Caritas Việt Nam: Tập huấn lập Kế hoạch chiến lược (1)

  • Thứ ba, 09:47 Ngày 19/09/2017
  • Để góp phần vào việc năng cao năng lực và phát triển Caritas Giáo phận, văn phòng Caritas Việt Nam đã tổ chức khóa tập huấn “Kỹ Năng lập kế hoạch chiến lược” từ ngày 08/08 đến ngày 11/08/2017 tại trụ sở Caritas Việt nam. Có 23 tham dự viên gồm quý cha Giám Đốc, phó giám đốc và nhân viên chuyên trách lập kế hoạch đến từ 9 Giáo phận thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn và Giáo tỉnh Huế. Cùng đồng hành với lớp học có Bác sĩ Lê Đại Trí, chuyên viên tư vấn độc lập, giàu kinh nghiệm trong lãnh vực này.

    Thời gian đầu các tham dự viên khá căng thẳng khi làm quen tiếp cận những định nghĩa của những thuật ngữ chuyên môn liên quan đến quản trị. Tuy nhiên, với sự dẫn dắt dí dỏm của Giảng viên, mọi học viên đã có những khám phá và trải nghiệm hết sức thú vị, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: từ cách đặt vấn đề ‘hóc búa’ và gọi tên chúng đến những việc phân tích mối quan hệ ‘cha’ – ‘con’ giữa mục đích, mục tiêu và kết quả. Ngoài ra, các học viên ngày càng hiểu hơn về những lối suy tư logic từ cây vấn đề đến cây mục tiêu và thiết kế kế hoạch chiến lược và kế hoạch thực hiện. Làm việc nhóm và thảo luận chung là những điểm son tạo cơ hội tốt để mọi thành phần tham gia học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ với nhau. Trong giờ chia sẻ vào cuối mỗi ngày, có không ít băn khoăn từ các học viên trong việc áp dụng và tiến hành lập kế hoạch tại Giáo phận khi trở về. Tuy nhiên, đa phần tham dự viên đều nêu lên những quyết tâm nỗ lực sẽ xây dựng bảng Kế hoạch chiến lược với những kiến thức và kỹ năng được cung cấp. Bảng kế hoạch này sẽ được chỉnh sửa theo thời gian. Đặc biệt, ai ai cũng cảm nghiệm tình tương thân tương ái giữa các Caritas Giáo phận với nhau, cũng hỗ trợ nhau trong công việc bác ái xã hội. 

    Tạ ơn Chúa vì những khám phá, những kiến thức và kỹ năng mà học viên nhận được qua khóa đào tạo. Cám ơn Người vì những quyết tâm chuyển mình của các giáo phận trong việc thay đổi cách làm việc. Ước gì trong quả tim yêu thương phục vụ của Caritas, các giáo phận có thêm khối óc với tầm nhìn xa và đôi tay kỹ xảo của kinh nghiệm, để có thể đưa công việc phục vụ người nghèo, người dễ bị tổn thương dần trở nên chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Lúc đó, hoạt động bác ái không dừng lại ở việc cứu trợ nhân đạo hay cung cấp dịch vụ, nhưng còn tạo ra sự phát triển giúp nâng cao năng lực và vận động chính sách để có thể giải quyết gốc rễ của vấn đề.

    Phòng Đào tạo CVN

    Hình ảnh khoá tập huấn

    Bài viết liên quan