Chuyến đi thực tế của ban Phong tại một số làng Phong Gia Lai (kỳ 2)

  • Thứ tư, 10:10 Ngày 31/10/2012
  • Ngày 27/02/2012

    Khởi hành lúc 7g30 sáng với hàng hoá mang theo gồm 4 thùng mì ký, 2 thùng mì gói (100 gói/thùng) và bánh sữa do cha GĐ Caritas Kontum gửi tặng các BNP. Khoảng 20 phút khởi hành, đoàn đến địa điểm nhận hàng và đón các sơ phụ trách các làng thuộc huyện Măng Yang (cộng đoàn Phaolô Phú Thọ, thôn 11, xã An Phú, Pleiku, Gia Lai) cùng một chị cộng tác viên. Tổng cộng ngày 27/02 có 7 người cùng đi đến các làng tại xã Kon Thụp, Đắk Trôi, Kon Chiêng và Pơ Tó - phía Đông Nam tỉnh Gia Lai.

    Địa điểm đầu tiên dừng chân là làng Lah Pơ Nam, huyện Kon Thụp. Làng có 36 BNP (16 hộ gia đình) dân tộc Ba Na, đạo Công giáo. Người dân sống bằng nghề nương rẫy, trồng cây mì và cây bời lời (loại cây dùng để làm nhang. Cây bời lời được ví như cây xoá đói của người dân tộc vì khi không còn tiền, không còn gì để ăn, người ta chặt cây bời lời đi bán. Gốc cây lại nẩy lên hai/ba chồi khác tiếp tục lớn lên thành những cây bời lời thế hệ mới); đến mùa thu hoạch mì, người “đồng bào” đi gọt củ mì thuê cho người Kinh. Làng Lah Pơ Nam tương đối ổn định về kinh tế, chỉ có 2 BN còn khó khăn. Nhưng do đường làng đang thi công đổ bê tông nên đoàn không thể tiếp cận được 2 gia đình BN này.

    Rời làng Lah Pơ Nam, đoàn tiếp tục hành trình theo hướng Đông Nam của tỉnh Gia Lai để đến Đăk Trôi. Đường vào Đăk Trôi như một con rắn đang hung hãn rượt mồi, lúc nghểnh lên lúc lao xuống uốn lượn như một vũ công thuần thục. Trên mình con rắn ấy thi thoảng cõng những chiếc xe tải chở mì vượt quá trọng lượng, ì ạch bò lên và thận trọng tuột từ từ khi lao xuống vì nó có thể đổ ập bất cứ lúc nào do sự chông chênh quá khổ ấy.

    Làng nằm dưới thung lũng sâu (gần thuỷ điện A Yun hạ), nơi không có một tia sóng điện thoại nào xuất hiện; xuống tới làng, những thiết bị hiện đại (ĐTDĐ) đều trở nên vô dụng. Người dân nơi đây sống bằng nghề lượm phân bò phơi khô rồi bán.

    Những BNP ở Đăk Trôi bị tách ra khỏi làng, sống khuất sau làng khoảng hơn 1 km. Để vào được chỗ ở của các BNP, đoàn phải đi bộ và gùi hàng hoá vào. Gạo và các nhu yếu phẩm được cho vào gùi, mỗi người cõng trên lưng một gùi hàng hoá băng qua con đường sỏi đá và khoảng đồng trống đến với 4 BNP nơi đây. Mùa mưa, con đường sỏi đá đó chính là dòng suối, khoảng đồng trống kia là những ruộng lúa của dân làng. Nhưng mùa khô thì không một giọt nước, đất khô cằn, nứt nẻ.

    Mới 10 giờ sáng mà nắng đã gây gắt. Thấp thoáng bốn nóc nhà sàn cũng dần hiện rõ trước mặt. 4 người cao niên đang ngồi dưới đất, nép mình bên cạnh bóng mát của căn nhà để tránh nắng. Do không biết tiếng Kinh nên BN nói tiếng dân tộc, khách nói tiếng Kinh, mỗi người nói mỗi thứ tiếng mẹ đẻ của mình rồi cùng gật đầu và cười thật tươi. Sơ phụ trách và cô cộng tác viên dùng tiếng dân tộc để thăm hỏi và hướng dẫn BN sử dụng thuốc, thỉnh thoảng phiên dịch cho đoàn hiểu BN nói gì. Dù không hiểu được tiếng dân tộc, nhưng quan sát cử chỉ diễn tả khi nói của BN, chúng ta cũng hiểu được phần nào vấn đề mà BN muốn nói.

    Cụ bà cao tuổi nhất và cũng là người bệnh nặng nhất (bà bị mất cả hai bàn tay và hai bàn chân, mũi, miệng và mắt cũng bị di chứng), trong suốt buổi, bà chỉ ngồi âm thầm, thỉnh thoảng người phụ trách hỏi thăm bà mới trả lời. Điều này gây ngạc nhiên và lo lắng cho người phụ trách đối với sức khoẻ của bà vì trong tháng qua bà vẫn vui vẻ nói năng hoạt bát (trong số những BN ở đây, bà là người nói nhiều nhất), nay người phụ trách trở lại thấy sức khoẻ của bà xuống rất nhanh - một thoáng buồn và lo lắng hiện trên gương mặt sơ phụ trách và cô cộng tác viên!Các BN ở đây được hỗ trợ 1 con dê giống để chăn nuôi. Hai tuần trước dê cái đã đẻ được 4 dê con. Đây là thành quả kinh tế, là niềm vui và động lực cho BN và người phụ trách tiếp tục ước mơ lao động cải thiện cuộc sống của mình. Nơi đây ngay cả nước uống cũng không có huống chi nói đến nước sinh hoạt hằng ngày. Để có được nước uống, những BN này phải đi thật xa, đến con suối nhỏ gần thuỷ điện để “cõng” nước về. Nhưng, với đôi tay không còn ngón, bàn chân đã dị dạng, số nước cõng được có là bao!?

    Sau hơn 30 phút thăm hỏi, đoàn từ giã BN ra về.

    Trở lại con đường mòn sỏi đá khô cằn, gạo và nhu yếu phẩm đã được để lại cho BN, trên lưng không còn những chiếc gùi nặng trĩu nữa nhưng sao từng bước chân ra về lại thấy nặng nề hơn cả lúc đến. Hình ảnh cụ bà ngồi im lặng với hai dòng nước bất chợt chảy ra từ khoé mắt lăn dài xuống hai gò má cứ mãi chập chờn trước mắt: có đúng là do mắt bà đau nên nước mắt tự chảy xuống? Vì sao nước mắt lại chảy xuống đúng lúc đoàn nói lời tạm biệt ra về? Bà vui mừng xúc động vì còn có người quan tâm thăm viếng? Bà tủi thân vì thấy mình cũng như bao người khác, nhưng sao lại không được sống xứng nhân phẩm? Bà đau đớn vì bệnh tật và cảm nhận sự sống đang dần rời xa bà và bà sẽ không còn dịp gặp lại những người đã dám yêu thương, quan tâm, chăm sóc bà nữa?... Tuy được giải thích do mắt bà cụ bị đau nên nước mắt tự chảy ra, nhưng bao nhiêu câu hỏi vẫn không ngừng xuất hiện…

    Rời Đăk Trôi lúc 11 giờ trưa, đoàn tiếp nối hành trình đến với Pơ Tó. Trời nắng chang chang, chiếc xe lại tiếp tục bám vào lưng con rắn hung hãn ấy mà tiến, mà dừng lại tránh những chiếc xe mì lầm lũi bò tới. 12 giờ trưa, tìm được chút bóng cây ven đường, bên vách núi, đoàn dừng lại ăn trưa. Những chiếc bánh mì và quả quýt nhỏ được chuẩn bị sẵn từ buổi sáng, giờ được đem ra sử dụng - đó là hành trang vào làng của những người phụ trách trên suốt hành trình không bóng dáng hàng quán.

    Rời xa chú rắn hung hãn kia, đoàn tiến vào bắt tay với “con đường cách mạng”. Đường đất đỏ hoe. Mùa nắng bụi mù, ổ gà, ổ voi hiện rõ, hai bên đường toàn những “cây lá đỏ”. Mùa mưa bánh xe như không muốn bám vào đất mà cứ thích tự do xoay vòng;  bố thắng của xe mùa này đôi khi trở thành kẻ xa lạ chứ không còn là bạn thân bảo vệ mình nữa. Những khúc cua hay những đoạn dốc được tráng nhựa để tạo độ ma sát, giảm trơn trượt. Vì thế, những người phụ trách đặt cho con đường này một cái tên rất kiêu và rất anh dũng “đường cách mạng” (cách một khoảng được mạng [vá] một đoạn). Rời đường cách mạng rẽ vào con đường cát trắng, phía trước thấp thoáng những dãy nhà to lớn, đó là nông trường cao su Plei Gia. Hai bên đường là hàng ngàn cây cao su mới trồng khoảng 1 tuổi. Con đường giờ lại trắng toát như con bạch xà hiền lành đang nhẹ nhàng lướt mình dưới nắng.

    Sau một quảng đường dài, cuối cùng phía trước cũng thấp thoáng những mái tôn trắng xuất hiện, cả làng không trồng cây to nào để có bóng mát. Chiếc xe tiến dần vào làng, những chiếc nhà sàn vách và mái được làm bằng tôn dẫn nhiệt giữa trời nắng nóng. Làng có 13 hộ gia đình phong, được Nhà nước hỗ trợ hệ thống nước sinh hoạt chung, nguồn nước khá dồi dào. Đầu làng, một đứa trẻ đang mở vòi nước đứng tắm giữa trưa nắng gắt (13 giờ) vội vả chạy vào gọi dân làng ra (sơ phụ trách phải gọi điện cho người trưởng làng từ ngày hôm trước để nhắn người dân không đi rẫy, ở nhà chờ người phụ trách đến trao nhu yếu phẩm - rẫy cách xa làng, nếu đến đột xuất thì không thể tìm được người nào ở nhà vì mỗi sáng người dân vào rẫy đến chiều mới về. Trẻ em cũng theo cha mẹ vào rẫy). Đặc biệt làng này có rất nhiều trẻ em. Những người phụ nữ tuổi còn rất trẻ mà có tới 3-4 đứa con nhỏ bám theo, đứa bé nhất được “cõng” trên lưng hoặc “đeo” trước ngực (nếu trên lưng người mẹ có cõng gùi hàng hoá), những đứa lớn hơn thì chạy xúm xích quanh mẹ.

    Trưởng làng niềm nở đón khách và không ngần ngại đưa bàn tay đã rụng các ngón ra bắt tay khách một cách thân thiện. Người lớn, trẻ con quy tụ lại chờ người phụ trách phân phối nhu yếu phẩm. Những ai bị đau bệnh gì, đến nói với sơ phụ trách để được sơ phát thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc. Trưởng làng biết tiếng Việt và dùng tiếng Việt trao đổi với sơ phụ trách về việc làng mới tiếp nhận một BNP nặng đến từ làng khác.

    Các BN lớn tuổi bị di chứng nặng nhưng nét mặt vẫn tươi vui, cười nói vô tư, không thể hiện hay tỏ vẻ gì để mong người khác thương hại. Một bà cụ không có giày, hai bàn chân dị dạng đã nứt nẻ và chai sần tiếp xúc trực tiếp với đất; hai bàn tay đã rụng chỉ còn hai cổ tay tròn trơ ra với lỗ đáo đang hở và ruồi nhặn bâu kín. Bà vui vẻ đến xin thuốc và nói chuyện với sơ phụ trách. Khi được đề nghị đi Quy Hoà chữa trị (cắt gọt vết thương), bà lắc đầu từ chối. Do làng ở quá xa, ít được bác sĩ đến chăm sóc, nhiều BN vết thương bị chai sần chưa được cắt gọt. Sơ phụ trách liên lạc với cha GĐ Caritas Kontum và bác sĩ Trọng sắp xếp ngày tập trung BN để hai bác sĩ đến cắt gọt và chăm sóc vết thương cho BN.

    Rời Pơ Tó, đoàn trở về con đường cũ, trên đường về ghé làng Thương và làng Đê Toăk (hai làng cách nhau khoảng 3km). Làng Thương có 2 BNP (1 BNP mới mất). Do từ đường vào đến nhà của BN không thể đi xe, vì thế để đem hàng hoá vào, đoàn đã buộc bao gạo và nhu yếu phẩm vào thân cây để hai người, mỗi người một đầu, gánh vào. Từ đường vào nhà khoảng 1km. BN ở đây là cụ ông, ông Khuyn, khoảng trên 60 tuổi. Ông sống chung với vợ con và cháu giữa nơi đồng trống. Các ngón tay của ông chỉ co lại, chưa bị di chứng nặng nên ban ngày ông cùng vợ con vào rẫy trồng tỉa và gọt khoai mì. Do gia đình ông không có điện thoại nên sơ phụ trách không báo trước, khi đoàn vào phải nhờ người gọi và đợi BN từ rẫy về. Một người Pháp đã tặng cho làng giếng nước nên dù giữa đồng trống nhưng gia đình ông không phải vất vả kiếm nước như những BN ở Đăk Trôi.

    Làng Đê Toăk có 2 BNP là hai mẹ con, sống bằng nghề nương rẫy (trồng khoai mì). Bà cụ cũng không có giày, chân trần tiếp xúc trực tiếp với đất. Mỗi lần được người phụ trách đến thăm và trao nhu yếu phẩm, bà thường nhắc người phụ trách nhớ qua thăm ông cụ Khuyn (BNP) bên làng Thương.

    Một ngày đến với BNP nơi các làng dân tộc thật nhiều ý nghĩa và hình ảnh đọng lại trong ký ức. Bỏ lại sau lưng những con đường dốc khúc khuỷ, đất đỏ, bụi mù, cát trắng với những con người dù bị mất đi những phần cơ thể, bị xã hội xa lánh, phải chịu đựng những cơn đói, khát hay những đêm giá rét đốt lửa sưởi ấm cháy cả chân/tay, mà vẫn hồn nhiên vui vẻ sống bình lặng.

    Nơi trung tâm thành phố Pleiku nhộn nhịp, năng động và tiện nghi này, có mấy ai biết đến cách thành phố (cả đi lẫn về) gần 300 km có bao nhiêu người đang quý trọng từng chút những gì mà các bạn cho là tầm thường, dù đó chỉ là những giọt nước lã!

    --o0o--

    Bài viết liên quan