Thư của một độc giả ở Trà Vinh gởi Ban Khuyến Học Caritas Việt Nam

  • Thứ hai, 08:56 Ngày 02/10/2017
  • Kính gởi Ban Khuyến Học Caritas Việt Nam,

    Tôi là một độc giả của trang web và có đọc được bài “Caritas Việt Nam đồng hành cùng chương trình khuyến học ở đồng bằng sông Cửu Long” đăng ngày 30/01/2011. Quả thật, khi đọc bài tường thuật của đoàn về những cuộc gặp gỡ các trẻ em tại gia đình, tôi rất lấy làm xúc động. Tôi cũng biết đấy chỉ là một số trường hợp trong trăm, ngàn trường hợp khác ở những miền quê hẻo lánh mà ta có dịp tiếp cận.

    Thấy người lại nghĩ đến ta. Năm nay tôi đã có tuổi rồi, bỗng nhớ lại thời thơ ấu của mình mà không thể không xót xa cho thân phận mình. Nên giờ đây, khi đọc lại tình cảnh của các trẻ em ở miền quê Cửu Long sông nước, tôi không giấu được nỗi buồn man mác…

    Tôi nhớ hồi ấy cha tôi làm ruộng và rất giỏi bắt cá. Sau mỗi vụ mùa, tôi lại thấy cha chở lúa đi. Vì còn bé nên tôi không biết, cũng không quan tâm đến chuyện đó. Sau này, khi lớn lên một chút, tôi mới biết là cha chở lúa đi đong cho người ta, vì cha đã bán từ khi lúa vừa mới gieo hạt. Bữa cơm trong gia đình thường là cá kho, cá nướng, thỉnh thoảng có cá chiên với rau cỏ trong vườn. Lâu lắm tôi mới được ăn miếng thịt. Tôi thích nhất là vào dịp Tết, vì lúc đó, tôi sẽ được ăn thịt thỏa thích. Có năm, mẹ tôi hùn với 3-4 gia đình hàng xóm để nuôi một con heo, và khoảng 28-29 Tết, hàng xóm xúm lại nhà tôi để làm thịt heo và chia nhau. Anh em tôi cũng được một bữa cháo lòng no nê.

    Ngày Tết, tôi cũng được xúng xính trong bộ đồ mới. Tôi nhớ mẹ bảo người thợ may: “May cho nó rộng rãi một chút, vì trẻ mau lớn lắm!” Người thợ may cũng tỏ ra đồng tình với mẹ. Thú thật hồi còn bé, sống ở nhà quê, chưa bao giờ tôi được mặc một bộ đồ mới vừa vặn. Còn bây giờ thì vải vóc dồi dào rồi, chắc trẻ con không còn mặc như tôi hồi đó.

    Có một cái Tết nọ, không còn nhớ rõ là năm nào, chỉ nhớ là lúc đó tôi đã được đi học ở trường làng và đã biết đọc. Vào chiều 30 Tết năm ấy, nhà nào cũng lo đón giao thừa, riêng gia đình tôi thì không thấy mẹ gói bánh tét. Buổi tối hôm đó thật là buồn! Ba tôi đã đi đến nhà nội, cách nhà tôi mấy con rạch nhỏ. Mấy anh em tôi thì luẩn quẩn chơi ngoài sân, đợi ba đem về bánh tét nội cho. Lúc đó tôi không thấy mẹ ở nhà. Hai em tôi còn bé, chưa hiểu gì, chỉ mong bánh tét. Tôi cất tiếng gọi mẹ. Không nghe mẹ trả lời, tôi vội chạy ra bờ ao, cũng không thấy mẹ. Tôi lại chạy ra sàn nước bên bờ rạch nhỏ trước nhà, thấy mẹ đang ngồi đó và khóc. Tôi chaỵ lại ôm mẹ và hỏi: 

    Sao mẹ khóc? Mẹ không trả lời, chỉ ôm tôi vào lòng nức nở. Mẹ hỏi tôi:

    Tết, không có áo mới, con có buồn không? Tôi không trả lời mà hỏi lại mẹ:

    Bộ Tết mẹ không có áo mới, mẹ khóc hả? Một câu hỏi thật là trẻ con. Sau này lớn lên, tôi mới hiểu lòng cha mẹ yêu con thật bao la, như biển cả mênh mông!

    …Tôi không biết vì sao mà tôi lại được lên tỉnh học. Có lẽ là do cha tôi có người bạn rất thân ở tỉnh. Ông bạn này cũng không giàu có gì, nhưng về tài chánh thì khá hơn gia đình tôi, nên cha gởi tôi ở nhà ông để đi học. Và nhờ được học hành mà cuộc đời tôi đã thay đổi.

    Năm tôi thi “Trung học đệ nhất cấp”, tôi được 16 tuổi. Một niềm vui thật bất ngờ đến với tôi khi tôi được mừng sinh nhật. Món quà là một cây bút máy của chị Minh, con ông chủ nhà, tặng cho tôi. Chị bảo:

    Chị mừng sinh nhật em đấy!

    Thật không thể nào diễn tả được sự vui mừng trào dâng trong lòng tôi, chen lẫn chút bối rối và mắc cỡ. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được mừng sinh nhật. Tôi ngộ ra, mình cũng có giá trị như bao người khác. Mình phải cố lên để có một chỗ đứng trong xã hội. Tôi không có chút hờn trách nào đối với cha mẹ vì không quan tâm đến sinh nhật của con cái. Trong hoàn cảnh thiếu thốn, ăn trước trả sau, làm gì còn nhớ đến sinh nhật của con. Chính sinh nhật của mình mà cha mẹ tôi còn không nhớ đến nữa là! Giờ đây, cha mẹ tôi không còn nữa, nhưng ít nhất cha mẹ cũng hài lòng vì bao vất vả lo cho anh em tôi ăn học cũng đã được bù đắp. Các ngài đã vui biết bao khi chứng kiến cảnh con cái mình thành đạt.

    Tôi xin lỗi quý vị vì những tâm sự dài dòng của tôi, nhưng tôi tin rằng chương trình Khuyến Học của Caritas Việt Nam thật hữu ích. Rõ ràng là phải thoát ra khỏi cái dốt nát mới mong thoát ra khỏi sự nghèo đói. Đầu tư cho trẻ đi học sẽ không bao giờ là một sự phí phạm cả.

    Xin cám ơn quý vị đã kiên nhẫn đọc tâm sự của tôi. Xin cám ơn Caritas Việt Nam đã phát động phong trào khuyến học ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Tôi mong sẽ ngày càng có nhiều người hưởng ứng phong trào này.

                                                            

    Một độc giả

    Bài viết liên quan