Nhật Bản nỗ lực giải quyết hậu quả của trận lũ lụt lớn nhất trong nhiều thập kỷ

  • Thứ sáu, 10:10 Ngày 13/07/2018
  • Đến ngày 10/7, Nhật Bản vẫn đang nỗ lực để phục hồi cơ sở hạ tầng kỹ thuật sau thiên tai được xem là tồi tệ nhất trong vòng 36 năm, giết chết ít nhất 155 người, khoảng 67 người mất tích và những người sống sót đang đối diện với các nguy cơ sức khỏe do nhiệt độ cực nóng và tình trạng thiếu nước, trong lúc các nhân viên cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm nạn nhân. Hiroshima hiện đang là tỉnh chịu tổn thất lớn nhất với 58 người chết.

    Cảnh ngập lụt sau trận mưa lớn tại thị trấn Saka ngày 7/7.

    Hầu hết các trường hợp tử vong trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề Hiroshima là do sạt lở đất tại những khu vực mà nhà được xây dựng trên sườn dốc từ những năm 1970. Được biết, trước đó, 2 triệu người dân đã được lệnh sơ tán trước nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất nhưng một số cư dân đã xem thường những cảnh báo về trận lũ lụt lịch sử trong khu vực bởi nhiều người sinh sống tại đây mấy chục năm qua cũng chưa từng gặp thảm họa kinh hoàng như vậy bao giờ.

    Nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm những người sống sót ở Hiroshima vào ngày 9/7

    Ngày 9/7, các nhà chức trách tỉnh Okayama cũng cho biết, lực lượng cứu hộ hiện đã có thể tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi mực nước mưa có dấu hiệu giảm dần.Các nhân viên cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những người còn sống sót và thi thể của các nạn nhân sau trận lũ lụt kinh hoàng này.

    Theo báo cáo, khoảng 3.500 hộ đã có điện trở lại, nhưng hơn 200.000 người vẫn không có nước và phải sống dưới ánh mặt trời thiêu đốt, với nhiệt độ chạm 33 độ C (91 độ F) ở một số khu vực khó tiếp cận nhất như thành phố Kurashiki. 

    Ông Shinzo Abe đã công bố hủy bỏ chuyến công du nước ngoài trong tuần này để lo việc ứng phó với cuộc khủng hoảng lũ lụt

    Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã công bố hủy bỏ chuyến công du 4 nước Bỉ, Pháp, Ả Rập Saudi và Ai Cập của mình trong tuần này để lo việc ứng phó với cuộc khủng hoảng lũ lụt đã khiến hàng triệu người di tản. Ông Abe cũng đã thông báo sẽ sử dụng một nguồn ngân sách dự trữ của chính phủ để cứu trợ cho người dân ở các khu vực bị thiên tai. Chính phủ cũng đã huy động 75.000 quân và gần 80 trực thăng để hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ. 

    Tính tới thời điểm hiện tại, Chính phủ Nhật đã dành ra 70 tỷ yên (khoảng 631 triệu đôla Mỹ) cho cơ sở hạ tầng, và dự trữ thêm 350 tỷ yên (3,15 tỷ đôla). Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cho biết thêm rằng ngân sách bổ sung sẽ được xem xét nếu cần thiết.

    Dưới đây là những hình ảnh hoang tàn sau trận mưa lũ lịch sử tại Nhật Bản:

    Cứu hộ một ngôi nhà bị sập tại Kumano, Hiroshima hôm 8-7
    Thị trấn Mabi bị ngập lụt sau khi sông Oda vỡ đê vào ngày 8/7.
    Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và các tình nguyện viên di tản người dân tới nơi an toàn.
    Người dân được lực lượng cứu hộ giải cứu.
    Người dân buộc phải trèo lên mái nhà để chờ lực lượng cứu hộ tới giải cứu.
    Giao thông gặp khó khăn tại Kurashiki, tỉnh Okayama hôm 9-7

    (Nguồn PLO)

    Hải Dương

    Bài viết liên quan