Cha Daniele Badiali, tử đạo ở Pêru, đến với người nghèo để gặp Thiên Chúa

  • Thứ ba, 10:10 Ngày 13/02/2018
  • “Vado io” (Tôi đi) là tựa đề cuốn sách được nhà xuất bản truyền giáo Italia phát hành cuối năm 2017. Nhưng trước đó 20 năm, chiều ngày 16-3-1997, hai tiếng “Tôi đi” này là những lời cuối cùng của cha Daniele Badiali, một nhà truyền giáo tử đạo ở Pêru. Trong ngày đó, sau khi cử hành Thánh lễ tại Giáo xứ Thánh Lu-y, cha đi Yauya để dâng Thánh lễ vào ban chiều.

    Trên đường trở về, chiếc xe zeep chở cha và Rosamaria Picozzi, một nữ tình nguyện viên người Italia đã bị chặn lại giữa đường. Một người bịt mặt có súng đã yêu cầu cô gái Rosamaria bước xuống xe với mục đích bắt cóc cô để đòi tiền chuộc, nhưng cha Daniele đã nói nhỏ với cô gái: “Con ở lại trên xe. Cha đi.” Và cha đã bước xuống. Hai ngày sau, một người du mục đã tìm thấy xác của cha Daniele. Kẻ bịt mặt đòi tiền chuộc đã giết cha vì anh ta là người quen biết cha và cha đã nhận ra anh ta.

    Hai chữ ngắn ngủi “Tôi đi” này không chỉ hàm chứa ý nghĩa cái chết tử đạo của cha Daniele nhưng còn là toàn bộ cuộc đời của cha. 35 năm cuộc đời ngắn ngủi, cha đã sống từng ngày với lời quyết định “tôi đi” này như một cuộc hẹn với Đấng Tối Cao.

    Khi được 15 tuổi, chàng thiếu niên Daniele Badiali, quê ở Faenza, tỉnh Ravenna, Italia, đã biết đến Hội Mato Grosso, một phong trào giáo dục về truyền gíao. Từ đó, Daniele đã nhiều lần nói lời “con đi” với bố mẹ mỗi khi tham gia các kỳ trại do Hội Mato Grosso tổ chức để quyên góp giúp đỡ cho những người nghèo ở Châu Mỹ Latinh. Daniele quyết định đi truyền giáo như Giorgio Nonni, một người cùng quê Faenza như cậu. Năm 1984, khi được 22 tuổi, Daniele đi Pêru và sống ở Chacas. Sau khi trải qua kinh nghiệm truyền giáo đầu tiên, Daniele trở về lại Italia để theo học chủng viện ở Bologna. Năm 1991, Daniele được lãnh nhận thiên chức Linh mục và được được gửi đi như một thừa sai Hồng ân đức tin, đến Giáo xứ Thánh Lu-y rộng mênh mông, nằm ở độ cao 3.500m của miền Ande, nước Pêru. 6 năm trời trong sứ vụ của một cha xứ, cha Daniele đi bộ rất nhiều, đến 60 ngôi làng, cử hành Thánh lễ, rửa tội cho dân. Cha hăng say nhiệt thành, không mệt mỏi trong sứ vụ, luôn gần gũi với người nghèo; với cây đàn guitar, cha sáng tác nhiều bài hát. Cha ước ao tìm ra một cách truyền giáo mới và sự cần thiết phải trở nên gương mẫu.

    Tuy nhiên, sứ vụ “bình thường” của cha Daniele là sứ vụ của một Linh mục trẻ bình thường, giữa những người nghèo vây quanh đôi khi làm cha mệt nhọc. Cha Daniele viết trong nhật ký: “Dân chúng liên tục gõ cửa để xin thức ăn, thuốc men, để xin, để xin, để xin…. Tôi không biết phải làm gì… Tôi có lẽ nên chạy trốn tất cả những thứ này.” Nhưng ngay cả trong khó khăn, trong thử thách của đức tin cha gặp phải, khi nhìn thấy người nghèo và Thiên Chúa mà cha có được với những kiến thức thần học đã bị cướp đi. Cha Daniele là một nhà truyền giáo bình thường, với những nghi ngờ, nhưng cũng với đức tin luôn sâu thẳm. Dù cho những khiếm khuyết, yếu đuối và giới hạn của con người, cha Daniele đã bước đi theo Chúa, cùng với người nghèo và phục vụ họ. Hành trình của cha không là một cuộc phiêu lưu đơn độc nhưng là một cử chỉ vâng lời đi theo Chúa Kitô.

    “Tôi đi”, vì cha Daniele không đợi người khác làm, không đợi điều kiện lý tưởng, không hy vọng phép lạ giải quyết những thương đau của thế giới. “Tôi đi”, thay đổi thế giới, bắt đầu từ nơi có thể, cụ thể là từ chính mình. Không ba hoa nhiều lời nhưng sống Tin mừng cách cụ thể. Sau nhiều năm trải nghiệm truyền giáo, cha Daniele đã viết: “Những lời nói không có ích trong việc thuyết phục người ta. Để làm chứng rằng Thiên Chúa đáng giá hơn mọi sự, tôi chỉ có sự sống của tôi, được sống trong tình thương mến.”

    (ACI 15/01/2018)

    Hồng Thủy

    Bài viết liên quan