Chúa Nhật XVII Thường Niên- Năm A

  • Thứ năm, 08:43 Ngày 23/07/2020
  • Chọn Lựa và Quyết Định

    Tin Mừng hai Chúa Nhật vừa qua, Chúa Giêsu giáo huấn về mầu nhiệm Nước Trời qua các dụ ngôn : Người Gieo Giống, Cỏ Lùng, Hạt Cải, Nắm Men. 
    Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn qua dụ ngôn Kho Báu và Viên Ngọc Quí. 

    Cả hai người trong dụ ngôn tìm thấy kho báu và viên ngọc đều vui mừng trở về bán hết gia tài để mua. Không thấy họ có dấu hiệu tiếc nuối, chần chừ hay so đo. Họ quyết định thật nhanh với một tâm hồn thanh thản và vui sướng. Phản ứng của hai ông cho thấy việc từ bỏ, dứt khoát với những gì mình đang có là việc phải làm sau khi khám phá và hiểu được cái giá trị mình sắp có. 

    Dụ ngôn “Kho báu chôn trong ruộng” và “Viên ngọc quí” diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, không có cái gì, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. “Kho báu” và ‘Viên ngọc quý” ở đây là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, là hạnh phúc để mỗi người tìm kiếm và sở hữu. Không có gì đẹp hơn là tìm biết Đức Kitô. Có Ngài, là có tất cả! Đó là xác tín và là lựa chọn dấn thân trọn vẹn, dứt khoát để có được “Điều Cao Quí” như kinh nghiệm của chính thánh Phaolô : “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Phil 3,7-8). Nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolô trong bài đọc 2: trong Người, chúng ta “những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh”, trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô. Như thế, lời mời gọi nên thánh chính là trở nên giống Đức Kitô, sống theo Đức Kitô, là đạt đến Nước Trời. Muốn đạt đến cùng đích ấy, cả hai dụ ngôn đều đề nghị người nghe chọn lựa sự nghèo khó như được nói trong (Mt 5,3): “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”, khi lặp đi lặp lại: “bán tất cả những gì mình có” (cc.44.46). Kho báu và viên ngọc quý, như thế, chính là kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa “Nước Trời là của họ”. Kinh nghiệm đó tạo nên niềm vui sâu xa trong tâm hồn. “Kho tàng anh ở đâu thì lòng trí anh ở đó” (Mt 6,20).

    Tính chất cao quý có giá trị tối hậu mang lại hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc đời đã được các bài đọc Sách Thánh hôm nay làm nổi bật bằng cách đưa ra những so sánh ví von. Cao quý như sự khôn ngoan được vua Salômon coi trọng hơn phúc lộc thọ của ngai vàng (bài đọc 1). Salômon kế vị Vua cha là Đavít. Salômon nhận rõ mình “trẻ người non dạ” và những hạn chế của bản thân trước trọng trách làm vua. Salômon được Thiên Chúa yêu thương, ân ban cho ông được quyền xin ơn gì ông cần. Salômon không xin giàu có, không xin vinh quang và cũng không xin trường thọ. Salômon xin ơn khôn ngoan để hướng dẫn dân được tuyển chọn đúng theo đường lối của Chúa. Điều ông xin làm hài lòng Thiên Chúa và ông được nhậm lời. Salômon trở nên một vị vua tài trí bậc nhất trong thiên hạ. Sự khôn ngoan của ông vượt ra khỏi biên giới Israel. Trước ông không ai như ông và sau ông không ai bằng ông. Cao quý như lề luật được Dân Chúa coi trọng tựa Nguồn Sáng dẫn lối (bài đọc 2). Cao quý như “Kho báu chôn trong ruộng” như “Viên ngọc quý”. Nước Trời là một ân ban cao quý Thiên Chúa dành cho mọi kẻ kiếm tìm.

    Sau khi đã nhận ra kho báu, người cày ruộng lẫn người buôn ngọc đều đã biết cái gì quan trọng, họ phải chọn lựa và đi đến một quyết định. Là Kitô hữu, môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta tìm kiếm cái gì? Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải biết chọn lựa giữa những cám dỗ mời mọc của trần thế: ‘Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó dân ngoại vẫn tìm kiếm…Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33).

    Sách Giáo lý Công giáo cũng khuyên dạy: ‘Chúa Giêsu kêu gọi mọi người vào Nước Trời qua những bài dụ ngôn của Ngài, nét đặc trưng của việc giảng dạy của Ngài. Qua các dụ ngôn này, Ngài mời người ta tới dự tiệc của Nước Trời, nhưng Ngài cũng đòi hỏi người ta một sự chọn lựa triệt để: để được nước Trời, người ta phải cho tất cả, và lời nói không đủ, còn cần phải có những hành vi” (GLCG # 546).

    Nước Trời đòi buộc phải hy sinh, một khi đã khám phá ra, phải bán tất cả những gì mình có. Đây là một chọn lựa dứt khoát, quyết liệt, không dễ dàng. Sự từ bỏ theo Chúa Giêsu chính là thái độ dấn thân vì Nước Trời. Tìm thấy Nước Trời, thấy được giá trị cao quí của Nước Trời, cho nên mới can đảm hy sinh từ bỏ tất cả để có được. Người nông dân bán tất cả để mua cho được mảnh ruộng có kho báu ; vị thương gia bán tất cả tài sản để mua cho bằng được viên ngọc quý là hình ảnh nói lên việc phải dứt khoát chọn lựa Nước Trời. 

    Người nông dân, vị thương gia đều vui mừng khi tìm được kho báu hay viên ngọc quí. Cũng vậy, thái độ của người đã gặp Chúa, đã khám phá ra Nước Trời trong cuộc sống là thái độ hân hoan vui mừng. Tìm kiếm được niềm vui này mới làm cho con người có khả năng dứt bỏ mọi sự để theo Chúa. Bấy giờ, tất cả những gì trước nay ta cho là quí giá thì mất hết giá trị so với niềm vui mừng có được Thiên Chúa. Có Chúa là có tất cả. Đây là kinh nghiệm không dễ có được một khi thờ ơ không dám lên đường tìm kiếm Chúa và hạnh phúc Nước Trời. Nếu chỉ biết loanh quanh trong việc tìm kiếm của cải trần thế, thú vui xác thịt thì sẽ không bao giờ khám phá được niềm vui Nước Trời, niềm vui trong Chúa.

    Tìm kiếm Nước Trời và từ bỏ tất cả để đạt cho bằng được là niềm vui của đời Kitô hữu chính là thái độ chọn lựa khôn ngoan. Trong Chúa mới làm nên ý nghĩa đích thực của đời sống, nơi Chúa mới tìm kiếm được nguồn mạch thỏa mãn mọi nỗi khát khao hạnh phúc. 

    Hai hình ảnh “kho báu” và “viên ngọc quý” vừa rõ ràng vừa huyền bí. Rõ ràng ở chỗ ai biết gía trị của chúng thì quý hóa, còn huyền bí ở chỗ có nhiều người không biết giá trị tiềm ẩn đó, chính vì vậy mà nhiều người bị lầm. Cũng như người kia có kho báu ở ngay trong thửa ruộng của mình mà không biết, hay người có viên ngọc quý giá kia cũng thế, họ nắm trong tay mà không hay, nên họ đã để vuột mất kho báu và viên ngọc quý.Trong “Ngàn lẻ một đêm” có câu chuyện “Ông già xứ Ba Tư”. Người nông dân có một nông trại rộng lớn, vườn rộng ao sâu, nhiều hoa quả và cá quý. Ông ta nghe lời một vị đạo sĩ nên bán hết ruộng vườn để đi tìm kim cương. Ông lặn lội đi tìm hết nước nầy sang nước khác, nhưng không tìm thấy kim cương đâu cả. Cuối cùng, hết tiền, đói khổ, quần áo rách rưới, cùng đường, ông đâm đầu xuống sông tự tử. Trong khi đó, người mua lại nông trại của ông đã tìm ra một mỏ kim cương khổng lồ ngay trong nông trại đó. Ông già Ba Tư ấy ngồi ngay trên mỏ kim cương, sở hữu mỏ kim cương kia mà không hề hay biết gì.

    Điều quan nhất là phải biết khám phá, trong bản thân mình, ai cũng có một kho báu quí giá. Kho báu ấy được Kinh Thánh mạc khải: Con người là “hình ảnh của Thiên Chúa”, được dựng nên “giống Thiên Chúa” (St 1,26.27; 9,6), là “con cái Thiên Chúa” (Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10), “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1,4). Ý thức và xác tín những điều ấy, ta sẽ thấy phẩm giá con người hết sức cao quí. Đó là niềm vui và là hạnh phúc. Phẩm giá ấy cao quí hơn tất cả những gì mà ta có thể có được ở trần gian. Với bản chất cao cả ấy như một chìa khóa, một bí quyết, một nền tảng cần thiết, con người có thể có tất cả, nhất là có hạnh phúc đích thực ở trần gian này, và hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành cho con cái Ngài. 
    Trong Đức Kitô, sự khôn ngoan Thiên Chúa đã được tỏ bày qua sự yếu đuối nhân loại. Ai chân thành với Đức Kitô sẽ gặp thấy Ngài chính là kho báu. Ai trung thành làm theo lời Đức Kitô sẽ sở hữu trọn vẹn kho báu ấy. Ai nhiệt thành gắn bó với Đức Kitô sẽ được chia sẽ cùng Ngài kho báu hạnh phúc Thiên đàng.

    Lm Giuse Nguyễn Hữu An


     

    Bài viết liên quan