Bài 6a: Thông Điệp Laudato Sí - Chương VI: Giáo Dục và Linh Đạo Sinh Thái (202-246)

  • Thứ hai, 10:10 Ngày 11/12/2017
  • Thông điệp Laudato Si’

    Chương VI: Giáo dục và Linh đạo Sinh thái (202-246)

    (Chương cuối của Thông điệp)

       

    Ngay ở số đầu (202) của chương VI, Đức Giáo hoàng Phanxicô viết: "Có rất nhiều thứ cần thay đổi, nhưng trên hết vẫn là con người". Điều đó cho thấy, việc xác tín niềm tin, xây dựng thái độ và lối sống mới có vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng môi sinh hiện nay.

    I. Hướng đến một lối sống mới (203-208). 

       

    Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi mọi người "hướng đến một lối sống mới".

       

    Vì thị trường có xu hướng cổ võ tiêu thụ cực độ để bán sản phẩm, nên người ta dễ bị cuốn vào cơn lốc mua sắm và tiêu xài không cần thiết. Đây là một ví dụ về ảnh hưởng của mô hình Kinh tế - Kỹ thuật lên các cá nhân. Mô hình này làm cho người ta tin rằng họ thực sự tự do tiêu dùng như ý, nhưng thực tế điều này chỉ có nơi một số người giàu.

       

    Trong khi nhân loại hậu hiện đại chưa đủ nhận thức về khả năng hướng dẫn và định hướng cho họ. Vì thế, dẫn đến tình trạng bất an (203); Sự bất an này, cùng với “toàn cầu hóa” hiện nay sẽ dẫn đến “tình trạng ích kỷ tập thể”.

       

    Khi con người tự cô lập và khép kín, lòng tham của họ sẽ gia tăng; tâm hồn con người càng trống rỗng bao nhiêu thì họ càng cần nhiều thứ để mua, sở hữu, tiêu thụ bấy nhiêu.

       

    Theo hướng này, cảm thức đích thực về thiện ích chung cũng sẽ biến mất. Vì thế, mối bận tâm của chúng ta không chỉ giới hạn ở những biến cố thời tiết, mà mở rộng đến những hậu quả của tình trạng mất trật tự xã hội nữa. Đức Giáo hoàng Phanxicô cảnh giác, ám chỉ với lối sống tiêu thụ, nhất là khi chỉ có một số ít người có khả năng duy trì lối sống ấy, sẽ dẫn tới bạo lực và hủy diệt lẫn nhau (204).

       

    Tuy vậy, Đức Giáo hoàng Phanxicô tin rằng: Con người có khả năng vượt trên chính mình, trở lại để chọn lựa điều tốt đẹp, và thực hiện một khởi đầu mới (205). Sự thay đổi lối sống "có thể gây áp lực lành mạnh trên những người đang nắm giữ quyền lực chính trị, kinh tế và xã hội". Những chọn lựa của người tiêu thụ thay đổi được cách hành xử của các xí nghiệp, buộc họ chú ý đến ảnh hưởng của sản phẩm, của quy trình sản xuất đến môi sinh như thế nào. Ví dụ, nếu chúng ta tẩy chay, không dùng bao bì nilon để gói hàng hóa, buộc các nhà sản xuất phải sản xuất các loại bao bì khác thay thế, như bao bì giấy, ít gây hại cho môi trường chẳng hạn.

       

    Rõ ràng, “việc mua sắm luôn luôn là một hành vi luân lý chứ không đơn thuần là hành vi kinh tế”. Thế nên vấn đề suy thoái môi trường đang thách đố chúng ta suy xét lại lối sống của mình (206). Đức Giáo hoàng, khẳng định, nếu chúng ta vượt thắng được chủ nghĩa cá nhân, chúng ta có thể phát huy được một lối sống khác và đem lại những thay đổi ý nghĩa trong xã hội (208).

       

    Và ngài đề nghị, “… hãy làm cho thời đại chúng ta được công nhận là thời đại đánh thức lòng kính trọng đối với sự sống, …” (207).

    II. Giáo dục về giao ước giữa nhân loại và môi trường.

       

    Trong những quốc gia cần thay đổi thói quen tiêu dùng, các bạn trẻ đã có một sự nhạy cảm sinh thái mới, đã có những nỗ lực đáng phục để bảo vệ môi trường, tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội tiêu thụ cực độ và sung túc làm cho họ khó phát huy những việc làm tốt đó. Vì vậy, chúng ta đang phải đối diện với một thách đố về giáo dục (209).

       

    Mục tiêu của giáo dục môi trường, ban đầu chủ yếu nhắm vào việc cung cấp thông tin, nâng cao ý thức và phòng ngừa rủi ro môi trường; bây giờ còn phải bao gồm việc phê phán não trạng thực dụng và tìm cách khôi phục các cấp độ khác nhau của sự cân bằng sinh thái: với chính mình, với người khác, với thiên nhiên và các loài thọ tạo; và ở mức độ tâm linh là với Thiên Chúa.

       

    Giáo dục môi trường cần hướng đến giáo dục đạo đức sinh thái, là để tạo nên "quyền công dân sinh thái". Điều này rất cần đến những nhà giáo dục có khả năng để phát triển nền đạo đức sinh thái.

       

    Thực tế, cho thấy pháp luật và những quy định chưa đủ để ngăn chặn, ngay cả khi có các phương thế bắt buộc hữu hiệu, những hành vi đối xử tệ hại với môi trường. Để pháp luật mang lại những ảnh hưởng quan trọng và lâu dài, mọi người phải được khích lệ chấp nhận chúng, và đáp trả bằng cách biến đổi cá nhân. Chỉ bằng cách vun trồng các nhân đức thì con người mới quên mình dấn thân vì sinh thái. Ví dụ, một người mặc dầu có khả năng chi trả nhưng bớt sử máy sưởi và mặc các loại áo ấm hơn; … tắt đèn điện khi không cần thiết, cho thấy người ấy có thái độ bảo vệ môi trường.

       

    Thật tuyệt vời biết bao khi việc giáo dục có thể mang lại những thay đổi thực sự trong lối sống (210, 211). Đừng nghĩ rằng những nỗ lực này không thể thay đổi thế giới. Chúng đang sinh lợi ích cho xã hội, và những điều tốt đẹp này chắc chắn có xu hướng lan rộng trong xã hội (212).

       

    Việc giáo dục sinh thái có thể diễn ra ở nhiều nơi khác nhau, trước tiên là trường học, gia đình, các phương tiện truyền thông, và những huấn giáo của Giáo Hội. Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gia đình, vì gia đình là nơi sự sống được đón nhận trọn vẹn, được bảo vệ, và có thể phát triển phù hợp với sự trưởng thành đích thực của con người; trong gia đình, chúng ta học được cách thể hiện tình yêu và tôn trọng sự sống, học cách biết sử dụng đúng mọi thứ, tôn trọng hệ sinh thái địa phương và chăm sóc mọi loài; học cách xin mà không đòi hỏi, biết diễn tả lòng biết ơn, biết xin lỗi, … tất cả chúng, tạo nên văn hóa của đời sống chung và tôn trọng môi trường chung quanh (213).

       

    Hội Thánh cũng được ủy thác nhiệm vụ gia tăng ý thức của người dân; mọi cộng đoàn Kitô hữu đều có vai trò quan trọng trong việc giáo dục sinh thái (214).

       

    Số 215, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc chúng ta không nên bỏ qua “mối tương quan giữa giáo dục thẩm mỹ và việc duy trì một môi trường lành mạnh”. Nếu một người không biết dừng lại và thán phục cái đẹp, thì sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu người ấy đối xử với mọi thứ như là đối tượng để xử dụng và lạm dụng. Và rằng, những nỗ lực giáo dục của chúng ta vẫn không đủ, không hiệu quả nếu chúng ta không cổ võ một cách nghĩ mới về con người, sự sống, xã hội và mối tương quan giữa chúng ta với thiên nhiên.

       

    Tiểu kết:

       

    “… Đừng nghĩ rằng những việc nhỏ không thể thay đổi thế giới, vì những điều tốt đẹp có xu hướng lan rộng. Mỗi người, hãy thay đổi lối sống. Tuy nhiên, sự thay đổi là không khả thi nếu không có động lực và một tiến trình giáo dục, đặc biệt là giáo dục sinh thái, trong đó gia đình đóng một vai trò quan trọng.

    Tôma Hoàng Kim Khánh

    Nguồn tham khảo: Thông điệp Laudato Si’

         - Bản dịch của Ủy ban Bác ái Xã hội - Caritas Việt Nam.

         - Bản dịch của Linh mục Gioakim Lê Thanh Hoàng, Giáo phận Huế.

    Bài viết liên quan