Đón Nhận Bình Đẳng, Gặp Gỡ, Đổi Mới: Cam kết của Caritas Nhằm Thăng Tiến Phụ Nữ Trong Giáo Hội và Xã Hội

  • Thứ tư, 08:36 Ngày 15/03/2023
  • Năm nay Caritas Quốc tế hiện diện tại Kỳ họp lần thứ 67 của Ủy ban về Vi trí Phụ nữ (6-17/3) tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York. Nhân ngày mừng Quốc tế Phụ nữ (8 tháng 3), Caritas đã tổ chức một hội thảo trực tuyến với tiêu đề ‘Đón nhận bình đẳng, gặp gỡ, đổi mới’ liên quan đến chủ đề năm 2023 ‘DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới’.

    Hội thảo trực tuyến này đã quy tụ hơn 100 người trong mạng lưới Caritas, trong Giáo hội và trong các tổ chức và cộng đồng khác để phản tỉnh về việc trao quyền cho phụ nữ cũng như cổ võ sự bình đẳng giữa người nam và nữ thông qua: lắng nghe và đối thoại; tiếp cận giáo dục và công nghệ; công nhận kiến thức và kỹ năng của các nhà lãnh đạo nữ trong cộng đồng; và sự tham gia của phụ nữ vào quá trình đưa ra quyết định ở mọi cấp độ.

    Trong những năm qua, Caritas đã dựng xây kiến thức và kinh nghiệm của mình với các nhà lãnh đạo nữ trên khắp thế giới thông qua các hoạt động bác ái kể từ khi thành lập vào năm 1951. “Cần có sự thay đổi mô hình văn hóa và ý chí chính trị để giải quyết cụ thể những nguyên nhân ngăn cản phụ nữ được trao quyền,” Moira Monacelli, Giám đốc Bộ Phát triển Liên đoàn của Tổng Thư ký Caritas Quốc tế phát biểu trong buổi khai mạc hội thảo trực tuyến.

    Vào năm 2021, Caritas đã thành lập Ủy ban Lãnh đạo, Bình đẳng và Tham gia của Phụ nữ để củng cố việc cam kết không ngừng của Caritas trong việc thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ ở cấp cơ sở, quốc gia, khu vực và quốc tế. Ủy ban này bao gồm các đại diện từ tất cả các khu vực của Liên đoàn Caritas đang làm việc cùng nhau để thúc đẩy sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong mạng lưới Caritas và với các bên liên quan và cộng đồng bên ngoài.

    Trong bài phát biểu quan trọng của mình tại hội thảo trực tuyến ‘Đón nhận bình đẳng, gặp gỡ, đổi mới’, Đức ông Robert Murphy, Trưởng ban Hòa bình và An ninh của Phái đoàn Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại Liên Hợp Quốc, đã nói về sự hiện diện mạnh mẽ của các nữ lãnh đạo trong khuôn khổ của chủ nghĩa đa phương: “Phụ nữ có vai trò lãnh đạo thực sự và đưa ra những quyết định rất thực tế ảnh hưởng đến việc Giáo hội tương tác với các cộng đồng tôn giáo và với các cộng đồng trên khắp thế giới. Tòa Thánh thường có đại diện là những người nữ tại các diễn đàn đa phương.”

    Theo Andrea Sanchez, nhà thần học và Cố vấn cho Ủy ban Phụ nữ trong Giáo hội và Xã hội Châu Mỹ Latinh, và Mónica Santamarina de Robles, Tổng Thủ quỹ của Liên hiệp các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới (WUCWO) cho rằng, lắng nghe và đối thoại là chìa khóa làm cho sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các cơ cấu của Giáo Hội. Bà Sanchez cho biết bà hy vọng cuộc họp vào tháng Tư sắp tới về ‘phụ nữ trong thượng hội đồng’ sẽ là cơ hội để phụ nữ được lắng nghe và “nâng cao nhận thức về nhân quyền của phụ nữ để sống một cuộc sống không bị bạo lực và phân biệt đối xử”.

    Suy tư về những phát hiện của một cuộc khảo sát của Liên hiệp các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới, bà Santamarina de Robles cho biết mặc dù “phần lớn đáng chú ý là phụ nữ nói rằng họ không cảm thấy bị phân biệt đối xử trong Giáo hội”, nhiều người đã bày tỏ rằng văn hóa “chủ nghĩa giáo quyền” ngăn cản sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ trong tiến trình đưa ra các quyết định. Bà nói rằng về khả năng tiếp cận giáo dục, phụ nữ vẫn đứng sau nam giới, đồng thời bà nêu rõ sự cần thiết phải đào tạo tốt hơn cho giáo dân, đặc biệt là phụ nữ, để họ có thể đảm nhận các vai trò lãnh đạo trong Giáo hội.

    Trong hội thảo trực tuyến, cả Fatima Sesay của đài phát thanh Nyapui và Cố vấn viên của Caritas Brasileira, Clarissa Paiva, đã nhấn mạnh việc công nghệ có thể mang lại lợi ích cho phụ nữ nhập cư tìm kiếm việc làm và hòa nhập tốt hơn trong các cộng đồng mới. Bà Sesay nói rằng 60% những người thất nghiệp ở Sierra Leone là phụ nữ và cho rằng họ thiếu kỹ năng kỹ thuật là nguyên nhân chính đằng sau những thống kê này.

    Đài phát thanh Nyapui, do SEND Sierra Leone (một đối tác của Caritas) điều hành, đã chính thức ra mắt vào tháng 3 năm 2022 với ý định làm cho tiếng nói của phụ nữ được lắng nghe, từ đó củng cố và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chính trị, quản trị và đưa ra quyết định trong nước. Bà Sesay cho biết: “Công nghệ… trao quyền cho trí tưởng tượng của các nữ lãnh đạo, những người luôn cố gắng tạo ra sự khác biệt trong cộng đồng của họ.

    Bà Paiva đã chia sẻ bài thuyết trình của mình trên Diễn đàn MigraSegura, được phát triển bởi Caritas Brasileira với sự hợp tác của Caritas Ecuador và Caritas Peru “để đảm bảo nhu cầu thông tin của những người di cư Venezuela đã quyết định di cư đến Brazil và Ecuador”. Các hội thảo trên nền tảng kỹ thuật số này được tổ chức trực tiếp nhằm tạo ra một nơi gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại giữa những phụ nữ di cư.

    Về chủ đề giáo dục phụ nữ, Giáo sư, cha Joseph Turay, Phó hiệu trưởng Đại học Công giáo Makeni ở Sierra Leone, cho biết một số học bổng và chương trình sau đại học đang được trao cho phụ nữ, đặc biệt là những người đến từ các vùng nông thôn, nhằm “trao quyền cho phụ nữ trong nước”. Ngoài những nỗ lực để tăng số lượng sinh viên nữ tại Makeni, cha Joseph cho biết trường đại học đang tăng số lượng nhân viên nữ bán thời gian và toàn thời gian.

    ăm nay, Caritas Quốc tế cũng sẽ xuất bản một cuốn sách nhỏ có tựa đề ‘Bình đẳng, gặp gỡ, đổi mới: Cam kết của Caritas nhằm thúc đẩy vai trò lãnh đạo và sự tham gia của phụ nữ’, dựa trên kinh thánh cũng như các giá trị và nguyên tắc của Giáo huấn Xã hội Công giáo. Tập sách này tập hợp hơn 30 lời kể của phụ nữ làm việc ở mọi cấp trong mạng lưới Caritas, chia sẻ cách áp dụng những nguyên tắc này vào thực tế nhằm đạt được sự bình đẳng giữa nam và nữ.

    Nguồn: Caritas Quốc tế
    Chuyển ngữ: BTT – Caritas Việt Nam

    Bài viết liên quan