Caritas Đà Lạt và hoạt động nông nghiệp

  • Thứ năm, 10:10 Ngày 25/10/2012
  • Ở Việt Nam, nông nghiệp luôn có một vị trí quan trọng, là ngành sản xuất vật chất cơ bản cung cấp những sản phẩm thiết yếu như lương thực, thực phẩm cho con người tồn tại. Vì thế, sự ổn định xã hội và mức an ninh về lương thực và thực phẩm của xã hội phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của nông nghiệp.

    Nằm trên địa bàn huyện Đơn Dương, xã Tutra có tổng diện tích canh tác lúa lên tới 800 hecta. Với tập quán canh tác lúa sạ tốn nhiều giống, nước tưới; và việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu làm đất đai bị chai cứng, tác động xấu đến môi trường, góp phần làm tăng thêm quá trình biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Trong những năm khủng hoảng kinh tế gần đây, người nông dân phụ thuộc nhiều vào thị trường phân bón thế giới. Chi phí trong sản xuất tăng cao như chi phí lúa giống, nhân công và tình hình lạm phát đã làm cho đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Năng suất và sản lượng lúa thu hoạch bị giảm sút do thời tiết thay đổi và đất đai hoang hóa.

    Nhận thấy cần có sự thay đổi nên Caritas Đà Lạt đã mạnh dạn đưa vào áp dụng thử nghiệm phương pháp canh tác mới, tổ chức buổi hội thảo “Phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI và cách sử dụng phân bón một cách có hiệu quả” trước khi vụ Đông Xuân năm 2012 bắt đầu. Kết thúc buổi hội thảo 4 hộ nông dân đã đăng kí thử nghiệm với diện tích khoảng 4700m2. Phương pháp canh tác lúa cải tiến này được áp dụng trên giống lúa Khang Dân 18 cung cấp bởi công ty TNHH Giống Cây Trồng An Phú Nông, đã được canh tác nhiều năm. Ngoài ra, 4 hộ nông dân này cũng mạnh dạn đưa thêm các giống mới như RVT, VS1, Nhị Ưu 838, Jermine vào thử nghiệm với mong muốn cải thiện năng suất và đa dạng hoá nguồn giống tại địa phương.

    Việc áp dụng phương pháp sạ hàng cũng đã tiết kiệm được hơn 50% giống so với phương pháp sạ truyền thống làm giảm chi phí đầu vào, và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cây lúa phát triển.

     

    Do sự tác động của nền kinh tế, giá cả phân bón hoá học ngày một tăng cao, để giải quyết vấn đề này, Caritas Đà Lạt cũng đã hướng dẫn bà con làm phân Compost, tận dụng lượng phân chuồng do chăn nuôi gia súc và vật liệu sẵn có đồng thời góp phần cải thiện đất vốn đã bị chai cứng do lạm dụng phân hoá học.

    Vụ Đông Xuân mới chỉ bắt đầu, nhiều khó khăn còn đang phía trước, nhưng nhìn các ruộng thử nghiệm mới hồi xanh sau cấy và chuẩn bị đẻ nhánh, các hộ nông dân thầm mong sẽ có một kết quả khả quan hơn.

    VP - Caritas Dalat

    Bài viết liên quan