắc Thầy đã sống lại. Khi Chúa Phục Sinh mời gọi Tôma: “hãy đặt ngón tay vào lỗ đinh và hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn”, chắc hẳn Tôma đã nhìn thật lâu những dấu đinh. Khi ấy, Tôma khám phá thật sâu một Tình Yêu.Tình yêu hy sinh mạng sống và đủ mạnh để lấy lại.Tình yêu khiêm hạ cúi xuống để chinh phục ông. Các vết sẹo của Thầy đã chữa lành vết thương hoài nghi của Tôma. Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân.  Ông thoát ra khỏi sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập, để bước vào thế giới của lòng tin. Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy. Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy, nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông.

    Tại sao thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang các thương tích của cuộc khổ nạn? Các vết sẹo ấy có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

    1. Những vết sẹo giúp các môn đệ nhận ra Chúa

    Chúa Giêsu phục sinh giúp các môn đệ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo. Ngài cho họ xem những vết sẹo ở tay và cạnh sườn. Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng: Thầy chính là Đấng đã bị đóng đinh và đâm thâu; Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được tử thần. Các môn đệ mặc dầu được tiên báo trước về cuộc Phục sinh (Mt 18,31-34), nhưng những tang tóc và lo sợ xâm chiếm hết tâm hồn họ lúc này. Cho nên để họ được an tâm và bình an hơn, Chúa nói: “hãy xem chân tay Thầy đây...”. Thân xác phục sinh của Chúa bây giờ vẫn còn mang những dấu vết của cuộc thụ nạn như các dấu đinh, lằn roi... Chúa bảo họ cứ sờ vào đó để khỏi còn phải nghi ngờ về bóng ma hay thần linh nào khác “Chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,39); “Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24,40). Bàn tay mang dấu đinh là bàn tay nhen lửa và nướng cá bên biển hồ Tibêria. Bàn tay trao tấm bánh đời mình trong bữa Tiệc Ly bây giờ trao tấm bánh mình mới nướng cho môn đệ.(x.Ga 21,1-14). Các Tông đồ đã thấy được thân xác vinh quang phục sinh của Chúa. 

    Thân xác Chúa phục sinh cũng là thân xác trước khổ nạn, nhưng nay không còn bị lệ thuộc vào không gian vào thời gian như thân xác trước nữa. Chúa ra khỏi mồ (Lc 24,3), Chúa vào giữa nhà các Tông đồ đang cửa đóng then cài (Ga 20,19), Chúa đi trên biển (Ga 21,7). Vì thế, thánh Phaolô gọi thân xác phục sinh của Chúa là thân xác thiêng liêng, chí thiện (1Cr 15,40). Thánh Thần tràn ngập trong thân xác ấy.Thân xác Chúa Kitô Phục Sinh được Kinh Thánh gọi là: bất tử (1Cor 15,53), bất diệt, linh thiêng (1Cor 15,44), bất khả thực (Kh 7,16), huyền diệu (Mt 28,1; Ga 20,19). Lanh lẹ (Lc 24,26). Chúa Kitô Phục Sinh đã cởi bỏ tất cả những yếu hèn của nhân loại như đói khát, mệt mỏi. Dù Chúa có ăn uống chút ít, song đó không phải là nhu cầu tự nhiên. Nhưng Chúa làm như vậy để các Tông đồ xác tín hơn rằng Ngài đã sống lại thật với cùng một thân xác trước kia.

    2. Những vết sẹo là chứng tích của tình yêu cao cả

    Thương tích trên thân thể phục sinh của Chúa Giêsu là một nhắc nhở rằng, Ngài là Thiên Chúa nhưng cũng là một con người như chúng ta, và Ngài đã chịu đau khổ để thông cảm với mọi đau khổ của loài người và để làm gương cho chúng ta. 

    Khi nhìn đến Chúa Giêsu với các thương tích của cuộc khổ nạn, chúng ta sẽ cảm thấy an ủi hơn, gần gũi hơn với Thiên Chúa và cố gắng vươn lên, không chìm đắm trong buồn sầu cay đắng, không tầm thường hóa cuộc đời trong tội lỗi và vững tin rằng, sự sống lại vinh hiển có giá trị hơn đời này gấp bao lần mà chính Chúa Giêsu đã mở đường đi về sự sống mới.

    Qua cuộc khổ nạn mà các vết sẹo vẫn còn lưu lại trên thân thể, Chúa Giêsu Phục Sinh muốn nói với chúng ta rằng sự đau khổ, trong ý nghĩa tích cực là những hy sinh có giá trị cứu độ. Với các vết sẹo ấy, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, đau khổ không là một bất hạnh cần phải lẫn tránh, mà tội lỗi gây ra đau khổ mới là điều xấu xa cần phải tránh xa.

    Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi ban chính Người Con Một; và Người Con Một đã yêu cho đến cùng, đã chịu khổ nạn với trái tim bị đâm thâu khi tự hiến trên thánh giá. Chúng ta cũng phải đáp trả sao cho cân xứng với tình yêu ấy. 

    Có câu chuyện “Trái tim có nhiều vết sẹo” diễn tả tình yêu chia sẽ trao ban qua những thương tích cuộc đời.

    Một buổi chiều trong công viên, có một chàng trai đang chăm chú vẽ một trái tim. Trên khung giấy trắng dần dần hiện ra một trái tim thật đẹp, thật hoàn hảo khiến mọi người đứng xem đều trầm trồ khen ngợi.

    Bỗng một ông lão đi đến. Ông trầm tư ngắm nghía bức tranh của chàng trai một hồi lâu, rồi lặng lẽ mượn bút vẽ một hình thoạt nhìn rất lạ, nhìn thật kỹ mới nhận ra đó là hình một trái tim…

    Chàng trai ngac nhiên nhìn trái tim ông lão vừa vẽ, nó bị chắp vá chằng chịt, nhưng rõ ràng vẫn là một trái tim. Trên trái tim ấy, có chỗ như bị khuyết lõm, có chỗ như bị cắt đi và được ghép nối bởi những mảnh to nhỏ khác nhau. Mọi người bắt đầu bàn tán và lắc đầu tỏ ý không hiểu ý nghĩa hình vẽ trái tim của ông lão.

    Chàng trai thắc mắc:

    - Cụ ơi! Cháu không hiểu vì sao ông lại vẽ trái tim như vậy? Làm sao trái tim lại mang nhiều vết sẹo và ráp nối như thế?

    Ông cụ mỉm cười rồi nói:

    - Đúng! Trái tim của ta có thể không hoàn hảo, nhưng nó là một trái tim thật sự. Đấy chỉ là do trái tim này đã có thời gian sống và trải nghiệm nhiều hơn trái tim của cậu. Hãy nhìn những dấu vết này! Tuy có nhiều thương tích nhưng tôi luôn tự hào về nó. Cậu biết không, khi tôi trao một mảnh tim của tôi cho một người thân, cha mẹ, anh chị, bạn bè và cả những người mà tôi tình cờ gặp được… thì ngược lại, họ cũng trao cho tôi một mảnh tim của họ để đắp vào chỗ trống ấy. Những mảnh tim này không hoàn toàn giống nhau: phần trái tim mà cha mẹ trao cho tôi bao giờ cũng lớn hơn phần tôi trao lại; con gái tôi dành cho tôi phần trái tim trong trẻo nhất; bạn đời tôi tặng cho tôi phần trái tim đẹp nhất và chung thủy nhất… Những mảnh tim ấy đã ghép vàp nhau và tạo thành những vết chắp vá của trái tim tôi. Chính điều này luôn nhắc tôi nhớ về những người tôi yêu dấu, những tình yêu mà tôi đã được chia sẻ trong đời…Ông lão nói tiếp:

    - Còn những vết lõm này là phần trái tim tôi trao đi mà chưa được nhận lại. Cậu biết đấy, tình yêu trao đi chẳng cần đến sự đền đáp. Dù những khoảng trống này nhiều lúc làm tôi đau đớn, nhưng cũng chính nhờ chúng mà tôi có động lực để khao khát được sống, và có niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Chàng trai ạ, nhờ những mảnh chắp vá này mà trái tim của tôi có sức sống mãnh liệt, trưởng thành và cảm nhận cuộc sống trọn vẹn, sâu sắc hơn.

    Đám đông im lặng, còn chàng trai không giấu được nỗi xúc động đang dâng trào trong lòng. Anh tự hào cầm bút cắt đi một mảnh trong trái tim hoàn hảo của mình và đắp vào một phần khuyết của trái tim ông lão. Đáp lại, ông lão cũng tặng anh một mảnh trái tim ông.

    Giờ đây, trái tim của chàng trai đã có một vết sẹo. Tuy không còn hoàn hảo nữa, nhưng chàng trai cảm thấy trái tim mình đầy sức sống hơn bao giờ hết. Anh nhận ra sức mạnh và vẻ đẹp của trái tim không phải ở chỗ nó được giữ kỹ để không có một vết tích, tổn thương nào của cuộc đời mà trái lại, càng hòa nhập và biết chia sẻ, dám yêu, dám sống và sẵn sàng cho đi, trái tim của con người càng trở nên nhạy cảm, sâu sắc và đập mạnh mẽ hơn...

    3. Những vết sẹo là dấu chứng của phục sinh

    Thân xác Chúa Phục Sinh mang những vết sẹo cuộc khổ nạn. Những cái sẹo ấy sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc. Những cái sẹo gợi lên những kỷ niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau. Nhưng nếu không có những cái sẹo thì cũng chẳng có phục sinh. Chúa Giêsu vượt thắng sự chết, đập tan quyền lực của tử thần, Ngài phục sinh và bước vào một cuộc sống mới viên mãn hơn, vững bền hơn. Dẫu rằng vẫn còn đó những dấu vết của thương đau, những vết sẹo của bạo lực bất công, nhưng giờ đây Ngài đã khởi sự một sự sống bất diệt, vượt trên vòng lao lý của khổ đau, của giới hạn kiếp người, Ngài đã bước vào thế giới của niềm vui, của Tình Yêu!

    Con người chúng ta, ai cũng thường mang những vết sẹo trên thân xác. Có những vết sẹo gợi lại cả một vùng trời kỷ niệm. Sống chiều kích Phục Sinh trong ý nghĩa trao ban và tận hiến chính là sống ý nghĩa “trái tim có nhiều vết sẹo”. Nếu hiểu cuộc phục sinh của Chúa Giêsu là sự vượt qua nghịch cảnh để bước vào đời sống mới, thì mỗi khi một cá nhân, một gia đình hoặc một tập thể vượt qua được những nghịch cảnh của đời mình thì cũng có thể gọi đó là sự phục sinh!

    Tony Melendez là một người Nicaragua, sinh năm 1962 và bị mất cả hai tay vì ảnh hưởng tai hại của một loại thuốc cảm cúm mà bà mẹ đã uống khi không biết là bà đang mang thai. Sau khi Tony được 1 tuổi, cả gia đình được ông ngoại bảo lãnh sang Los Angeles Hoa Kỳ, ở đây Tony học sử dụng mọi thứ bằng đôi chân, kể cả học đánh đàn ghita. Đến năm 16 tuổi, với cây đàn ghita, anh thường hát dạo ở một góc phố Laguna Beach để kiếm tiền cho gia đình. Anh cũng rất chán nản với tương lai đi ăn xin như vậy, và anh tự hỏi, "chẳng lẽ cuộc đời mình chỉ đi ăn xin như thế thôi hay sao?".

    Rồi một ngày kia anh nhận được lá thư mời đến trình diễn cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong ngày Đại Hội Giới Trẻ vào tháng 9 năm 1987 ở Los Angeles. Trong cuộc họp mặt đó có trên 6.000 người trẻ từ khắp nơi đến tham dự.Anh đã nhận lời trình diễn và cũng kể từ đó cuộc đời anh thay đổi. Sau khi trình diễn một bài do anh sáng tác, cả hội trường đứng dậy hoan hô anh, ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng đứng dậy và đi đến tận bục trình diễn để hôn anh, và điều quan trọng là câu nói của Đức Gioan Phaolô II. Ngài nói, "Tony, con là một người thực sự can đảm. Con đang đem lại hy vọng cho mọi người ở đây. Cha ao ước con sẽ tiếp tục đem hy vọng cho tất cả mọi người".

    Từ lúc đó trở đi, anh được mời đi lưu diễn ở nhiều nơi trong nước, và bất cứ ai trông thấy một thanh niên cụt hai tay nhưng vui vẻ dùng đôi chân đánh đàn và say sưa cất tiếng hát với những lời lẽ không than van, không cay đắng, không oán hờn thì tất cả mọi người đều ngập tràn hy vọng. Chính Tony, anh chia sẻ như thế này: "Có lúc tôi thực sự tin rằng tôi phải có đầy đủ chân tay, mắt mũi để yêu thương, để phục vụ, để lo lắng cho người khác. Tôi nghĩ là tôi cần những điều đó. Dĩ nhiên, có đôi tay thì giúp đỡ người khác dễ dàng hơn. Nhưng tình yêu thì không cần đôi tay. Để yêu thương ai đó, tất cả những gì bạn cần là con tim và để ý đến họ."

    Với thân thể tật nguyền, Tony Melendez đã đem lại hy vọng cho những người thấy anh trình diễn. Đó là chứng từ của một hành trình phục sinh.

    Lm Giuse Nguyễn Hữu An

    Bài viết liên quan