Chúa Nhật 13 Thường Niên B

  • Thứ bảy, 10:10 Ngày 30/06/2018
  •  

    Lòng Tin và Phép Lạ

    Hôm 20/6/2018, ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ với cử tri Thủ Thiêm rằng “Thành phố không gạt bà con. Thành ủy này không gạt bà con”. Ai nghe cũng nhận ra trong lời nói của ông bí thư thành ủy ấy có vị chát đắng! Đó là không phải Dân không muốn tin, mà Dân không dám tin chính quyền nữa. Vì sao? Những lời vấn an của ông Nhân “không gạt bà con” cho thấy niềm tin của Dân lúc này, bị gạt quá nhiều nên hết tin rồi! Những giọt nước mắt muộn màng, giọng nghèn nghẹn với những lời hứa của ông Nhân có vực lại được lòng tin của người dân? Có làm dịu được nỗi bất hạnh, những mất mát mà họ đã phải tự gặm nhấm từ nhiều năm qua?  Muốn lấy lại lòng tin của Dân thì đừng lo mất quyền lực mà hãy lo làm sao để Tổ quốc cường thịnh, Dân được ấm no.

    Đức tin là một món quà quý giá mà Thiên Chúa ban cho mỗi tín hữu. Đức tin không phải là thành quả của những công lao mệt nhọc, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới tạo nên được. Đức tin cũng không nhờ mua bán, tiền bạc đổi chác mà có. Đức tin là món quà do lòng yêu thương quảng đại vô biên của Thiên Chúa ban tặng cách nhưng không. Phần còn lại tuỳ thuộc vào cách mỗi tín hữu đón nhận món quà ấy.

    Chúa Giêsu đã quả quyết: “Mọi sự đều có thể đối với người có lòng tin” (Mc 9, 23); “Nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải, anh em có thể khiến núi dời non” (Mt 17, 20). 

    Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nói đến lòng tin và phép lạ. Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin. Chúa Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”. Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đảo của Giairô: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Chúa Giêsu ban tặng sự sống cho những ai vững tin và biết cộng tác với Ơn Thánh.

     1.       Chúa ban sự sống, con người có lòng tin.

     

    Phép lạ thứ nhất, Máccô kể rằng, giữa đám đông chen lấn chung quanh Ðức Giêsu, có những người đụng vào áo Người. Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý, đụng lén như sợ bị bắt quả tang. Ðó là cái đụng của một người phụ nữ, bất chấp lệnh cấm theo lề luật Do thái. Mười hai năm mắc bệnh băng huyết. Mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi. Mười hai năm bị coi là ô nhơ, không được đụng đến người khác, không được tham dự nghi lễ ở Ðền thờ. Người phụ nữ thận trọng và đầy can đảm đã đụng vào áo Ðức Giêsu bằng tay và bằng lòng tin, một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ "Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi.". Tức khắc, bà cảm thấy lành bệnh vì máu trong người đã cầm lại. Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.

    Phép lạ thứ hai, Máccô kể, ông Giairô đến xin Đức Giêsu chữa lành cho con gái ông đã mười hai tuổi. Ông là viên chức trưởng hội đường. Tình yêu của người cha đối với đứa con gái đã làm cho ông can đảm. Ông sẵn sàng tin cậy vào một người xa lạ. Ông tín nhiệm vào một người từ nơi khác đến. Ông chỉ mới nghe danh tiếng về người ấy. Ông đến gặp Chúa và "phủ phục dưới chân Đức Giêsu và năn nỉ". Đức Giêsu đã chấp thuận, nhưng khi hai người đang trên đường về nhà ông thì được tin con gái đã chết. Vậy là hết, vô phương cứu chữa nữa! Đức Giêsu động viên ông "Đừng sợ, cứ tin". Khi đến nhà, thấy đông đảo bà con xóm làng đến, Người nói: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy ? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”. Cô bé đã chết rồi, nhưng đối với Đức Giêsu, cái chết chẳng có tính chung cuộc mà chỉ là một giấc ngủ thôi. Người có quyền năng đưa kẻ chết ra khỏi giấc ngủ ấy. Với cử chỉ đơn sơ cầm tay đứa bé và nói “Talithakum”, nghĩa là “Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi !”, Đức Giêsu đã khiến cho đứa bé đứng dậy và đi lại được. Người còn bảo họ cho đứa bé ăn để chứng thực là nó đã sống lại thật.

    Hai phép lạ đều liên quan đến sự sống. Người phụ nữ bị bệnh loạn huyết đang mất dần sự sống: máu là nguyên lý sự sống, mà bà này đã bị mất máu liên tục mười hai năm, nghĩa là sức sống đang dần dần rời xa bà. Vì thế khi Đức Giêsu làm cho bà hết bệnh, là Người trả lại sức sống cho bà. Đứa con gái ông Giairô thì đã chết, sự sống đã hoàn toàn rời khỏi nó. Nhưng Đức Giêsu đã làm cho nó sống lại.

    Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin.Tin vào những chuyện dễ dàng, tin khi cuộc sống bình an xuôi thuận thì chưa hẳn là đức tin. Đó chỉ là một chuyện đương nhiên thôi. Đức tin là một nhân đức căn bản của Đạo. Phải là vẫn cứ tin vào những chuyện khó khăn vượt quá sức loài người. Vẫn cứ tin khi cuộc đời gặp lúc cheo leo. Đức tin vững vàng như vậy có thể làm nên những phép lạ. Bởi lẽ, trước một hoàn cảnh quá khó khăn, trong lúc đời sống quá gian nan, nếu ta vẫn tin thì không phải là ta tin vào sức riêng của ta nữa, mà là tin vào sức Chúa, và Chúa quyền năng làm được mọi sự.

    - Như Abraham đã 90 tuổi mới có được một đứa con trai. Vâng lệnh Chúa, ông đưa con yêu quý lên núi sát tế mà lòng đau như cắt. Ông tin rằng, Chúa sẽ thực hiện lời hứa ban cho ông thành tổ phụ một dân đông đảo. Ông vẫn tin và Chúa đã làm ông thành tổ phụ những người tin.

    - Như Phêrô dám bước đi trên mặt nước. Ông đã đi khi vững tin vào Chúa. Nhưng khi bắt đầu hoài nghi thì cũng là lúc ông bắt đầu chìm xuống.

    Đức Giêsu bày tỏ quyền năng trên thiên nhiên, trên ma quỷ, trên bệnh tật và trên sự chết, vì Người là Đấng ban sự sống. Tin vào Người, chúng ta luôn có được sự sống dồi dào.

     

    2. Cộng tác với ơn Chúa

    Chuyện kể rằng một bà già bị đau răng, bà đã làm Tuần chín ngày để kính thánh Antôn, vì người ta nói: Thánh Antôn "chuyên trách" về bệnh này.

    Hết tuần chín ngày bà vẫn còn đau. Lúc đó một vị linh mục đến thăm. Bà liền hỏi:

    -       Xin Cha nói cho con biết: có phải thánh Antôn chuyên trách bệnh đau răng không?

    Vị linh mục nói:

    -       Bà hãy nghe tôi: Đây là địa chỉ của nha sĩ. Hãy đến đó và nói là tôi giới thiệu, họ sẽ làm không công cho bà.

    Bà già la lên:

    -       Trời đất ơi, một ông linh mục vô thần.

    Thánh Antôn tự nhủ:

    -       Kể ra cũng đau lòng, để nhận lời cầu nguyện của bà, chính ta đã gởi cho bà vị linh mục này. Thế mà!

    Người phụ nữ xuất huyết và bà già đau răng đều tin tưởng vào Chúa. Nhưng niềm tin của họ có sự khác biệt rất lớn. Người phụ nữ xuất huyết nghĩ mình phải làm điều gì đó chứ không chỉ tin suông. Bà đến với Chúa chứ không chờ Chúa đến với mình. Bà già đau răng thì cầu nguyện rồi chờ phép lạ. Bà không chịu làm gì nữa.

    Ông Giairô cũng tin rằng Chúa có thể cứu sống con gái ông. Ông đã làm hết sức mình. Con gái ông hấp hối không thể đến với Chúa được, nên ông đã xin Chúa đến chữa cho con gái ông.

    Cộng tác với ơn Chúa là điều kiện để Chúa ban ơn. Chúng ta không thể chỉ thụ động chờ Chúa làm phép lạ, nhưng hãy sử dụng hết những phương tiện bình thường Chúa ban. Phần còn lại tùy Chúa định liệu cho ta. Thánh Ignatio de Loyola đã cho chúng ta lời khuyên bất hủ này: "Hãy làm như thể mọi việc tùy thuộc chúng ta và hãy cầu nguyện như thể mọi việc tùy thuộc Thiên Chúa". Mc.Kenzie nói: "Khi ta cố gắng làm những gì có thể, Thiên Chúa sẽ làm những điều ta không thể".

    Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền tự do, Người không thúc ép, nhưng để chúng ta toàn quyền sử dụng tự do của mình. Thiên Chúa không đối xử với chúng ta như những con bù nhìn, nhưng luôn coi trọng chúng ta như những cộng tác viên của Người.

    Trong các phép lạ Chúa làm, Người đều cần sự cộng tác của con người. Trong tiệc cưới Cana, Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta đã "múc nước đổ đầy các chum" (Ga 2,7)

    Trong phép lạ về bánh, Người chỉ làm cho bánh hóa nhiều khi "có 5 chiếc bánh và 2 con cá" (Mc 6,35-43).

    Khi chữa mắt cho người mù, Người chỉ thoa bùn vào mắt anh, còn phần anh phải đi rửa ở hồ Silôê mới được sáng mắt (Ga 9,1-40).

    Thiên Chúa muốn chúng ta sử dụng hết các khả năng của mình, và Người sẵn sàng can thiệp khi cần. Cộng tác với Ơn Chúa bằng lòng tin là con đường của hy vọng.

     3.      Niềm tin thắp sáng hy vọng

    Các phép lạ Đức Giêsu đã làm thường là điểm giao tiếp giữa quyền năng đầy tình yêu của Thiên Chúa và niềm tin của con người. Thiên Chúa giàu lòng xót thương nên ở đâu có niềm tin, ở đó có phép lạ. Chúa nói với người phụ nữ: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”; và nói với ông trưởng hội đường : “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”.

    Đức tin là vị thuốc thần đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Đức tin là bí quyết đem lại hy vọng cho nơi nào không còn gì để hy vọng! Sau khi mọi hy vọng, mọi biện pháp chữa trị của con người đã trở nên vô hiệu quả, thì chỉ còn niềm tin mới có khả năng “cứu độ”. Đức Giêsu đã đem lại niềm vui và bình an cho những ai tuyệt vọng mà vẫn một lòng cậy trông. Có lần Đức Giêsu đã nói: “Nếu bạn có đức tin bằng hạt cải, thì bạn có thể nói với ngọn núi này ‘hãy di chuyển từ đây đến kia’, nó sẽ di chuyển” (Mt 17,20). Đây không phải là một lời phóng đại, nhưng là một sự thực được chứng minh qua cuộc đời các vị Thánh. Các vị Thánh là những người đã tin và các ngài đã làm được nhiều điều kỳ diệu.

    Một lần kia, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Mẹ Têrêxa phải đối diện với một phóng viên không mấy thiện cảm đối với Giáo Hội.

    Mẹ Têrêxa nói với ông : Tôi nghĩ rằng ông nên có đức tin.

    Người phóng viên hỏi : Tôi phải làm gì để có đức tin?.

    Mẹ Têrêxa đáp : Ông hãy cầu nguyện.

    Ông chống chế : Tôi không biết và không thể cầu nguyện.

    Mẹ Têrêxa dịu dàng nói : Tôi sẽ cầu nguyện cho ông. Nhưng về phần ông, ông hãy cố gắng mỉm cười với những người chung quanh ông. Một nụ cười có thể đánh động được tâm hồn người khác. Một nụ cười có thể cho chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống chúng ta.

    Đức tin thắp sáng niềm hy vọng và trổ sinh hoa trái bằng việc làm.

    Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

     

     

    Đức Tin

    Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay đã ghi lại hai mẫu gương đức tin sáng chói.

    Trước hết là ông Giairô, ông đến với Chúa để van nài Ngài: Lạy Thầy, đứa con tôi sắp chết, xin Ngài hãy tới. Khi người ta báo tin đứa bé đã chết, Chúa Giêsu liền bảo ông: Đừng sợ, nhưng hãy tin. Tiếp đến là người đàn bà mắc bệnh loạn huyết. Bà từ phía sau, đến gần Chúa và tự nhủ: Nếu tôi chạm tới gấu áo Ngài thì tôi sẽ được khỏi.

    Ước gì mỗi khi lên rước lễ, chúng ta cũng có được một đức tin như thế, khi miệng lưỡi chúng ta chạm tới Mình Máu Thánh Chúa.

    Qua đức tin, Phúc Âm cũng dạy cho chúng ta một bài học về đức cậy. Thực vậy, đứa con gái đã chết và người ta cười nhạo Chúa. Thế nhưng Ngài điềm nhiên nói: Đứa bé không chết đâu, nó ngủ đấy. Cũng vậy, khi thân xác Lagiarô bắt đầu rữa thối, nhưng Ngài muốn cho ông ta được sống lại, thì liền nói: Bạn Lagiarô của Ta đang ngủ.

    Thực vậy, Đức Kitô, qua cái chết và sống lại, đã giải phóng chúng ta khỏi cái chết. đôn đốc tin vào Đức Kitô cũng có nghĩa là hy vọng Ngài sẽ cho chúng ta được sống lại. Thế nhưng tin có khó hay không? Cha Thomas có viết như sau: Vấn đề gai góc ngày hôm nay, không phải là vấn đề Giáo Hội có bị lung lay chăng, nhưng là vấn đề đức tin của chúng ta hôm nay gặp quá nhiều chướng ngại, nào là văn minh vật chất, nào là óc thực nghiệm và duy khoa học, sợ dấn thân và thích yên ổn. Trong khi đức tin đòi hỏi chúng ta phải dấn thân, phải phó thác, phải hy sinh. Tin đồng nghĩa với bị quên lãng, bị bách hại và phải chấp nhận hy sinh. Tóm lại, tin là phải sống chính thân phận của Đức Kitô, là Thiên Chúa Ngài đã hạ mình xuống, mặc thân phận tôi đòi, đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Là Thiên Chúa Ngài đã chấp nhận thân phận tội nhân, để con người tội lỗi chúng ta được gọi là con Thiên Chúa.

    Ngoài ra, tin còn là hiệp thông với Giáo Hội bởi vì Giáo Hội gắn liền với Đức Kitô, cùng thao thức với Giáo Hội trước những vấn đề của thế giới hôm nay. Cùng đau khổ vì những chống đối, những sai phạm và những khinh khi của kẻ khác đối với truyền thống xã hội.

    Vậy niềm tin đem lại ích gì? Tôi xin thưa đó là sự an bình đích thực cho tâm hồn. Trong một cuộc động đất kinh hoàng, mọi người đều lo sợ, tuy nhiên có bà cụ vẫn bình tĩnh chăm sóc cho những nạn nhân, mặc dầu nhà cửa của bà cũng đã bị sụp đổ. Người ta hỏi thì bà trả lời: Tôi chẳng bao giờ phải sợ hãi vì tôi tin rằng Thiên Chúa là Cha tôi và Ngài có thể lay chuyển cả trời lẫn đất với tình yêu thương của Ngài.

    Chính vì thế, chúng ta hãy kêu lên như các tông đồ ngày xưa: Lạy Chúa, xin hãy củng cố niềm tin bé nhỏ của chúng con. 

    Đức Tin 

    Đoạn Tin Mừng sáng hôm nay được chia thành hai màn nhưng cùng chung một khung cảnh, đó là bên bờ hồ với đông đảo dân chúng. Màn thứ nhất đó là ông chủ hội đường đến, phủ phục dưới chân Chúa mà van xin: Lạy Thầy, con bé nhà tôi gần chết xin Ngài đến đặt tay lên cháu để cháu được qua khỏi và được sống. Trước một nguy cơ đang đe doạ nghiêm trọng sự sống của con gái ông, ông đã khước từ hy vọng vào loài người để chỉ trọn vẹn tin vào Đức Kitô. Thế nhưng, cái tin đau đớn về cái chết của cô bé ập xuống trên đầu ông. Tức khắc Chúa Giêsu an ủi ông: Đừng sợ, chỉ cần tin mà thôi. Điều ông xin lúc mới gặp Chúa Giêsu thì bây giờ đã bị vượt qua. Có lẽ nhờ đó mà ông có được một niềm tin lớn hơn, đúng như Chúa Giêsu đã mời ông thực hiện. Ngài đem ba môn đệ thân tình nhất cùng với cha mẹ cô bé ra riêng mà nói với họ: Con bé không chết đâu, nó ngủ đấy, trong khi đó đám đông cười nhạo Ngài. Là người Kitô hữu hôm nay chúng ta hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu nói đó. Khi Chúa Giêsu đến thì cái chết không còn là cái chết, mà đó chỉ là giấc ngủ. Xuyên qua niềm tin của Giairô, chúng ta thấy thấp thoáng niềm tin của ông vào Đấng sẽ làm cho kẻ chết sống lại.

    Đang khi Chúa Giêsu gặp ông Giairô thì một người đàn bà đến từ phía sau và lén động tới gấu áo của Ngài. Lén, là bởi vì bà ta đang trong tình trạng ô uế, vì bị băng huyết. Ở đây, chúng ta thấy nổi bật lên hai nét: Một thứ tín ngưỡng tin vào sức mạnh thể lý nào đó của người làm phép lạ và quyền năng của Đức Kitô trước thất bại của các lương y khác. Hai ghi nhận đó được diễn tả trong câu: Tức khắc máu cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Đó là niềm tin dưới dạng thức sơ khai của người đàn bà được một thứ tính toán vụ lợi hướng dẫn, nhưng cuối cùng đã được toại nguyện, với cái giá phải trả là chạm mặt với Đức Kitô. Nhưng đó mới là màn một, còn màn hai thì như thế nào.

    Màn hai này mang lại cho câu chuyện một tầm vóc khác xa những gì đã diễn ra trước đó. Bởi vì Đức Kitô muốn con người đã lén động đến Ngài vượt ra khỏi cảnh vô danh. Ngài bắt bà ta phải tự giới thiệu công khai và cùng bà ta đi vào một quan hệ cá nhân, một cuộc trực diện có thể soi sang chúng ta. Khi đó, bà ấy đã trình bày sự thật và khi nhấn mạnh tới niềm tin của bà, Chúa Giêsu cho bà ta lui về bình an: Này con, đức tin của con đã chữa con, con hãy đi bình an và khỏi bệnh. Từ một niềm tin sơ khai, người đàn bà đã bước sang một niềm tin trọn vẹn, mang sâu đậm một mối quan hệ của bà với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế. Và ông Giairô đã trông thấy điều đó khi ông đứng cạnh Chúa Giêsu, cho nên chúng ta dễ hiểu tại sao chính ông cũng đã đạt được đức tin trọn vẹn như chúng ta vừa mới chứng kiến ở trên.

    Hãy tự hỏi xem coi long chai đá của chúng ta có thể đi từ sợ sệt đến đức tin, có thể vượt qua mọi e dè để từ từ khai mở cho một đức tin đầy tin tưởng hay không? 

    Đừng Sợ

    Sợ hãi có lẽ là tâm trạng chung của con người, ngày xưa cũng như hôm nay. Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta thấy: Trong khi các môn đệ và Chúa Giêsu vượt biển, thì bỗng dưng cuồng phong nổi lên, sóng gió ập vào đến nỗi thuyền đầy nước và sắp chìm. Các môn đệ ra sức chèo chống và tát nước, còn Chúa Giêsu vẫn đang ngủ say. Các ông sợ hãi đánh thức Ngài dậy. Chỉ với một lời đầy quyền năng: Hãy im đi, hãy lặng đi. Lập tức sóng liền yên, biển liền lặng và các ông đem thuyền vào bến bình an.

    Với chúng ta cũng vậy, cuộc đời người Kitô hữu nói riêng, hay Giáo Hội nói chung, vẫn không thiếu những sóng to và gió lớn. Nó làm cho con thuyền cuộc đời chúng ta bị chao đảo và dường như muốn chìm xuống đáy nước. Trong những giờ phút đen tối, chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu: Đừng sợ.

    Đây cũng là lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Đấng kế vị thánh Phêrô, đã lặp lại để động viên chúng ta, ngay từ những ngày đầu lãnh nhận sứ vụ thay mặt Chúa ở trần gian. Và từ đó, Đức Thánh Cha đã không mệt mỏi lặp lại lời này. Nó có giá trị trấn an thế giới đang sẵn sàng bước vào ngàn năm thứ ba.

    Tại sao lại đừng sợ? Vì bên trên chiến tranh, tàn khốc, bên trên những xung khắc kinh tế và xã hội, bên trên tính bất khoan dung và sự nghèo đói mà nhân loại đang phải gánh chịu, còn có Tin Mừng mang lại sự sống và sự bình an. Đó chính là nguồn hy vọng cho thế giới ngày mai. Tuy nhiên bản thân chúng ta cần phải làm gì để không còn sợ hãi?

    Trước hết chúng ta phải biết làm chủ cảm xúc của mình. Thực vậy, cây cỏ tuỳ vào thời tiết để sinh trưởng, nhưng chúng ta thì khác, chúng ta phải tạo ra thời tiết chung quanh chúng ta. Trong giao tiếp hằng ngày, nếu chúng ta chỉ đem đến mưa bão, gió lạnh và bóng tối, thì những người chung quanh chúng ta cũng sẽ đáp trả lại bằng những mưa bão, gió lạnh và bóng tối. Trái lại, nếu chúng ta đem đến cho họ niềm vui, tiếng cười, lòng hăng say và ánh nắng rực rỡ, thì sọ sẽ phản ứng với niềm vui mừng và hy vọng chan chứa. Cái thời tiết chúng ta đã tạo ra sẽ mang đến cho chúng ta một mùa gặt sung mãn. Gieo gì thì gặt nấy. Nếu chúng ta gieo rắc sự bình an, thì chúng ta cũng sẽ gặt lấy được sự bình an và chúng ta sẽ không còn phải sợ hãi.

    Tiếp đến, chúng ta phải xây dựng cuộc đời chúng ta trên nền tảng đức tin. Bởi vì đức tin luôn chiến thắng sợ hãi, đức tin là một sức mạnh mà nỗi sợ hãi không thể nào chống đỡ được. Nếu cõi lòng chúng ta chất đầy niềm tin, thì chắc chắn sẽ không còn chỗ cho sợ hãi nữa. Và như thế, chúng ta chỉ còn một nỗi lo sợ duy nhất đó là lo sợ không mến Chúa và yêu người cho đủ mà thôi.

    Sống chết trong tay Chúa – ViKiNi

    (Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

    Tin mừng Chúa nhật 12 đến Chúa nhật 13 như một cuốn phim sống động quay lại cảnh con thuyền các môn đệ gần chìm đắm trong bão biểm đêm tối, đến cảnh người dân ngoại sống dưới ách xiềng xích, cùm kẹp khốn khổ của quỷ dữ giữa mồ mả, đồi núi, hoang dại. Để cứu họ, Đức Giêsu đã dẹp tan bão tố, xua đuổi ác quỷ chui đầu xô đẩy đàn heo lối hai ngàn con xồng xộc chạy theo dốc núi chênh vênh nhào xuống biển chết ngộp.

    Sau đó, Đức Giêsu đã lên thuyền trở về với đám đông dân chúng đầy thiện cảm đang chờ đón Ngài bên bờ biển Galilê. Mới lên bờ, ông trưởng hội đường đến sấp mình dưới chân Ngài, tha thiết kêu xin Ngài cứu chữa đứa con gái mười hai tuổi gần chết. Ngài chẳng nói một lời, chỉ vội vàng đi với ông và dân chúng chen nhau kéo theo Ngài. Họ đụng cả vào Ngài.

    Tự nhiên, Ngài quay lại hỏi đám đông: “Ai đã sờ vào áo Ta?”. Môn đệ chỉ thấy đám đông chen nhau đụng vào Ngài, còn Ngài thấu suốt tâm tư mọi người. Người phụ nữ như thấy Ngài trực tiếp hỏi mình, sợ run lên, đến sấp mình trước mặt Ngài. Ngài đã ôn tồn nhắn nhủ: “Này con, lòng tin của con đã cứu con, hãy đi bằng an và lành hẳn tật nguyền của con”.

    Quá sung sướng, người phụ nữ đã mạnh dạn khai báo hết nỗi lòng đau khổ vì bệnh băng huyết. Suốt 12 năm chạy đủ mọi thầy, mọi thuốc, sạch bách tiền của mà tật bệnh vẫn còn.

    Đang lúc đó, người nhà ông hội trưởng nhắn tin con ông đã chết rồi! Như sét đánh ngang tai, ông sợ quá. Đức Giêsu đã trấn an ông: “Đừng sợ, hãy tin”. Ông tin dù mọi người khóc lóc, kêu ầm ĩ, có kẻ còn nhạo cười Ngài. Trước cái chết, loài người chỉ biết khóc than hay cười ra nước mắt vì quá bất lực, quá đau đớn và lặng lẽ cúi đầu!

    Thánh Phêrô đã chứng kiến từ đầu đến cuối những phép lạ đó và khi đi rao giảng Tin mừng, ngài đã kể rành mạch mọi chi tiết, kể rõ cả tên ông trưởng hội đường là Giairô và đứa con gái 12 tuổi. Chắc chắn ông Giairô và con gái ông vẫn còn sống để làm chứng cho lời Phêrô giảng. Phêrô muốn cho mọi người thấy Chúa Giêsu là Chúa biển cả trời đất, Chúa thống trị quỷ thần và là Chúa nắm giữ sự sống chết của loài người.

    Sự sống, sự chết của mỗi người chúng ta đều thuộc quyền Đức Giêsu, cho nên Phaolô đã quyết tâm thực hiện: “Đối với tôi, sống là chính Đức Kitô” (Phil. 1, 21). Lý do là: “Ngài đã chết thay cho tất cả mọi người, hầu kẻ sống không sống cho chính mình, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại cho họ” (2Cr. 5, 15).

    Thánh Xiprianô đã mạnh mẽ trả lời tổng trấn Galêriô khi ông ra lệnh: “Các hoàng đế đã truyền cho ngươi phải tế thần”.

    Xiprianô đáp: Tôi không tế.

    Galêriô nói: Hãy suy nghĩ kỹ đi, hãy tuân lệnh đi.

    Xiprianô đáp: Thần là quỷ ma giả dối, chỉ có Thiên Chúa là Đấng chân thật, sáng tạo vạn vật. Đó là chân lý, không cần suy nghĩ nữa.

    Galêriô nói: Ngươi phải chịu án trảm quyết.

    Xiprianô đáp: Xin ngợi khen Chúa.

    Vì tin Chúa nắm sự sống chết, nên người sống cho Chúa, coi cái chết nhẹ như lông hồng, như một giấc ngủ. Chính Chúa Giêsu đã bảo cha đứa trẻ: “Con bé không chết, nó ngủ”. Sau này, khi nghe tin Lagiarô chết, Ngài cũng nói: “Lagiarô, người thân của Ta ngủ, Ta đi đánh thức ông dậy”.

    Đối với kẻ không nắm được sự sống chết, thì chết là tận diệt, nên phải khóc than, gào thét. Đối với Chúa, sự chết thật là một giấc ngủ. Để được chết an lành như vậy thánh Vinh sơn Phaolô đã tập coi giấc ngủ mỗi đêm là việc lặp đi lặp lại của cái chết thực sự, và thức dậy là dấu của sự sống lại trong ánh sáng của Đức Kitô.

    Lạy Chúa Giêsu, cái chết của Chúa trên thập giá đau đớn đến cùng cực, nhưng vì yêu thương cứu độ loài người chúng con, Chúa đã coi cái chết đó như một giấc ngủ thật nhẹ nhàng, bình an, trong sáng. Xin cho con biết hy sinh, tập chết đi những ích kỷ, kiêu căng vì mến Chúa yêu người để đến giờ chết con được an nghỉ êm ái trong Chúa muôn đời. Amen. 

    Sống Đức Tin

    Thiên Chúa là sự sống và tình thương. Tình thương của Người là tình thương cứu vớt, đem lại cho con người được sự sống, tham dự sự sống của cộng đoàn và tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa. Chỉ nơi Ngài, mới có tình thương và sự sống tuyệt đối.

    Khi muốn xin ai hay thỉnh cầu điều gì, thì chúng ta tin tưởng vào người chúng ta đang đặt niềm tin. Người phụ nữ mắc bệnh băng huyết và người cha có đứa con gái bị bệnh nặng gần chết đã làm như thế. Cả hai đã tin Chúa Giêsu nên đến xin Ngài cứu chữa. Chính vì có lòng tin mạnh mẽ mà cả hai đã được hưởng phép lạ của Chúa Giêsu. Nhưng làm sao chúng ta thấy được hay biết được lòng tin của họ? Vì nó đã được biểu lộ ra qua thái độ, cử chỉ, lời nói và hành động của họ.

    Người phụ nữ này không dám công khai trực tiếp xin Chúa chữa bệnh cho bà trước mặt mọi người. Bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa” (Mc 5, 28). Bà thật khiêm tốn, có thể so sánh với người đàn bà xứ Canaan, hoặc như người trộm lành. Vì thế, bất chấp tất cả những luật lệ phiền phức và nghiêm ngặt, bà lén đến sau lưng Chúa, để thực hiện ý định “rút ơn Chúa”, và kết quả bà đã được toại nguyện. Bà đã thể hiện đức tin một cách sâu sắc, như chính Chúa đã xác nhận và thưởng công cho lòng tin của bà: “Lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mc 5, 34).

    Tuy nhiên, theo quan niệm của người Do Thái thì máu huyết tượng trưng cho sự sống. Người phụ nữ bị băng huyết có nghĩa là sự sống nơi chị mất dần đi, tiêu hao di nên có thể coi chị là người đã chết. Nhất là trong hoàn cảnh của bà, đau khổ không chỉ vì bệnh kéo dài, tiền mất tật mang mà bà còn đau khổ về tinh thần vì tập quán tôn giáo xã hội lúc đó coi những người mắc những thứ bệnh này cũng giống như bệnh cùi là những người bị ô uế, đáng bị cộng đoàn khai trừ. Có thể nói người phụ nữ này đã chết hai lần, cả về mặt sự sống thể xác lẫn về mặt đời sống tinh thần. Chị đã được Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật, hay đúng hơn chị đã được cứu thoát và Ngài đã đem đến cho chị sự sống mới sự sống dồi dào, chị được sát nhập vào đời sống cộng đoàn tôn giáo.

    Trường hợp của ông trưởng hội đường Giaia cũng thế. Ông đã thể hiện lòng tin của ông vào Chúa Giêsu. Qua cử chỉ, thái độ và lời nói của ông: Khi đến trước mặt Chúa Giêsu, ông đã quỳ sụp xuống dưới chân Chúa và khẩn khoản van xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống” (Mc 5, 23). Ông cầu cứu Chúa Giêsu vì ông yin rằng Ngài có thể cứu sống con ông khỏi chết. Phải tin Chúa Giêsu là ai, phải tin Chúa có quyền phép thế nào ông ta mới có cử chỉ, thái độ và lời kêu xin như thế. Ông không hồ nghi, ông tin chắc chắn sự việc sẽ xảy ra như thế, nếu Chúa muốn, vì Ngài là Chúa sự sống và sự sống lại. Ngài động đến đâu thì sức mạnh và sự sống lan tràn tới đó. Nhận thấy lòng tin mạnh mẽ của ông, Chúa đi tới nhà ông và cho con gái ông sống lại.

    Trong cả hai phép lạ, chúng ta thấy nổi bật lên một yếu tố, đó là lòng tin. Người phụ nữ bệnh băng huyết khi đã nghe nói về quyền phép của Chúa Giêsu thì chị tin mãnh liệt vào Ngài, bà tin Ngài có thể chữa chị khỏi bệnh, chính vì thế nên chị nghĩ trong lòng rằng: “Nếu tôi sờ vào được áo choàng của Thầy, thì tôi sẽ được khỏi bệnh”. Chính vì tin mà bà vượt qua hàng rào kỳ thị tôn giáo kia, chị vượt qua mọi nếp suy nghĩ và quan niệm của tôn giáo Do Thái lúc bấy giờ để mạnh dạn đến chạm tay vào gấu áo Chúa Giêsu. Chính vì quyền năng đó mà Chúa đã không từ chối chữa lành cho chị. Bên cạnh đó, lòng tin của ông Giaia cũng là yếu tố quan trọng để Chúa Giêsu làm cho con gái ông sống lại. Hai phép lạ trên cho chúng ta thấy Chúa Giêsu có quyền năng trên bệnh tật. Điều này chứng tỏ Ngài chính là Thiên Chúa thật, là vị Cứu Tinh, là Đấng cứu độ con người.

    Hai phép lạ này còn loan báo cho chúng ta một sứ điệp tình thương, sứ điệp thời đại mới, thời đại cứu độ mà các tiên tri đã loan báo. Thời đại của Chúa Giêsu Kitô. Trước hết, Thiên Chúa là sự sống, Ngài là chủ sự sống. Ngài ban phát sự sống cho con người và muôn loài muôn vật. Riêng đối với con người, Ngài không chỉ là chủ sự sống đời sống vật chất mà còn là chủ đời sống ân sủng, đời sống làm con cái Chúa. Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã hiến dâng cho loài người tất cả, kể cả Người con yêu dấu, con một của Ngài là Đức Giêsu Kitô.

    Suy gẫm về bài phúc âm này, chúng ta nhận thấy: Chúa Giêsu đã bộc lộ thiên tính của Ngài, thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa là ban sự sống, là cứu chữa, những gì đã hư mất, là tìm đến những người đau ốm cần thầy thuốc. Ngài luôn quan tâm mọi nhu cầu cụ thể của con người. Ngài quan tâm đến nỗi thống khổ về tinh thần lẫn vật chất của nhân loại. Tất cả nỗi khổ đau của nhân loại đều được Chúa Giêsu cảm thông, chia sẻ và cứu vớt. Chính vì mang trong lòng trái tim yêu thương của Thiên Chúa, nguồn sống từ nơi Chúa Cha nên Ngài đã không khước từ và mau mắn cứu chữa hết người này đến người kia, bình phục cho người này, hồi sinh cho kẻ khác, đem lại phẩm giá và sự tôn trọng cho những ai đang bị loại trừ. Đối với Chúa Giêsu, Ngài không hề loại trừ một ai vì tất cả mọi người đều thuộc về gia đình Thiên Chúa. Điều duy nhất Ngài đòi hỏi chúng ta có tin nơi quyền năng và tình thương của Thiên Chúa hay không?

    Niềm tin, lòng tin hay đức tin thì không thể nhìn thấy, bởi vì nó không phải là vật chất, nó là một cái gì có thật, nhưng thuộc về thần linh. Người ta không thể thấy được nó nhưng người ta có thể biết nó có nhờ khi nó biểu lộ qua hành động bên ngoài. Cũng như không ai nhìn thấy lòng tin của ông Giaia và của người đàn bà băng huyết, nhưng qua thái độ, lời nói và cử chỉ của họ đã biểu lộ lòng tin của họ. Cũng vậy, chúng ta có đức tin hay không, chẳng ai biết, nhưng khi thấy chúng ta đi lễ, thấy chúng ta đi vào nhà thờ nghiêm trang, người ta có thể biết được chúng ta là người có đức tin. Như thế, một điều chúng ta có thể ghi nhận là: đức tin chỉ ở trong lòng thôi thì chưa đủ mà còn phải biểu lộ ra bên ngoài nữa. Vì thế, chúng ta cần phải có một đức tin mạnh mẽ như ông Giaia, hiên ngang mà không hổ thẹn, vững chắc chứ không hồ nghi. Đàng khác, chúng ta cũng cần có một đức tin kín đáo nhưng dẻo dai như lòng tin của người phụ nữ trên đây, bà có một thái độ khẩn khoản khiêm nhường và đầy tin tưởng trong tâm hồn, thế là đủ. Chúa cũng đang chờ đợi ở chúng ta những tâm tình như thế.

    Chúng ta tin Thiên Chúa là chủ sự sống, là nguồn gốc sẽ dẫn chúng ta đến thái độ là biết tôn trọng sự sống, bảo vệ và phát huy sự sống. Không đơn thuần là sự sống thể xác, tinh thần mà còn quan tâm đến sự sống thần linh. Không chỉ quan tâm sự sống nơi bản thân mình mà còn quan tâm đến nhu cầu, lợi ích sự sống nơi tha nhân nữa. Thế nhưng xung quanh chúng ta có rất nhiều sự sống con người đang bị xâm phạm, bị chà đạp, cách này hay cách khác. Biết bao nhiêu trẻ em không có quyền được sinh ra, không có được những điều kiện thiết yếu về mặt vật chất, tinh thần để sống một cuộc sống cho ra người.

    Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người để con người được sống và sống dồi dào. Nhưng sự sống mà chúng ta đón nhận từ nơi Chúa sẽ không trọn vẹn nếu chúng ta chưa thật sự chia sẻ sự sống ấy cho tha nhân chung quanh chúng ta. Bao lâu nhiều người anh em chung quanh chúng ta chưa được sống xứng đáng vơi nhân phẩm con người, bao lâu niềm vui và quyền được sống như một con người vẫn còn bị khước từ nơi nhiều người đang sống bên cạnh chúng ta thì có lẽ chính chúng ta cũng không thể nào hưởng được một cách dồi dào sự sống mà Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta.

    Bài viết liên quan