Caritas Gx. Củ Chi: Một Chút Tâm Tình Nhân Ngày Thế Giới Phòng Chống Mua Bán Người (30/7)

  • Thứ năm, 11:34 Ngày 13/08/2020
  • Tháng bảy đẹp nhất….

    Lòng tràn đầy năng lượng sau 2 đợt tập huấn “ Di cư hợp pháp - Mưu sinh an toàn “ và hưởng ứng ngày Thế Giới Phòng Chống Buôn Người 30/7 do Caritas Việt Nam phối hợp với Giáo Phận Phú Cường tổ chức cho 3 giáo hạt Bình Long, Củ Chi và Tây Ninh. Tôi vẽ cho mình bao nhiêu hoài vọng sắp tới, tôi sẽ làm gì cho cộng đồng trong khu vực Giáo xứ của tôi, chương trình tôi sẽ làm như thế nào? Tổ chức tuyên truyền từng giới, nói chuyện với giới thiếu nhi, thi vẽ tranh phòng chống nạn buôn bán người, hay nhóm bác ái mình xây dựng vài tiểu phẩm minh họa… Nhớ đến tiểu phầm của các nhóm trong ngày tập huấn tôi lại thấy vui vui, mình đã rút kinh nghiệm của các bạn rồi, mình về làm tiểu phầm chắc sẽ hay hơn đấy.

    Câu nói của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Ước mong tất cả chúng ta nghe được tiếng khóc của Thiên Chúa, anh /chị em con đâu rồi? (St.4,9). Họ đang là nô lệ ở đâu?”. Mỗi lần đọc câu này, tim tôi như thắt lại, nỗi buồn dâng trào, tội nghiệp họ quá! Mình phải làm gì để giảm bớt tình trạng này?

    Ngay chân cầu vượt Củ Chi, bên quốc lộ 22 chạy thẳng mãi là có thể xuyên qua nước láng giềng Camphuchia, ngôi nhà thờ Giáo Xứ Củ Chi của tôi nằm sừng sững với tháp chuông cao vút khiến mọi người khi ngang qua không khỏi ngắm nhìn… Tuy nằm giữa Thị tứ, nhưng số giáo dân không đông và không tập trung như một xóm đạo, hầu hết ở rải rác len lỏi trong các Xã Tân An Hội, Xã Phước Hiệp và một phần Thị Trấn Củ Chi… với bán kính gần 8 km. Khu Thị Trấn thì hầu hết buôn bán, còn 2 xã vùng xa thì người dân trước đây làm nông, sau do vành đai Thành phố mở rộng, các công ty xí nghiệp nở rộ, thanh niên thiếu nữ lớn lên đều đi làm công ty, xí nghiệp. Bởi nơi đây chính là khu công nghiệp Tây Bắc, cũng không ít thanh niên đang lao động hợp tác ở nước ngoài, các thiếu nữ lấy chồng Đài Loan, Trung Quốc. Nhà thờ chỉ đông người vào các ngày lễ thứ bày và Chủ nhật, và đặc biệt rất nhiều anh chị em công nhân di dân, gia đình di dân từ khắp miền đất nước di cư về đây sinh sống.

    Sau khi họp với ban Caritas Giáo Hạt, chúng tôi nhận thấy mình không có đủ thời gian để làm nhiều hình thức truyền thông như đã được hình dùng trước. Vì thế, Ban Caritas Giáo xứ chúng tôi đã chọn lựa phương án đơn giản, dễ hiểu mà thông tin lại mau đến nhiều người, bằng cách treo băng rôn và phát tờ rơi sau các thánh lễ của ngày Chúa nhật. Được sự đồng ý của cha xứ, và hỗ trợ của Hội Đồng Mục Vụ, chúng tôi phân công nhau các công việc để thực hiện truyền thông vào Chúa Nhật 26/7/2020 gần ngày Thế Giới Phòng Chống Buôn Người (30/7).

    Khi bước chân vào cổng nhà thờ, 2 tấm băng rôn thật to và nổi bật, khiến cho ai nấy đều phải dừng chân ngắm nhìn và đọc hết những lời dặn của Đức Thánh Cha: “Ước mong tất cả chúng ta nghe được tiếng khóc của Thiên Chúa, anh /chị em con đâu rồi? (St.4,9). Họ đang là nô lệ ở đâu?”. Và cũng như tôi, sau khi đọc xong, tôi và họ đều bước vào Nhà Thờ dự lễ với lòng đầy ưu tư, băn khoăn và khuôn mặt đăm chiêu…

    Giờ tan lễ hôm ấy, chúng tôi đứng ngay chân cầu thang đón cộng đoàn và trao tận tay họ tờ bướm “mời anh chị hưởng ứng phong trào này, hãy thông tin cho mọi người chung quanh chúng ta những trang bị cần thiết này khi muốn di cư và tìm việc làm…” những nụ cười, những lời cảm ơn thân tình vui vẻ trao cho nhau, tôi hiểu, dù chưa đọc, nhưng họ biết chắc đây là những điều họ sẽ phải làm khi đọc tờ này để lòng bớt băn khoăn trước câu hỏi của Đức Thánh Cha.

    Anh Nguyễn Văn Tuấn đứng đọc nhanh tờ bướm và chạy lại nói với tôi: “truyền thông này đúng lúc đó cô, Củ Chi mình giờ rất nhiều người muốn đổi đời đi làm ăn xa, người thì bảo qua Campuchia làm thợ hồ, người muốn đi Nhật làm công nhân, đứa muốn đi Hàn Quốc làm công nhân cầu đường, đám con gái thì đòi đi bán quán cà phê, lấy chồng ngoại để mau có tiền về giúp gia đình , em về copy tờ này phát cho tụi nó coi để tụi nó cẩn thận khi ký hợp đồng”.

    Còn chị Trần Thị Hoa, là người quê ở Trà Vinh, hiện đang làm cho công ty may bên Đức Hòa - Long An, chị thuê nhà ở Củ Chi và thường đi lễ ở nhà thờ tôi, chị nói: “cô làm cái này hay đó, bây giờ lừa đảo nhiều lắm cô, mất tiền rồi mất con luôn với bọn lừa đảo này đó, mà gọi chúng là bọn buôn bán người cũng rất đúng! Em gởi tờ rơi này về dưới quê cho ba má em nhắc nhở mấy đứa ở đó nên cẩn trọng”.

    Một chuyện nữa thật quý khi bà Thắm là cô giáo lớp 3 của em tôi ngày trước, bà đến xin thêm mấy tờ nữa, bà nói để bà phát cho mấy bà bạn bán hàng trên chợ, “mấy bà này đang rủ nhau vay tiền để thế chân cho con đi hợp tác lao động, cho mấy bả coi tờ này để mấy bả đề phòng”.

    Trong giờ dạy Giáo Lý cho các em lớp bao đồng sáng hôm ấy, tôi cũng tranh thủ dăn dò các em, cho các em cùng đọc tờ bướm để nhận ra những thủ đoạn của bọn mua bán người, đồng thời nhắc nhở các em lưu ý những lời dụ dỗ làm quen rất ngọt ngào của bọn lừa đảo trên mạng..!

    Kết thúc ngày Chúa nhật, chúng tôi cùng nở nụ cười mãn nguyện, ít là chúng tôi cũng đã làm được một việc có ích cho cộng động của Giáo xứ, ít là phần nào trả công cho cô giáo đã nhiệt tình trong 2 đợt tập huấn, cho Caritas Việt Nam và Ban Caritas Giáo Phận đã cố gắng đầu tư công sức, thời gian để đưa chương trình này đến cho cộng đồng.

    Xin tạ ơn Chúa, xin cảm ơn mọi người đã cho tôi một tháng bảy thật đẹp và có ý nghĩa.

    Bài Viết: Anê Bích Hoa.

    Bài viết liên quan