Chúa Nhật XXIII Thường Niên - Năm B

  • Thứ năm, 22:42 Ngày 02/09/2021
  • NGHE VÀ NÓI

    Lưỡi và tai là hai cơ quan truyền thông của con người. Ai bị điếc và câm thì mất hai phương tiện quan trọng đó. Nghe và nói như hai cánh cửa mở ra thông giao với thế giới bên ngoài. Lưỡi như có sợi giây buộc lại, tai như cánh cửa bị khóa kín, những người câm điếc bị tách khỏi thế giới chung quanh vì không hiểu được người khác, và người khác không hiểu được họ.

    Có dịp đến thăm Trung tâm Khiếm thính Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương hay Trung tâm Khiến thị Ánh Sáng tại Lagi, Bình Thuận, sẽ thấy câm điếc và mù loà thật là khổ sở ! Cảm thông với những người câm điếc, người mù loà, chúng ta mới thấy quý cái tai cái miệng và đôi mắt của mình. Lúc ấy mình sẽ nhận ra rằng, nghe nói và thấy là ân huệ và là quà tặng lớn lao Thiên Chúa ban.

    Trang Tin mừng hôm nay kể câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành một người vừa điếc vừa ngọng: “họ đem đến cho Người một kẻ vừa điếc vừa ngọng, và xin Người đặt tay trên anh”. Mọi lần Đức Giêsu chỉ đặt tay, hoặc nói một lời, thậm chí người ta chỉ cần sờ vào áo Người là xong. Lần này thì “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông”, rồi làm nhiều động tác: đặt ngón tay vào lỗ tai, lấy nước miếng bôi vào lưỡi anh ta, ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói “Epphata” nghĩa là “hãy mở ra”. Kết quả: “lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng”. Anh này được chữa cả cả tai và lưỡi một lượt. Tại sao Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông? Tại sao Người làm nhiều động tác hơn mọi khi?

    Chúa Giêsu đem người điếc ra khỏi đám đông. Đây là sự quan tâm thật dịu dàng. Người điếc luôn ngượng nghịu lúng túng. Theo một vài phương diện thì điếc còn khó chịu hơn đui. Người điếc biết mình không nghe được, nên trong đám đông khi có người tức tối hét vào tai, cố nói cho nghe, người điếc càng cảm thấy thất vọng hơn. Chúa tỏ sự ân cần, trân trọng vì biết người điếc đang gặp khó khăn trong đời sống. Người chạm vào tai, vào lưỡi. Người ngước mắt lên trời để chứng tỏ rằng chỉ có Thiên Chúa mới giúp được cho loài người, “một cử chỉ cầu nguyện và khẩn nài quen thuộc cho thấy quyền năng của Đức Giêsu từ đâu mà có”, rên một tiếng như than thở với Thiên Chúa, “một lời mời gọi sức mạnh thần linh đến để chiến thắng quyền lực sự dữ” (chú giải của Fiches Dominicales), rồi phán một lời như lời tạo dựng. Lời nói và cử chỉ của Chúa Giêsu hiệu lực ngay tức thì: đôi tai của người câm mở ra, lưỡi của anh như được tháo cởi, anh bắt đầu nói rõ ràng.

    Dân chúng ca tụng: “Ngài làm được mọi sự tốt đẹp. Ngài làm cho người điếc được nghe, người câm được nói”. Lời thán phục đó vang vọng lại lời Ngôn sứ Isaia: “Đấng Thiên Sai sắp đến cứu thoát anh em. Lúc đó mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc sẽ nghe được. Lúc đó, chân người què sẽ nhảy như nai và lưỡi người câm sẽ nói sỏi sàng” (Is 35,3-7). Dân chúng nhận ra Đấng Thiên Sai đã đến và Ngài đang thực hiện lời tiên tri Isaia trước mắt họ. Giữa đám đông chứng kiến phép lạ lại có những người giả điếc, giả câm trước Lời Chúa. Họ cố chấp không đón nhận sự thật. Đó là những người Pharisiêu: “Họ có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe!”. Họ đang điếc trước công lý, câm trước sự thật, mù trước phép lạ đang diễn ra. Vẫn có đó nhiều người như những Pharisiêu mọi thời mọi nơi, họ nghe rõ, nghe đúng, nhưng làm như không nghe, không biết. Biểu hiện nơi những người này là không dám nói, có nói thì nói không đúng hay nói kiểu nói ngọng. Bài đọc thứ nhất cho ta chìa khóa tìm ra nguyên nhân của căn bệnh này đó là sự sợ hãi, thiếu can đảm. Thiên Chúa truyền cho ngôn sứ Isaia: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ!”. Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắn nhủ các môn đệ rằng: hãy can đảm lên, đừng sợ! Khi sống lại, Đấng Phục lặp đi lặp lại nhiều lần “đừng sợ” với các môn đệ. Sợ khổ, sợ bị thua thiệt, sợ bị bách hại...là những cái sợ khiến nhiều người hành xử như chẳng thấy, chẳng nghe và họ đã không dám mở miệng. Họ cần được mở tai, mở mắt, mở miệng lưỡi để đón nhận Lời Chúa, để tin vào Ngài.

    Tất cả mọi thứ khuyết tật đều có thể xảy ra nơi thân xác con người. Có những người dị tật, người mù, kẻ đui, người điếc, kẻ thiếu tay, người thiếu chân, tứ chi bất thường, đa số khi sinh ra họ đã mang thân phận như thế. Hầu như những khiếm khuyết tự bẩm sinh rất khó có thể chữa lành. Khoa học kỹ thuật có thể can thiệp để chữa lành một phần qua các cuộc giải phẫu. Cách tốt nhất mà khoa học có thể giúp là sáng chế những dụng cụ thích hợp để những người bị dị tật hay khiếm khuyết có thể tự xử dụng để bước vào đời.

    Câm và điếc là tật nguyền của lưỡi và tai. Lưỡi không thể nói và tai không thể nghe. Không nói được và không nghe được khiến cho người câm điếc không hiểu được thế giới chung quanh họ, và thế giới chung quanh cũng bị ngăn cách với người câm điếc. Đó là câm điếc thể lý.

    Trong nhân gian, còn có nhiều bệnh câm điếc khác. Câm điếc vì khác biệt ngôn ngữ và văn hóa. Câm điếc vì hiểu lầm, vì định kiến. Câm điếc vì bịt tai không muốn nghe và ngậm môi vì giận dữ. Câm điếc trước sự thật, giả câm giả điếc không dám làm chứng cho chân lý. Câm điếc khi không nghe được những nỗi niềm ray rứt của người khác. Câm điếc khi dửng dưng trước những đau khổ của những người bệnh hoạn, tật nguyền, của trẻ thơ bơ vơ.Nhưng còn có một loại câm điếc khác to lớn hơn, nguy hiểm hơn, đó là câm điếc tâm linh. Khi bị câm điếc tâm linh, ta không nghe được Lời Chúa nói với ta trong tâm hồn, hay dạy dỗ ta qua Tin Mừng. Không dám mở miệng để ngợi khen Chúa và làm chứng cho Ngài. Đó là lúc ta bỏ ngoài tai lời của Chúa nói với ta về sự thật, về chân lý, về yêu thương và hòa giải. Khi bị câm điếc tâm linh, ta ngoan cố ở lỳ trong tội lỗi, ta cố tình ở lỳ trong cái chết của tâm hồn, không thèm nghe lời mời gọi hối cải thúc dục của Chúa Thánh Thần. Nếu câm điếc thể lý đáng buồn và đáng sợ, thì câm điếc tâm linh còn đáng buồn và đáng sợ gấp bội. Câm điếc tâm linh làm ta lìa xa Chúa, đánh mất Ơn Thánh Sủng, dẫn đưa ta đến cái chết đời đời. (từ R. Veritas)

    Nhiều người không câm điếc về thể lý nhưng lại câm điếc tinh thần, câm điếc tâm linh. Có người giả điếc giả câm để khỏi nghe lời giáo huấn của cha mẹ hay đấng bậc bề trên, để khỏi phải thực thi điều hay lẽ phải, thậm chí còn giả mù để khỏi thấy những nhọc nhằn của tha nhân, hay tội lỗi của chính mình.

    Người ta bị câm điếc tinh thần khi tự đánh mất khả năng lắng nghe những người xung quanh mình, không còn lắng nghe tiếng nói của lương tâm để làm lành lánh dữ. Người ta bị câm điếc tinh thần khi đóng lòng mình lại, không còn nghe nỗi đau của những người khốn khổ. Người ta bị câm điếc khi đánh giá người khác theo tiêu chuẩn bên ngoài, vật chất, trọng người giàu mà coi thường người nghèo như được nói ở bài đọc II. Đó là một thứ câm điếc tinh thần mà Chúa đã cảnh báo: "Các anh có mắt mà như mù, có tai mà như điếc".

    Người ta bị câm điếc tâm linh khi không nghe tiếng Chúa để nói những lời sự thật, lời yêu thương, lời hòa giải. Nhiều lúc người ta chỉ nói những lời độc hại, gây chia rẽ và đau khổ cho nhau. Người đời thường hay đổ thừa mọi điều là do "cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo". Nhưng cái lưỡi chỉ có thể làm nên những chuyện xấu xa nếu nó được hỗ trợ của cái tai không biết phân biệt tốt xấu, thật giả.

    Người bình thường luôn có đôi tai thính, cái miệng đẹp. Cần phải nói và nghe bằng con tim. Mở tai ra để lắng nghe Lời Chúa, lời anh em, đừng “nghe tai này lọt qua tai khác”, đừng nghe “như nước đổ lá khoai”. Mở miệng lưỡi ra để nói Lời Chúa, lời yêu thương đem lại niềm vui hạnh phúc. Mở trái tim để lắng nghe những nỗi niềm và đau khổ của những người xung quanh. Mở tai ra để lắng nghe Lời Chúa và lời anh em, mở rộng tâm hồn ra để đón nhận Chúa và đón nhận anh em. Mở miệng ra để nói lên sự thật, nói những lời xây dựng thay vì phá đổ, lời tha thứ thay vì oán thù, lời yêu thương thay vì ghen ghét, lời hòa giải thay vì phân ly. Có như vậy, chúng ta sẽ trở thành những người có khả năng đối thoại thân tình với Chúa và với anh em.

    Khi phục hồi người câm điếc trong khả năng nghe và nói, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng Lời Chúa nữa; con người chỉ có thể sống thực, sống trọn phẩm giá con người, khi biết mở rộng tâm hồn đón nhận và sống Lời Hằng Sống của Chúa. Hãy “cởi mở đón nhận Lời và Hành động của Đấng Cứu Thế”, và “đừng sợ hãi khi phải ‘công bố’ chúng với thế giới”. (x. J. Hervieux, Tin Mừng Máccô, Centurion, tr.107).

    Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi tham dự thánh lễ, con đều thực hiện một cử chỉ thật quen thuộc, đó là sau khi nghe bài Phúc Âm, con đọc: "Lạy Chúa vinh danh Chúa", và làm dấu thánh giá trên trán, trên môi, trên ngực, xin Chúa cho con biết mở trí, mở lòng, mở trái tim với niềm tin yêu. Xin Chúa mở trí khôn con, mở miệng lưỡi con, mở trái tim con, để con được hiểu, cảm nhận và nói lời của Chúa.

    Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cho người điếc nghe được và người câm nói được, xin cho con biết mở tai để lắng nghe lời Chúa và mở miệng để loan truyền Tin Mừng. Xin cho con luôn nói những lời yêu thương, cam đảm nói lời sự thật, chân thành nói lời xây dựng, xin cho con biết quan tâm nhiều hơn để lắng nghe để thấu hiểu và cộng tác với mọi người sống tinh thần Phúc Âm. Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Hữu An

    Bài viết liên quan