Bão và Áp thấp nhiệt đới

  • Thứ tư, 10:10 Ngày 26/12/2012
  • Bão (typhoon) là tên gọi chung những xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) trên Tây bắc Thái Bình Dương khi tốc độ gió cực đại (Vmax) ở gần tâm duy trì liên tục (đọc thêm Ghi chú phía dưới) từ 64 hải lý (gió cấp 12 ở ta) trở lên (hải lý: knot - kt, bằng 1,853 km/h).      Ở khu vực khác nhau gọi hiện tượng bão bằng thuật ngữ khác nhau, như ở Đại Tây Dương, Đông bắc Thái Bình Dương và Đông nam Thái Bình Dương (phía đông 160oE) gọi bão là "hurricanes", Trung quốc dịch là "cụ phong" là gió bão.     Uỷ ban bão Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chia XTNĐ ra 5 giai đoạn theo Vmax: 1) Vùng áp thấp (low pressure area-L): có vùng áp thấp trên bản đồ khí áp bề mặt, nhưng vị trí trung tâm không thể xác định được; 2) Áp thấp nhiệt đới, viết tắt là ATNĐ (tropical depression -TD): vị trí trung tâm có thể xác định được, nhưng Vmax <34 kt; 3) Bão tố nhiệt đới (Tropical storm - TS): Vmax >= 34-47 kt ("storm" gốc từ tiếng Hà Lan là "dông tố", tiếng Trung là "cuồng phong", ở đây tạm dịch là "bão tố"); 4) Bão tố nhiệt đới mạnh (severe TS-STS): Vmax >= 48-63 kt; 5) Bão (Typhoon -TY): Vmax >= 64 kt. Có cơn bão quá mạnh người ta gọi là "siêu bão" (supertyphoon).     Ở ta, "Quy chế báo bão, lũ" dùng cấp gió Bô-pho để dự báo Vmax và kèm theo cấp gío giật, quy định tương tự như trên cho Biển Đông, trừ vùng áp thấp, gồm 1) ATNĐ: XTNĐ có Vmax cấp 6-7 (39-61km/h), có thể (có lúc) có gió giật cấp 8-9; 2) Bão thường: XTNĐ có Vmax cấp 8-9 (62-88km/h), có thể (có lúc) có gió giật trên cấp 10-11; 3) Bão mạnh: XTNĐ có Vmax cấp 10-11 (89-117km/h), có thể (có lúc) có gió giật trên cấp 12 hoặc trên cấp 12; 4) Bão rất mạnh: XTNĐ có Vmax cấp 12 trở lên (>= 118km/h).     Bão là hiện tượng đặc biệt nguy hiểm, gây ra gió rất mạnh, có thể đánh đắm tầu thuyền, làm đổ nhà cửa; mưa rất lớn, gây lũ lụt nghiêm trọng, có khi trở thành thảm hoạ. Ở nước ta mùa bão hàng năm vào tháng 6 - 11, nhiều nhất vào tháng 7 - 10. Theo số liệu lịch sử thì chưa thấy bão đổ bộ vào nước ta vào tháng 2.    ------------------------------------------------------------------------------------------------------    Ghi chú: (1) Gió cực đại duy trì liên tục (hay ổn định) được quy định khác nhau như: Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) lấy thời gian duy trì liên tục trong 10 phút, Cơ quan thời tiết Hoa kỳ lấy 1 phút (nhưng riêng Trung tâm dự báo đại dương - Ocean Prediction Center lại lấy 10 phút), Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, lấy 2 phút, Phòng Khí tượng Úc lấy tốc độ gió giật mạnh nhất chứ không lấy gió cực đại duy trì liên tục. Qua nhiều hội nghi các chuyên gia WMO đã đề xuất xác định các hệ số chuyển đổi vào 2004. Các tác giả Mỹ cho biết rằng do sự khác nhau về thời gian lấy trung bình mà cường độ báo bão của các nước khác thấp hơn của Mỹ 12%. Quy chế báo bão của Việt Nam dùng thuật ngữ "gió mạnh nhất" (tức gió cực đại) và "có thể có gió giật", mà không dùng thuật ngữ "duy trì liên tục" (sustained), nên phải hiểu đó là gió mạnh nhất được quan trắc theo quy phạm quan trắc bề mặt.     -------------------------------------------------------------------------------------------------------        PHÁT HIỆN, THEO DÕI BÃO        Từ những năm đầu của thế kỷ 20, bão được phát hiện và theo dõi thông qua việc phân tích các bản đồ thời tiết dựa trên các số liệu khí áp, gió, mây, mưa v.v... thu nhận được từ lưới trạm quan trắc khí tượng ven bờ biển, trên các hải đảo và tàu biển trên các khu vực rộng lớn hoặc toàn cầu.         Đến nay, nhờ trạm quan trắc khí tượng không ngừng hoàn thiện và các tiền bộ kỹ thuật, đặc biệt là các vệ tinh khí tượng cung cấp thường xuyên các ảnh mây đen trắng hoặc ảnh mầu có độ phân giải cao bao trùm toàn bộ trái đất, các cơn bão có thể được phát hiện ngay từ khi chúng mới hình thành ở giữa đại dương cách xa đất liền hàng ngàn km. Ngoài ra, khi bão cách bờ biển vài trăm km, rađa thời tiết cũng là phương tiện hữu để theo dõi bão. Hiện nay, các cơn bão được các cơ quan khí tượng quốc tế, khu vực (trong đó có Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia) theo dõi sát sao từ khi bắt đầu hình thành, trong suổt quá trình di chuyển, phát triển đến khi hoàn toàn tan rã. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bão phát sinh ngay sát bờ biển nước ta, di chuyển về hướng Tây và đổ bộ vào đất liền chỉ trong khoảng từ vài giờ tới nửa ngày kể từ khi hình thành. Trong trường hợp này, thời gian dự báo sớm nhất cũng chỉ được từ vài giờ đến nửa ngày.        Phán đoán bão hoặc gió mạnh theo kinh nghiệm dân gian:    Bão là một thiên tai nguy hiểm nên qua hàng ngàn năm lao động sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp và giao thông đường biển con người đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm nhận biết, phán đoán sự phát sinh của bão. Đến nay, nhiều kinh nghiệm đã được giải thích bằng các kiến thức khoa học, những kinh nghiệm này chủ yếu dựa vào những thay đổi trạng thái của bầu trời, mặt biển và những biểu hiện khác thường trong hoạt động sống của một số sinh vật...        a/ Trạng thái bầu trời    - Bầu trời quang đãng, không khí oi bức, ngột ngạt, lặng gió kéo dài vài ba ngày, sau đó xuất hiện mây ti tích (một loại mây tầng cao ở độ cao khoảng 7km trở lên, gồm các đám, màn hoặc lớp mây mỏng không có bóng, cấu thành từ những phần tử rất nhỏ có hình dạng trông như những hạt hay nếp nhăn) hội tụ về một hướng chân trời. Sau mây tầng cao xuất hiện mây vũ tích (một loại mây lớn và đặc, phát triển dữ dội theo chiều thẳng đứng trông như những dãy núi đồ sộ, giới hạn trên thường nhẵn lì hay dạng tơ sợi, hình dẹt như cái đe, chân mây đen và có kèm theo mây thấp rách xác xơ), gió tăng dần. Đây là dấu hiệu cho thấy bão có thể đang di chuyển từ hướng đó tới.        - Chớp xa xuất hiện liên tục, đều đặn, gây nhiễu âm, cản trở hoạt động của máy thu thanh. Hướng có chớp sáng nhất là hướng đang có bão hoạt động. Đối với vùng ven nước ta, trước khi bão tới thường xuất hiện chớp ở hướng Đông-Nam. Kinh nghiệm này đã được đúc kết thành ca dao:    “Đông Nam có chớp chéo nhau    Thấp sát mặt biển hôm sau bão về”        - Ngư dân vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ có kinh nghiệm: sáng sớm nhìn về phía Đông thấy mây ti tích dạng “vẩy tê tê” di chuyển từ phía Đông về phía Tây là dấu hiệu cho thấy có khả năng một vài ngày tới sẽ có bão, biển sẽ động mạnh. Kinh nghiệm này khá phù hợp với thực tiễn của mây bão, vì mây ti tích ở tầng cao thường tỏa rất xa về phía trước bão.        b/ Trạng thái mặt biển:    - Sự xuất hiện của sóng lừng, hướng lan truyền của sóng không trùng với hướng gió là dấu hiệu cho thấy có bão hoạt động ở cách xa hàng trăm km. Nhìn chung, hướng lan truyền của sóng gần trùng với hướng di chuyển của bão. Tuy nhiên, sóng lừng có thể không xuất hiện ở những vùng biển quá gần bờ hoặc có nhiều đảo.        - Mặt biển từ trạng thái lặng chuyển dần sang trạng thái động, mức độ tăng dần.        c/ Dấu hiệu khác thường của gió và sinh vật:    Nhiều kinh nghiệm đã được đúc kết thành các câu ca dao, tục ngữ về bão lưu truyền từ bao đời nay, chẳng hạn như:    "Tháng bẩy heo may/ Chuồn chuồn bay thì bão" Hoặc: "Kiến đắp thành thì bão/ Kiến ẵm con chạy ráo thì mưa".    Tháng bẩy trong câu ca dao trên là tháng bẩy âm lịch, thường là tháng tám dương lịch, là một trong những tháng chính của mùa bão ở miền Bắc nước ta. Trong tháng này, “gió bắc heo may”, tức là gió ở vùng phía trước của bão đang hoạt động ở ngoài biển khơi và có khả năng ảnh hưởng đến đất liền trong vài ba ngày tới. Kinh nghiệm dân gian có rất nhiều, song không phải mọi kinh nghiệm đều đúng và sử dụng được.        Khả năng và mức độ chính xác dự báo bão        a/ Khả năng dự báo bão    Với trình độ khoa học và cơ sở khoa học kỹ thuật hiện nay người ta có thể phát hiện bão từ rất sớm. Song ở Việt Nam chúng ta chỉ dự báo những cơn bão hoạt động trên Biển Đông, bởi vì đây là những cơn bão có nhiều khả năng đổ bộ vào đất liền nước ta. Thời gian dự báo trước hướng và tốc độ di chuyển của một cơn bão phụ thuộc vào khoảng cách từ tâm bão đến bờ biển đất liền và tốc độ di chuyển của nó. Khoảng cách đó càng lớn và tốc độ di chuyển của bão càng chậm thì thời gian báo trước được càng dài. Nguy hiểm nhất là các cơn bão và ATNĐ phát sinh ngay sát bờ. Trong các trường hợp này, thời gian để bão đổ bộ vào đất liền rất ngắn, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng tránh. Thời gian dự báo trước thời điểm, khu vực bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp hiện nay là 24-36 hoặc 48 giờ.        b/ Mức chính xác dự báo bão:    Mặc dù trang bị kỹ thuật và công nghệ của ngành khí tượng thủy văn nước ta chưa đồng bộ và hiện đại, nhưng mức chính xác dự báo bão của ta cũng đat trình độ tương đương với các nước trong khu vực. Thời gian dự báo trước càng dài thì mức độ tin cậy càng thấp. Đối với những cơn bão có đường đi tương đối thẳng, kết qủa dự báo thường cao hơn, còn đối với những cơn bão yếu và ATNĐ có đường đi phức tạp thì mức chính xác thấp hơn.        Cần lưu ý rằng, dự báo bão là một vấn đề rất khó, chưa có quốc gia nào đạt được mức chính xác tuyệt đối. Tuy nhiên, do hệ thống tổ chức và các phương án phòng tránh, chống đỡ ở các nước tiên tiến khá tốt nên thường chỉ cần được cảnh báo trước khoảng 3-6 giờ là đủ để triển khai các biện pháp sơ tán, chống đỡ có hiệu quả, nhằm tránh các thiệt hại lớn, đặc biệt là thiệt hại về tính mạng con người.

    KTTVTW

    Bài viết liên quan