Nghèo đói và xung đột tại Myanmar thúc đẩy tình trạng buôn bán người

  • Thứ tư, 10:10 Ngày 13/12/2017
  • Nghèo đói và xung đột tại Myanmar thúc đẩy tình trạng buôn bán người

    Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng đầu tiên viếng thăm đất nước Myanmar trong 500 năm Myanmar đón nhận đức tin Công Giáo. Ngài sẽ là người mang thông điệp hòa bình để người dân nơi đây có thể “xây dựng hòa bình và hợp tác để phục vụ vì thiện ích chung.”

    Xung đột giữa quân đội và các nhóm lực lượng dân tộc thiểu số ở Myanmar đã làm cho đất nước trở nên đói nghèo và người dân bị áp bức, đặc biệt dẫn đến tình trạng buôn bán người.

    “Mỗi năm, có hàng ngàn người đàn ông, đàn bà và trẻ em, họ là những nạn nhân vô tội của nạn buôn bán nội tạng và tình dục, và dường như nó trở nên quá quen thuộc đến nỗi chúng ta xem đó như là chuyện bình thường.” Trong tháng Bảy vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu như thế, và ngài coi nạn buôn người là “xấu xa, tàn bạo, và ác độc.

    Patrick Nicholson báo cáo về tình trạng buôn người ở Myanmar:

    Hôn nhân bị ép buộc bán qua Trung Quốc

    Ja Ittoi bị bán qua Trung Quốc và bị ép buộc kết hôn. Hậu quả của cuộc xung đột ở bang Kachin.  Ảnh: Patrick Nicholson/Caritas

    “Những người bạn của tôi đưa tôi qua Trung Quốc. Họ hứa chi trả cho tôi mọi sự. Họ nói đây là một kỳ nghỉ.” Ja Ittoi đã nói. Đó là năm 2014, lúc đó cô mới 21 tuổi.

    Khi đó Ja đang sống với gia đình tại trại tỵ nạn ở bang Kachin miền bắc Myanmar. Cuộc đụng độ giữa quân đội chính phủ và những tay đấu Kachin đã khiến họ phải chạy trốn khỏi làng của mình vào năm 2012. Cô chia sẻ, “Chỉ khi nghe tiếng súng, chúng tôi mới biết quân đội đang tấn công chúng tôi. Họ đã đốt làng của chúng tôi.”

    Gia đình Ja chạy đến trại tỵ nạn của Giáo Hội Công Giáo gần Myitkyina. Cô chia sẻ: “Ban đầu chẳng có thứ gì, nhưng ngay sau đó chúng tôi đã nhận được chỗ ở, lương thực, và nước uống,” Trại tỵ nạn này được Caritas hỗ trợ và cung cấp đủ mọi nhu yếu phẩm cho họ. Tuy nhiên, thật khó để tìm một công việc ở đây và vì thế cuộc sống ở trại tỵ nạn trở nên đơn điệu.

    Vì thế, Ja đã thực hiện một chuyến tham quan Trung Quốc bế theo đứa con mới sinh của mình. Ja nói: “Các bạn của tôi đã đưa tôi đến nhà một người đàn ông. Họ nói tôi phải kết hôn với anh ta. Tôi nài xin họ hãy để cho tôi đi, vì tôi còn có con nhỏ.” Trong khi cô còn đang hoang mang và sợ hãi, thì người đàn ông đó và gia đình ông ta đã bắt và ép buộc cô phải kết hôn với ông ta.

    Ja Ittoi làm thủ công mỹ nghệ truyền thống tại một chương trình hỗ trợ việc làm của Caritas tại Kachin, Myanmar. Thiếu việc làm đang thúc đẩy sự di dân và buôn người. Ảnh: Patrick Nicholson/Caritas

    Cô chia sẻ, “cuộc sống nơi đây thật kinh khủng, tôi phải làm việc đồng áng. Nếu tôi càm ràm, họ sẽ không cho tôi ăn hoặc sẽ đánh đập tôi.” Nếu cô xin thêm cơm ăn để có sữa cho con bú, thì họ không những không cho mà còn đánh đập cô. Người đàn ông này sử dụng ma túy, ham mê bài bạc, và thường xuyên đánh đập cô tàn bạo. Cô nói, “tôi luôn bị nhiếc mắng và đe dọa về mặt thể lý.”

    Mặc dù không có tiền và giấy tờ tuỳ thân, Ja đã quyết định chạy trốn sau 11 tháng bị hành hạ khổ nhục. Nửa đêm chạy trốn cùng con gái mình, cô đã được một cặp vợ chồng tốt bụng trợ giúp và một tài xế xe bus giúp đưa cô trở về Myanmar.

    Tưởng rằng bão táp đã qua đi, không ngờ ‘những người bạn’ đã bán cô lúc trước lại cứ đi đi lại lại trước mắt cô. Họ gây áp lực bắt cô phải trả lại số tiền mà họ đã chi trả cho chuyến đi Trung Quốc của cô. Khi cô không chịu nghe theo, họ đã đe dọa cô. Rồi kẻ bắt giam cô trước đó đã xuất hiện. “Tôi đã tát vào mặt anh ta. Tôi thà chết chứ không quay trở lại,” cô nói. “Tôi không còn sợ gì nữa.”

    Ja lo lắng cho những người khác cũng bị bán và bị tra tấn như cô. “Bất cứ khi nào tôi nghĩ về thời gian đó, tôi cảm thấy phát bệnh. Tôi cảnh báo bạn bè mình đừng đi. Đừng tin tưởng người nào, kể cả những người bạn thân nhất, thậm chí cả những người họ hàng thân thiết của mình vì có thể họ sẽ bán bạn.”

    Không để tình trạng buôn người

    Năm 2005, Myanmar đã ban hành luật chống buôn bán người. Luật pháp đã nghiêm cấm mọi hình thức buôn bán tình dục và buôn bán lao động. Trong bản Báo cáo luật chống buôn người năm 2016, chính phủ Mỹ đã kết luận rằng, Myanmar đã có bước tiến triển, nhưng cũng cảnh báo tình trạng buôn bán cô dâu qua Trung Quốc ngày một gia tăng.

    Chính sách một con của Trung Quốc và nạn phá thai do chọn giới tính mong muốn tạo nên sự mất cân bằng giới tính (thừa nam - thiếu nữ). Hiện nay tại Trung Quốc có đến 30 triệu bé trai nhiều hơn so với số bé gái. Mức giá của hồi môn cho phụ nữ ở Myanmar thì thấp và việc đền bù kiện tụng cũng khó mà được nhận.

    Chương trình huấn luyện bảo vệ trẻ em cho các cư dân ở trại tị nạn tại Kachin, Myanmar được Caritas hỗ trợ. Ảnh: Patrick Nicholson/Caritas

    Sơ Jane Nway Nway Ei, phụ trách chương trình phòng chống buôn người của Caritas và Giáo Hội Công Giáo tại Myanmar, cho biết, “Nếu sau ba lần sinh con mà người phụ nữ không có con trai, thì họ sẽ bị bán lại cho người đàn ông khác.”

    Sơ Jane nói tiếp, “Do xung đột, tham nhũng, hoặc do thảm họa thiên nhiên, khiến người dân bị thất nghiệp, trong khi mọi chi phí sinh hoạt lại tăng cao, buộc người dân phải rời bỏ mảnh đất của mình. Vì vậy, khi có cơ hội việc làm, họ bắt lấy mà không cần biết đến rủi ro.”

    Nhân viên Caritas đến các cộng đồng để giúp cho người dân địa phương nâng cao nhận thức về di cư an toàn và phòng tránh nguy cơ bị bán. Sơ Jane giải thích, “Chúng tôi không thuyết phục người dân không di cư, nhưng cố gắng giúp họ bảo đảm an toàn khi phải di cư”. Năm 2017, Caritas đã tiếp cận được 10,500 người. Trung bình mỗi năm nhân viên Caritas đến thăm mỗi cộng đồng 4 lần.

    Bị Bán qua Thái Lan

    Moe đến từ Yangon đã chia sẻ, “Tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được họ hàng nuôi. Tôi phải làm việc trong công trường xây dựng hoặc ngoài chợ để có tiền ăn học. Khi tôi 16 tuổi, họ hàng đã sắp xếp cho tôi lập gia đình với một người đàn ông lớn tuổi giàu có.”

    Đó là một cuộc hôn nhân bất hạnh. Cô nhớ lại, “ông ta đã không ngừng tra tấn tôi.” Rồi cô ly dị chồng khi mới 21 tuổi. Họ hàng không chấp nhận cho cô quay trở lại. Khi đó cô đang có hai con nhỏ. “Không người nào nhận tôi làm việc vì tôi có con nhỏ. Tôi buộc phải đi ăn xin trên đường,” cô chia sẻ.

    Một người phụ nữ từ cơ quan tuyển dụng đã tiếp cận cô. “Bà ấy thật tử tế. Bà ấy hứa cho tôi làm việc ở khách sạn và còn sắp xếp dịch vụ trông coi con tôi.” Người phụ nữ đó đã đưa cô đến miền nam đất nước. Khi đến nơi, đó không phải là khách sạn mà là nhà chứa.

    Tôi đã sốc khi họ yêu cầu tôi mua vui cho những người đàn ông. Tôi đã cầu xin họ để cho tôi làm việc khác.” Người mẹ trẻ bế tắc. “Phòng của tôi ở lầu ba. Nếu tôi nhảy qua cửa sổ, tôi sẽ chết,” và “Tôi đã cố trốn ra ngoài rất nhiều lần.”

     

    John Mung, 20 tuổi dự định đi làm cho một quán mì ở Trung Quốc, nhưng em lại bị đưa vào làm massage. Gia đình em đã cố gắng đưa em ra khỏi.  Ảnh: Patrick Nicholson/Caritas

    Mỗi đêm cô phải mua vui cho 05 đến 15 người đàn ông, và không có thời gian để nghỉ. Cô chẳng bao giờ được trả tiền, mà con cô cũng chẳng được chăm sóc. Thay vào đó, cơ quan tuyển dụng đã trả con cô lại cho cha của chúng, và nói rằng cô đang hứng thú với công việc làm gái mại dâm.

    “Tôi tự nhủ mình phải sống, cho dù có những lúc tôi mệt lử.” Sau đó, cô đã bị bán cho một nhà chứa ở Thái Lan với giá 800 Mỹ kim. Cô đã làm việc ở đó 4 tháng, và sau đó được cảnh sát giải cứu.  

    Moe đến giúp việc cho viên cảnh sát đó, nhưng đến khi anh ta không trả lương cho cô nữa, thì cô đã ra ngoài làm thợ hồ. Thay vì phải trả lương cho cô vào cuối tháng, chủ nhà đã gọi cảnh sát và báo cáo cô là người bất hợp pháp. Cô bị bỏ tù ở Thái Lan, “với 3 ly nước để vệ sinh cá nhân trong một ngày, hình phạt nhảy 100 cái, và nếu như cô ngồi dậy vào ban đêm, thì sẽ bị đánh.” Sau một năm, cô được trả tự do và cuối cùng được trở về Myanmar.

    Trở về nước, cô đã tái hôn. Vợ chồng họ rất nghèo. “Tôi ước mơ có một cái máy may và một cửa hàng riêng,” Moe chia sẻ. “Tôi đã gặp một người bạn cũ thời thơ ấu trên đường. Thật ngạc nhiên gặp lại cô. Cô ấy nói sẽ tìm cho tôi công việc ở đây.”

     

    Trại tị nạn IDP ở Kachin. Xung đột tại Myanmar làm cho 250 ngàn người phải rời bỏ nhà cửa. Nam giới, phụ nữ, và trẻ em có nguy cơ bị buôn bán. Ảnh: Patrick Nicholson/Caritas 

    Bất chấp sự phản đối của chồng mình, cô khăn gói đi với người bạn. “Tôi đã rời khỏi Yangon lúc nào không hay, Moe nói. “Khi tôi tỉnh lại tôi đã ở Trung Quốc. Những người môi giới đã đưa tôi đi khắp phố, họ cố bán tôi đi.”

    Cô chạy trốn cùng với một cô gái khác, và bị  cảnh sát bắt, bị đánh và bị trả lại cho những người môi giới. Vài ngày sau, cô được một người đàn ông mua với giá 650 Mỹ kim. “Khi người đàn ông đó đưa tôi về nhà, tôi bị hành hạ. Tôi đã khóc mỗi ngày. Tôi quá tuyệt vọng,” cô chia sẻ. “Ông ta đưa tôi đến rạp chiếu phim để tôi làm trò vui cho thiên hạ. Tôi giả bộ đi vệ sinh và đã trốn thoát.”

    Moe đã chạy đến đồn cảnh sát. Chồng cô ở nhà nghi là cô đã bị bán, và đã liên lạc với cảnh sát và những tổ chức chống buôn người, để họ có thể lần theo câu chuyện của cô. Cô được giải thoát và được đưa về Myanmar. Hiện tại, cô sống ở Yangon, dù nghèo nhưng còn sống sót.

    “Các cô gái trẻ cần được giáo dục và có kỹ năng sống. Họ cần hiểu biết về nạn buôn người và những nguy hiểm của việc di dân để tránh một cuộc sống như tôi.”
    Patrick Nicholson / Caritas Internationalis
    Caritas Việt Nam chuyển ngữ
    Bài viết liên quan