Caritas Phan Thiết: Tổng kết Chương trình phát triển tự dân (2020-2022) và lên kế hoạch cho giai đoạn mới (2022-2025)

  • Thứ ba, 09:08 Ngày 04/10/2022
  • Đến thời điểm này, Caritas Phan Thiết đã trải qua 2 giai đoạn dự án đồng hành với những người đồng bào dân tộc thiểu số: giai đoạn I (2018-2020) và giai đoạn II (2020-2022). Đây là chương trình đặc biệt dành riêng cho những người đồng bào thiểu số trong tỉnh Bình Thuận, nhằm giúp họ phát triển kinh tế bền vững, khôi phục lại những nét văn hóa truyền thống đã gần như mai một. Và điều quan trọng hơn cả là việc hướng đến một nền sinh thái xanh – sạch.

    Vào ngày 28-29/09/2022 vừa qua, Caritas Phan Thiết đã tổ chức “Tổng kết Chương trình phát triển tự dân (2020-2022) và lên kế hoạch cho giai đoạn mới (2022-2025)” tại giáo xứ Rạng (322/12 Nguyễn Đình Chiểu, p. Hàm Tiến, Tp. Phan Thiết). Với sự hiện diện của Quý Cha: Giuse Nguyễn Hữu An - Phó Giám Đốc Caritas Phan Thiết; Giuse Vũ Công Danh, O.P – Đại diện Caritas Việt Nam; Phêrô Trần Thiện Khuê – Đặc Trách Caritas Hạt Bắc Tuy; Phêrô Lê Trọng Tạo – Đặc trách Caritas Hạt Phan Thiết, cùng quý khách mời: Caritas Đà Lạt, Caritas Long Xuyên, các anh chị trong Chương trình phát triển lâm sản ngoài gỗ (NTFP -EP Việt Nam). Và thành phần quan trọng không thể thiếu đó là sự hiện diện đông đảo của 70 anh chị em nông dân thuộc các thôn Tân Quang – Xã Sông Phan, Suối Máu – xã Tân Hà, Boon Thớp và Kalip – Xã Phan Sơn và Tổ 1, 2 xã Phan Lâm.

    Sau những giây phút đón tiếp làm quen với nhau, cha Giuse Nguyễn Hữu An - Phó Giám Đốc Caritas Phan Thiết đã đại diện cho cha Giám Đốc Phêrô Nguyễn Đình Sáng gửi lời chào mừng đến quý tham dự viên và xin Chúa Thánh Thần thánh hóa cho ngày họp mặt được tốt đẹp. Cha cũng gởi lời cám ơn đến nhà tài trợ Misereor, để thông qua Caritas Phan Thiết mang niềm vui từ dự án này đến với bà con nghèo đồng bào thiểu số ở vùng sâu vùng xa từ năm 2018 cho đến nay.

    Tiếp sau phần khai mạc, Soeur Ngô Thị Vân – Quản lý dự án đã trình bày tổng quan về dự án và những kết quả đã đạt được từ những cố gắng của biết bao nhiêu người, cũng như những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, sự kiên nhẫn của nhân viên cộng đồng, và những nỗ lực của Quý Soeur Caritas Phan Thiết. Bên cạnh những thuận lợi, dự án vẫn vướng phải rất nhiều khó khăn, chẳng hạn như: về tôn giáo, về chính quyền, trình độ, chuyên môn… Sau phần báo cáo tổng quan, các thôn lần lượt lên trình bày về câu chuyện của cộng đồng mình, chia sẻ những mong muốn và các nhu cầu của thôn làng để chuẩn bị cho giai đoạn mới. Cũng trong phần trình bày này, các thôn có những khoảng thời gian để giới thiệu các đặc sản của chính cộng đồng mình và được chính tay bà con làm nên như làng Sông Phan có sản phẩm mật ong rừng, măng khô; Suối Máu vẫn còn những sản phẩm truyền thống như đũa buông; Phan Sơn có các sản phẩm về măng khô, các loại đậu, mè đen…. Niềm vui được thể hiện rõ trên chính nụ cười, khuôn mặt của từng nông dân vì họ được hãnh diện với những gì họ làm. Tất cả nông dân đều ước mong tìm được nơi tiêu thụ các sản phẩm của họ để giúp cải thiện đời sống kinh tế của người dân.

    Vào buổi chiều ngày 28/09/2022, Caritas Đà Lạt đã chia sẻ những mô hình thành công về nông nghiệp sinh thái, cách tổ chức cộng đồng cho bà con thuộc vùng dự án của Caritas Phan Thiết. Những chia sẻ của Caritas Đà Lạt đã giúp cho bà con học hỏi thêm nhiều điều hay, nhiều sáng kiến và động lực để tiếp tục triển khai những bước đổi mới về nông nghiệp sinh thái trong giai đoạn sắp tới.

    Sau bài chia sẻ của Caritas Đà Lạt, là bài chia sẻ của Tổ chức chương trình lâm sản ngoài gỗ Việt Nam (NTFP – EP Việt Nam). Caritas Phan Thiết đã kết hợp với tổ chức này để giúp bà con nông dân có sinh kế bền vững dưới những tán rừng, bởi vì đối với người đồng bào thiểu số, rừng là sự sống của người dân, là hơi thở và là cả tuổi thơ của từng con người nơi đây. Tuy nhiên, ngày nay rừng đã và đang bị khai thác một cách triệt để. Chính vì vậy, Caritas Phan Thiết cùng với NTFP – EP Việt Nam đã đồng hành, hướng dẫn và giúp đỡ người dân có kinh tế bền vững dựa vào phát triển các sản phẩm từ rừng.

    Vào buổi tối, mọi người được giao lưu với nhau qua chương trình “Sắc màu văn hóa”, hoạt động đã kết nối tình thân ái giữa các nhóm cộng đồng tham gia chương trình, cùng nhau múa những điệu múa truyền thống, uống rượu cần….

    Ngày 29/09/2022, vào lúc 6h00 sáng, Cha Giuse Vũ Công Danh O.P và Quý Cha Đặc trách Caritas Hạt đã dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa bởi biết bao ơn lành và sự quan phòng của Thiên Chúa trong suốt hành trình thực hiện dự án, cùng xin Chúa ban bình an xuống trên mọi người và cho giai đoạn tiếp theo của dự án PLD (People Led Development).

    Chương trình được tiếp tục với phần trình bày về cách xử lý sâu bệnh, dịch hại bằng vi sinh của Thạc sĩ Bùi Thị Hồng Hà – Giám đốc phòng vi sinh nông nghiệp (Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam). Cô nhấn mạnh rằng, “Chúng ta phải thay đổi tư duy, làm sao để khi nhìn thấy cỏ, sâu bệnh trên đồng ruộng mà chúng ta vẫn bình thản, thì lúc đó mới có thể làm nông nghiệp hữu cơ”. Vì làm nông nghiệp hữu cơ phải dựa trên các nguyên tắc về sức khỏe, sinh thái, sự công bằng và sự quan tâm. Bởi vì trái đất này từng ngày đang “kêu gào” vì sự tàn phá thiên nhiên của con người, đất đai không còn màu mỡ, hạt lúa làm ra không còn thơm ngon mùi vị của hương hoa đồng nội, nhưng là mùi của “hóa chất”. Đó cũng chính là lý do mà dự án PLD (People Led Development) giúp bà con nông dân hướng đến một nền nông nghiệp sinh thái toàn diện.

    Tiếp tục chương trình, các thôn cùng nhau lên kế hoạch cho thôn làng của mình trong ba năm sắp tới (2022-2025). Những kế hoạch được vạch ra một cách cụ thể dựa trên nhu cầu của người nông dân, vì chỉ có “dân biết, dân làm, dân bàn và dân kiểm tra”. Nhờ đó, bộ mặt thôn làng có thể “thay da đổi thịt” và phát triển vững mạnh trong tương lai.

    Kết thúc chương trình là nghi thức chia sẻ hạt giống bản địa, do các nông dân thuộc các thôn làng chia sẻ cho nhau. Qua nghi thức này, Caritas Phan Thiết mời gọi mọi người cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho con người những hạt giống tốt đẹp, và trao cho con người làm chủ những hạt giống ấy, hầu con người nhận ra bổn phận và trách vụ phát triển, gìn giữ và lưu truyền cho con cháu của mình qua mọi thế hệ. Vì hạt giống giữ sự nối kết với thiên nhiên và giúp hoàn thiện vai trò của người nông dân trong việc nuôi dưỡng và giữ gìn sức khỏe cộng đồng.

    Sau phần chia sẻ hạt giống, mọi người chia tay nhau để trở về với buôn làng của mình trong niềm vui rạng rỡ thể hiện rõ trên nét mặt của từng thành viên. Họ mang trong mình một khát khao mới, ước mơ mới và một kế hoạch mới cho chính gia đình và buôn làng của mình.

    Sau cùng, Caritas Phan Thiết xin chân thành cám ơn nhà tài trợ Misereor, quý cha, quý ân nhân, quý khách mời đã đồng hành và hỗ trợ chúng tôi hoàn thành tốt Dự án giai đoạn II này. Nguyện xin Chúa chúc lành trên quý cha, và quý vị. Và chắc chắn Ban quản lý dự án Cairtas Phan Thiết sẽ tiếp tục bước những bước đi song hành với những người nông dân đồng bào thiểu số, không chỉ nơi những vùng dự án mà sẽ lan rộng đến những vùng sâu vùng xa nơi những người nghèo. Caritas Phan Thiêts ước mong một mùa lúa mới sẽ đến với bà con nông dân nơi đây.

    Ban Truyền Thông Caritas Phan Thiết.

    Bài viết liên quan